Saturday, 22 April 2017

Chùa Bảo Quang làm lễ cầu siêu cố Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn - Lâm Hoài Thạch

Đồng hương đến niệm hương trước bàn thờ cố Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
SANTA ANA, California (NV) – Chiều Thứ Năm, 20 Tháng Tư, nhiều đại diện các đoàn thể, hội đoàn và đồng hương đến tham dự buổi lễ cầu siêu cho cố Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, hội trưởng Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh & Quả Phụ VNCH, do tang quyến, bằng hữu và chùa Bảo Quang đồng trang trọng tổ chức tại chánh điện chùa ở Santa Ana.
Chứng minh buổi lễ có Hòa Thượng Thích Chơn Thành, phó thượng thủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới kiêm viện chủ chùa Liên Hoa, Garden Grove; và Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, tổng thư ký Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới kiêm viện chủ chùa Bảo Quang.
“Quý vị vừa nghe một nhạc phẩm để lắng sâu, qua ý nghĩa khi giác ngộ rồi ta phải làm chi, và phải đi về đâu? Đó là một nghi tình, mà các nhà thiền hoặc Phật tử nào cũng phải biết đến để hiểu biết được giáo lý của Đức Phật dạy. Và khi đã giác ngộ rồi, có lẽ quý vị đã thấy như bà Hạnh Nhơn, bà đã làm tất cả những gì mà bà có thể làm được với tuổi đời 91,” Hòa Thượng Thích Quảng Thanh nói trước mọi người.Trước khi vào chánh lễ, mọi người lắng nghe bài nhạc “Dòng Sông Thắp Thoáng Con Thuyền,” được nhạc sĩ Hoàng Quang Huế phổ theo thơ của thi sĩ Thanh Trí Cao, qua tiếng hát của ca sĩ Nguyên Khang.
Hòa thượng nói thêm, “Theo kiến thức giác ngộ, thì dù tuổi tác dẫu như thế nào cũng không làm chùn bước, bởi vì Đức Phật Thích Ca đã 80 tuổi thọ mà ngài vẫn đi thuyết pháp, độ sinh,… đến bất cứ nơi nào, ngài vẫn đi bộ, chớ không phải được đi xe như chúng ta. Khi nhìn về sang sông đầu thiền rồi bỏ lại đây, cũng có nghĩa là, cụ bà Hạnh Nhơn đã mượn thân thể này để làm tất cả những ý nghĩa, mà cái ý nghĩa đó rất đặc biệt, và đáng vinh danh. Bà là một nữ quân nhân đã phục vụ cho tổ quốc Việt Nam; một tù nhân Cộng Sản, rồi sau đó, bà đưa gia đình đến định cư tại Hoa Kỳ. Quả là một kỳ công! Và trên xứ người, bà đã làm những công tác rất đáng kể, như quý vị đã biết.”
Sau đó, theo lời hòa thượng, qua gia đình và tang quyến, bà Hạnh Nhơn có để lại một di chúc, muốn hòa thượng viện chủ chùa Bảo Quang làm lễ tang cho bà.
“Hôm Tết, bà đến đây thắp hương, tôi đãi trào. Và bà có nói như người đã biết trước giờ phút để chuẩn bị cho cuộc hành trình mới. Bà nói với tôi rằng, ‘Tôi chờ thầy làm xong cái tháp cho mới để tôi đi.’ Là một người có đời sống tâm linh, bà Hạnh Nhơn đã dặn dò kỹ lưỡng những điều để chuẩn bị cho mình cuộc hành trình mới, thì những người con, cháu trong gia đình, hơn ai hết đã nhận rõ cuộc hành trình mới của bà. Hôm nay, chúng ta có mặt ở đây để vinh danh bà và chia buồn cũng tang quyến, cùng đốt cho bà một nén tâm hương để tiễn người qua cố đáng kính,” hòa thượng chia sẻ thêm.
Chùa Bảo Quang làm lễ cầu siêu cố Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn
Quang cảnh lễ cầu siêu tại chánh điện chùa Bảo Quang. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Sau đó, hòa thượng viện chủ đọc thông báo về lịch trình lễ tang của cố Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn.
Tiếp theo, Hòa Thượng Thích Chơn Thành ban đạo từ.
Hòa thượng ngỏ lời chia buồn cùng gia đình tang quyến, và chia buồn với các thương phế binh và quả phụ VNCH còn ở trong nước, đồng thời cũng chia buồn với Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH, vì họ đã mất đi một người rất thân thương và đáng kính.
Hòa thượng nói, “Dĩ nhiên là, 90 năm trong cuộc đời, bà đã để lại biết bao nhiêu nỗi buồn và đã cho vô số những niềm vui. Và dĩ nhiên là quý vị ở đây cũng cảm xúc và buồn. Nhưng, theo lời của Đức Phật dạy, thay vì mình để cái cảm xúc thương nhớ trong lòng nên chuyển những điều đó qua tâm thanh tịnh. Bởi vì, khi nỗi buồn hoặc sự thương nhớ hiện ra trong lòng mình, giống như hôm nay mình thức dậy, ra ngoài trời, mình thấy bầu trời mờ mịt không có ánh sáng mặt trời chiếu xuống trần gian này được. Còn tâm thanh tịnh, thì giống như buổi sáng mình sẽ thấy bầu trời xanh biếc, trong sáng. Và quyền lực của tâm thanh tịnh là như vậy. Ngày xưa, Đức Phật cũng nhờ tâm thanh tịnh này, ngài đã đạt chính đạo…”
“Mặc dù 90 năm trong cuộc đời, bà cụ đã trải qua vô số gian nan. Nhưng vì lòng nhơn từ của bà, nên Đức Phật sẽ đón tiếp bà. Vì thế, mọi người cố gắng giữ tâm thanh tịnh để tiễn đưa bà cụ được theo Đức Phật A Di Đà. Bởi vì trong thời gian này, là giai đoạn 49 ngày của người vừa qua đời được dễ dàng đi theo Đức Phật,” hòa thượng nói thêm.
Tiếp theo là lời chia buồn của quan khách đến tham dự.
Lễ cầu siêu được bắt đầu, Hòa Thượng Thích Chơn Thành chủ lễ và Hòa Thượng Thích Quảng Thanh chủ sám. Mọi người cùng đọc qua những thời kinh cầu nguyện.
Sau lễ cầu siêu, mọi người cùng đến thắp hương trên bàn thờ bà Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, và chia buồn cùng tang quyến.
Cuối cùng là buổi cơm chay thân mật, do tang quyến khoản đãi.
Chùa Bảo Quang làm lễ cầu siêu cố Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn
Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, chủ sám lễ cầu siêu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Cựu Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, một người được coi là ân nhân của vô số thương phế binh và quả phụ VNCH, qua đời lúc 1 giờ 43 phút sáng Thứ Ba, 18 Tháng Tư, tại bệnh viện Fountain Valley, California, hưởng thọ 91 tuổi.
Trong vai trò hội trưởng Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH bà là người đứng đầu các đại nhạc hội Cám Ơn Anh, gây quỹ giúp thương phế binh và quả phụ VNCH tại quê nhà.
Đại nhạc hội này nay đã trở thành một trong những sự kiện lớn nhất của cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại.
Mỗi năm, hội giúp hàng chục ngàn cựu chiến binh VNCH bị mất một phần thân thể, cùng những phụ nữ có chồng hy sinh, trong cuộc chiến bảo vệ miền Nam Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo của bà, cùng phối hợp với các tổ chức, trung tâm ca nhạc, và cơ quan truyền thông, đại nhạc hội Cám Ơn Anh nay được luân phiên tổ chức ở Nam và Bắc California, mỗi năm thu được cả trăm ngàn hoặc cả triệu đô la, do đồng bào hải ngoại đóng góp, gởi về Việt Nam giúp rất nhiều người.
Đại nhạc hội lần thứ 10 hồi năm ngoái thu được tổng cộng $1,279,000.
Bà Hạnh Nhơn nhập ngũ năm 1950 ngành hành chánh tài chánh, với công việc là phát lương cho “đệ nhị quân khu” sau gọi là Quân Ðoàn I. Kế đến, bà là thiếu úy rồi trung úy sĩ quan tiếp liệu tại quân y viện Nguyễn Tri Phương. Sau đó bà được thuyên chuyển về Trung Tâm Huấn Luyện và Trường Nữ Quân Nhân và rồi lên lon đại úy làm việc tại văn phòng đoàn nữ quân nhân của Bộ Tổng Tham Mưu. Năm 1969, bà là thiếu tá trưởng phòng nghiên cứu. Sau đó, bà được chuyển qua Không Quân và lên trung tá năm 1972.
Sau Tháng Tư, 1975, bà bị Cộng Sản bắt đi tù nhiều nơi khác nhau, bao gồm Long Giao, Quang Trung, Hóc Môn, Z30D, Hàm Tân, và Long Thành.
Sau khi ra tù, năm 1990, bà định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO2.
Ban đầu, bà là phó chủ tịch Hội Tương Trợ Cựu Tù Nhân Chính Trị, phụ tá cho ông Nguyễn Hậu là chủ tịch thời bấy giờ. Công việc của bà là làm giấy tờ bảo lãnh cho các cựu quân nhân QLVNCH không có thân nhân bảo lãnh.

Sau đó, bà làm hội trưởng Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH cho tới nay.