Mẹ tôi qua đời đã được hơn ba năm, cụ mất ở tuổi thọ 93. Năm 1946 bà mới ở tuổi 28 đã là góa phụ! Bố tôi bị Việt-Minh giết bằng cái vồ đập đất đánh vào gáy rồi đạp thẳng xuống hố, lấp đất. Ông là đảng viên Việt-Nam Quốc-Dân Đảng. Vì thấm nhuần đạo lý Khổng Mạnh “tam tòng, tứ đức” nên mẹ tôi ở góa thờ chồng, nuôi con cho đến khi tay xuôi mắt nhắm. Tôi năm nay đã qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, cũng đang chờ để đi gặp mẹ mình; chứ không như “bác” Hồ ở tuổi già ước mơ được đi gặp cụ Mác cụ Lê!
Người ở lại thương nhớ người ra đi. Nhớ bóng, nhớ dáng, nhớ lời, nhớ tiếng, nhớ tập tục, nhớ thói quen v..v.. Phần tôi, tất nhiên cũng không tránh khỏi tâm trạng đó. Những kỷ niệm, những lời mẹ dạy thì không sao kể xiết.. tất nhiên có cái nhớ cái quên! Thế nhưng đặc biệt câu nói mà mẹ tôi lẩm bẩm suốt quảng đời bà: “tôi như con chim chết hụt” mỗi khi có ai nhắc tới Việt-Minh, Việt-Cộng; thì anh em, vợ chồng, con cái, cháu chắt chúng tôi không bao giờ quên được!
Tội nghiệp mẹ tôi, tại sao bà lại mang nặng cái tâm trạng “kinh cung chi điểu” kia suốt đời bà? Chẳng lẽ cái “đồng bào” Việt-Minh, Việt-Cộng kia là cái hoảng sợ đeo đẳng nặng nhọc cho tới ngày bà nhắm mắt? Chồng bà yêu Nước, chống “Tây”, bị “đồng bào” Việt-Minh lấy vồ đập đất đánh vào gáy chôn sống; Con bà thì được “đồng bào” Việt-Cộng “thống nhất đất nước” và cái “không có gì quý hơn độc lập tự do” cho đi “học tập cải tạo” mút mùa nơi rừng thiêng nước độc miền Bắc! Thế là mẹ tôi thân già còm cõi lại phải gánh gồng vượt ngàn dặm tiếp tế nuôi con!
Bà có người anh ruột, ly khai gia đình theo Việt-Minh từ khi mới 15 tuổi thơ. Năm 1954, khi tiếp thu Hà-Nội, ông vội vàng tìm em. Tay mới vừa bắt, mặt mới vừa mừng thì lời nói đầu tiên đầy sợ sệt hoảng hốt: “cô hãy tìm đường vào nam ngay!..”. Và rồi, sau 30/4/1975 ,lại một lần nữa, ông vội vào Nam tìm gặp em mình. Dù đã hơn 20 năm sau, vẫn tâm trạng sợ sệt hoảng hốt như xưa, ông nghẹn ngào:“sao không đi Mỹ?Khổ rồi!!”
Gần trọn cuộc đời cống hiến cho “cách mạng”, tới lúc gần đất xa trời, ông được “Bác” và “Đảng” chiếu cố, cấp cho cái gốc cây đa ở đầu làng: Căng cái bạt, đóng cái kệ, kê cái ghế... làm nghề “lao động là vinh quang”: Hớt tóc! Miệng ông luôn lẩm bẩm: “bị lừa.. bị lừa!!”. Và nỗi uất ức “bị lừa” này khiến ông vẫn cứ lẩm bẩm câu ấy tới tận giây phút nhắm mắt lìa trần.
Trong suốt những năm dài “học tập cải tạo”, tôi được người của “đỉnh cao trí tuệ” “giáo dục” rằng “khỉ là tổ tiên của loài người”; Và tiến trình văn hóa bắt đầu từ “đồ đá.. đồ đồng.. qua tới đồ “Độc”, đồ “Đểu”; Sau cùng, tiến lên “Tư-Bản Xã-Hội Chủ-Nghĩa!”.
Vậy thế nào là đồ “Độc”?
Tôi có người bác họ, trước ngày 30-4-1975 ông nhất định ở lại, không theo vợ con di tản. Ngày đó ông đã ngoài sáu mươi, người hom hem như cây sậy, ông nghĩ ở lại chắc Việt Cộng chẳng tính tới ông, vì suốt cuộc đời ông chỉ là một anh thư ký quèn! Cái nghề cạo giấy, trói gà không chặt, lính Việt-Nam-Cộng-Hòa chê!
Thế nhưng ngày “đại thắng mùa xuân”, lính “cụ Hồ” vào Sài-Gòn chia nhau đóng quân rải rác trong nhà dân. Nhà ông bác tôi cũng bị “chiếu cố”. Mười tên cán ngố “cơm niêu, nước lọ” ở nơi rừng rú đã quen, nay vào thành phố văn minh, không biết sử dụng những tiện nghi “hiện đại”! Ăn ở bừa bãi, bê bết, bẩn thỉu, bụi bậm v..v.. Bác tôi không chịu được, ôn tồn đề nghị họ luân phiên ở các nhà khác. Chúng không chịu.. ở lì! Bác tôi khóa nước, tắt điện. Ông bắc võng nằm trước nhà nhìn chúng sinh hoạt. Cuối cùng chúng chịu thua, dọn sang nhà hàng xóm. Khi ra khỏi cổng nhà, tên đội trưởng quay lại nói: “Rồi mày sẽ biết tay ông!”.
Vậy thì “tay ông” ra sao?
Chị người làm sau ngày “giải phóng” đã xin nghỉ, đột nhiên trở lại thăm ông. Sau những câu hỏi thăm tình nghĩa, chị góp ý: “Bà và các cô cậu ra đi để lại ông một mình, nay ông phải tự lo mà sống, con đề nghị ông mang cái bàn nhỏ và cái máy đánh chữ ra để ở đầu ngõ, đánh máy thuê, may kiếm được đồng vào đồng ra cho qua ngày”. Sau khi chị người làm giã từ, ông suy nghĩ thấy có lý. Ngay hôm sau, người qua lại đã thấy ở đầu ngõ xuất hiện một ông già đánh máy thuê.
Ngày qua ngày, tạm đủ sống. Ông nghĩ tới chị người làm trung thành tốt ý mà mang ơn! Thế nhưng, chợt một hôm chị người làm lại xuất hiện. Lần này chị mang đến cho ông một tin mừng, chị đưa ra một xấp giấy đề cập tới những người làm sở Mỹ trước kia sẽ được Mỹ can thiệp cho đi, đặc biệt với ông vì có bà nhà đã làm sở Mỹ. Chị yêu cầu ông gấp rút đánh máy ra nhiều bản để chị bán cho những người làm sở Mỹ còn kẹt lại, và hẹn hôm sau chị trở lại.
Ông thức gần trắng đêm để đánh vội ra nhiều bản, và chờ! Tội nghiệp, Thay vì chị người làm “trung thành” thì là những tên công an áo vàng ập đến! Khám xét, hò hét.. Rồi cái gì xảy đến? Ông bị bắt vì tội “âm mưu phát tán tài liệu phản động”. Còng tay, bỏ tù, giam ở nhà tù Phan-đăng-Lưu. Sau đó đưa đi đâu không ai hay biết, vì không có thân nhân! Cuối cùng, không bao giờ ông trở lại mái nhà xưa! Căn nhà của ông ít lâu sau người ta thấy có người ở, lớn bé, nói tiếng Bắc giọng léo lắt, lượn lẹo.. khó nghe.
Hơn ba mươi năm qua, các con ông mòn mỏi tìm xác cha mình nhưng vẫn biệt vô âm tín. Tóc họ đã hoa râm, nhưng hàng năm vẫn thay phiên nhau về quê cũ, đứng trước cửa nhà xưa, tay cầm nén nhang tưởng nhớ cha mình, hồi tưởng một thời thơ ấu trong căn nhà êm ấm hạnh phúc của một thuở đất nước thanh bình thịnh vượng! Phần tôi, trong âm thầm tận cùng ở đáy lòng, tôi ước mơ ở tuổi già, tôi và họ quên được những hận thù để nhẹ nhàng ra đi. Nhưng dễ gì! tâm tư nào hóa giải được nỗi đau tình phụ tử, lòng hiếu đễ?
Ngày giỗ mẹ tôi, đứa cháu lớn hỏi tôi rằng: “Cụ nội bị 'kinh cung chi điểu', thế còn ông nội thì sao?”. Tôi không trả lời, vì ở tuổi chúng chưa biết gì về hận thù! Thế nhưng câu hỏi đó đã đánh thức trong tôi niềm đau ngủ yên của những năm tháng tù đày. Những cái “Độc”, cái “Đểu” của người Bắc Việt-Cộng ở những ngày xa xưa nơi rừng thiêng nước độc mà tôi và các chiến hữu của tôi đã nhiều lần chết hụt lạnh người, lại từ ký ức lũ lượt trở về.
Vậy thế nào là đồ “Đểu”?
Ngày 29-6-1976 trên bến Hạ-Lý, Hải-Phòng, miền Bắc, trước mặt chúng tôi (những tù bại binh biệt xứ), một tên bộ đội sau khi dựng chiếc Vespa màu xanh dương (cướp được từ miền Nam), hắn chậm rãi mở cốp xe lấy ra một lá cờ vàng ba sọc đỏ rồi từ từ hắn lau xe, hắn lau khắp “thân thể” cái xe. Cuối cùng khi lau tới cái yên xe, hắn quay mặt nhìn chúng tôi.. cười đểu. Ngày đó tôi ghi nhận được nỗi đau đớn uất hận hằn lên khuôn mặt những đồng đội tôi! Những ánh mắt đổ lửa của thân phận tù đày ở ngày xa xưa đó, còn đeo đẳng tôi tới hôm nay!
Cũng chính ngày đó, trước khi chích ngừa tù binh, tên bác sĩ Việt-Cộng qua loa phóng thanh, hắn cao giọng nói: “Đây là miền Bắc Xã-Hội-Chủ-Nghĩa lành mạnh, các anh sẽ được tiêm phòng để ngừa những bệnh truyền nhiễm của miền Nam ở trong người các anh”. Thế nhưng mỉa mai thay, chỉ ít tháng sau, Sài-Gòn bị dịch ghẻ ngứa chưa từng có, tràn lan khắp nơi. Người dân nhỏ to: “bộ đội và bọn thổ phỉ miền Bắc mang vào!”
Một tên cai tù trả lời “anh vào hỏi nợn” sau khi một chiến hữu của tôi hỏi xin hắn cho nhặt những mẩu đầu gân khoai mì mà lợn chê, nằm dưới hố rác đã nhiều ngày. Tôi không sao quên được nét mặt thèm khát và thất vọng của người chiến hữu ấy! Thật là đểu cáng và tàn nhẫn. Làm sao có thể tìm được trên trái đất này một tên cai ngục đểu độc như tên cai tù Việt Cộng kia?
“Ngụy quân, ngụy quyền”. Trong một lần khác, một tên cai tù nhẹ nhàng kể với tôi: “Thời thơ ấu, hắn và các bạn thường nghịch ngợm phá phách hàng xóm. Mỗi lần hư hỏng như vậy, mẹ hắn thường chửi hắn "thằng ranh con nghịch như ngụy".” Sau đó hắn nhìn tôi cười đểu. Những cái đểu như đã có sẵn bàn bạc khắp trong người dân thường cho đến kẻ lãnh đạo ở miền Bắc!
Hồ-chí-Minh khi còn sống, đánh chiếm miền Nam, ông xúi bọn Mặt-Trận Giải-Phóng Miền Nam rằng: “Miền Nam đi trước, về sau”. Bọn Nguyễn-hữu-Thọ, Nguyễn-thị-Bình, Trịnh-đình-Thảo, Trần-văn-Trà v.v.. tưởng bở, cắm đầu đánh chí mạng! Sau 30-4-1975, Mặt-Trận bị giải tán; Lính nón tai bèo cùng những thủ lãnh lũ lượt lơ láo bị cho về vườn. Bọn Bắc Việt Cộng-Sản chính hiệu tràn vào. Cướp của, lấy nhà, chia nhau chức trọng quyền cao; Tham ô, hủ hóa, ăn cắp, ăn trộm v.v.. Mà “mức độ lẫn cường độ” tăng lên mãi tới ngày hôm nay! Kết quả, dân chúng Nhật-Bản phải phong cho Đảng và Nhà-Nước Việt-Cộng cái tên là “Tập đoàn lãnh đạo ròi bọ!”
Trong cuộc cầu nguyện lặng lẽ cho hòa bình của giáo dân ấp Thái-Hà, đòi lại đất đai của giáo xứ bị cướp cạn từ nhiều năm qua, đã bị con cháu “bác Hồ”, người “đầy tớ nhân dân”, chơi đểu bằng trộn lẫn nước tiểu và phân người, rải rắc vung vãi khắp nơi quanh nhà thờ. Cuối cùng, cả đức Tổng-Giám-Mục Hà-Nội lẫn giáo dân “chào thua”! Phần đất đó được bọn người “đểu” biến vội thành công viên.
Thiền sư Thích nhất Hạnh sau bao năm lưu vong, được chúng cho phép về quê hương yêu dấu! Hí hửng dẫn theo cả đoàn tăng ni Việt có, Tây có, rầm rộ cờ xúy diễn hành từ Nam ra Bắc.. Cầu siêu.. Cầu hồn.. Được chủ tịch nhà nước Việt cộng Nguyễn minh Triết khen: “Thiền sư Thích nhất Hạnh và đoàn tăng thân Làng Mai đã có những đóng góp tích cực vào hoạt động tôn giáo ở Việt Nam..” Được lời như cởi tấm lòng, thiền sư vội vàng bỏ ra cả triệu đô la Mỹ, lập dựng tu viện Bát-Nhã ở Bảo Lộc, tập trung được 400 tăng sĩ nam nữ. Mới chưa được bao lâu thì nhà nước xem ra thấy không ổn, bèn cho bọn côn đồ lưu manh tới phá phách, dùng bạo lực đánh đuổi tăng sĩ ra khỏi chùa! Dư luận đàm tiếu thì Nhà Nước giải thích đó là hành động tự phát của nhân dân!
Những đòn “đểu, độc” không những chỉ ra chiêu với đối tượng không phải Cộng Sản, mà ngay trong đảng viên CS chính hiệu cũng chơi nhau sát ván! Đơn cử như ông Nguyễn minh Triết, viện trưởng viện triết học Mác và Lenin của Hà-Nội được Nhà nước cho qua Mỹ chữa bệnh. Ngày 28-9-2005, ông “Triết gia” Triết phát biểu tại trường đại học Harvard về tính chất không thật của chủ nghĩa Marx và Engels, đồng thời đề nghị dân chủ cho Việt-Nam. Khi trở lại Sài-Gòn, liền bị một nhóm côn đồ dến trước cổng vứt phân người vào nhà ông. Ông đưa đơn khiếu nại thì chính quyền giải thích đó là hành động tự phát của nhân dân!
Gần đây nhất là vụ cướp đất trắng trợn và tàn bạo. Khổ chủ là Đoàn văn Vươn, một cựu bộ đội ở huyện Tiên-Lãng Hải Phòng, bị nhà nước phá nhà, cướp đất công khai bằng bạo lực. Bị đẩy vào đường cùng, Đoàn văn Vươn đã dùng súng và lựu đạn để chống lại sự ức hiếp tàn bạo đó. Sự kiện chính những người “cùng là Việt-Cộng” chơi đểu lẫn nhau đã không thể che dấu được dư luận trong nước và thế giới. Cuối cùng Đoàn văn Vươn bị bỏ tù, nhà cửa bị giật sập, san bằng. Chủ tịch huyện tuyên bố: “nhân dân bức xúc vì hành động sai trái của Đoàn văn Vươn nên kéo nhau tới san bằng nhà của anh!!..”
Bây giờ, tháng này, ba mươi baỷ năm về trước, ngày 30-4-1975; ngày mà miền Nam thân yêu rơi vào tay bọn Bắc Việt-Cộng. Chúng cướp bóc, bỏ tù, trả thù, chém giết, đày đọa... Đất nước gặp khổ nạn! Cả miền Nam tràn ngập máu lửa, hừng hực hận thù. Kinh hoàng, hoảng hốt, người dân lành vô tội ùa nhau băng rừng vượt biển chạy trốn! Người chết nổi, kẻ chết chìm, xác người bồng bềnh phủ kín biển Đông! Người dân miền Nam gọi tháng đó là “Tháng Tư Đen”!
Bản thân tôi giờ đây có được những tháng năm cuối đời sống bình an, hạnh phúc, no ấm, an nhàn ở đất nước tự do này là nhờ tấm lòng nhân ái của người chủ nhà, một dân tộc hiếu khách, hiền hòa, thẳng thắn và.. ngây ngô trước những cái “độc”, cái “đểu” của kẻ khác! Cho nên, những năm tháng còn lại ở cuối đời, tôi thường tự nhủ: “ơn hãy đền, nhưng thôi.. oán đừng trả!” Ơn cha ơn mẹ, ơn bạn bè thân thích; ơn đồng bào miền Nam yêu thương, hiền hòa; ơn tổ quốc miền Nam tự do no ấm; ơn dân tộc Mỹ cưu mang dung chứa... Tôi sẽ đền ơn họ bằng sự kiên định lập trường ở biên giới Quốc-Cộng: Không chao đảo, bấp bênh, bội bạc! Còn đối với đất nước của người nhà chủ này, tôi nghiêm khắc với con cháu mình trong học hành, phát huy, tận tụy, nỗ lực, tận tình đóng góp cho xứ sở mà chính mình đang dung thân!
“Oán không trả”! Những vết thương tuy đã đóng vẩy liền da qua nhiều năm tháng.. Thế nhưng gặp phải những ngày trở mưa trở gió, tránh sao không khỏi nhức nhối? Nhiều bạn trẻ trách tôi rằng: “sao cứ thấy hình ông Hồ-chí-Minh thì phát dị ứng khó chịu?” Tôi thừa nhận điều đó. Vì chính ông ta là “cây cung” đã làm hoảng sợ mẹ tôi, bác tôi, bản thân tôi và những người tôi thân thiết.
Từ biệt quê hương yêu dấu đã lâu năm, lòng hoài cảm, tình hoài hương luôn chập chờn thôi thúc... nhưng chưa một lần thực hiện được. Cũng chỉ tại cái “cây cung Hồ-chí-Minh” kia in trên đồng tiền ở Việt-Nam đang luân lưu trên tay người dân mua bán, tiêu xài. Về thăm quê hương yêu dấu mà phải để cả triệu đồng tiền giấy có hình ông Hồ trong túi quần túi áo của mình qua ngày qua đêm thì… kinh hoàng quá! Thôi thì quê hương yêu dấu dù có như chùm khế ngọt cũng đành nén lòng nhớ nhung... Chờ đợi vậy!
TLC BÙI TRỌNG NGHĨA