Thưa quí thinh giả,
Nếu ai đã theo dõi tường tận những vụ cưỡng chế thu hồi đất đai trong những năm qua như ở Cồn Dầu, Dương Nội, hay Lái Thiêu…. thì vụ việc đang diễn ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội mang một sắc thái mới, rất đặc biệt, đó là sự đoàn kết đông đảo của người dân, đã khống chế và bắt giữ đến hơn 30 cảnh sát cơ động, làm con tin thương lượng với nhà cầm quyền. Tại sao những người nông dân vốn dĩ hiền lành chất phác, lại có thể trở nên hung hãn liều mạng đương đầu với súng đạn như vậy?
Ở đây chúng tôi không bàn đến khía cạnh pháp lý đối với hành vi bắt người của bên nhà nước, khi thi hành cưỡng chế, hay phản ứng phẫn nộ của người dân khi bị dồn vào chân tường, nên đã phải tự vệ. Việc ấy dành cho các chuyên viên luật pháp phân tích và lý giải.
Dù chưa xảy ra án mạng, nhưng rõ ràng phía nhà cầm quyền đã có kế hoạch rất chu đáo nhằm khống chế bắt giữ những người khiếu kiện trong ấy có cụ Kình, với lý do gây rối trật tự, và chống người thi hành công vụ, nhằm dứt điểm vụ cưỡng chiếm đất, như luận điệu của phía nhà cầm quyền trong mấy ngày qua đã nói ra.
Chúng ta phải nhìn nhận rằng sau 63 năm kể từ ngày chia đôi đất nước năm 1954, người dân Hà Nội nói riêng và người Miền Bắc nói chung, đã được CS tôi luyện, đè nén, nung nấu đến hầu như mất hết cả cảm xúc; vì vậy trong xã hội con người không còn điều gì là thật nữa, kể cả sự hiện hữu của chính mình, nếu không hoài nghi thì cũng chỉ là ảo tưởng. Điều này thể hiện rất rõ trong cách đối xử của những người nắm quyền đối với người dân của mình. Họ coi người dân trong xã Đồng Tâm không hơn đàn vịt, muốn lùa đi đâu cũng được, và buộc mọi người phải tuân thủ quyết định do nhà nước đưa ra, phớt lờ lý lẽ của những người thấp cổ bé miệng, đã bao năm kiên nhẫn khiếu nại mà chẳng được đoái hoài.
Sự dồn ép và cư xử bất công quá đáng của CS đã đánh thức bản năng tự vệ của con người, đó là phản ứng tất yếu khi bị dồn đến đường cùng, cho dù trong suốt quá trình tranh đấu, người dân tại đây vẫn cho rằng họ không chống nhà nước, vẫn tin tưởng vào nhà cầm quyền, nhưng cung cách phản kháng và ngôn từ bộc bạch cho thấy trong lòng người dân đã nghĩ khác rồi, nói trắng ra họ chẳng còn một chút tin tưởng nào vào cái chế độ vốn dĩ tồn tại bằng gian dối lừa lọc và bạo lực này nữa.
Đối lại, nhà cầm quyền buộc phải khựng lại khi gặp sức kháng cự quyết liệt của người dân lúc ban đầu, để tìm phương án trấn áp mới. Họ cố tình kéo dài thời gian để đặt người dân vào trạng thái mệt mỏi. Trong khi tìm kiếm những người dễ bị mua chuộc, hay có tì vết yếu bóng vía, nhằm phân hóa gây chia rẽ ngay trong thôn xóm, như họ đã từng áp dụng và thành công ở nhiều nơi khác. Sau cùng sẽ sử dụng sức mạnh vũ lực để dứt điểm; nạn nhân sẽ là một ít người bị bắt đi, hay lôi ra toà để lãnh những bản án oan nghiệt, gia đình con cái thì bị bao vậy khủng bố triền miên. Đó là kịch bản mà Nguyễn Đức Chung và đảng CS đang dàn dựng.
Từ vụ Đồng Tâm, Mỹ Đức này người dân khắp nước nhận ra một điểm đặc biệt, tuy đã từ lâu vẫn râm ran trong dư luận, vẫn bàn tán bình luận trong nhóm nhỏ, hay phát biểu của cá nhân trên các trang mạng xã hội, thì nay nó vang dội như sóng dồn, như bão táp, cùng nhau bày tỏ thái độ bất tín nhiệm, hết tin tưởng một cách công khai vào chế đô. Đây chính là yếu tố quyết định sự tồn tại của thể chế độc tài CS, cho dù trong quá khứ, đảng CS dùng tuyên truyền lừa dối để lường gạt, còn người dân tuy biết, nhưng cố cam chịu để sống cho qua ngày, quá lâu nên đã quen chịu đựng mà quên đi cái quyền sống, cái khả năng sẵn có của mình, nay nó được đánh thức dậy, để trở thành sức mạnh phản kháng, thì sức mạnh ấy không có gì ngăn cản được.
Khi niềm tin đã hết, sự tín nhiệm không còn thì chẳng có thứ gì đổi lại được, ngoại trừ đối đầu bằng bạo lực, điều này thì đảng CS đã tiên liệu và đã áp dụng từ lâu, nhờ vào sự tàn bạo và sức mạnh trong tay, nên họ luôn ở thế thượng phong. Phương án lâu này CS áp dụng là sử dụng bả tiền bạc quyền lợi để mua chuộc hoặc khủng bố để đe dọa những người phản kháng. Nhưng hôm nay hoàn cảnh đã khác, nhờ vào thông tin đa chiều, ý thức con người đã thay đổi, nên sức mạnh của lẽ phải, của tính nhân bản đang thắng thế; hơn nữa khi người dân nhận ra mình đã bị lừa, đã bị mất tất cả chỉ vì cả tin, thì dù phải hy sinh tính mạng để bảo vệ những giá trị cao hơn, thì người dân cũng sẵn sàng.
Do vậy chỉ còn một con đường cho tương lai là nhà cầm quyền phải làm theo ý dân hay phải ra đi, trả lại quyền làm chủ đất nước cho người dân mà thôi.
Cám ơn quí thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.
LLCQ