Wednesday 3 August 2016

NHỮNG CÁI TÊN VIỆT TRÊN ĐẤT KHÁCH CÙNG VỚI SỰ TÍCH ĐẦY NƯỚC MẮT VÀ TÌNH NGƯỜI!!!!!

-Chắc có lẽ mỗi người chúng ta, thông qua lịch sử, tìm hiểu thậm chí có những người còn là nhân chứng sống đều biết đến sự kiện 30-04-1975. Kết thúc cuộc chiến tranh hai miền Nam- Bắc, đất nước liền lại một mối nhưng hệ quả đi kèm thật khủng khiếp. Cùng với hàng trăm ngàn gia đình tan nát, xa lìa nhau, hàng triệu người ngã xuống trong tháng 4 đen ấy là hàng nghìn chuyến tàu vượt biển, cả triệu con người chen chúc nhau chạy ra biển tìm một sự tự do mơ hồ ( mà rất nhiều người đã phải đánh đổi bằng việc mãi mãi nằm xuống dưới lòng đại dương) chỉ để chạy trốn một thứ đối với họ như là một cơn ác mộng: CỘNG SẢN.

*Trong những ngày dừng chân ở Philippines, tôi được đi đến Palawan. Đây là một địa danh khá nổi tiếng về du lịch, nơi có bãi biển hoang sơ và đẹp nhất Đông Nam Á. Nhưng một điều khá thú vị khi đến đây chính là một ngôi làng Việt Nam, và một câu chuyện về những người tị nạn Việt Nam đã để lại trong tôi một cảm xúc mãnh liệt. Sự xúc động về tính nhân văn cũng như canh cánh một nỗi đau của dân tộc.

Theo lời kể từ một người hiểu biết, ngày ấy sau 30-04-1975, hàng đoàn người bỏ lại tất cả sau lưng lũ lượt chạy ra biển vượt biên, đặt cược vận mệnh của mình vào đại dương bao la, rừng thiêng nước độc để chạy trốn cộng sản. Và những nước Đông Nam Á, Hồng Kông, Úc trở thành chạm dừng chân của những thuyền nhân tị nạn đó tất nhiên trong đó có Philippine. Và do dòng người tị nạn càng ngày càng đông, có những người đơn giản không vì chạy trốn cộng sản mà chỉ vì sự đói nghèo, lạc hậu và cơ cực của chế độ đang điều hành đất nước mang lại họ dắt díu cả gia đình ra đi. Vào năm 1989, với sự di cư ồ ạt của người Việt, các nước họ quyết định rằng không thể nào tiếp tục nhận thuyền nhân nữa, và họ định ra một hạn mốc. Sau cái hạn mốc đó, tất cả thuyền nhân đều phải trãi qua một tiến trình gọi là thanh lọc. Nếu ai thanh lọc đậu thì sẽ được cho tái định cư ở nước thứ ba, còn không đậu thì buộc phải quay trở về. Hạn mốc đó ở Hongkong là ngày 16/6/1988, ở Thái và Mã Lai là 14/3/1989, ở Inđô là 17/3/1989 và Phi là 21/3/1989. Sau thời điểm này, đã có khoảng 120 ngàn thuyền nhân trãi qua tiến trình thanh lọc. Trong số đó có trên 80 ngàn người bị rớt thanh lọc, và họ bị buộc phải quay trở về. 

*Và chính vì việc đó đã dẫn đến tấm thảm kịch bi thương, hàng chục ngàn người đã tuyệt thực, chống đối thậm chí mổ bụng tự sát để phản đối việc cưỡng chế hồi hương. Họ chấp nhận cái chết để bày tỏ thái độ dứt khoát và máu của người Việt đổ xuống rất nhiều trên đất khách. Với tầm hiểu biết của tôi, không dám khẳng định về mức độ nghiêm trọng của sự kiện này nhưng tôi nghĩ rằng đây có lẽ là một trong những bức tranh bi thảm nhất của dân tộc Việt Nam mang tầm cỡ quốc tế trong lịch sự cận đại.

*Và ở Philippine lúc đó, khi lệnh cưỡng chế hồi hương được ban hành,trại tị nạn Palawan lúc đó đang có khoảng 200.000 thuyền nhân Việt Nam đang tị nạn, nằm trong diện hồi hương một số hoang mang lo sợ, một số giống như các nước Thái, Hồng Kông…. Đã phản đối bằng nhiều cách. Và tot đỉnh chính là các cha xứ người bản địa đã tập hợp nhau lại, xếp hàng nằm dài ra trên đường băng sân bay để cản đường đi làm tắc nghẽn sân bay lúc đó. Những người Philippine với sự dẫn dắt của các cha xứ đã bày tỏ thái độ đồng hành cùng những thuyền nhân Việt Nam đáng thương đó. Và chính sự việc này đã tác động đến Đương Kim Tổng Thống Philippine lúc đó là Ramos, vốn là một cựu quân nhân từng tham chiến ở chiến trường Việt Nam. Ông đã ra một quyết định không cưỡng chế một thuyền nhân nào cả nhưng cũng không thể cấp quốc tịch cho họ, và để họ lưu lại Palawan. Sau đó, với sự chung tay của người Việt trên khắp thế giới, đã quyên góp được một số tiền để mua 12 hecta đất nằm sâu hơn trong đất liền. Rồi từ đó, ngôi làng Việt Nam, những con đường đậm dấu ấn Việt đã ra đời, trải qua năm tháng, chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử. Giờ đây với sự giúp đỡ của các tổ chức hỗ trợ thuyền nhân người Việt, những người tị nạn năm nào giờ đã đã được định cư sang một nước thứ 3. Từ một cộng đồng đông dân nhất Palawan thời đó, bây giờ ngôi làng Việt Nam chỉ còn lại những dấu ấn một thời . Một vài người Việt còn sót lại dưới Palawan bây giờ trở thành triệu phú đô-la và một điều khá thú vị rằng, trong một cuốn sổ tay về du lịch thì đặc sản của Palawan chính là Chao Long (Cháo Lòng). Những biển hiệu tiếng Việt, những dòng chữ tiếng Việt vẫn còn đây, ở Palawan này như nhắc con người ta biết đến rằng:” Người Việt đã từng ở đây, sinh sống và đã lưu lại nhiều nét văn hóa ở đây!!” 

*Điều khiến tôi thật sự cảm động để tuy rằng viết lách thuộc cỡ gà mờ nhưng vẫn phải viết chính là: Người dân bản địa ở đây cực kỳ có ấn tượng tốt với người Việt Nam, họ thậm chí còn nói được vài câu tiếng Việt. Và khi biết tôi đến từ Việt Nam, họ đều rất niềm nở và giơ ngón tay cái lên:” Oh, Vietnamese so good <3”. Và có lẽ rằng, chính thế hệ thuyền nhân chạy trốn cộng sản năm ấy, bị mang tiếng là “ Vong Quốc” cộng thêm sự hỗ trợ từ vật chất đến con người từ người Việt khắp nơi trên thế giới và có cả trong nước (Tất nhiên không bao gồm thuộc chính phủ) trong các cơn bão (điển hình là cơn bão HaiYang vừa qua) chính là nguyên nhân và cũng là sự khích lệ để khi du lịch ở Palawan này, tôi ngẩng cao đầu hãnh diện khi nói rằng:

I AM VIETNAMESE!!!!