Friday 22 September 2017

GÁNH HÁT HÒA HỢP HÒA GIẢI - ĐÀO KIỀU CHINH

GÁNH HÁT HÒA HỢP HÒA GIẢI - ĐÀO KIỀU CHINH

    Image may contain: one or more people

Tôi đã làm gì nên tội ? 
Báo Orange County Register : “Kiều Chinh chuẩn bị bước lên khán đài với bộ đồ màu sẫm và búi tóc trông rất đài các.. Một lát nữa đây, bà sẽ nói chuyện trước đám đông trong một sân có cả ngàn chỗ đậu xe thuộc khu Little Sài Gòn. Đây là lần đầu tiên bà xuất hiện tại Quận Cam sau khi bà dự lể khởi công xây dựng một ngôi trường thiện nguyện được bà tài trợ tại quê hương Việt Nam… ..
Đèn truyền hình chiếu sáng khi Kiều Chinh rảo bước qua khán đài được trang hoàng với các dải băng màu đỏ và vàng, màu của lá cờ Nam Việt Nam ngày xưa. Bà bước đến máy vi âm, chờ đợi tiếng vỗ tay”. 
Nhưng không một tiếng vỗ tay hoan hô. Thay vào đó là những nét giận giữ không hề phai trên khuôn mặt những người cùng thế hệ với bà… Một người đàn ông hét lên một từ ngữ thóa mạ nặng nề nhất đối với người Việt tị nạn tại Little Sài Gòn: “Cọng sản!”. 
Tiếng hét này muốn chỉ về bà. Nhiều tiếng hét tiếp theo “Cọng sản! Cọng sản! đi xuống”. Miệng của bà méo đi trong xúc động và bối rối, nhưng bà không thốt được nên lời. Một người trong ban tổ chức đã dìu Kiều Chinh rời khỏi khán đài. Bà tự hỏi trong nước mắt: “Tại sao tôi lại gặp cái cảnh này ?! Tôi đã làm gì nên tội?”


Đó là năm 2.000, một năm sau biến cố chính trị “Trần Trường” tại Quận Cam. Người ta không chấp nhận Kiều Chinh đi ngược lại công cuộc đấu tranh của người Việt Nam. Trong 53 ngày đêm biết bao nhiêu tiếng gào thét uất hận và biết bao nhiêu nước mắt của người Việt đã đổ xuống trước sân tiệm Hitek của ông Trần Trường, người ta dứt khoát đòi CSVN phải trả lại quyền làm người cho dân tộc Việt Nam.
Trong khi đó bà Kiều Chinh âm thầm trở về Việt Nam để cùng CSVN “xây dựng lại đất nước”. Người ta coi đó là hành động phản bội, cũng giống như Jane Fonda đã tươi cười ngồi lên chiếc ghế của một khẩu súng phòng không tại Hà Nội trong khi máu của thanh niên Mỹ đang tuôn chảy tại chiến trường Việt Nam; rõ ràng là Jane Fonda đã phản bội. Kiều Chinh cũng vậy, bà ta thật ngây thơ khi tự hỏi : “Tôi đã làm gì nên tội ?”
Chúng ta có thể tha thứ
Báo Orange County Register đã viết lên nhận xét của bà Kiều Chinh đối với những người Việt tị nạn như là ông Võ Đại Vạn: “Ông ta là một sĩ quan Hải quân khi Sài Gòn sụp đổ, và ông ta không thể quên nổi đau về việc đất nước của ông ta bị đánh bại. Và ông ta không thể tha thứ..”
 Bà cho rằng giờ đây những cựu quân nhân VNCH không chịu về VN bởi vì họ mang mặc cảm của những người thua trận.
“Bà Kiều Chinh nói về cuốn phim “Catfish in Black Bean Sauce” mà bà là diễn viên: “Đối với tôi, thông điệp của cuốn phim là chúng ta là con người, chắc chắn có khi chúng ta phải phạm sai lầm. Tôi cho rằng điều quan trọng mà chúng ta có thể làm là thông hiểu lẫn nhau. Chúng ta có thể tha thứ và quên đi. Chúng ta chăm sóc và yêu thương lẫn nhau”.
Người Việt Nam đã nghe những lời kêu gọi tương tự trong Kinh Chúa, Kinh Phật. Có lẽ khi thốt lên những lời này thì trong thâm tâm Kiều Chinh nghĩ rằng bà đã từ bi và bác ái đúng như lời dạy của các đấng cứu thế…(!). Nhưng trong trường hợp này bà Kiều Chinh đã lầm. Cũng như trước đây minh tinh điện ảnh Jane Fonda đã lầm.
Lúc đó Jane Fonda cũng đã dùng những lời yêu thương để kêu gọi hãy dẹp qua chiến tranh. Tuy nhiên bà chỉ khơi động lòng yêu thương trong các con cái của Jésus Christ nhưng vô tình bà lại ủng hộ bạo lực của những đệ tử của Stalin và Mao Trạch Đông, chính họ là người chủ động gây ra chiến tranh, còn phía bên kia chỉ là bị động. Nếu bà muốn kêu gọi chấm dứt chiến tranh thì hãy kêu gọi bên chủ động tấn công hãy từ bỏ tham vọng chứ không phải kêu gọi những kẻ đang phải chống trả để tự vệ.
Các triết gia Tây Phương như Jean Paul Sart, André Gide cũng đã có một thời ủng hộ bạo lực đẫm máu của Staline, Mao Trạch Đông, Tito….. Nhưng rồi đến năm 1979 thì chính Jean Paul Sart đã hô hào cho một chương trình quyên góp, thuê những chiếc tàu đi vớt người Việt Nam tị nạn đang bị trôi dạt trên Biển Đông. Triết gia đã gặp những người Việt Nam tị nạn; và ông hiểu vì sao người ta phải tránh xa cái chế độ đó, kể cả bằng cái giá là sự chết. Còn Adré Gide thì sống trong ân hận không nguôi.
Cái sai, cái ác vẫn chưa qua
Bà Kiều Chinh cho rằng cái chế độ đó đã chấm dứt từ 25 năm về trước, bà cho rằng nó đã qua. Nhưng hiện nay, ngay khi bà đang ngồi nói chuyện với cháu của bà trong quán cà phê thì vẫn có 2 công an theo dõi bà. Vậy thì chuyện sẽ xảy ra như thế nào cho những người nói xấu chế độ trong cái quán cà phê đó?
Chỉ vì lỡ nói xấu chế độ tại một quán cà phê mà cha của bà phải lãnh cái án 5 năm tù, và anh của bà đã bị 5 năm tù vì tội chơi nhạc chính trị ngoài luồng; thì ngày nay Nguyễn Xuân Tụ bị tù vì tội nói xấu chế độ và Phạm Hồng Sơn cũng vào tù vì tội dịch tài liệu nói về nhân quyền của Hoa Kỳ. Chứng tỏ bà Kiều Chinh đã sai lầm khi bà cho rằng những chuyện đó đã qua.
Càng sai lầm hơn nữa là không những chuyện đó đang xảy ra trong hiện tại mà nó sẽ diễn ra trong tương lai bất tận. Không phải là những chuyện oan khiên đơn giản mà còn có biết bao nhiêu oan khiên còn thê thảm hơn vậy nữa.
Nếu bà Kiều Chinh chịu khó xem tin tức hằng ngày tại Việt Nam thì bà sẽ biết hiện nay mỗi ngày có bao nhiêu bé gái Việt Nam bị bán sang nước ngoài để làm điếm. Hiện nay mỗi ngày có bao nhiêu người con gái Việt Nam cắn răng bước chân ra xứ lạ để làm vợ người ta với 9 rủi 1 may nhằm cứu vãn kinh tế gia đình. Thỉnh thoảng báo chí loan tin có những cô gái Việt Nam chịu nhục nhã, cởi quần áo cho khách buôn người xem xét như là xem xét một món hàng?
Thế nhưng không có một ai lên tiếng chịu trách nhiệm về những thảm cảnh đó.. Và cũng không ai dám lên tiếng bắt ai đó phải chịu trách nhiệm. Trong khi mọi người đều biết đây là trách nhiệm của những người cầm quyền. Nhưng rõ ràng những kẻ đang nắm quyền hiện nay đã có thái độ vô tư với những chuyện đó. Họ coi như nó không hề xảy ra trên cõi đời này. Thậm chí những nạn nhân đến cầu cứu họ thì họ lại đứng về phe kẻ ác mà hăm họa bịt miệng các nạn nhân. Vậy thì có nên truất phế cái chế độ vô nhân đó đi hay không?
Tha thứ cho kẻ cướp đã lấy những cái mà mình vứt bỏ ?
Bà Kiều Chinh nói với phóng viên Orange County Register: “Tôi đã có một ngôi nhà đẹp tại Hà Nội và tôi mất nó. Tôi cũng đã có một ngôi nhà đẹp tại Sài Gòn và tôi cũng mất nó. Vì thế hiện nay tôi đang có một căn nhà khác, nhưng tôi sẽ chẳng quan tâm nếu tôi lại mất nó”.
Bà đã thản nhiên vứt bỏ những căn nhà của bà bởi vì bà kiếm ra nó dễ dàng quá, nó chỉ là một góc sự sản của bà. Sau khi vứt bỏ căn nhà ở chỗ này thì bà lại có một căn nhà khác tại chỗ kia to đẹp hơn, cho nên bà có thể bình thản khi nghĩ tới những lần mất nhà..
Không thể so sánh với niềm đau mất nhà của những người khác, nhất là những phụ nữ khác. Căn nhà của họ tuy không đáng giá là bao so với nhà của bà Kiều Chinh nhưng nó là máu, là thịt của họ. Họ đã nhịn ăn nhịn mặc, bắt cả chồng con dè xẻn để dồn vốn liếng mà tạo dựng lên căn nhà đó. Họ không đủ sức mua liền một lúc như bà Kiều Chinh. Mà họ phải đi gom từng viên gạch, từng hòn đá để lần hồi tạo dựng nên nó. Mới đầu chỉ là cái túp lều khiêm tốn, nhưng rồi với mồ hôi và công sức mới trở nên một ngôi nhà khang trang.
Họ thuộc từng viên gạch trong nhà, họ nhớ xuất xứ của từng thanh sắt đổ sàn bê tông và họ nhớ cả những lần điếng người lo chạy nợ để thanh toán tiền vật liệu hay tiền mua đất. Nhưng họ vẫn vui vì căn nhà đã thành hình trong tiếng cười của trẻ thơ, tiếng nô đùa hằng ngày của con trai, con gái của họ.
Nhưng họ lại không mất nhà một cách đơn giản như bà Kiều Chinh. Nói cho đúng ra là bà Kiều Chinh đã chủ động từ bỏ những ngôi nhà đó mà ra đi. Còn những người phụ nữ khác lại không được như vậy, họ bị đuổi ra khỏi nhà vào nửa đêm với mỗi người hai cái sách trên tay.
Họ ra khỏi nhà trong tiếng gào của mẹ già, trong tiếng khóc của con nhỏ, dưới họng súng của quân ăn cướp. Nửa đêm mẹ con, bà cháu chợt hốt hoảng thấy mình bơ vơ giữa gió lạnh, không biết đi về đâu, sống làm sao, trong khi không biết người chồng có còn sống trong trại tù hay không; hay là đã bị chôn sống trong một rừng hoang nào đó. Dĩ nhiên là những đứa bé cũng không thể nào quên.
Vậy thì ngày nay những người phụ nữ đó có nên trở về VN như bà Kiều Chinh hay không ? Về để nhìn lại căn nhà của mình đang bị quân ăn cướp chiếm ngụ ? Về để nhìn con cháu mình đang còng lưng cúi đầu làm trâu ngựa cho quân gian tà ? Về để thấy cảnh ăn chơi phè phỡn trên lưng của bà con thân thuộc của mình ?!…
Bà Kiều Chinh mạnh miệng cho rằng con cháu sẽ phán xét giữa tinh thần tha thứ của bà với tinh thần hận thù của những ông sĩ quan VNCH. Nhưng có lẽ không cần đợi đến con cháu. Chỉ cần nghe những lời tuyên bố được lập đi lập lại của bà Jane Fonda, rằng bà ta sẽ ân hận cho tới khi xuống mồ… thì đủ biết ai đúng ai sai.
Trước khi nói lên lời tha thứ cho CSVN thì bà Kiều Chinh đã có bao giờ nghĩ tới chuyện nói lên lời cám ơn những người đã đổ máu ra vì tự do, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam hay chưa ? Và bà nghĩ bà có đủ tư cách để nói lên lời cám ơn họ hay không ?
BÙI ANH TRINH