Tuesday 22 March 2016

Viết từ Sài Gòn: Những phát ngôn "ấn tượng" và sự thật phía sau - Văn Quang

Bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình thành phố vẫn không giấu nổi cảnh chắp vá của một bệnh viện “tuyến cuối.”
 

Bệnh nhân chen chúc chờ đợi, các hành lang đều chật kín người. (Người Đưa Tin)
 
Trong những ngày vừa qua, người dân thành phố Sài Gòn bàn tán xôm trò về chuyện ông bí thư thành ủy mới Đinh La Thăng và ông tướng công an thành phố Sài Gòn Phan Anh Minh “bật mí” những chuyện “bí mật” về khó khăn của phòng chống tham nhũng ở TP. Sài Gòn. Cả hai ông đã “nổ” rất mạnh tưởng như phơi bày được hầu hết những ẩn ức của người dân Sài Gòn từ rất lâu rồi mà quan chức từ lâu tới nay chỉ thỉnh thoảng “xì” ra một tí rồi người dân lại quên béng ngay.

Hai tuần nay, không khí Sài Gòn như cũng muốn “đổi mới” vì những phát ngôn đó của hai ông “lãnh đạo” mới cũng như cái nóng bỏng cháy của mùa xuân đang qua mùa hè đang tới. Những vụ “nổ” này như cơn gió mát thoảng qua trong chốc lát rồi cái nóng nực có thể sẽ lại quay về như cũ.
Bởi cái “đổi mới” thật sự, “đổi mới” rõ ràng thì chưa ai nhìn thấy nên tất cả cứ “wait and see” đã (câu nói của dân văn phòng mỗi khi nghi ngờ chuyện gì). Trước hết tôi tường trình cùng bạn đọc vài nét về ông tân Bí Thư Thành Ủy Đinh La Thăng.

    Hồ sơ dự thầu chất đống tại Sở Y Tế tại Sài Gòn trong lần đấu thầu thuốc theo phương thức tập trung năm                                                                  2014 tại thành phố này.

Người Sài Gòn không còn xa lạ gì với ông Thăng khi ông còn làm Bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải. Ông cũng đã có nhiều hành động cương trực, “trảm” hết các quan chức dưới quyền bê bối và thẳng tay với các nhà thầu dù là nhà thầu của các “ông lớn Trung Quốc”. Nay được đưa về làm Bí Thư Thành Ủy TP Sài Gòn ông lập tức đã có ngay những phát ngôn thẳng thắn như kêu gọi cán bộ “hết Tết rồi quay lại làm việc đi”. Và ông lại xăng xái đi hết nơi này đến nơi kia, đích thân giải quyết các vấn đề mà các quan gọi là “vướng mắc” trong việc cai trị dân. Không biết đó là “bản chất cố hữu” của ông hay ông “chơi nổi”, nhưng khách quan nhận xét, dù vì lý do gì ông cũng đã gây được một chút tin tưởng cho người dân. Một chút thôi bởi thời gian còn quá sớm để xem việc ông làm đi tới kết quả nào. Ông đi tới khá nhiều nơi, ở đây tôi chỉ nói đến một nơi ông Thăng mới đến thăm trong ngày gần đây nhất.
Bệnh viện không thể tưởng tượng với Bí thư Thăng
Tôi quen một anh phóng viên trẻ của mấy tờ báo in và báo mạng, tôi khoái chơi với những anh phóng viên trẻ, họ thường “vượt qua hàng rào cản” để có thể tìm cách nói lên mọi sự thật. Tôi đã đọc trên báo Người Đưa Tin bài báo dưới tiêu đề trên đây và được nhiều báo đăng lại trong ngày 12 tháng 3. Anh phóng viên này ký tên Quốc Ngọc hoặc Nam Anh tùy từng báo. Tôi điện thoại hỏi nhưng anh quá bận nên chỉ hẹn hôm nào “Hai bác cháu mình đi café có nhiều thì giờ hơn”.
Anh gửi cho tôi vài đường link bài viết của anh về các vấn đề của các bệnh viện và Sở Y Tế TP Sài Gòn. Đây là những “đau khổ” mà người dân Sài Gòn phải chịu đựng với các “bố” ở ngành Y Sài Gòn. Bệnh viện mà anh phóng viên theo chân ông Thăng đến “thăm” chỉ là một điển hình cho những bệnh viện công ở VN kể cả ở miền Trung và miền Bắc. Nó “nhếch nhác” như thế nào qua bài viết của phóng viên, mời các bạn cùng đọc để chia sẻ với dân Sài Gòn chúng tôi.

Mỗi ngày Bệnh Viện Chấn Thương Chỉnh Hình TP Sài Gòn tiếp nhận từ 1,700 đến 1,800 bệnh nhân đến khám ngoại trú.
Chứng kiến cảnh ở bệnh viện
Cảnh bệnh viện quá tải "kinh niên" mà Bí thư Thăng trong lần vi hành đã chứng kiến và ông phải thốt lên "không thể tưởng tượng".
Bí thư Thành ủy TP. Sài Gòn Đinh La Thăng đã phải thốt lên như thế trong lần vi hành đến một trong những bệnh viện “quá tải kinh niên” và trầm trọng nhất Sài Gòn. Cuối tuần qua, tuy đã được thông báo trước để đơn vị “chuẩn bị”, nhưng khi Ủy viên Bộ Chính trị Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng bước vào, Bệnh Viện Chấn Thương Chỉnh Hình thành phố vẫn không giấu nổi cảnh chắp vá của một “bệnh viện tuyến cuối”. Ông đã tận mắt chứng kiến cảnh bệnh nhân chen chúc chờ đợi, các hành lang đều chật kín người.
Mỗi ngày Bệnh Viện Chấn Thương Chỉnh Hình tiếp nhận từ 1.700 đến 1.800 bệnh nhân đến khám ngoại trú. Thang máy chuyển bệnh thường xuyên “quá tải”.
Theo báo cáo của bệnh viện, số nằm điều trị nội trú luôn ở mức 500-600 bệnh nhân. Nếu số giường theo kế hoạch chỉ có 500 giường thì hiện số giường thực kê tại đây đã lên đến 619 chiếc. Có khoa phải kê giường cho bệnh nhân ngoài hành lang.
Do mặt bằng chật hẹp, đôi lúc xe gắn máy của thân nhân người bệnh phải để tràn vào cả hành lang bệnh viện.
Từ 1975, bệnh viện chỉ được cơi nới, chắp vá chứ chưa bao giờ được làm mới bất cứ hạng mục nào.
Bí thư Thành Ủy Đinh La Thăng nói với lãnh đạo Bộ Y Tế, UBND TP. Sài Gòn và lãnh đạo bệnh viện: “Tôi không thể tưởng tượng được tại một thành phố văn minh, hiện đại, lớn nhất nước như TP.HCM mà lại có một bệnh viện xập xệ, manh múm như Bệnh Viện Chấn Thương Chỉnh Hình”. Ông yêu cầu giải quyết sớm “quỹ đất” cho việc xây bệnh viện mới theo hình thức BT - xây dựng chuyển giao. Nếu cần có thể thay nhà đầu tư để bảo đảm tiến độ.

                                      Bí thư Thăng “bức xúc” trước tình trạng chiếm dụng lề đường.

Ngoài ra, lãnh đạo thành phố cũng cam kết với ông Thăng tháng 9 năm nay sẽ đưa vào sử dụng Bệnh Viện Nhi Đồng tại huyện Bình Chánh, đồng thời, tháo gỡ các vướng mắc, bảo đảm ngày 2/4 tới, có thể khởi công xây dựng Bệnh viện Ung bướu mới. Đây là các dự án chính yếu giúp tăng thêm giường bệnh, góp phần giảm “quá tải” bệnh viện tại thành phố.

Sau buổi thăm Bệnh Viện Chấn Thương Chỉnh Hình ngày 6/3, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng có dịp rảo bước trên đường Trần Hưng Đạo phía trước bệnh viện thuộc phường 1, quận 5. Ông Thăng khá “bức xúc” với nạn lề đường tại đây bị chiếm dụng để kinh doanh nên dừng lại hỏi một vài người dân buôn bán trên vỉa hè: “Bán như vậy thì có phải trả tiền chỗ không?” Người dân trả lời: “Dạ có chớ”. Bí thư thành phố hỏi phải trả bao nhiêu một tháng, thì họ nói: “Dạ không… nhớ”.
Ông Thăng sẽ còn đi được đến đâu?
Ở TP Sài Gòn còn biết bao nhiêu bệnh viện và biết bao nhiêu hệ lụy làm khổ người dân, ông Thăng không thể đi hết, càng không thể biết hết. Dù có biết cũng chỉ đưa ra những mệnh lệnh chung, khó có cơ quan nào kiểm soát nổi. Chuyện ở các bệnh viện còn quá nhiều vấn đề nhiêu khê phức tạp, tôi chỉ tóm tắt vài chuyện liên quan trực tiếp đến nỗi khổ của người dân mua thuốc đắt tiền mà chữa không khỏi bệnh. Một lý do dễ hiểu là việc đấu thầu thuốc dù tập trung lên để Sở Y Tế TP hay tự các bệnh viện đấu thầu cũng phát sinh tệ nạn. Các nhà thầu cố bỏ giá rẻ và tất nhiên không thể tránh khỏi “đi đêm” với các quan xét thầu và họ không ngần ngại đưa thuốc VN vào các bệnh viện.

Ông Nguyễn Duy Thuận - Phó viện trưởng Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Y Tế và Quản Trị Bệnh Viện TP Sài Gòn cho biết: “Thuốc không phải hàng hóa bình thường. Cùng là hai viên thuốc trị đau bụng nhưng người này uống thuốc này mới khỏi, người kia uống thuốc kia mới dứt. Cơ địa mỗi người phản ứng khác nhau với một loại thuốc. Bệnh nhân không sử dụng được thuốc này hoặc thuốc không đạt hiệu quả điều trị là phải đổi thuốc. Nhưng trong đấu thầu chỉ có một loại thuốc cho một bệnh lý. Nó không thể chữa hết bệnh đó cho cả triệu người”.

Hơn thế, việc đấu thầu thuốc riêng lẻ hay tập trung vẫn có thể xảy ra tiêu cực. Bằng chứng là thuốc giả, thuốc không số đăng ký, thuốc rẻ với chất lượng đáng ngờ vẫn trúng thầu như cơ quan điều tra đã phanh phui vào năm 2014.

Ngoài ra ông Thăng cũng gặp sự chống đối của ông BS Nguyễn Tấn Bỉnh Giám đốc Sở Y tế, ông này đã triệu tập cuộc họp khẩn với tất cả bệnh viện trực thuộc, bệnh viện quận huyện. Nội dung cuộc họp nghe qua rất dân chủ, để cho các bệnh viện “đăng ký” chủ động phát huy quyền tự chủ mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao do ông Bỉnh chủ trì.

Sau đó, ông Bỉnh sẽ tiếp tục dựa trên kết quả lấy ý kiến của các bệnh viện để “đối phó” với chỉ đạo của Bí thư Thăng, rằng đây là mong muốn của đa số bệnh viện (?). Ông Bỉnh muốn nói ý kiến của ông Thăng là không đúng. Nhưng sự thật là ông cố “ôm lấy cái bình sữa đấu thầu”, hình thành những khoản huê hồng “tập trung” hơn, “khủng” hơn, những nhóm lợi ích “cá kình” hơn, tinh vi hơn? Vì thế ông Thăng sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc “đổi mới” này.

Chỉ khổ cho người dân nghèo, đã mua thuốc giá đắt lại không đúng bệnh, thuốc giả, thuốc “cà chớn”. Còn gì khổ hơn? Liệu ông Thăng có giúp cho dân thoát khỏi cái vòng kim cô này không?

Đấy là chỉ nói đến một chuyện cấp thiết trong đời sống nhân dân. Còn cả ngàn chuyện như chuyện lấn chiếm vỉa hè phải đóng “thuế, phí” mà ông đã nhìn thấy đã hỏi dân, rồi sẽ có hàng vạn con đường, bao giờ mới hết cảnh dân phải đi bộ dưới lòng đường? Chuyện bị cướp giật ngay giữa đường phố, nhất là cướp của khách nước ngoài đang làm xấu bộ mặt cả dân Sài Gòn ông bắt phải xin lỗi người nước ngoài, nhưng có thể xin lỗi tất cả được không…? Chứ chưa nói đến chuyện tham nhũng vội. Nó tràn lan khắp các cơ quan lớn nhỏ, khắp các quan “cán lớn cán nhỏ”, một việc hầu như “đội đá vá trời”. Hãy nghe ông Phan Anh Minh Phó giám đốc Công an TP Sài Gòn "bật mí" về cái khó của phòng chống tham nhũng ở TP này sẽ hiểu rõ hơn.

                   Nữ du khách ngoại quốc khóc nức nở sau khi bị cướp giữa thành phố Saigon ngày 11-3.
Sự bất lực trong chính sách chông tham nhũng
Chiều ngày 8/3 Thành ủy TP. Sài Gòn đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí năm 2015. Trong phần phát biểu của mình Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an TP đã “dốc bầu tâm sự”. Đề cập đến những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng trong năm tới, ông Minh xếp lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa lên đầu tiên. Ông nói:

“Hiện nay 50% các vụ án buôn lậu phát hiện tại TP có bóng dáng của nhân viên Hải quan dính đến tiêu cực, thông đồng”. Ông cũng nhận định rằng ngay cả trong việc chuyển giá cũng đều phải có sự móc nối thông qua hải quan, trong khi đó chính sách quản lý hiện nay khiến cho nhân viên có ý tiêu cực có điều kiện thuận lợi hơn để thực hiện hành vi.

Lĩnh vực được ông Minh xếp thứ hai là ngân hàng, tài chính và cho thuê tài chính. Thậm chí Phó giám đốc CATP còn cho biết: “Tôi cho rằng hiện nay tình hình tài chính ngân hàng của TP cũng đang tiềm ẩn một số vụ án mà có thể khởi tố được rồi, vấn đề là còn lượng giá xem tác động của nó với khủng hoảng dây chuyền tài chính tiền tệ nữa”.

Ngoài ra ông Minh cũng đề cập đến các lĩnh vực như đền bù giải phóng mặt bằng, phê duyệt dự án hay tham nhũng tại quỹ xóa đói giảm nghèo ở các phường xã. “Nhiều trường hợp ở TP phải hủy án, Ông Minh thú nhận: “Trong thâm tâm tôi phải chấp hành nhưng tôi không tin rằng cái hủy đó là đúng, hoặc là có đúng nhưng mà không tới mức hủy án”.

Ông nói thêm: “Tôi cũng xin lý giải thêm vì Ban Nội chính yêu cầu Công an TP giải trình là tại sao án tham nhũng được phát hiện do trinh sát là ít, tôi đã nói thẳng không phải là ít mà là không có. Lý do là vì CATP cũng phải chấp hành chỉ thị 15, hầu hết đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng là đảng viên mà công an thì không được quyền tổ chức trinh sát đảng viên”.

Thực ra người dân không hiểu nội dung chỉ thị 15 là gì, nên cho rằng nó có sức mạnh trói buộc cơ quan chức năng để che chắn cho kẻ tham nhũng? Ông Minh nói những người tham nhũng thường “có bản lĩnh”, ông muốn ám chỉ rằng đó là những tay gian ngoan quỷ quyệt có quyền có thế, có hậu thuận lớn đỡ phía sau, chúng đã hợp thành “nhóm lợi ích” hay nói rõ hơn “tập đoàn, đục khoét công quỹ, cướp cạn của dân”.
Anh chống tham nhũng chết trước
Bi đát hơn nữa, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng do Bộ Tư pháp tổ chức ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cũng có một phát ngôn “ấn tượng” không kém:

“Tham nhũng là những người có chức vụ quyền hạn. Chúng tôi chống lại có khi chết trước”.
Ôi sao nghe bi thảm quá vậy! Ông Cục trưởng của ngành chống tham nhũng toàn quốc mà cũng sợ “chết trước” thì anh dân đen ngu gì mà chống tham nhũng, cứ cắm đầu mà chịu thôi. Im đi cho “được việc nhà nước”!
Đó là những sự thật còn ở phía sau những phát ngôn mà báo chí VN gọi là “ấn tượng”.

Văn Quang (17-3-2016)