Trung Quốc đã triển khai chiến đấu cơ J-11 tại đảo Phú Lâm, Hoàng SaReuters
Bộ Ngoại Giao Việt Nam ngày 03/03/2016, một lần nữa lại lên tiếng phản đối các hành động của Trung Quốc tại vùng quần đảo Hoàng Sa, lần này tập trung trên vấn đề Bắc Kinh đã điều cả ngàn quân lính đến nơi này. Riêng trong tháng Hai, Việt Nam đã hai lần tố cáo Trung Quốc triển khai vũ khí trên đảo Phú Lâm, hòn đảo chính của Hoàng Sa, và xây dựng căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa cũng thuộc Hoàng Sa.
Phản ứng cứng rắn của Việt Nam, theo giới quan sát, tương ứng với mối đe dọa trực tiếp mà vũ khí Trung Quốc đặt trên Hoàng Sa nhắm vào Việt Nam, cụ thể là vào miền Trung.
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu tên lửa Hồng Kỳ 9 (HQ 9) phát hiện trên đảo Phú Lâm với được tới Việt Nam, cũng như radar tại Trường Sa, thì nguy cơ trực tiếp đối với đất liền Việt Nam chính là các loại chiến đấu cơ tương đối hiện đại, chẳng hạn như loại J-11 mà Bắc Kinh từng triển khai trên đảo Phú Lâm.
Chiến đấu cơ Trung Quốc từ Hoàng Sa có thể đánh vào Huế, Đà Nẵng
Căn cứ vào tầm hoạt động của máy bay tiêm kích Trung Quốc, các chuyên gia Mỹ đã cho thấy rõ là phi cơ Trung Quốc đặt tại Hoàng Sa đủ sức đánh vào các khu vực chạy dài từ Qui Nhơn, lên đến Tam Kỳ, Đà Nẵng và Huế.
Còn các thành phố như Đà Lạt, Nha Trang, Phan Rang, Tuy Hòa ở miền Nam Trung Bộ Việt Nam sẽ nằm trong tầm bắn của phi cơ Trung Quốc đặt tại Trường Sa.
Đó chính là những mối đe dọa cụ thể đối với Việt Nam. Hà Nội đã cực lực phản đối nhưng cho đến nay, vẫn bị Bắc Kinh bỏ ngoài tai vì họ đã coi Hoàng Sa - bị họ dùng võ lực chiếm trọn vào năm 1974 - là lãnh thổ Trung Quốc, và không hề thừa nhận đây là vùng có tranh chấp.
Chính sách của Bắc Kinh là phớt lờ yêu cầu của Hà Nội muốn đàm phán trên vấn đề Hoàng Sa, như một phần trong các cuộc thảo luận rộng hơn về lãnh thổ. Trung Quốc đã cố gắng gạt vấn đề này ra khỏi lịch trình ngoại giao khu vực.
Phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh vào tuần qua, nhắc lại là Trung Quốc vẫn khẳng định là Hoàng Sa không nằm trong vùng tranh chấp, cho nên Bắc Kinh có thể triển khai những gì mình muốn trên lãnh thổ của mình mà không ai có quyền trách cứ.
Hoàng Sa đã không được ghi vào Tuyên bố về ứng xử tại Biển Đông ký kết giữa Trung Quốc và ASEAN năm 2002, bất chấp các yêu cầu của Việt Nam trong quá trình thảo luận.
Chiến dịch tuần tra Tri Tôn của Mỹ giúp nêu bật hành vi cưỡng chiếm trước đây
Tuy nhiên, trong một động thái bất ngờ, Hoa Kỳ vào tháng qua cho tàu USS Curtis Wilbur đi vào vùng 12 hải lý của đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa, làm cho việc Trung Quốc lấn chiếm lâu dài quần đảo này được lôi ra trước ánh sáng công luận quốc tế.
Giáo sư Carl Thayer, tại Học Viện Quốc Phòng Úc, cho là ông « rất ngạc nhiên » trước chiến dịch tuần tra Hoàng Sa của Mỹ, một hành động có nguy cơ gây rắc rối cho chủ trương thách thức các hành vi quân sự hóa vùng Trường Sa mà Trung Quốc muốn đẩy mạnh.