Thursday 27 April 2017

Ngoài lợi ích quốc gia Hoa Kỳ còn phản bảo vệ cả lợi ích quốc tế


Nguyễn Cao Quyền (Danlambao) - Có vẻ như ngày nay, người Mỹ muốn quay về với những khái niệm “lợi ích quốc gia” theo nghĩa hẹp. Không hẳn là một chủ nghĩa cô lập (isolationism) mà đúng hơn là một trạng thái bình thường.

Thật ra ngày nay người Mỹ muốn rũ bỏ những trách nhiệm mà những thế lực trước của đất nước đã nhận lãnh trong Thế Chiến II và trong toàn thời gian của Chiến Tranh Lạnh. Giờ đây, người Mỹ muốn trở thành một “quốc gia bình thường” như những quốc gia khác, muốn quan tâm nhiều hơn tới những nhu cầu riêng tư, và giảm bớt sự chú ý tới những nhu cầu của thế giới.

Sự cảnh báo của Tổng Thống Roosevelt

Sau khi nhảy vào Thế Chiến II, TT Roosevelt đã cảnh báo người Mỹ là họ đang đi vào một thế giới hỗn loạn và vỡ vụn cho nên họ phải hiểu rằng sự thịnh vượng và an ninh quốc gia bắt đầu phụ thuộc vào một nền kinh tế toàn cầu lành mạnh. 

Sách lược tổng thể như trên là một bước ngoặt của Hoa Kỳ đối với cái gọi là “sách lược bình thường”. Ngoại trưởng Dean Acheson cũng nói: “Nước Mỹ phải học cách hành xử như một liên đới trách nhiệm lớn hơn cả lợi ích của bản thân nước Mỹ”.

Sau Thế Chiến II, nước Mỹ đã gây dựng sự phát triển của một “thế giới dân chủ tự do” trong đó hòa bình và thịnh vượng đã có khả năng đâm hoa kết trái ở một thời kỳ có một không hai của lịch sử nhân loại. Mặc dù sự căng thẳng giữa Mỹ và Liên Sô có lúc đã tăng đến mức độ nguy hiểm nhưng về cơ bản phải nói đó là một nền hòa bình thực sự.

Trên thế giới các quốc gia dân chủ tự do tăng lên nhanh chóng. Phần lớn thiên hạ được thụ hưởng một sự thịnh vượng chưa từng có. Về tổng thể phái đánh giá đó là một sự thành công, và thành công đến mức Liên Sô phải sụp đổ. 

Có thể nói trong lịch sử thế giới chưa từng có một quốc gia nào đã đóng một vai trò toàn cầu to lớn như vậy, và cũng chưa có một quốc gia nào có khả năng như thế. 

Lịch sử đã không cáo chung

Chiến thắng của cuộc cách mạng dân chủ tự do Đông Âu và sự̣ sụp đổ của Liên Sô đã khiến cho Francis Fukuyama khẳng định là “lịch sử đã cáo chung”. 

Nhưng lịch sử đã không chấm dứt và nước Mỹ vẫn sáng suốt giữ sách lược ngoại giao tổng thể của TT Roosevelt. Hoa Kỳ đã tiến hành hàng loạt những chiến dịch quân sự như: Panama (1989); Iraq (1991); Somalia (1992); Haiti (1994); Bosnia (1995); Iraq lần thứ hai (1998); Kosovo (1999). Không có một cuộc chiến nào trên đây đe dọa sự sống còn của lợi ích quốc gia Mỹ, mà tất cả chỉ nhằm mục đích bảo vệ và mở rộng không gian dân chủ thông qua việc lật đổ các chế độ độc tài và dẹp tắt các cuộc đảo chính. Tất cả chỉ là để bảo vệ thế giới tự do. 

Thực tế cho thấy người Mỹ ngày nay có vẻ cảm nhận rằng Hoa Kỳ như bị “quá tải” trước sự phức tạp của thế giới. Họ muốn quay lại vị trí bình thường để nước Mỹ có thể giảm thiểu mức độ đóng góp cho nhân loại. Tuy nhiên ý nghĩ muốn rũ bỏ trách nhiệm này không được đa số công nhận.

Đa số không công nhận là vì bây giờ chưa phải là hồi kết của lịch sử mà chỉ là hồi kết của nước Mỹ, hồi kết của phương Tây. Thời gian bẩy chục năm qua mới chỉ là thời gian ân huệ cho cái trật tự thế giới đang hiện hữu. Và cái trật tự thế giới đang hiện hữu đó vốn là một nơi đầy nguy hiểm để không nói là rất tàn bạo.

Bộ mặt thật của trật tự thế giới hôm nay.

Trong trật tự thế giới hôm nay bạo lực vẫn là phương tiện cuối cùng. Việc sử dụng bạo lực vẫn chưa bị trừng phạt. Việc Putin chiếm Crimea của Ukraine là một thí dụ. Không bị trừng phạt, hắn sẽ quen mui thấy mùi ăn mãi. Rồi Trung Quốc cũng sẽ lảm những gì họ muốn làm ở Biến Đông và Biển Hoa Đông nếu họ không bị ngăn chặn. 

Những chỉ dấu suy sụp của trật tự thế giới hôm nay đang xuất hiện ở khắp nơi. Iran và Saudi Arabia, tiến hành chiến tranh ủy nhiệm tại Syria đã làm chết 150.000 người. Syria và Iraq đang hình thành một nhà nước Hồi giáo tại Cận Đông, một nhà nước không cần biên giới. Nếu trào lưu này tiếp diễn thì trong tương lai gần, thế giới tự do dân chủ sẽ càng ngày càng thu hẹp lại. 

Trong cái thế giới tự do dân chủ thu hẹp đó, thân phận nước Mỹ sẽ ra sao? Liệu nước Mỹ có còn sống sót hay không? Có thể nước Mỹ vẫn còn sống sót, nhưng nước Mỹ sẽ phải làm ăn buôn bán với một Trung Quốc nắm quyền thống lĩnh toàn cầu, nước Mỹ sẽ phải lép vế với một nước Nga tái hùng cường, và khi nước Mỹ cảm nhận được nỗi đau đó thì đã lả rất muộn.

Đó là câu trả lời chính xác nhất và đó cũng là để nhắc lại thông điệp của tổng thống Roo-sevelt khi ông kêu gọi: “người Mỹ phải đứng lên bảo vệ không những nhà cửa, đất đai, mà còn cả lòng tin và tình người của mình”. 

Giờ đây nước Mỹ không còn nhiều thời gian để suy đi tính lại. Thế giới chuyển biến nhanh hơn sức tưởng tượng của con người. Hoa Kỳ là siêu cường dân chủ duy nhất đứng đằng sau sân khấu để cứu vãn thế giới. 

Năm lý do khiến Mỹ không thể mất vị thế bá chủ hiện nay. 

Trước sự trỗi dậy của Trung Quốc nhiều người, trong đó có cà người Mỹ, tiên đoán rằng không bao lâu nữa Hoa Kỳ sẽ bị Trung Quốc thay thế trong ngôi vị cường quốc bá chủ của thế giới. Sự tiên đoán này khó đứng vững. Khó đứng vững vì nếu nhận xét một cách thực tế và khoa học thì Trung Quốc chưa thể có năm điều kiện sau đây để trở thành bá chủ.

Thứ nhất là điều kiện kinh tế. Gần đây nền kinh tế của Trung Quốc đã tăng trưởng khả quan nhưng sự tăng trưởng đó mới chỉ là một sự tăng trưởng về kích thước chứ chưa phải là một sự tăng trưởng về chất lượng. Và ngay cả về kích thước thì số lượng tăng trưởng ấy cũng chỉ chạy vào túi một số người trong giai cấp lãnh đạo. 

Hiện tượng nói trên không xảy ra ở nước Mỹ. Vì sao? Vì ở Mỹ nền kinh tế quốc doanh không có chỗ đứng (trừ một và lãnh vực thật cần thiết). Tại Mỹ nền kinh tế tự do là cơ sở căn bản cho hệ thống tài chính toàn cầu. Hơn 80% của khối lượng trao đổi tài chính thế giới được thực hiện bằng đồng đô la Mỹ, và chừng nào đồng đô la này còn được thế giới tin cậy thì uy tín kinh tế của nước Mỹ chưa thể bị ai đánh bại.

Thứ hai là điều kiện về quân sự. Sức mạnh và sự tân tiến của quân đội Hoa Kỳ hiện nay vẫn chưa bị nước nào qua mặt. Ngân qũy quốc phòng Mỹ vẫn là bốn lần ngân sách quốc phòng của Trung Quốc và là 37% ngân qũy quốc phòng của tất cả các quốc gia trên thế giới. Tỷ lệ này sẽ không suy suyển trong thời gian ngắn. 

Quân lực Mỹ được dàn trải trên khắp mặt địa cầu. Gần đây Hoa Kỳ có cắt bớt tài khoản dành cho quân số thì những tài khoản này lại được dùng để làm mạnh thêm cho các binh chủng hải quân và không quân chứ không phải là dấu hiệu của suy nhược. Trung Quốc làm sao theo nổi Mỹ về phương diện này trong thời gian trước mắt.

Thứ ba là điều kiện chính trị. Sức mạnh chính trị của một quốc gia phải được lượng định theo nhiều chiều kích. Đối với nước Mỹ ngoại viện là chất xi măng gắn liền Washington với các thủ đô khác trên thế giới. Từ lâu ngoại viện Mỹ đã trở thành quen thuộc trên khắp nẻo đường của nhân loại và đã đánh bại được nhiều cảnh nghèo đói khổ cực.

Muốn có một chính sách ngoại giao tốt đẹp không phải nước nào cũng có thể làm được. Điều kiện trước tiên cần phải có là sự ổn định trong nước. Vì Mỹ là một nước tự do dân chủ hiến định lâu đời nhất thế giới nên sự ổn định là vấn đề tự nhiên. Năm mươi triêu dân Mỹ hiện nay là những người sinh trưởng tại nước ngoài. Con số này là vô địch. Ai cũng nhìn về nước Mỹ như một thiên đàng hạ giới.

Thứ tư là điều kiện khoa học tiên tiến. Trong chín công ty có trình độ kỹ nghệ cao của thế giới thì tám công ty là của Mỹ. Nếu ta chú ý đến trình độ kỹ thuật siêu đẳng của công nghệ thì phải thấy con số tám nói trên là qúy trọng.

Tuy sinh sau đẻ muộn nhưng Hoa Kỳ cho đến nay lúc nào cũng là quốc gia sản xuất nhiều dầu hỏa và khí đốt nhất thế giới. Các đại học và định chế khoa học của Mỹ được cả thế giới ngưỡng mộ và lúc nào cũng cung cấp cho nước Mỹ đầy đũ những điếu kiện cần thiết để phát triển. Hơn 30% số tiền nghiên cứu khoa học của thế giới đã được chi tiêu tại Hoa Kỳ. 

Thứ năm là điều kiện văn hóa và văn minh. Có thể nói là Mỹ có một nền văn minh và văn hóa tiên tiến nhất thế giới hiện nay. Con số người di cư, bỏ quê cha đất tổ, bỏ nơi chôn rau cắt rốn đến Hoa Kỳ sinh sống chứng tỏ tính ưu việt của hiện tượng này.

Sự phát triển văn minh và văn hóa của Hoa Kỳ là không ai bì kịp. Nếu nhắm mắt lại để tưởng tượng sức mạnh của sự liên hợp của bốn yếu tố kinh tế, quân sự, ngoại giao và khoa học nói trên rồi đem so sánh những điểm này với những gì đã và đang xảy ra tại Trung Quốc thì ta có thể tin rằng Trung Quốc nếu khôn ngoan thì đừng có tham vọng dại dột là chiếm chỗ của Hoa Kỳ. 

Trung Quốc không có khả năng bá chủ thế giới

Phó thủ tướng Trung Quốc Uông Dương hồi đầu tháng giêng 2017 phát biểu rằng: “Chính Mỹ mới là quốc gia đóng vai trò lãnh đạo thế giới. Trung Quốc không có ý định hay khả năng thách thức vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ”.

Nhiều nhà phân tích Mỹ tỏ ra nghi ngờ về câu nói đó nhưng tờ báo The Diplomat có trụ sở tại Tokyo lại cho rằng ông Uông Dương nói rất thành thật. Bằng chứng cho sự thành thật đó khá rõ ràng. Mặc dầu từ ba thập niên qua, nền kinh tế của Trung Quốc có phát triển nhanh chóng nhưng vẫn còn một khoảng cách quá lớn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đặc biệt trong các lãnh vực quân sự và công nghệ. 

Thật ra hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc ngày nay không hề đối nghịch mà trái lại càng ngày càng nối kết với nhau chặt chẽ hơn, càng ngày phụ thuộc vào nhau mật thiết hơn.

Cấu trúc chính trị thế giới ngày nay về cơ bản đã thay đổi vì vậy nó khiến cho ý định làm bá chủ thế giới trở nên lạc hậu để không nói là còn bất khả thi.

Thế giới của chúng ta ngày nay có thể tồn tại và phát triển thịnh vượng mà không cần quốc gia nào làm bá chủ, bất kể quốc gia đó là ai. Nếu cả Washington lẫn Bấc KInh đều ý thức được vấn đề này thì cơ hội hoà bình cho thế giới sẽ sớm được thực hiện và bảo đảm./.

Tháng 4 năm 2017