Trong chiến lược thu tóm thế giới của mình Stalin không muốn thành lập một chi bộ cộng sản tại Á châu vì lo rằng Trung cộng sẽ trở thành lãnh tụ của khối này. Không có chi bộ cộng sản Á châu, Trung cộng cũng như bất cứ quốc gia cộng sản nào khác, dù muốn hay không cũng phải coi Stalin là lãnh tụ của giai cấp vô sản toàn thế giới.
Stalin biết rằng Trung cộng dưới sự cai trị của Mao là một quốc gia cộng sản cuồng tín và có một nguồn nhân lực vô tận.
Năm 1949 lãnh tụ cộng sản Bắc Hàn Kim Nhật Thành sang Liên xô cầu xin Stalin giúp ông ta tấn công miền Nam và thống nhất đất nước. Stalin từ chối thẳng thừng vì sợ đụng độ với Hoa kỳ.
Thất vọng họ Kim chạy sang cầu viện Mao. Mao đồng ý ngay lập tức. Hơn ai hết Mao thừa biết Stalin rất muốn thấy Hoa kỳ đại bại tại Triều Tiên nhưng không dám trực diện chiến với Hoa kỳ. Trong thời gian tới Liên xô bệ kiến Stalin, Mao quyết định Trung quốc sẽ trực diện đối đầu với Hoa kỳ tại Triều Tiên. Theo Mao cuộc chiến tại Triều Tiên cho ông ta một cơ hội vàng để hiện đại hóa bộ máy chiến tranh của Trung cộng . Hồng quân Trung cộng sẽ đánh Mỹ cho Stalin tại Triều Tiên và đổi lại Liên Xô sẽ cung cấp cho Trung cộng phương tiện và kỹ thuật để sản xuất vũ khí hiện đại.
Việc Trung cộng và Bắc Hàn đánh Mỹ cho Liên Xô một cơ hội có một không hai để thử nghiệm những vũ khí mới của mình, đặc biệt là các chiếc Mig, và đánh giá các vũ khí của Hoa kỳ cũng như thăm dò quyết tâm của Hoa kỳ trong cuộc chiến chống cộng sản.
Theo Stalin, Trung cộng và Bắc Hàn đều phụ thuộc hầu như toàn bộ vào vũ khí của Liên Xô cho nên Stalin có thể điều khiển tiến triển của cuộc chiến Triều Tiên theo ý của ông ta.
Ngày 1/7/1950, một tuần sau Hồng quân Trung cộng trong quân phục của quân đội Bắc Hàn xâm lăng Nam Hàn. Thủ tướng Chu Ân Lai nhắn với Stalin thông qua đại sứ Liên Xô tại Bắc Kinh rằng nay đã đến lúc Trung cộng cần có không quân và cả hải quân để tham chiến tại Triều Tiên.
Ngày 01/03/1951 Mao thông báo với Stalin rằng ông ta sẽ kéo dài cuộc chiến Triều Tiên vài năm để giết cho được vài trăm ngàn binh sĩ Hoa kỳ. Mao cho Stalin biết rằng ông ta không quan tâm đến số lượng Hồng quân sẽ hy sinh tại Triều Tiên để giúp Stalin tiêu hao sinh lực của Hoa kỳ nhưng đổi lại Stalin phải giúp Trung quốc xây dựng một quân đội và một nền công nghiệp sản xuất vũ khí hiện đại.
Mao đòi Stalin viện trợ 147 nhà máy vũ khí hạng nặng bao gồm những nhà máy sản xuất máy bay quân sự, tàu chiến, 1000 xe tăng hạng nhẹ mỗi năm và một nhà máy sản xuất tăng hạng vừa trong năm năm đến.
Stalin luôn luôn lo sợ rằng khi có vũ khí hiện đại Trung cộng sẽ trở thành đối thủ của mình. Tuy nhiên khi cuộc chiến Triều tiên tiếp diễn, nhu cầu vũ khí quá lớn khiến Liên xô tin rằng cung cấp cho Trung cộng nhà máy và kỹ thuật để sản xuất vũ khí có lợi hơn là bắt dân Liên Xô phải sản xuất vũ khí cho Trung cộng và Bắc Hàn dùng. Kết quả là các chuyên gia Liên Xô đã sang Trung cộng giúp xây dựng những nhà máy và chuyển giao kỹ thuật sản xuất từ súng tiểu liên AK cho đến xe cơ giới, xe tăng, các công xưởng lắp ráp Mig, tàu chiến. Tuy nhiên Stalin ra lệnh không chuyển giao những công nghệ vũ khí tinh vi ví dụ như kỹ thuật sản xuất động cơ phản lực.
Lúc chiến tranh Triều tiên kết thúc Trung cộng đã có phương tiện để sản xuất tất cả vũ khí từng được dùng trong cuộc chiến này. Là một quốc gia rất nghèo, Trung cộng lúc bấy giờ đã có lực lượng không quân đứng hàng thứ 3 trên thế giới với hơn 3000 chiếc Mig. Các nhà máy của Trung cộng có thể sản xuất tối đa 3600 chiến đấu cơ một năm!
Để có được nền công nghệ vũ khí như trên, theo tài liệu của Liên Xô, khoảng 1 triệu Hồng quân Trung cộng đã bỏ mạng trong cuộc chiến Triều Tiên. Tuy nhiên Mao không coi con số này là quan trọng vì trong hơn 3 triệu quân Trung cộng tham chiến tại Triều Tiên có hơn 2/3 là các binh sĩ của chế độ Tưởng Giới Thạch bị mắc kẹt ở Đại Lục sau năm 1949 và bị Mao lùa sang tham chiến ở Triều Tiên dưới tên gọi “chí nguyện quân”. Hơn 20 ngàn tù binh Hồng quân sau chiến tranh khi được trao trả đã từ chối về đại lục và đã chọn sang sinh sống tại Đài Loan.
Sự thật là khi Stalin muốn có quan hệ nhẹ nhàng hơn với Hoa kỳ và quyết định chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, Mao vẫn kiên quyết tiếp tục cuộc chiến với ý đồ rằng ông ta sẽ chưa chấm dứt chiến tranh Triều Tiên chừng nào Liên Xô chưa giúp Trung cộng có được nền công nghiệp vũ khí mà Mao yêu cầu. Bản thân Kim Nhật Thành cũng không muốn cai trị một Bắc Hàn chỉ còn là đống gạch vụn yêu cầu Mao chấm dứt chiến tranh nhưng Mao không nghe. Cuối cùng Stalin bảo với Mao rằng nếu Mao hợp tác và chấm dứt chiến tranh thì Liên Xô sẽ thõa mãn yêu cầu của Mao. Thế là cuối cùng Stalin đã giúp Mao có được 91 nhà máy trong tổng số 147 nhà máy mà Mao yêu cầu.
Sau khi Stalin qua đời, các lãnh tụ Sô Viết tin rằng một nước Trung cộng có vũ khí hiện đại có lợi cho phong trào cộng sản toàn thế giới. Sự thay đổi này đã giúp cho Trung cộng nhanh chóng thực hiện được tham vọng có vũ khí nguyên tử.
Ngày 2/2/1953 tổng thống Mỹ Eisenhower đề nghị dùng bom nguyên tử tấn công Trung cộng. Khi nghe lời đe dọa này, Mao vui mừng khôn xiết vì biết rằng ông ta đã có cớ để yêu cầu Liên Xô giúp sản xuất bom nguyên tử.
Bo Yi-bo
Theo lời một nhân vật thân cận của Mao là Bo Yi-bo thì từ khi hai trái bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima và Nagashaki, Mao cực kỳ lo sợ và ông ta hầu như lúc nào cũng nhắc đi nhắc lại rằng Trung quốc chưa có bom nguyên tử. Tuy thế ngoài mặt Mao lúc nào cũng tuyên bố rằng bom nguyên tử chỉ là “con hổ giấy” và sức mạnh thực sự nằm ở nhân dân. Ý Mao muốn nói rằng không có bom nguyên tử nào có thể giết hết người Trung cộng được.
Ngay sau khi có lời tuyên bố của Eisenhower, khoa học gia nguyên tử hàng đầu của Trung cộng là Qian San-qiang được Mao phái sang Liên Xô. Thông điệp của Mao rất rõ ràng “hãy cho chúng tôi bom nguyên tử và quý vị sẽ không bao giờ phải có chiến tranh nguyên tử với Hoa kỳ”.
Qian San-qiang
Qian San-qiang nổ lực vận động Liên Xô chuyển giao công nghệ nguyên tử cho Trung cộng nhiều lần, nhưng lần nào cũng bị từ chối. Cuối cùng biết không đòi hỏi gì được vào lúc đó, Mao cho rút đoàn chuyên gia nguyên tử của Trung cộng về nước và chuyên tâm vào các công nghệ chế tạo vũ khí cổ điển mà Liên Xô vừa chuyển giao.
Cuối cùng cơ hội của Mao đã đến. Tháng 6/1957 một nhóm đảng viên cao cấp trung thành với chủ nghĩa Stalin đã làm đảo chánh lật đổ Khrushchev. Tuy cuộc đảo chính không thành nhưng vị trí của Khrushchev bị lung lay tận gốc. Ông ta cần có sự ủng hộ của các quốc gia cộng sản khác, đặc biệt là Trung cộng để củng cố vị trí của mình.
Trong khi các nước cộng sản khác gửi công hàm ủng hộ Khrushchev, Mao vẫn làm thinh coi như không có ý kiến gì. Khrushchev liền gửi đặc sứ của mình là Mikoyan sang Trung quốc gặp Mao, lúc đó đang nghỉ mát tại Hàng Châu. Mao để cho tay đặc sứ nói suốt đêm. Gần sáng Mao mới cho người đem công hàm đã chuẩn bị sẳn từ trước ra. Dĩ nhiên Mao ủng hộ Khrushchev làm ông chủ điện Kremlin nhưng dĩ nhiên Khrushchev phải tỏ ra biết điều. Mao chỉ cần Khrushchev chuyển giao công nghệ nguyên tử.
Mạc Tư Khoa tỏ ra biết điều. Khrushchev ra lệnh chuyển giao công nghệ nguyên tử cho Trung cộng cùng với công nghệ sản xuất hỏa tiển, và một số công nghệ sản xuất Mig đời mới.
Đại hội quốc tế cộng sản được dự trù khai mạc vào ngày 7/11/1957 để kỷ niệm 40 năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga. Khrushchev muốn Mao phải có mặt để bày tỏ sự ủng hộ cho ông ta.
Mao khai thác sự kiện này triệt để. Mao cho biết ông ta chỉ tham dự đại hội với điều kiện Liên Xô phải ký với Trung cộng một cam kết chuyển giao toàn bộ kỹ thuật nguyên tử và giúp Trung quốc chế tạo thành công bom nguyên tử.
Ngày 15/10/1951 ba tuần trước ngày đại hội, Liên Xô ký một cam kết có tính chất định mệnh và trao cho Trung cộng một trái bom nguyên tử mẫu. Đồng thời các cơ quan nguyên tử của Liên Xô được lệnh cung cấp cho Trung cộng bất cứ thứ gì để họ có thể chế được một trái bom nguyên tử đầu tiên.
Sau đó nhiều chuyên viên về hỏa tiển của Liên Xô được lệnh sang làm việc tại Trung cộng đến mức độ nhiều chương trình hỏa tiển của Liên Xô bị đình trệ. Với sự giúp đỡ của Liên Xô trong giai đoạn này số khoa học gia nguyên tử của Trung cộng từ 60 tăng lên đến 6000!
Theo ước tính của các chuyên viên phương Tây, chi phí Trung cộng dùng để chế tạo trái bom đầu tiên lên đến 4.7 tỷ đô la thời giá 1957. Đa số chi phí này được chi trả bằng cách bán nông sản.
Ngày 4/10/1957 Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên lên không gian. Liên Xô đã qua mặt các nước phương Tây trong lĩnh vực không gian. Ngay lập tức Mao tuyên bố ông ta phải có vệ tinh nhân tạo ngay.
Vệ tinh Sputnik của Liên Xô nặng 83.6 kg. Năm 1958 Hoa kỳ phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên nặng 8.22 ký. Tháng 8/1958 Mao tuyên bố vệ tinh của Hoa kỳ chỉ là một quả trứng vịt. Ông ta tuyên bố rằng Trung cộng phải phóng một vệ tinh nhân tạo nặng hơn vệ tinh của Liên Xô và Hoa kỳ vào năm 1960!
Cứ như thế Trung cộng đã thu tóm được kỹ thuật khoa học không gian của Liên Xô, dẫn đến việc ngày nay Trung cộng là một trong ba quốc gia có kỹ thuật khoa học không gian hàng đầu thế giới.
Khi đề cập đến việc này các chuyên gia Nga luôn luôn khẳng định rằng họ chính là cha đẻ của bom nguyên tử và cả phi thuyền vũ trụ của Trung cộng.
Ls Lê Đức Minh
Tài liệu tham khảo:
Jung Chang & Jon Halliday, Mao Unknown Story, Vintage Book London, 2006