Bài viết này tôi viết về 3 người nhạc sỹ, không để đề cao cũng không để chê trách ai, chỉ mạn phép nói lên cảm nghĩ của mình khi thưởng ngoạn. Tôi xin người đọc xong bài này, đừng nghĩ rằng tôi có ẩn ý gì, dù đồng ý hay bất đồng ý với những gì tôi viết dưới đây, và hãy bao dung cho người viết: phê bình, nhưng không phải vì lý trí, mà chỉ bằng con tim, nên chắc chắn sẽ có nhiều điều sai sót. Le cœur a ses raisons que la raison ne connait pas nécessairement.
Viết nhạc về Việt Nam, loại nhạc hùng có thể dùng làm Quốc Ca, có 3 người: Văn Cao, Phạm Duy và Lưu Hữu Phước. Cả 3 ông này đều nổi tiếng.
Lưu Hữu Phước sanh ngày 12 tháng 9 năm 1921 tại Ô Môn Cần Thơ. Ô Môn là một quận nhỏ nằm cách châu thành Cần Thơ chừng 10 cây số. Từ Cần Thơ muốn đi tới Ô Môn phải đi qua Bình Thủy. Đi xa hơn nữa thì đến Long Xuyên. Đây là một quận trù phú , cái nôi của Miền Tây. Gia đình ông khá giả, năm 1930 được lên Sài Gòn học trường Petrus Ký. Năm 1940, sau khi thi đậu Tú Tài, ông ra Hà Nội học trường Y-Dược. Tiếc thay giấc mộng trở thành Y Sỹ của ông không thành sự thực. Trái lại một người em ruột của ông lại làm được việc này. Em của Lưu Hữu Phước là bác sĩ Lưu Hữu L. hành nghề tại Cần Thơ, sau 1975, hình như đã chạy sang tỵ nạn bên Pháp. Không biết bây giờ ra sao.
Nói tóm lại, ông LHP không chuyên cần học tập mà lại tham gia Việt Minh. Thuở thiếu thời, ông là một người yêu nước, có tài về âm nhạc, tuy ông tự học, không có giáo sư nào chỉ dẫn. Năm 16 tuổi, ông đã sáng tác bản nhạc đầu tay: «Non Sông Gấm Vóc». Sau đó có các bản như Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng, Hội Nghị Diên Hồng, Tiếng Gọi Sinh Viên….v..v. Tất cả những người trai trẻ thuộc thế hệ tôi đều thuộc nằm lòng những bản hùng ca đó. Tiếc thay người nhạc sỹ tài hoa đó đã cùng với bầu nhiệt huyết của mình, tham gia vào một tổ chức Công Sản , một chế độ có biệt tài là làm thui chột , cằn cỗi tất cả những tâm hồn nghệ sỹ. Kể từ đó, sau khi trở lại Miền Bắc năm 1946, tuy được giao phó cho nhiều chức vụ quan trọng như thành lập Trung Ương Nhạc Viện, Giám Đốc các trường Nghệ Thuật…. nhạc sỹ LHP chỉ nặn ra được những bản nhạc không được ai tán thưởng như «Nông Dân Vươn Mình», «Chúc Thọ Bác Hồ» «Em Yêu Chị Rây-Mông»…., khác xa những bản nhạc hùng của thời niên thiếu.
Bản nhạc Tiếng gọi sinh viên của ông sau này được Việt Nam Công Hòa chọn làm Quốc Ca tuy tựa đề được sửa lại là Tiếng Gọi Công Dân. Việc này chứng tỏ một việc là Việt Nam Công Hòa tôn trọng giá trị của bản nhạc và không kỳ thị lý lịch của tác giả. Tuy biết LHP là một người theo CS nhưng Việt Nam Cộng Hòa vẫn chọn bản nhạc của ông làm Quốc Ca. Công Sản không làm được việc này, vì với CS, lý lịch phải truy đến tận 3 đời.
Chúng ta hãy đọc lại lời của bản nhạc này :
Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi. Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống
Vì tương lai quốc dân, cùng xông pha khói tên. Làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền. Dù cho thây phơi trên gươm giáo. Thù nước, lấy máu đào đem báo. Nòi giống lúc biến phải cần giải nguy. Người công dân luôn vững bền tâm trí. Hùng tráng quyết chiến đấu làm cho khắp nơi, vang tiếng người nước Nam cho đến muôn đời. Công dân ơi, mau hiến thân dưới cờ, Công dân ơi! Mau làm cho cõi bờ. Thoát cơn tàn phá, vẻ vang nòi giống, xứng danh nghìn năm con cháu Lạc-Hồng.
Bản nhạc Tiếng gọi Sinh Viên hay bao nhiêu thì một tác phẩm tương tự sau này của ông dở bấy nhiêu, tôi muốn nói tới bải «Giải Phóng Miền Nam», được chọn làm bài hát chính thức của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam. Sự khác biệt giữa 2 bản nhạc này là bài GPMN hoàn toàn thiếu chất lửa, thiếu sự nhiệt thành, cho nên có thể nói cho đến ngày hôm nay, không còn ai nhớ lại bài Giải Phóng Miền Nam âm điệu ra sao, kể cả những thành viên của Mặt Trận này.
Vào thập niên 1960, theo lệnh của Đảng, ông trở về Nam, làm đến chức Bộ Trưởng Bộ Thông Tin Văn Hóa của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam). Sau 1975, khi đã chiếm được toàn thể đất nước, Việt Công khai tử ngay lập tức cái Chính Phủ bù nhìn này, và LHP được trả về với một chức vụ hữu danh vô thực, là Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Âm Nhạc. Ông mất ngày 8 tháng 6 năm 1989 tại Sài Gòn. Ngày nay, nói tới LHP, người ta chỉ nhớ đến Bạch Đằng Giang, Tiếng Gọi Công Dân, Hội Nghị Diên Hồng cùng vài bài hát ông làm thời thanh niên, không ai nhắc đến LHP lúc sau này.
Ông Lưu Hữu Phước là một người có tài, yêu nước, nhưng theo tôi, ông đã đặt tình yêu nước của ông không đúng chỗ. Tuy nhiên, không ai chửi bới ông cũng không ai đưa ông lên hàng thần tượng như 2 ông nhạc sỹ kể tên dưới đây.
Ông Phạm Duy là một thiên tài về âm nhạc. Dù yêu hay ghét ông, không thể phủ nhận sự thực hiển nhiên này. Ông làm ra rất nhiều bài hát, về đủ mọi thể loại, mọi đề tài. Ông có biệt tài khơi động trong lòng người những sợi dây tình cảm sâu đậm nhất. Ông lại có khả năng xử dụng những lời ca có một không hai. Tóm tắt là ông xuất sắc, cả về nhạc lẫn về lời. Lấy thí dụ như bản nhạc hùng Việt Nam, Việt Nam. Đây là một bản nhạc hùng có thể nói là tuyệt hảo. Nó khơi động lòng yêu nước mà không nhất thiết phải đao to búa lớn, chỉ nói lên tình tự dân tộc, tình thương nhân quần bác ái:
Việt Nam, Việt Nam! Nghe tự vào đời. Việt Nam hai câu nói trên vành môi, Việt Nam nước tôi. Việt Nam, Việt Nam tên gọi là người. Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời. Việt Nam đây miền xinh tươi, Việt Nam đem vào song núi, Tự Do Công Bình Bác Ái muôn đời. Việt Nam không đòi xương máu, Việt Nam kêu gọi thương nhau, Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu. Việt Nam trên đường tương lai, lửa thiêng trên toàn thế giới, Việt Nam ta nguyền tranh đấu cho đời. Tình yêu đây là khí giới, tình thương đem về muôn nơi, Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người. Việt Nam! Việt Nam! Muôn đời
Một người đã viết được những câu đó nhất định không phải là một người ác. Ông Phạm Duy chỉ có một khuyết điểm là ông nghệ sỹ quá. Ông nghệ sỹ quá nên ông có quá nhiều tình yêu. Yêu đàn bà, đã đành, nhưng ông lại yêu chính bản thân ông, gia dình ông. Ông không chịu đựng được thiếu thốn, ông thích hưởng thụ. Đó chính là lý do tại sao vào lúc cuối đời, khi ông trở về nước để tổ chức những đêm ca nhạc , ông trở thành cái đích cho các người Việt lưu vong tại hải ngoại vì nạn Cộng Sản công kích ông. Họ kết án ông đầu hàng kẻ thù, đổi danh dự của người nghệ sỹ lấy những đồng bạc nhơ bẩn. Nghĩ cho cùng, thì cũng đúng đó, nhưng cũng khe khắt quá đó.
Ông Phạm Duy có tài, yêu nước, nhưng yêu bản thân và gia đình ông hơn. Ông sinh ra không phải để làm một chính trị gia, một người tranh đấu, một tấm gương đạo đức. Ông sinh ra để làm nhạc. Chấm xuống hàng.
Ông nhạc sỹ thứ ba mới là người đáng nói. Cũng như hai ông trên, ông rất có tài.
Văn Cao sinh năm 1923. Ông làm nhạc từ năm 16 tuổi, với bản nhạc đầu tay: Buồn Tàn Thu. Ông theo học dự thính trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, đã triển lãm tranh 2 lần, năm 1943 và 1944 với các bức tranh sơn dầu «Cô Gái dậy thì»,«Sám Hối», «Nửa Đêm»…nhưng không thành công về tài chánh, phải đem các tác phẩm của mình đem bán ngoài đường phố cho qua cơn túng thiếu. Trong tình cảnh đó, năm 1944, ông ra nhập Việt Minh. Ông đặc trách chuyên chở vũ khí và tiền vào Nam. Ông hoạt động trong ngành Công An, liên khu III, tổ điều tra. Sau đó, ông làm đội trưởng đội danh dự Việt Minh. Ông tuyển đội viên, huấn luyện cho họ về võ thuật, sử dụng vũ khí, hóa trang…v..v Một cách đơn giản, đây có thể coi như một đội chuyên về khủng bố, nhiệm vụ tiêu diệt các nhân vật thân Pháp, Nhựt, bị Việt Minh gán cho tội Việt Gian bán nước.
Một trong các hành động của Văn Cao được ghi lại trong sách vở là cuối tháng 6 năm 1945, chính tay ông nhạc sỹ này đã nổ súng vào đầu ông Đỗ Đức Phìn, một thông ngôn làm việc cho Nhựt. Chúng ta hãy đọc tài liệu về chuyện này: Đến giờ hành động, Doãn Tòng lấy xe đạp đèo Văn Cao đến hết đường Cát Cụt. Văn Cao xuống xe bảo Doãn Tòng trở về. Văn Cao lách cửa vào, bình tĩnh lên gác. Đứng đầu cầu thang nhìn vào phòng, Văn Cao xác định được Đỗ Đức Phìn nằm sát tường trên sập, mặt hướng ra cửa. Văn Cao tiến vào rút khẩu côn tuyên bố xử tử tên việt gian bán nước Đỗ Đức Phìn và bóp cò. Súng bị hóc đạn. Ông bình tĩnh nhét khẩu côn vào bụng rồi móc túi áo măng tô rút khẩu Bronin bắn 2 phát đạn găm vào ngực Đỗ Đức Phìn. Bắn xong, Văn Cao bình tĩnh xuống gác lách cửa ra, nhẩy lên xe đạp hòa vào dòng người đi ra thành phố.
Không hiểu ngoài vụ này, Văn Cao còn hành nghề bao nhiêu lần nữa.
Chúng ta trở lại với bài Tiến Quân Ca, ngày nay được chọn làm Quốc Ca Việt Nam :
Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa. Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước. Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca. Đường vinh quang xây xác quân thù ( Thề phanh thây uống máu quân thù)Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu, Vì nhân dân chiến đấu không ngừng. Tiến mau ra sa trường, tiến lên, cùng tiến lên, Nước non Việt Nam ta vững bền.
Văn cao vào lúc cuối đời, dính vào vụ vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Năm 1958, phải đi học tập chính trị, tên tuổi hầu như không còn xuất hiện trên các tạp chí văn nghệ Hà Nội. Ông kiếm sống bằng cách đặt nhạc không lời cho các phim truyện, vẽ quảng cáo, vẽ nhãn diêm. Các tác phẩm của ông bị cấm. Năm 1975, ông viết ca khúc «Mùa Xuân Đầu Tiên». Bài hát này sau đó bị tịch thu, vì không đi đúng đường lối đảng. Mãi đến sau thời Nguyễn Văn Linh và Đổi Mới, nhạc của Văn Cao mới được xuất hiện lại.
Ông Văn Cao có tài, yêu nước, nhưng theo cái kiểu của các ông cộng hòa Hồi Giáo. Nhìn cách ông đánh đàn dương cầm như trong một đoạn video tôi được xem sau này, thấy mà thương cho cái đàn !!!
Mùa Xuân năm vừa qua, một người bạn thân của tôi từ Mỹ qua Canada thăm tôi. Ông bạn đưa cho tôi 2 DVD làm quà. 2 DVD này ghi lại các bài hát của Văn Cao và Phạm Duy, trình bầy bởi các ca sỹ thượng thặng. Ông bạn nó với tôi: Đây là những tác phẩm để đời, của thời chúng mình.
Tôi nhìn kỹ 2 DVD, chọn DVD của Phạm Duy, giữ lại, cám ơn ông bạn già.
DVD Văn Cao, tôi trả lại ông, không nhận. Ông bạn có vẻ hơi mất lòng, biết làm sao !!!
Bài viết này chính là tâm tình của tôi, tôi nghĩ sao, viết vậy, nhưng tôi chắc chắn sẽ có nhiều người không đồng ý và sẽ có thể thóa mạ tôi, vì đã động đến một thần tượng. Có sao đâu !!! Tôi nay đã đạt tới tuổi này rồi, thì có xá gì một vài dư luận mà không dám lên tiếng để nói lên cảm nghĩ của mình. Nếu có ai nghĩ khác, thì cũng là quyền của họ, và tôi tôn trọng ý kiến mọi người, sau gần nửa thế kỷ sống dưới thể chế tự do.
Trần Mộng Lâm