Dân chủ là ngọn hải đăng của thời đại, và ngọn hải đăng đó đang giúp soi sáng Việt Nam dù chìm trong bóng tối vẫn không bị lãng quên.
Tại Hội trường Dean Acheson sáng 29 tháng 3, 2017, Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đặc trách chính trị vụ Thomas A. Shannon Jr. tuyên đọc tiểu sử của 13 phụ nữ đươc trao Giải Phụ Nữ Quốc Tế Can Đảm 2017 (2017 International Women of Courage Award) trong đó có Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tức blogger Mẹ Nấm.
Giải thưởng được thành lập từ năm 2007 và đến nay đã có trên 100 phụ nữ được vinh danh. Số phụ nữ được giải mỗi năm mỗi khác. Năm 2009 có tám phụ nữ can đảm được vinh danh, nhưng cũng có năm như năm nay, con số lên đến mười ba vị.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là phụ nữ Việt Nam thứ hai được vinh danh. Trước Như Quỳnh, chị Tạ Phong Tần cũng đã được vinh danh vào năm 2013 và chị cũng không có mặt vì lúc đó đang ở trong nhà tù CS.
Để giới thiệu Như Quỳnh, Thứ trưởng Ngoại Giao Thomas A. Shannon, Jr. trịnh trọng tuyên bố:
“Sau hết, chúng tôi vinh danh một phụ nữ, người không thể có mặt tại đây hôm nay: Nguyễn Ngọc Như Quỳnh của Việt Nam và là người khẳng khái phê bình những bất công và vi phạm nhân quyền, một blogger và nhà hoạt động trên liên mạng. Nguyễn đang bị biệt lập tại một trại giam từ tháng Mười năm ngoái sau khi vạch trần sự kiện xả thải, một trong những thảm họa môi trường tệ hại nhất trong lịch sử Việt Nam. Trong khi Nguyễn không thể có mặt cùng với các phụ nữ can đảm khác tại lễ vinh danh này, chúng ta thán phục cô vì đã từ chối để bị im lặng và đã bảo vệ quyền tự do ngôn luận của cô ta. Nguyễn được vinh danh vì quyết tâm của cô để phơi bày những bất công và thối nát, và dùng tiếng nói của mình để bảo vệ các quyền và tự do của con người.”
Hai lần trong đoạn văn ngắn, Thứ trưởng Ngoại Giao Thomas A. Shannon, Jr. đã nhắc đến Việt Nam, quê hương đang bị đày đọa của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Cả hội trường đứng lên vổ tay ca ngợi một phụ nữ can đảm mà họ chưa biết mặt.
Một lần nữa Việt Nam lại bị xếp bên cạnh những nước lạc hậu, đang chịu đựng chiến tranh hay các áp bức chính trị như Bangladesh, Botswana, Columbia, Niger, Papua New Guinea, Yemen, Ethiopia, Mali, Côte d´Ivoire, Tanzania, Togo, Syria, Iraq.
Ngày mai, ngày 5 tháng 4, 2017, Luật sư Nguyễn Văn Đài sẽ được trao giải Giải Nhân Quyền năm 2017 của Liên đoàn Thẩm phán Cộng Hòa Liên Bang Đức (Deutscher Richterbund) trong đại hội của tổ chức này ở Weimar, Đức. Sau buổi lễ trao giải, Tổng thống Đức sẽ tiếp đại diện của Luật sư Nguyễn Văn Đài.
Như vậy, chỉ cách vài hôm, dư luận Mỹ và Đức được nghe nhắc đến Việt Nam. Nhưng Việt Nam mà họ nghe không phải là đất nước phong phú tài nguyên với nguồn lao động dồi dào mà là một Việt Nam sau 42 năm “độc lâp, tự do, hạnh phúc” vẫn chưa thoát ra khỏi những chỉ tiêu tệ hại nhất của loài người, từ ung thư, tham nhũng, môi trường, vi phạm nhân quyền và cơ chế chính trị độc tài đảng trị.
Con người hay tên tuổi chỉ mang tính đại diện và biểu tượng. Các hội đồng xét giải của Mỹ và Đức đều biết Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Nguyễn Văn Đài không chỉ là hai tù chính trị đang sống trong nhà tù CSVN. Vinh danh họ là một cách để qua đó vinh danh những người đang cùng chịu một nỗi đau và cùng nuôi một khát vọng chưa thành.
Một thời gian ngắn nữa, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hay Nguyễn Văn Đài, đối với người Mỹ và Đức, có thể sẽ rơi dần vào quên lãng. Nhưng chắc chắn người dân Mỹ sẽ không quên trong số mười ba phụ nữ được vinh danh năm 2017 tại thủ đô Washington DC có một phụ nữ Việt Nam. Tương tự, dư luận Đức sẽ nhớ có một người Việt Nam đầu tiên được trao Giải Nhân Quyền năm 2017 của Liên đoàn Thẩm phán Cộng Hòa Liên Bang Đức.
Lãnh đạo các quốc gia dân chủ luôn cạnh tranh nhiều khi rất gắt gao cho quyền lợi của quốc gia họ nhưng có một giá trị họ luôn kính trọng và cùng theo đuổi, đó là dân chủ. Dân chủ đã vực dậy nước Mỹ sau một cuộc nội chiến với trên 600 ngàn người bị giết trong bốn năm và chính dân chủ đã giúp phục hưng Tây Đức sau thời kỳ Đức Quốc Xã kinh hoàng.
Dân chủ là ngọn hải đăng của thời đại, và ngọn hải đăng đó đang giúp soi sáng Việt Nam dù chìm trong bóng tối vẫn không bị lãng quên.
Trần Trung Đạo