Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn
(1926-2004)
(1926-2004)
*
Từ trên thềm của ngôi nhà nhỏ cạnh đường San Gabriel, thị trấn Rosemead, CA, USA, người nghệ sĩ ấy, với khuôn mặt chở đầy dấu tích của năm tháng, của phong trần, của phong sương, của chịu đựng, đã đón tôi với một nụ cười thật tươi, thật sáng, với một cái nhìn thật thẳng thắn, thật sắc, thật lâu: có chút gì thật đặc sắc trong cái tương phản giữa nét trẻ trung của nét cười ấy, cái nhìn ấy với những nếp hằn sâu trên trán rộng, những đường nhăn bên hai má. Ðiếu thuốc lá đang cháy dở trên tay, anh Nguyễn ngoắt:
"Vô, vô."
Mặt đàn dương cầm cũ cũng chở đầy năm tháng như gương mặt của chủ nhân nó: Hai tấm ảnh bán thân đóng khung. Một của J. S. Bach và một của Beethoven. Cái tủ thấp kê gần giànstereo nhỏ đầy dĩa CD nhạc cổ điển tây phương.
- "Âm nhạc và anh tình cờ mà gặp nhau. Hay là anh tìm đến âm nhạc?"
Không một chút lưỡng lự, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn đáp:
"Tôi tìm đến âm nhạc. Từ nhỏ, mình sống xung quanh âm nhạc rồi. Mình hát trong nhà thờ từ hồi nhỏ, cũng nhờ vậy mà mình biết là mình thích âm nhạc, yêu âm nhac... "
- "Anh sớm khám phá ra là anh có khiếu âm nhạc?"
"Biết mình thích âm nhạc thì biết khá sớm nhưng mãi cho đến bây giờ mình cũng không biết là mình có khiếu hay không?"
- "Khiêm nhượng rồi anh nói vậy chứ ai không biết rằng anh là một nhạc sĩ có tài, thành danh đã từ lâu với rất nhiều bài được cả nước yêu chuộng, nổi tiếng nhất là bản Nắng Chiều.
Nắng Chiều (hình bìa) và bản ký âm (hai trang trong)
Nắng Chiều
Nhạc và lời : Lê Trọng Nguyễn
"Anh khua tay ngắt lời tôi:
"Bản Nắng Chiều thật ra chỉ là một trong một số bài của tôi được phổ biến rộng rãi, nhưng mà tôi cũng không thích nó lắm, dù tình cảm tôi gửi vào đó rất mặn nồng. "
- "Tại sao ?"
Anh Nguyễn cười phá lên, rất sảng khoái. Rồi im lặng, trầm ngâm một lúc anh chậm rãi đáp:
"Mình cũng không biết vì sao mình không thích bài Nắng Chiều lắm, dù khi viết xong bản đó mình rất khoái, dù bài đó rất chững chạc, chững vô cùng, nó cân phương đủ mặt... Ðây cũng là một loại tâm trạng. Người ta hát nhiều quá, mình đâm ra ghét. Người ta cứ giới thiệu Nắng Chiều, Nắng Chiều mà không biết thằng Nguyễn là ai cả."
- "Kể cũng không có chi lạ. Có một bản Sonate của Robert Schumann mà chính nhạc sĩ cũng từng nói là ông không thích chỉ vì bản đó là bản ruột của danh cầm Clara Schumann. Mà Clara Schumann như anh cũng đã biết rồi, lại chính là vợ của nhạc sĩ. Ông thấy thiên hạ tán thưởng bài đó, tán thưởng nghệ thuật trình tấu của vợ - hình như bài sonate đó khó đánh lắm - mà không biết đến ông nên ông bực... rồi cũng đâm ra ghét bản sonate đó. Nhưng mà, để trở lại với sáng tác của anh, không phải vì có quá nhiều người hát bài Nắng Chiều mà giá trị nội tại của nó bị giảm đi. Anh viết bài Nắng Chiều vào năm nào và viết ở đâu ?"
"Tôi viết bản đó ở Huế, thời gian sau khi bỏ vùng kháng chiến về thành... Tâm sự tôi trong bài Nắng Chiều nó như thế này, kể anh nghe cho vui. Sau cuộc đảo chính của Nhật vào đêm 9 tháng 3 năm 45, có một gia đình công chức Nam triều từ Qui Nhơn chạy ra tạm trú ở Hội An, mà tôi cũng ở Hội An lúc đó. Gia đình đó có một người con gái. Tôi yêu người con gái ấy!"
- "Khi anh về qua sân nắng chạnh nhớ câu thề..." Hỏi cho đáo kỳ lý luôn? Biết rằng anh viết bản đó ở Huế, nhưng mà tại nơi nào ở Huế ?
"Tại cung An Ðịnh. "
Cung An Ðịnh được cất riêng cho vua Khải Ðịnh, không thuộc hệ thống kiến trúc cũ của hoàng thành Huế, nằm bên bờ sông An Cựu. Cùng với nhiều kiến trúc khác ở Huế, cung An Ðịnh đã bị Việt Minh đặt chất nổ, phá sập khi họ áp dụng chính sách tiêu thổ kháng chiến vào đêm 19 tháng 12 năm 1946.
Từ cổng chính nhìn vào, lúc ấy chỉ còn dãy nhà phía bên phải, tuy hư hỏng nhưng vẫn còn ở được. Và đó cũng là nơi mà bà Từ Cung, thân mẫu của Cựu Hoàng Bảo Ðại, đã cư ngụ sau khi bà hồi cư từ Mỹ Lợi.
- "Tại sao mà anh lọt vào cung An Ðịnh?"
"Lúc bấy giờ, tôi làm việc ở đài phát thanh Huế, chơi thân với anh Vũ Ðức Duy. Anh ta có họ với bà Từ Cung, cũng nhờ quen anh mà anh đưa tôi qua ở bên cung An Ðịnh... Thật ra cái ý định viết một bài cho mối tình ở Hội An nó nhen nhúm lên trong lòng tôi đã từ lâu, nhưng phải chờ có một tia lửa thiệt âm ỉ ấy nó mới bốc lên được... " hẳn không phải là tình câm mà tuyệt vọng?"
"Lúc bấy giờ tôi còn nhỏ còn trẻ mà, đâu 19, 20 gì đó. Platonique (lý tưởng) thôi. Rồi sau đó tản cư, kháng chiến... có cảm tưởng như mình còn thiếu người ấy một món nợ. Vì tôi viết bản Nắng Chiều ở Huế nên có nhiều người lầm tưởng rằng tôi viết cho một người Huế mà tôi đã yêu. Nhưng sự thật thì như tôi vừa kể, không phải như vậy. Viết xong bài Nắng Chiều tôi khoái lắm, biết rằng mình đã trả được món nợ ấy. "
"Và cái tia lửa đó là một người thiếu nữ họ Hoàng, một thời hoa khôi ở đế đô, có họ với bà Từ Cung... Một chiều, ngồi cạnh hồ sen của cung An Ðịnh, bóng dáng thướt tha của người thiếu nữ ấy đã gợi cảm cho tôi, đưa tôi về với mối tình cũ vậy là tôi viết bài Nắng Chiều, đâu có trong vòng nửa tiếng đồng hồ là xong. Thời gian ở Huế là lúc mà tôi biết chắc là tôi quả yêu âm nhạc thiệt sự, trước đó viết vớ vẩn vậy thôi. "
- "Anh học nhạc với ai ?"
"Tôi tự học trong giai đoạn đầu. Lúc bấy giờ tôi tham gia các phong trào thanh niên đi cắm trại, họp bạn ở tỉnh nhà, tỉnh Quảng Nam. Ca khúc đầu tiên của tôi là bài Ngày Mai Trời Lại Sáng, tuổi trẻ mà, luôn lạc quan tin tưởng ở tương lai. Tuy là sáng tác đầu tay nhưng mà bây giờ xem lại, tôi thấy bài đó cũng chỉnh. Sau đó thì đi tản cư. Dạo ấy có cái buồn cười thế này, có một số anh em yêu thích âm nhạc nói tôi thảo một bản nhạc như nhạc ngoại quốc, loại hòa tấu mà không có lời, họ cho vậy là nhạc cổ điên tây phương, tôi cũng chiều anh em mà có viết một bài đặt tên là Adieu Les Soirées Intimes. Cái buồn cười là khi bắt đầu viết nhạc, ưng viết cho khúc mắc, cho khó khăn. Sau này đọc thêm, học thêm, nghe nhiều mới thấy được cái simplicité (giản dị) mà đạt được mới là khó. Cũng nhờ một phần vào sinh hoạt văn nghệ và những cuộc hội thảo về quan niệm sáng tác khi tôi còn phụ trách âm nhạc cho toàn thể Liên Khu Năm, một đơn vị hành chánh trong vùng kháng chiến, gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên... Lúc đó, tôi có viết một bài tên là Binh Nhì Ca, viết cho bộ đội hát chơi mà. Bản này được tuyên dương. Tôi viết theo lối của tôi, khi tập cho anh em bộ đội hát, họ hát không được. Tôi sửa lại cho đúng với cách mà họ thích hát, họ hát được liền. Nhịp điệu của họ giản dị thôi, mà mình ưng viết cho khó thành ra họ hát không được. Có gì đâu. "
- "Anh tự ý sửa hay là ai bảo anh sửa ?"
"Tôi tự ý sửa. Vì lúc đó mình nghĩ mình viết cho bộ đội mà, không phải cho riêng mình. Cho nên tự ý sửa, không có đau lòng chi cả. Bộ đội hát được, mình cũng vui vậy."
- "Có bao giờ anh phải viết một bài theo chỉ thị của cấp trên không?"
"Tuyệt đối không. Tôi tuyệt đối chống lại cái gọi là nhạc đột kích, nghĩa là loại bài hát mà người ta khuyên anh cứ nên làm sẵn trước, chờ một phong trào, chiến dịch, đại hội nào đó, đúng lúc sẽ tung ra. Tôi chống cái chuyện đó lắm. Tôi làm nhạc là vì tôi thích thôi, trong số những bài tôi viết hồi đó có bản Bài Ca Của Ðoàn Văn Nghệ, lời của Tôn Thất Mạnh Hào, anh Mạnh Hào hiện vẫn còn sống ở ngoài Bắc, làm thơ hay lắm, bút hiệu là Hạo Nhiên. Tôi viết là tôi décharger một điều gì đó trong tôi. Tôi không có lý luận gì cả."
Tôi thầm mến cái ngay thẳng thật thà của con người xứ Quảng này. Anh không quên những kẻ đã góp phần vào sự nghiệp của chính mình. Mến là vì, xung quanh mình, không riêng gì trong âm nhạc, mà trong nhiều bộ môn, lĩnh vực khác nữa, số người có khả năng nhận vơ đếm không hết.
- "Bạn văn nghệ cũ của anh từ thời kháng chiền gồm những ai, nay còn những ai."
"Ở Liên Khu Năm, lúc ấy có anh Phan Huỳnh Ðiểu, tác giả bài Có Một Ðàn Chim, anh Văn Ðông. Về sau họ ra Bắc cả. Có hai anh em anh Dương Minh Ninh và Dương Minh Hòa. Anh Ninh không biết nhiều về nhạc lý nhưng mà trời phú cho cái khả năng ghi nhận nhạc điệu. Thời đó, đi xem ciné, nghe được một bài nào mà anh thích là anh ghi lại không thiếu một nốt. Anh Ninh có viết bài Trai Ðất Việt. Anh lớn hơn tôi chừng bốn năm tuổi, chuyên về cổ nhạc, vọng cổ, hiện còn sống ở Việt Nam. Anh Hòa có lúc phải đi vùng Kinh Tế Mới, bây giờ sống lây lất ở Việt Nam, đi dạy nhạc vớ vẩn, thỉnh thoảng có làm những bài hát thiếu nhi. "
- "Những người bạn văn nghệ đó, có ai chỉ dẫn thêm gì cho anh về nhạc lý không?"
"Không. Nhưng mà lúc bấy giờ tôi có cái may mắn tìm được một tủ sách, trong đó có sách nhạc lý của một trường công giáo ở Chương Hòa, Tam Quan, Bình Ðịnh. Tôi dạy học ở đó. Nhờ vào tủ sách đó mà tôi tự học thêm về harmonie (hòa âm) về contrepoint (đối điểm)... Vì tự học nên tôi học mà không có làm bài tập... "
- "Sau contrepoint rồi đến composition (soạn nhạc) phải không anh?"
"Ðúng vậy, mãi về sau này, khi vào thành rồi, tôi mới học composition. Nhưng có cái buồn cười là lúc đó, mình chưa học composition mà lại viết nhạc, viết được có lẽ nhờ mình nghe nhiều, sống nhiều với âm nhạc. Cũng như có nhiều người có học luật lệ gì về thi ca đâu nhưng mà vẫn làm thơ, vẫn làm được thơ. Riêng trong âm nhạc, tôi nghĩ muốn viết cho vững, tối thiểu phải học harmonie, nó giúp cho mình chấm câu dứt đoạn. Người sáng tác nhạc ít nhất cũng phải biết hòa âm. Thiếu kỹ thuật đó, nhạc phẩm không có được mạch lạc chặt chẽ.
Các nhạc sư Pháp cho rằng âm nhạc là sự vận chuyển của tâm trạng và tư tưởng. Sự vận chuyển này được tạo ra bởi hai trạng thái động và tĩnh. Có nghĩa là căng thẳng (tension) và buông dãn (détente). Ðể dễ hiểu, khi nghe một bài vọng cổ, đến đoạn nói lối (có khi kéo dài đến hàng trăm chữ), có lúc tiết điệu và âm điệu đang tạo sự căng thẳng, người nghe nín thở chờ đợi, chờ đợi gì, chờ đợi sự buông dãn của âm Hò chấm câu, là lúc cả rạp vỗ tay. Lúc này là lúc âm nhạc chủ động, lời văn của bài ca là thứ yếu, chỉ có âm Hò họa điệu (chute) để cho người nghe thở phào. Có tiết điệu trống (rythme masculin), tiết điệu chiều ý người nghe theo nét nhấn (accent) của nhịp ấn định. Và tiết điệu mái (rythme féminin) là tiết điệu đưa lệch nét nhấn mà người nghe chờ đợi. Ðấy là một vài chi tiết của composition.
Sau khi vào thành rồi, tôi bắt đầu học thêm khóa hàm thụ với Ecole Universelle ở bên Pháp. Tháng tháng gửi mandat-poste cho họ, theo học cours de composition. Sau khi học xong tôi được chấp nhận là hội viên của SACEM Hội Nhạc sĩ Pháp. Lúc bấy giờ tôi quyết tâm đeo đuổi ngành nhạc. "
- "Nhưng mà nhạc có nuôi nổi anh không?"
Thoáng một nét cười khá chua chát qua một hơi khói thuốc lá có đầu lọc, hít rất dài, hãm rất kỹ:
"Không. Lúc mới ở kháng chiến về tôi đi dạy vớ vẩn. Lúc bấy giờ ở Ðà nẵng, có gia đình ông Huỳnh Sau, con cái đều chơi nhạc giỏi cả, trong nhà có đủ dương cầm vĩ cầm. Giống như gia đình ông Henri Richard ở Huế vậy. Tôi chơi thân với gia đình đó, họ giới thiệu cho tôi dạy vớ vẩn, thỉnh thoảng họ cũng nhờ tôi làm partition. Thỉnh thoảng cũng có tham dự những hoạt động âm nhạc trong thành phố. Dạo ấy tôi có viết bài Vác Ðàn Ði Ðâu và bài liên khúc nhịp ba (suites des valses) Sóng Ðà Giang, Ðà Giang đây là sông Thu Bồn ở Quảng Nam. Tôi gửi bài đó cho chương trình của ông Ðan Trường bên Pháp và được phổ biến ngay."
Vào những năm đầu thập niên 50, đài Pháp-Á vẫn cho phát thanh lại một chương trình tiếng Việt thu thanh trước ở Paris, của ban Nhạc Ðan Trường, nội dung thường xoay quanh sinh hoạt của Việt Kiều ở nước Pháp. Chương trình dài 30 phút được phát thanh lại vào trưa chủ nhật mỗi tuần, một phần nào thỏa mãn được cái tò mò của người trong nước đối với cuộc sống của bạn đồng hương ở Pháp. Ngày nay, hơn bốn mươi năm sau, nhiều nơi trên thế giới đã có tiếng nói vọng về quê hương, nhưng có lẽ không có đài nào có một câu mở đầu bằng một lời rất lãng mạn, rất trữ tình, dài dòng mà dễ thương như chương trình Ðan Trường dạo ấy: "Muôn dặm xa xôi, quan san cách trở, tưởng nhớ đến quê hương cho nên anh em chị em chúng tôi mượn nghệ thuật âm thanh để bắc cầu liên lạc với tổ quốc..."
Dài dòng thật, chả bù nhưng mà thì giờ thời bấy giờ có vẻ như chưa phải là tiền bạc.
- "Tại sao anh bỏ kháng chiến?"
"Dạo ấy em gái tôi đau nặng. Ði kháng chiến cực khổ quá, mẹ già xoay ra buôn bán vớ vẩn. Nhà tôi ở Bồng Sơn lúc đó là một cái trạm liên lạc của anh em văn nghệ sĩ, ai đi ngang cũng ghé vào nhà ăn cơm. Sống cực khổ quá, tôi nghĩ đến chuyện về thành, bán nhà cửa đi học tiếp. Cực khổ quá, mình ở không nổi thì bỏ đi thôi, chứ không có bất mãn chuyện chi cả. Lúc đó bộ mặt cộng sản của Việt Minh chưa lộ hẳn. Phong trào đấu tố lúc đó chỉ mới được phát động đâu ngoài Bắc thôi, chứ ở Liên Khu Năm chưa có. Vào trong này, định đi học lại nhưng hoàn cảnh kinh tế của gia đình lúc đó cũng đã khác, không cho phép mình tiếp tục học nữa."
- "Trước 75, dù đã sống với Việt Minh, anh không có kinh nghiệm đau thương với cộng sản, tại sao sau ngày mệnh danh là giải phóng anh lại bỏ đi qua đây ?"
"Hồi tháng Tư năm 75 mình không có ý định đi. Lúc bấy giờ thật ra đầu óc mình không có ý thức chính trị gì cả, cứ nghe nói có ba thành phần nọ kia. Mãi cho đến ngày 28, một người bạn Mỹ, làm thuyền trưởng một chiếc tàu của SeaLand gửi cho tôi mấy chữ tàu đang chờ gia đình anh mà rồi tôi cũng không đi. Tôi nghĩ đem vợ con qua Mỹ lấy gì mà sống, làm gì mà sống, trong khi đó thì ở Saigon mình có sẵn cơ sở rồi, không giàu có gì nhưng mà sống được. Riêng bản thân mình cũng không có liên hệ với một đảng phái chính trị nào. Tôi nghĩ có thể có được một cuộc sống... bình thường. Nhưng mà mơ ước tầm thường vậy mà rồi cũng không ở được với Việt Cộng. Mãi tháng 3 năm 83 tôi mới qua đây... ít lâu sau ngày Việt Cộng chiếm miền Nam, tôi có gặp lại anh Nguyễn Xuân Khoát ở Saigon. Anh vào Nam, hỏi Phạm Trọng Cầu về tôi, biết tôi còn ở lại Sài gòn, anh tìm đến nhà thăm tôi. Tâm sự hàn huyên xong, anh khuyên tôi nên tìm cách đi. Nguyên văn câu nói anh Khoát như thế này: "Cậu đi đi, không ở được đâu."
- "Anh quen nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát từ hồi nào?"
"Từ hồi tôi còn học ở Hà Nội. Khoảng năm 42 cho đến năm 45."
Cái ngày đầu tiên quen biết nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát có lẽ không quan trọng bằng cả một thời kỳ sống ở Hà Nội trong những năm tháng nhiều biến cố lịch sử khắp nước. Cái đầu đã hói ấy hơi cúi xuống trong một dáng suy nghĩ như đang cố ôn lại những hình ảnh cũ. Im lặng một hồi, anh tiếp:
"Tôi quen anh Khoát từ hồi anh còn đàn ở quán Tân Nghệ Sĩ ở Bờ Hồ. Tối tối, tôi vẫn ra Tân Nghệ Sĩ nghe nhóm nhạc sĩ này đàn. Có cả nhạc sĩ vĩ cầm Nguyễn văn Diệp. Cái quán Tân Nghệ Sĩ nổi tiếng này nằm cạnh hàng kem Zéphyr, tức là hàng kem của cô Cúc. "
- "Chắc cô Cúc này phải là một trong nhiều thiếu nữ đẹp ở Hà Thành nên đến hơn nửa thế kỷ rồi mà anh còn nhớ tên.
"Thật ra tôi cũng không biết nữa, nhưng tôi nhớ là vì sau này cô lấy ông Phạm Văn Ðồng.... Như tôi vừa nói, hàng kem Zéphyr nằm cạnh Quán Nghệ Sĩ là nơi tôi gặp và quen anh Nguyễn Xuân Khoát. Anh Khoát cũng có đàn ở Taverne Royale nữa. Hồi đó ngoài Hà Nội còn có một phòng trà nữa tên là Tuyết Sơn, vì hay lui tới phòng trà đó mà tôi biết hai nhạc sĩ vĩ cầm, đó là hai anh Lê Ngọc Châu và Ðỗ Thế Phiệt. Các anh Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Nguyễn Thiện Tơ lúc đó tôi cũng đã biết tiếng, nhưng họ ở lớp đàn anh, lớn hơn tôi. Sau này vào Saigon rồi, tôi mới quen anh Dương Thiệu Tước và Thẩm Oánh. Thật ra thì anh Nguyễn Xuân Khoát cũng hơn tôi đến 10 tuổi, nhưng mà tôi biết anh Khoát một phần cũng qua liên hệ công giáo.
Những năm tháng sống ở Hà Nội hẳn đã để lại nhiều kỷ niệm vui trong đời, nên anh Nguyễn thao thao về những mẩu chuyện vụn vặt, hết chuyện này sang chuyện khác. Sống ở Hà Nội mấy năm "học ít chơi nhiều", đổi chỗ ở lung lung, lang thang hết nơi nay đến nơi khác, có lúc vào ở ngay trong đại học xá, tại khu dành cho sinh viên trường Kiến Trúc "dù mình chưa lên đại học". Tại đó anh đã gặp bạn đồng hương là anh Vương Quốc Mỹ, người vẽ kiểu cho lăng "Bác". Nghe anh vui vẻ thú nhận là mình học ít chơi nhiều, tôi hỏi:
- "Anh có đóng đô ở Khâm Thiên không?"
"Không, dạo ấy mình còn trẻ quá. Tôi chưa bao giờ nghe hát ả đào, nghe ca trù ở Khâm Thiên cả. Ðối với một người Việt Nam làm nhạc, đó là một thiếu sót. "
- "Chuyện vui buồn của một thời lãng du, một đời lãng tử?"
"Nhiều lắm. Nhưng mà vừa nhắc đến anh Nguyễn Xuân Khoát... có một chuyện mà bây giờ những người liên hệ trong đó đã chết cả rồi tôi mới dám nói. Hồi 45-46, ở Hà Nội có ban nhạc kịch Anh Vũ, có vào Huế và Hội An trình diễn vở Tục Lụy của Khái Hưng, Lưu Hữu Phước viết nhạc. Trưởng đoàn nhạc kịch lúc đó là anh Võ Ðức Diên, ngoài ra còn có các anh Thế Lữ, Văn Chung, Bùi Công Kỳ, Nguyễn Xuân Khoát và một số các anh khác nữa, tôi không nhớ hết. Lúc ban kịch Anh Vũ vào đến Quảng Nam thì ở tại Ðà Nẵng. Từ Ðà Nẵng vào Hội An phải qua một khúc đường 30 cây số mà lúc ấy lại đúng vào mùa lụt lội. Kịch thì dự định diễn ở Hội An , làm thế nào để chở dương cầm từ Ðà Nẵng vào Hội An? Vì quen với anh Khoát từ trước ở Hà Nội, anh Khoát nhờ tôi phụ trách việc đó. Kết quả là có đàn cho ban kịch Anh Vũ, nhưng cái khám phá... bên lề chuyện đó là trong khi tìm cách vận chuyển cây đàn, anh Khoát nói với tôi là ở Hội An có một nhóm Hoa Kiều theo Trùng Khánh, tức là theo phe Tưởng Giới Thạch. Trong số có anh La Hối, tác giả bài Xuân Và Tuổi Trẻ, đã bị Quân đội Nhật sát hại cùng với 12 người Hoa Kiều khác. Lúc đó tôi mới biết rằng phần lớn các anh trong ban Anh Vũ nếu không phải là đảng viên thì cũng có cảm tình với Việt Nam Quốc Dân Ðảng. Trong chuyến đi Hội An kỳ đó, hình như họ có nhiệm vụ liên lạc gì đó với Quốc Dân Ðảng Trung Hoa là vì Hội An tuy nhỏ nhưng lại có một chi bộ lớn ở hải ngoại của phe Tưởng Giới Thạch. Chính vì cái liên hệ đó mà anh Thế Lữ, khi nghe anh La Hối bị Nhật giết, mới cảm động mà đặt tên và lời ca cho bản nhạc của La Hối, bài Xuân Và Tuổi Trẻ như chúng ta biết ngày nay. Trước đó, nó không có lời Việt Nam. Một người Việt ở tận ngoài Hà Nội, một người Hoa Kiều ở trong Quảng Nam này, hai người đâu có hề quen biết nhau. Chuyện cũng ngoài năm mươi năm nhưng trước đây vì sợ anh Nguyễn Xuân Khoát và Thế Lữ bị cộng sản trù nên tôi không dám nói ra. Bây giờ cả hai anh đều qua đời cả rồi. ".
- "Bạn thân nhất của anh là ai?"
"Phạm Ðình Chương. Chỉ có Phạm Ðình Chương thôi. Hoài Bắc là một người có tâm hồn lắm. Một tri kỷ."
- "Hai anh có khen nhau không? Có chê nhau không?"
"Mỗi đứa sáng tác một đường. Không có phê bình nhau chi cả. Xem nhạc của nhau, đứa nào viết... sạch sẽ là được rồi. "
Nói đến đây, anh khẽ chép miệng. Thoáng một nét buồn. Ðôi mắt lơ đãng nhìn theo làn khói thuốc. Phải rồi, khi người ta trót mang trong cái biệt nghiệp của mình chút nợ cầm ca, ai là người không tự thấy rằng mình vay cuộc đời nhiều mà trả không được mấy. Mất đi một người hiểu được tâm hồn mình ở vào cái tuổi bắt đầu vào thu, cái tuổi mà chỗ giao du lác đác như những chiếc lá trong gió lạnh đầu mùa, nói như Tùng Thiện Vương, lòng ai mà lại không se đôi chút.
"Có chuyện này nữa, có liên hệ đến anh Nguyễn Xuân Khoát. Trong thời kỳ chiến tranh, trong số những tài liệu mà quân đội mình bắt được của Việt Cộng, có một tập nghiên cứu nhạc dân gian, nhạc cổ truyền cả ba miền, tác giả là anh Nguyễn Xuân Khoát, phần nghiên cứu về cổ nhạc miền Trung có nhắc đến công trình của anh Nguyễn Hữu Ba. Dạo ấy, ông Lữ Liên có được tài liệu đó trong tay. Ðưa cho một sĩ quan trong ngành Tâm Lý Chiến. Ông sĩ quan này đưa tập tài liệu đó cho ai thì tôi không biết, nhưng mà sau này có một người kể như mạo nhận là của mình, dùng tài liệu đó để viết về dân ca ba miền, nói rằng đó là công sưu tập của mình, mà không nhắc chi đến anh Khoát hay anh Ba cả. Chuyện cũng đáng buồn Ông Lữ Liên biết rõ chuyện này lắm. Anh muốn biết thêm nữa thì tìm gặp ông Lữ Liên. "
- "Tội chi mà anh buồn cho nó mệt cái thân, cho nó nhọc cái xác. Trong thiên hạ thiếu chi người có trí nhớ phi thường như Trương Tòng, đọc Mạnh Ðức Tân Thư của Tào Tháo có một lượt mà thuộc lòng ngay, vậy mà mà khi dùng đến những điều mình nhớ kỹ thì lại 'Quên' ghi xuất xứ. Ngoài anh Nguyễn Xuân Khoát ra, anh có gặp ai ngoài Bắc vào sau 75 không?"
"Anh Văn Cao. Trong một đêm sinh hoạt hết sức thú vị"
- "Xin nghe"
"Sau 75 một hôm anh Lê Thương tìm đến nhà tôi nói có anh Văn Cao ở Hà Nội mới vào. Bắc Nam gì không kể, anh Văn Cao là một nhạc sĩ có tiếng, mình cũng nên tính chuyện tiếp rước cho vui vẻ. Lúc bấy giờ tụi này nghèo lắm, may có một người bạn tên là Bá Châu, có nhà in ở đường Lê Lai, thích âm nhạc, nhà lại có đàn dương cầm. Anh bạn này bảo tụi này cứ mời anh Văn Cao còn chuyện ăn uống, nhậu nhẹt anh ta bao hết. Vậy là chúng tôi đón tiếp vợ chồng anh Văn Cao ở đó. Hôm ấy có anh Lê Thương và Phạm Ðình Chương, nay chết cả rồi, ngoài ra có chị Thái Thanh, anh Nguyễn Xuân Nghĩa hiện vẫn còn ở tại Mỹ này. Cả anh Nghiêm Phú Phi nữa. Mình kéo anh Nghiêm Phú Phi đến là để đệm cho chị Thái Thanh hát. Ðêm hôm ấy, chị Thái Thanh hát toàn nhạc của Văn Cao. Chị Văn Cao chảy nước mắt nói: "Em lấy anh suốt đời, hôm nay mới được nghe nhạc anh như thế này."
- "Vậy trước đó, người ta không cho nghe nhạc của Văn Cao ở ngoài Bắc chăng?"
"Có, nhưng mà ý chị Văn Cao muốn nói trong mấy chục năm ở ngoài Bắc, cũng có nghe nhạc của chồng, nhưng không được hay như lần nghe chị Thái Thanh hát hôm ấy. Có rượu vào anh Văn Cao cao hứng ngồi vào dương cầm, ngâm một bài thơ mà tôi không nhớ, chỉ nhớ đại ý nói không nên bắn tổ chim. Anh Nguyễn Xuân Nghĩa có xin ghi lại, nhưng anh Văn Cao có ý ngại không cho. Trong không khí thân mật và cởi mở ấy, chị Văn Cao tiết lộ một vài điều cũng... đau lòng. Anh có biết là anh Văn Cao bị Ðỗ Nhuận phang không?"
- "Nghĩa đen hay nghĩa bóng?"
"Bóng gì. Ðỗ Nhuận đánh anh Văn Cao bị thương."
- "Tại sao vây?"
"Lần đánh Văn Cao thì lý do tôi không nhớ rõ. Nhưng thực sự thì Ðỗ Nhuận ganh tỵ với Văn Cao là nguyên nhân sâu kín. Anh Văn Cao là tác giả bài Tiến Quân Ca, được chọn làm quốc ca từ thời Việt Minh. Thật ra nếu không có bài đó thì anh Văn Cao cũng tiêu rồi. Nhờ bài đó, mà sau khi dính vào vụ Nhân Văn Giai Phẩm, anh bị đì thì có bị đì mà không đến nỗi thiệt mạng. Hôm ấy, nhắc đến Ðỗ Nhuận chị Văn Cao chỉ biết lắc đầu. Sau đó mấy hôm người ta gọi anh Văn Cao ra Bắc vì liên lạc với văn nghệ sĩ ngụy."
- "Bản nào anh ưng ý nhất trong số các tác phẩm của anh?"
"Cũng khó nói. Chỉ kể cho anh nghe hoàn cảnh rất thú vị khi tôi viết bản Sao Ðêm. Lâu lắm rồi. Tôi viết bản đó bên đèn tiên nâu của thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Hôm ấy tôi đi chơi về khuya, gặp một anh bạn tên Hoàng thổi saxo trong dancing Hòa Bình, gần nhà hàng Thanh Thế. Hoàng rủ tôi đi ăn khuya ở Phan Ðình Phùng. Khúc phía dưới, chỗ gần Vườn Chuối có một cái quán mở cửa rất khuya, bọn anh em ca nhạc sĩ "ru đời" xong vẫn kéo nhau đến đấy ăn miến gà, bánh cuốn. Nhưng mà tới nơi thì quán đã chật, mà bạn tôi thì lại đang đến giờ cần cơm đen. Tôi kéo Hoàng vào gõ cửa nhà thi sĩ Vũ Hoàng Chương gần đấy. Lúc ấy cũng đã gần hai giờ sáng. Ông Vũ Hoàng Chương hỏi tôi: "Nguyễn, giờ này còn lò mò đi đâu đây." Tôi đáp: "Bạn tôi cần thuốc phiện." Ông Vũ Hoàng Chương, mặc bộ đồ bà ba, tay ôm con mèo nhỏ, chỉ cái bàn đèn, để cho hai anh em tôi hoàn toàn tự do sử dụng. Ông vào ngủ tiếp. Trong khi bạn tôi hút thì tôi nhìn ngọn đèn dầu lạc mà nẩy ra cái ý sao đêm. Do đó mà có bài Sao Ðêm. Mấy chữ "trời sao chín mọng" là những viên thuốc nho nhỏ mà ông Vũ Hoàng Chương để sẵn cho tụi này trên bàn đèn."
- "Anh có hút nhiều không?"
"Nhiều lần thì có. Trong bối cảnh cần thiết của bạn bè. Nhưng mà không ghiền."
- "Anh sống có phóng đãng lắm không? Trụy lạc không?"
Một chuỗi cười vang lên giữa căn phòng im lặng, có thứ ánh sáng mờ mờ cùa một buổi sáng nhiều sương. Anh Nguyễn cười rất lớn, rất đã, đến chảy cả nước mắt.
"Phóng đãng có. Trụy lạc có. Nhưng mà chỉ có hại cho mình thôi. Không làm phiền đến ai cả. Lúc bấy giờ tôi làm ra tiền cũng khá dễ dàng. Ðêm nào cũng đi vũ trường.... "
- "Cái lối sống ấy có giúp ích gì cho sáng tác của anh không?"
"Có chứ. Nó là một phần của cái cachet mà tôi muốn tự tạo cho mình. Và tôi nghĩ rằng tôi đã tạo được cái cachet đó trong nhạc phẩm của tôi."
- Trong những nơi mà anh đã từng sống trong nước, chỗ nào làm cho anh quyến luyến khác thường, nói theo một bài tập đọc trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư?"
"Huế"
- "Không phải Quảng Nam à ? Không phải chỗ quê hương đẹp hơn cả?"
"Tôi không có tinh thần địa phương. Ai nói những chuyện như thằng đó Huế, thằng đó Bắc tôi không thích. Nhạc của tôi cũng vậy. Tôi không chú ý đến dân tộc tính, tộc tiếc gì cả. Không bao giờ tôi tự đặt cho mình cái mục đích là nên viết cho ra Việt Nam, cho ra Pháp... "
- "Xin phép đưa anh về với sông Hương núi Ngự. Tại sao anh thích Huế?"
"Là vì tôi đã Sống (anh nhấn mạnh chữ sống) nhiều, yêu nhiều, khổ nhiều ở đó. Huế cũng là nơi mà tôi có nhiều người bạn rất thương tôi. Tôi yêu phong cảnh ngoài đó lắm. Nhất là sinh hoạt trên giòng sông Hương. Dạo ấy có khi hàng tháng tôi ở lì dưới đò. Sáng, đò cập bến cho mình đi làm ở đài phát thanh, trước Morin, chiều lại xuống đò"
- "Bạn anh ngoài Huế"
"Nhiều lắm. Có các anh Tôn Thất Cảnh, anh Vũ Ðức Duy. Anh Vũ Ðức Duy là người đưa tôi đến trú ngụ ở cung An Ðịnh. Trong số các anh em nhạc sĩ ngoài đó, tôi quen các anh Nguyễn Hữu Ba, Lê Quang Nhạc, anh Vang thổi saxo ở đài phát thanh, anh Văn Giảng, anh Vĩnh Phan. Anh Vĩnh Phan có một tâm hồn rất nghệ sĩ, còn ngón đàn tranh của anh thì thôi hết nói, tuyệt. Anh Văn Giảng, tác giả bài Ai về Sông Tương tôi chơi thân lắm. Văn Giảng giỏi lý thuyết âm nhạc. Có một dạo Văn Giảng được học bổng đi học nhạc ở Hawaii. Khóa học hai năm, nhưng mà mới có một năm thì anh về vì nhớ nhà quá. Văn Giảng có tâm hồn lắm. Con người ấy, gắn bó với quê hương như vậy chắc là không sung sướng trong cuộc sống lưu vong tại bên Úc hiện nay."
- "Còn anh?"
Thêm một điếu thuốc nữa. Anh cau mày suy nghĩ lung lắm.
"Từ ngày qua đây tôi cảm thấy mình già, lỗi thời. Cảm thấy mình già rồi, không làm gì được nữa. Cũng có lúc sáng tác. Nhưng nhiều khi lại tự hỏi viết cho ai. Tôi xưa lắm anh ơi. Những cảnh trước mắt làm tôi bực mình. Cuộc sống vật chất ở đây làm mình bỡ ngỡ kinh hoàng. Những giá trị cũ trong nước, qua đây hình như vứt đi cả. Viết cho khuây khỏa, nhưng cũng khuây khỏa một phần nào thôi. Xoay sang đọc sách đủ loại, đặc biệt sách nhạc tôi đọc cũng nhiều. Buồn. Con cái lớn nó dọn đi cả rồi. Bạn bè xung quanh cũng không còn được mấy. Già rồi, dù không đau yếu chi nhưng mà sức khỏe cũng có kém... "
Thoáng trong đầu, hai câu thơ của Nguyễn Du than thở về cái cảnh đường còn dài mà ngày đã tàn, bạn bè mới lại không có mấy, trong khi đó thì chứng bệnh cũ lại tái phát, ngồi một mình trong căn phòng đầy khí lạnh ngày xuân (trường đồ nhật mộ tân du thiểu, nhất thất xuân hàn cựu bệnh đa.). Còn vài chuyện nữa định hỏi, nhưng mà thôi. Khơi thêm một vài mẩu chuyện cũ có thể là vui đấy, nhưng mà cái tâm sự ấy. Tôi hiểu rồi.
Tôi với tay tắt cái máy ghi âm. Uống nốt chén trà đậm đã nguội.
Thuyền trăng chở khách chiến trường lại
Bên bờ thắm lệ chiếc áo nâu
Cờ reo chiến thắng đò xuôi mái
Trăng vui trăng cũng rụng xuống cầu
Qua bến nước xưa lá hoa về chiều
Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa
Khi đến cuối thôn chân bước không hồn.
Nhớ sao là nhớ bóng người ngày thơ!
Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy.
Dịu dàng nhìn anh đôi mắt long lanh.
Anh nhớ bước em khi nắng vương thềm.
Má em màu ngà tóc thề nhẹ vương.
Nay anh về qua sân nắng;
Chạnh nhớ câu thề tim tái tê;
Chẳng biết bây giờ người em gái duyên ghé về đâu?
Nay anh về, nương dâu úa,
Giọng hát câu hò thôi hết đưa,
Hình bóng yêu kiều,
Kề hoa tím, biết đâu mà tìm?
Anh nhớ xót xa dưới tre là ngà
Gợn buồn nhìn anh, em nói: "Mến anh".
Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi.
Nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi.
Nguyễn Phúc