Sunday, 10 January 2016

Chương trình tri ân Thương phế binh Việt Nam cộng Hòa

NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Tôi có một số việc cần có mặt ở Sài Gòn. Được biết Dòng Chúa cứu thế tổ chức tặng quà cho các anh Thương phế binh Việt Nam cộng Hòa (TPB VNCH) vào dịp Noel và năm mới Dương lịch nên càng thêm động cơ đi vào dịp này. Đây là cơ hội hiếm để tôi có thể tiếp xúc được nhiều với những người lính mà trong cuộc chiến tranh 1955-1975 các anh với tôi thuộc hai chiến tuyến khác nhau.
Linh mục Lê Ngọc Thanh cho biết, chương trình này Dòng Chúa cứu thế 38 Kỳ Đồng tổ chức từ 4 năm nay, là sự tiếp nối công việc của Thượng tọa Thích Không Tánh, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Từ thiện Xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, trụ trì tại Chùa Liên Trì. Thượng tọa Thích Không Tánh đã làm công việc này từ 8 năm trước đây. Tuy nhiên, khi tổ chức ở chùa Liên Trì thì chương trình này gặp nhiều khó khăn như anh em TPB VNCH đến thì bị ngăn cản, bị giật quà tặng… Sau đó, Thượng tọa Thích Không Tánh bàn với các linh mục Dòng Chúa cứu thể, chuyển giao công việc cho Dòng Chúa cứu thế tiếp tục triển khai từ năm 2013.
Trong 4 năm nay, số TPB VNCH được chương trình quan tâm đến không ngừng tăng: năm 2013 chăm sóc được 230 anh, năm 2014 hơn 500 anh, năm 2015 là 1200 anh còn năm nay (tính cho 2016) con số ấy là 3000, tức là con số năm sau cao gấp 2 năm trước
Vì mặt bằng không đủ rộng nên các cha phải chia làm 8 ngày (từ 28/12/2015 đến 5/1/2016, trừ ngày chủ nhật 3/1), mỗi ngày chia ra 2 buổi hoặc dồn vào 1 buổi. Mỗi lần tổ chức tặng quà cho TPB đều có sự tham gia của các vị chức sắc các tôn giáo khác như Giáo hội Phật giáo VN thống nhất, Phật giáo Hòa Hảo… cùng với số tình nguyện viên đông đảo.
Tôi có mặt được 3 buổi tặng quà cho TPB, thấy công việc của các tình nguyện viên rất bận rộn tới nỗi ăn hộp cơm mua sẵn cũng vội. Với việc đón tiếp 230-290 TPB trong một ngày, đòi hỏi sự làm việc phải nhanh nhẹn, chính xác. Các tình nguyện viên chia thành nhiều nhóm: nhóm tiếp TPB, nhóm đóng phong bì, đóng quà, nhóm đón TPB hướng dẫn họ, nhóm cùng các vị chức sắc tôn giáo tặng quà cho TPB... Làm sao cho không để sót, không nhầm lẫn, và để cho các anh có được tâm trạng thoải mái, cảm thấy mình được thương yêu, trân trọng từ những tấm lòng chân thành. 
Ngoài việc tặng quà, Chương trình còn quan tâm đến những khó khăn thường nhật của các như hỗ trợ các anh sửa chữa nhà cửa, xây mới, lắp chân giả, cắt kính mắt, làm răng giả… và tất nhiên là thăm viếng nếu ai đó qua đời.
Tôi may mắn được các linh mục tạo điều kiện gặp gỡ các anh TPB, phỏng vấn họ và nói chuyện trước anh em TPP 2 lần với tư cách một người lính miền Bắc, người khác chiến tuyến với các anh trong giai đoạn đau thương của lịch sử dân tộc. Mặc dù nói ngắn nhưng sự chia sẻ của tôi đã được anh em vỗ tay nhiều lần. Sau đó, có nhiều anh em TPB gặp gỡ tôi hỏi chuyện, xin số điện thoại làm tôi cảm thấy rất vui.
Tác giả thay mặt Hội BBTT tặng quà cho Quỹ Tri ân TPB VNCH. Ảnh: Lm Lê Ngọc Thanh
Các anh về đây không chỉ để nhận gói quà, cảm nhận tình thương yêu mà đồng bào dành cho các anh mà còn là dịp để các anh gặp lại nhau trong tình huynh đệ chi binh. Có những anh không tự đi được vợ phải đưa đi. Cảnh người vợ đưa chồng tật nguyền thật xúc động. Tiếp xúc với anh em TPB VNCH cảm xúc của tôi về tình đồng bào dâng lên tràn ngập cõi lòng. Nhìn các anh mất chân, mất tay, mất cả 2 chân, mất cả hai tay, mất cả đôi mắt mà lòng đau đớn nghĩ về cuộc chiến hai mươi năm huynh đệ tương tàn. Đã thế, cuộc sống của các anh vô cùng khó khăn. Với thân thể không đầy đủ, các anh vẫn phải vật lộn với công việc mưu sinh, phải đi bán vé số và bán hàng dạo khác. Nhiều anh hốc hác, đen đủi, gầy héo. Ái ngại cho các anh lắm, thương các anh lắm. Tuy vậy, nếu tiếp xúc với các anh mà vô tâm, nói không suy nghĩ rất dễ để các anh nghĩ đó là một sự thương hại. Nhưng không, tôi đã nghe những lời phát biểu chân tình của các cha, tôi đã trông thấy các cháu tình nguyện viên nhanh nhẹn và lễ phép, ân cần đón các anh, cõng các anh vào chỗ ngồi, bưng đến tận từng anh cốc nước ngọt mát. 
Cảm phục các linh mục Dòng Chúa cứu thế và anh chị em tình nguyện viên đã làm nên chương trình này. Các cha đã làm dịu đi phần nào nỗi đau mất mát do chiến tranh để lại. Dù bị nhà cầm quyền kỳ thị, phân biệt đối xử nhưng chương trình này cùng với nhiều hoạt động khác vì TPB VNCH, các anh vẫn thấy xung quanh mình vẫn còn nhiều tấm lòng nhân ái, giúp các anh lấy lại niềm tin vào cuộc sống. Làm được điều đó, ngoài tấm lòng bao la còn cần phải có sự can đảm và tự tin. Vì VNCH vẫn còn bị gọi là tay sai bán nước; sĩ quan, binh sĩ, công chức VNCH vẫn còn bị gọi là ngụy quân, ngụy quyền. 
Tôi có hỏi Cha Thanh, khi đặt tên cho chương trình này là “Tri ân Thương phế binh VNCH” thì chữ “tri ân” các cha có nghĩ là nhạy cảm lắm không? Cha cười: 
- Về “nhạy cảm” thì ở Việt nam cái gì cũng nhạy cảm cả nên chúng ta coi cái chuyện nhạy cảm nó không có để mình sống cho nó hạnh phúc. Còn khi nói tri ân là chúng tôi tỏ lòng biết ơn, cảm ơn. Chứ dùng chữ ghi công theo cách nói của nhà nước là không đúng. Tri ân nghĩa là con người ân nghĩa với nhau còn công là trả công xong là hết, còn ơn là lâu dài. Chúng tôi dùng từ tri ân là như vậy. 
Cũng có người nói ra nói vô rằng dùng như vậy là khiêu khích không tôn trọng thực tế. Nói chung họ không đồng ý họ có ngàn lẻ một lý do không tốt, nhưng đó là sự suy diễn không có căn cứ nên ta không cần phải đối phó với sự suy diễn này.
Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa hiện nay ở miền Nam vào khoảng 15 nghìn người (có người ước tính là 20 nghìn). Như vậy, chương trình này mới quan tâm đến được 20% số TPH VNCH ở miền Nam Việt Nam. Linh mục Lê Ngọc Thanh cho biết, danh sách lập được mới chỉ được như thế, lý do là nhiều anh em TPP chưa biết đến chương trình này hoặc Ban tổ chức chưa tìm ra họ. Nhưng với con số năm sau tăng hơn năm trước theo cấp số nhân mà công bội là 2, thì chỉ vài năm nữa, số TPB VNCH sẽ được sự quan tâm đầy đủ của chương trình.
Được biết, dự luật SJR-5 vừa được quốc hội tiểu bang California thông qua và đang chuyển lên quốc hội Mỹ với mục đích xin chính phủ tái thực hiện chương trình HO và ODP nhằm giúp đỡ tất cả TPB VNCH được định cư tại Hoa Kỳ. Nếu dự luật này được Quốc hội Mỹ thông qua thì đây là cơ hội rất tốt cho các anh. Tuy nhiên, với thời gian đã qua 40 năm là khá muộn. Mặt khác, với tuổi đời và thể lực già yếu, thân thể khuyết tật, việc hòa nhập với xã hội sẽ có nhiều khó khăn. Nhưng các anh sẽ có một cuộc sống không vất vả mưu sinh như hiện nay và đặc biệt là các anh sẽ được sống trong một đất nước dân chủ, được xã hội tôn trọng thương yêu và không có ai gọi các anh là ngụy quân nữa.
4/1/2015
Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn tràn ngập cảm xúc về Chương trình tri ân TPB VNCH do Dòng Chúa cứu thế 38 Kỳ Đồng tổ chức, về các thương phế binh VNCH.
Cuộc nội chiến 1861-1865 ở Mỹ kết thúc bằng chiến thắng của Miền Bắc đối với miền Nam nước Mỹ không có hận thù, không có mừng chiến thắng, không có sự coi thường, xúc phạm của phe chiến thắng đối với phe bại trận. Người thắng trận nâng đỡ người bại trận, cùng nhau xây dựng đất nước để nước Mỹ hùng cường như ngày nay.
Thế nhưng, kết thúc cuộc chiến tranh Nam Bắc Việt Nam đã không diễn ra theo hướng đó. Những thương phế binh VNCH bị kỳ thị, bị phân biệt trong đối xử, phải lăn lộn mưu sinh mà không được sự trợ giúp nào từ phía chính quyền. Sự thiếu đi một phần cơ thể làm cho cuộc mưu sinh của các anh càng cơ cực hơn. 
Vì vậy, Chương trình tri ân TPB VNCH của Dòng Chúa cứu thế, của các tình nguyện viên và các nhà hảo tâm khắp nơi có ý nghĩa rất lớn.
Các tình nguyện viên làm theo đúng tinh thần tự nguyện. TNV đã phần là các bạn thanh nhiên. Tuy nhiên cũng có nhiều người đã lớn tuổi như chị Dương Thị Tân, Oanh anna... Có rất nhiều việc phải chuẩn bị và triển khai. Họ tiếp đón TPB với thái độ ân cần, tận tụy và vui vẻ, coi các anh TPB như những người ruột thịt.
Tuy nhiên, khi làm công việc thiện nguyện này, không phải ai cũng ủng hộ, không phải không bị phiền nhiễu. Chị Oanh Anna kể: Khoảng 3 giờ chiều ngày 5/1/2016 có 2 người công an đến công ty nơi con gái chị làm việc và hỏi con chị có phải con ở số nhà .. phường đó  không, có mẹ tên như vậy phải không? Sau đó 2 công an này lên ăn phòng giám đốc công ty làm việc GĐ. Không biết họ nói những gì nhưng hiện giờ chị Oanh rất lo con chị bị cho nghỉ việc.
Còn cháu Nguyễn Lâm Hoàng Bảo trên đường đi làm thiện nguyện thì bị bắt cóc về đồn công an Phường 7 quận 8 thẩm vấn trong 4 giờ xung quanh công việc thiện nguyện. Dưới đây là lời kể của cháu Hoàng Bảo:
Về phía thương phế binh, khi đến với chương trình cũng đã gặp nhiều trở ngại từ phía chính quyền như ngăn cản, bắt làm cam kết... 
Tôi đã tiếp xúc, nói chuyện với nhóm bác sĩ tình nguyện, khám bệnh, kê đơn, phát thuốc cho anh em TPB. Lần đầu tiên, tôi gặp những bác sĩ thân thiện như vậy. Tất nhiên, tôi đã gặp nhiều bác sĩ nhưng toàn là ở bệnh viện. Mà bệnh nhân gặp bác sĩ thì như thế nào, có lẽ chẳng cần kể thêm. Việc khám sức khỏe cho TPB được thực hiện hàng tuần, mỗi tuần lo được cho khoảng 50 anh.
Cùng các bác sĩ thiện nguyện
Một số gương mặt thương phế binh
TPB VNCH có rất nhiều tâm hồn nghệ sĩ, hát hay đàn giỏi. Chỉ tiếc rằng tôi không có thời gian thu hết các bài hát các anh đã trình bày:
Có một câu chuyện khá thú vị. Tôi hỏi TPB Phan Thanh Chương, bác suy nghĩ gì về cuộc chiến tranh 1955-1975? Đó là cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược hay là cuộc nội chiến. Bác trả lời, tôi không biết nhưng mà mấy ông cộng sản bảo ông Thiệu, ông Kỳ là tên bán nước. Nhưng tôi nói thật là ông bán nước thì bán cho cộng sản chứ bán cho ai đâu. Nếu bán cho Mỹ thì mình đã khỏe rồi. 
Chương trình tri ân TPPVNCH bắt đầu từ năm 2013 và sẽ được tổ chức hàng năm. Con số năm năm nay là 3 nghìn người và phải kéo dài ra 1 tuần. Nếu theo tốc độ gia tăng năm sau cao gấp đôi năm trước thì đợt tới, con số có thể lên đến 6-7 nghìn. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực cao hơn của Dòng Chúa cứu thế, các tình nguyện viên cũng như các nhà hảo tâm. Việc thông tin rộng rãi về chương trình này để cho tất cả các anh em TPB VNCH còn lại biết đến là rất cần thiết, sao cho tất cả anh em TPB VNCH đều được sự quan tâm của chương trình.