Hàng năm cứ mỗi lần người Việt hải ngoại tưởng niệm ngày 30 tháng Tư đen 1975, chúng ta lại nhớ đến hai cuộc di cư và di tản vĩ đại của người Việt yêu chuộng tự do: Cuộc di cư năm 1954-55 từ miền Bắc xuống miền Nam và cuộc di tản bằng đường biển từ miền Nam ra hải ngoại sau cơn hồng thủy 1975.
Hôm nay chúng tôi xin mời quý vị thưởng thức nhạc phẩm CHUYẾN ĐÒ VĨ TUYẾN của Nhạc sĩ Lam Phương viết vào năm 1955 sau khi Hiệp Định Geneva 1954 chia đôi đất nước tại vĩ tuyến 17 bên dòng sông Bến Hải. Bài hát nói lên tâm sự của một cô gái đang dùng con đò nhỏ bên bờ sông để đón người yêu tìm đến và nàng sẽ đưa chàng qua vĩ tuyến về miền Nam yên bình trù phú.
Như vậy trong nhạc phẩm này NS Lam Phương không nhằm viết cho cuộc di cư quy mô của đồng bào miền Bắc qua “tàu há mồm” do Mỹ và Pháp thực hiện mà là viết cho những cuộc vượt tuyến đơn lẻ muộn màng qua phương tiện riêng như ghe thuyền mà tiêu biểu là câu chuyện của một cô gái dùng con đò nhỏ để đón người yêu tại bờ sông Bến Hải.
Trong Slideshow này, “Chuyến Đò Vĩ Tuyến” được diễn tả qua tiếng hát điêu luyện của ca sĩ Hoàng Oanh và được minh họa bằng hình ảnh Super HD.
Phần cuối của nhạc phẩm là một số hình ảnh chụp trong ngày mừng thọ sinh nhật 80 của NS Lam Phương do Hội Nghệ Sĩ Tình Thâm và Nhân Ảnh Tân Văn tổ chức ngày 26 tháng 3 năm 2017 tại Westminster miền Nam California Hoa Kỳ.
Trần Ngọc
……………………………………………………………………………… …………………
Tham Khảo: Bài viết về Nhạc Sĩ Lam Phương và tác phẩm “Chuyến Đò Vĩ Tuyến”
1) Trích đăng Cỏ Thơm Magazine (NS Phan Anh Dũng):
….Lam Phương là một nhạc sĩ sinh trưởng ở miền Nam Việt Nam. Dòng nhạc của ông được phổ biến rộng rãi và được nhiều tầng lớp yêu mến. Giới thưởng ngoạn âm nhạc, dù khó tính nhất, cũng sẽ chọn được một vài bài trong số 200 đóa hoa muôn màu, muôn dạng, kỳ diệu của ông. Lam Phương được biết đến như một người nhạc sĩ tài hoa, hiền hòa, nhiều tình cảm, bình dị, có sức chịu đựng, tinh thần phấn đấu và có đức tính khiêm tốn dễ mến.
2) Trích đăng bài của tác giả Cao Đắc Tuấn)
‘’Chuyến Đò Vĩ Tuyến’’ là một bài hát do Nhạc Sĩ Lam Phương viết vào năm 1955 sau khi Hiệp Định Geneva chia đôi đất nước năm 1954 tại vĩ tuyến 17 bên sông Bến Hải. Bài hát là lời một cô gái đang mong chờ người yêu trên con đò bên bờ sông để đưa chàng qua vĩ tuyến về miền Nam thanh bình trù phú. Qua lời cô gái, tác giả biểu lộ bản chất nhân bản, hiền hòa, yêu thương đồng bào và đất nước của người miền Nam. Với cách diễn tả đặc sắc qua cách phối hợp tả cảnh và tả tình, Nhạc Sĩ Lam Phương cho thấy tài năng xuất chúng của ông ngay từ lúc còn trẻ tuổi.
Nhạc Sĩ Lam Phương viết bài ‘’Chuyến Đò Vĩ Tuyến’’ vào năm 1955, một năm sau khi Hiệp Định Geneva ký chia đôi đất nước. Tôi có dịp nói chuyện với ông trực tiếp tại nhà riêng vào ngày 6 tháng 12 năm 2014 và được ông chia sẻ những mẩu chuyện lý thú về các bản nhạc. Ông cho biết lúc ấy ông đọc tin tức trên báo về việc đất nước chia đôi, buồn về chuyện đó, và có cảm xúc để viết bài ‘’Chuyến Đò Vĩ Tuyến,’’ một tuyệt tác phẩm mà gần sáu mươi năm sau vẫn còn làm rung động hàng triệu trái tim người Việt trên khắp địa cầu
Nhạc Sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh năm 1937 tại Rạch Giá, Kiên Giang. Năm 1958 ông nhập ngũ Quân Lực Việt Nam Cộng hòa. Trở về dân sự một thời gian, Lam Phương lại được lệnh tái ngũ. Ông gia nhập đoàn văn nghệ Bảo An, khi đoàn này giải tán, ông tham gia ban văn nghệ Hoa Tình Thương và sau cùng Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương cho đến ngày mất miền Nam (Wikipedia 2014a). Ông rời Việt Nam cùng biết bao nhiêu người tỵ nạn cộng sản vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ông sống ở Pháp và sống ở Hoa Kỳ cho tới ngày nay.
Nhạc Sĩ Lam Phương viết khoảng hai trăm bản nhạc. Nhiều bài nổi tiếng và rất được ưa chuộng như Kiếp Nghèo, Chuyến Đò Vĩ Tuyến, Tình Anh Lính Chiến, Thành Phố Buồn, Khúc Ca Ngày Mùa, và Chiều Tây Đô.
Nguyên văn lời bài hát ‘’Chuyến Đò Vĩ Tuyến’’ như sau (Nhạc Việt trước 75).
Đêm nay trăng sáng quá anh ơi
Sao ta lìa cách bởi giòng sông bạc hai màu
Lênh đênh trên sóng nước mông mênh
Vượt rừng vượt núi đến đầu làng
Đò em trong đêm thâu sẽ đưa chàng sang vĩ tuyến
Phương Nam ta sống trong thanh bình
Tình ngát hương nồng thắm bên lúa vàng ngào ngạt dâng
Giòng sông mơ màng và đẹp lắm
Anh ơi ai nỡ chia đôi bờ để tình ta ngày tháng phải mong chờ
Hò...hơ....hò....hơ...
Em và cùng anh xây một nhịp cầu
Để mai đây quân Nam về Thăng Long
Đem thanh bình sưởi ấm muôn lòng
Sương khuya rơi thấm ướt đôi mi
Tim em lạnh lẽo như chiều đông ngoài biên thùy
Ai gieo chi khúc hát lâm ly
Như khơi niềm nhớ cuộc từ ly lòng não nùng
Bùi ngùi nhìn cách xa ngàn trùng
Giờ đây anh điêu linh nơi quê nhà đang chìm đắm
Bao đêm thổn thức dưới trăng ngà
Hồn đắm say chờ đón ngày anh về sưởi lòng nhau
Ơ...ơi...hò...hò...ơi…ơi…hò
Như đa số các bài hát khác, lời nhạc thường bị sửa đổi, vô tình hay cố́ ý, và nhiều khi làm giảm hoặc mất hẳn ý nghĩa bài hát. Thí dụ như ‘’anh’’ (trong ‘’Giờ đây anh điêu linh nơi quê nhà đang chìm đắm’’) bị sửa thành ‘’em’’ làm thay đổi hoàn toàn ý nghĩa của bài hát. Tác giả Lam Phương xác nhận với tôi câu đó phải dùng ‘’anh’’ mới đúng, như được ghi trong bản gốc bài nhạc. ….
…. Do đó, họ phải hẹn gặp nhau ban đêm và chàng phải lặn lội đường xá xa xôi…. Nàng sẽ đưa chàng qua vĩ tuyến và cả hai sẽ ở miền Nam. Nàng đã sống trong miền Nam và biết cuộc sống thanh bình, với đồng ruộng phì nhiêu, tình người nồng ấm bên hương thơm lúa vàng ngào ngạt dâng khắp nơi (‘’Phương Nam ta sống trong thanh bình/Tình ngát hương nồng thắm bên lúa vàng ngào ngạt dâng.’’)