Trung Quốc phản đối phát biểu của Trump về Biển Đông
Trọng Thành
Khu trục hạm US John S.McCain tuần tra Biển Đông, ảnh ngày 22/01/2017.Reuters
Ngày 20/09/2017, sau phát biểu của tổng thống Mỹ Donald Trump tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc liên quan đến Biển Đông, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã lên tiếng phản đối.
Trong bài phát biểu ngày 19/09, tổng thống Mỹ khẳng định có « các thách thức về chủ quyền » tại Ukraina và vùng Biển Đông giàu tài nguyên, nhưng không nhắc đến tên Nga và Trung Quốc. Trong diễn văn nói trên, tổng thống Mỹ nhấn mạnh đến việc tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng biên giới quốc gia, tôn trọng các cam kết hòa bình.
Phản ứng lại thông điệp nói trên của nguyên thủ quốc gia Mỹ, trả lời báo giới, phát ngôn viên Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang), lên án « một số quốc gia » lấy cớ bảo vệ quyền tự do hàng hải để đưa máy bay và chiến hạm đến khu vực Biển Đông. Theo người phát ngôn Trung Quốc, « hành xử này » thách thức chủ quyền của « các quốc gia Biển Đông ».
Đại diện bộ Ngoại Giao Trung Quốc không nêu tên quốc gia nào, nhưng lưu ý là tình hình hiện nay đã được cải thiện do các phối hợp giữa Trung Quốc và ASEAN.
Việc Hoa Kỳ gia tăng tuần tra tự do hàng hải tại Biển Đông trong những tháng gần đây, tại các địa điểm nằm trong khu vực 12 hải lý một số đảo nhân tạo do Trung Quốc quản lý, khiến Bắc Kinh phản đối mạnh, nhưng được một số nước láng giềng hoan nghênh.
Hàn Quốc viện trợ nhân đạo cho Bắc Triều Tiên
Thanh Hà
Kim Jong-Un thăm một nông trại. Ảnh do KCNA công bố ngày 13/09/2017.Reuters
Trong bối cảnh căng thẳng liên Triều gia tăng sau các vụ Bình Nhưỡng bắn tên lửa, bộ Thống Nhất Hàn Quốc ngày 21/09/2017 thông báo Seoul đã thông qua một kế hoạch trợ giúp nhân đạo Bắc Triều Tiên, trị giá 8 triệu đô la. Quyết định trên gây bất bình trong công luận Hàn Quốc.
Thông cáo của bộ Thống Nhất Hàn Quốc giải thích, cử chỉ nhân đạo nói trên hoàn toàn ngoài "mọi tính toán chính trị" và "các chương trình cứu trợ nhân đạo phải được tiếp tục, đó là điều mà quốc tế đã đồng ý, kể cả Hoa Kỳ, Nga và Thụy Sĩ".
Theo Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF, hiện có khoảng 200.000 ngàn trẻ em Bắc Triều Tiên đang bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Do vậy, Seoul dự trù viện trợ 4,5 triệu đô la thực phẩm cho phụ nữ và trẻ em thông qua Chương Trình Lương Thực Thế Giới của Liên Hiệp Quốc, 3 triệu rưỡi còn lại chủ yếu nhằm cung cấp thuốc men cho Bắc Triều Tiên qua trung gian UNICEF.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, công luận Hàn Quốc không mấy tán đồng cử chỉ hòa hoãn nói trên của chính quyền Seoul. Điểm tín nhiệm của tổng thống Moon Jae In đang liên tục sụt giảm.
Bình Nhưỡng : Phát biểu của Trump như tiếng "chó sủa"
Đáp lại bài diễn văn đầu tiên của tổng thống Mỹ, Donald Trump tại Liên Hiệp Quốc, với đe dọa "hủy diệt" Bắc Triều Tiên và mệnh danh Kim Jong Un là "Rocket Man", ngày 20/09/2017, ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho, khi trả lời phóng viên quốc tế tại New York, đã ví những lời lẽ hung hăng đó của lãnh đạo Hoa Kỳ như "tiếng chó sủa" Quan chức này nói thêm : nếu tổng thống Trump tưởng là những lời đe dọa đó làm Bình Nhưỡng chùn bước, thì đúng là ‘’ Mỹ đang mơ ngủ’’. Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên sẽ phát biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào chiều nay 21/09/2017.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, hôm qua 20/09/2017 bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York khẳng định với đồng nhiệm Đức là "tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang trở nên nghiêm trọng từng ngày (...), cộng đồng quốc tế không thể để tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát". Tuyên bố trên được đưa ra vào lúc trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe tuyên bố : "không còn nhiều thời gian" để đưa ra quyết định đối phó Bắc Triều Tiên. Tương tự như Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng đang nghiên cứu " mọi giải pháp ».
Đức bất đồng sâu rộng với Mỹ
Cũng về bài diễn văn của tổng thống Trump về đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên, thủ tướng Đức Angela Merkel trả lời phỏng vấn báo chí tại Berlin hôm qua đã nhấn mạnh "bất đồng rõ rệt" với tổng thống Hoa Kỳ về lời đe dọa "hủy diệt" Bắc Triều Tiên. Theo bà, giải pháp quân sự "hoàn toàn không phù hợp" và Đức chủ trương đối thoại, bởi "mọi khả năng khác đều không có cơ sở". Cho tới nay, Berlin luôn thiên về giải pháp ngoại giao, tương tự như với Iran, để thuyết phục chế độ Kim Jong Un chấm dứt các chương trình phát triển hạt nhân.
Miến Điện : Phật tử cản đường nhân viên cứu trợ cho người Rohingya
Thanh Hà
Người tị nạn Rohingya đứng chờ phát hàng cứu trợ nhân đạo ti Banglades ngày 20/09/2017.Reuters
Một ngày đen tối đối với Hội Chữ Thập Đỏ tại Bangladesh : ngày 21/09/2017, 9 nhân viên cứu trợ cho người Hồi giáo Rohingya Miến Điện tử vong. Nhưng mọi chú ý dồn về sự kiện tối qua ở bang Arakan, hàng trăm Phật tử chận hàng viện trợ nhân đạo cho người Rohingya.
Theo hãng tin Anh Reuters, một chiếc tàu với 50 tấn lương thực, thuốc men đã rời cảng Sittwe để tiếp viện cho người Rohingya còn kẹt lại ở miền bắc bang Arakan, phía tây Miến Điện. Nhưng khi tàu cập bến tối qua, đã có khoảng hàng trăm Phật tử dùng bom xăng ném vào nhân viên hội Chữ Thập Đỏ, ngăn cản họ đưa hàng cứu trợ vào bờ và phân phát cho người Rohingya.
Trong thông cáo chính thức, lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi đưa ra con số 300 Phật tử có liên quan tới vụ này. Cảnh sát đã phải can thiệp, bắn chỉ thiên giải tán đám đông, tái lập trật tự,
Trong khi đó tại Bangladesh, một chiếc xe chở hàng cứu trợ cho người Rohingya, cũng của Hội Chữ Thập Đỏ bị tai nạn vào sáng sớm hôm nay. Xe lao xuống vực làm 9 người chết, hơn một chục người bị thương. Tất cả các nạn nhân là người Bangladesh, đang trên đường chở hàng cứu trợ đến khoảng 500 gia đình người Rohingya. Tai nạn xảy ra tại phía đông nam quận Bandarban, gần biên giới Miến Điện - Bangladesh.
Bạo động bùng lên tại bang Arakan từ ngày 25/08/2017 đẩy hơn 400.000 người Hồi giáo Rohingya tràn sang biên giới giữa Miến Điện và Bangladesh, nhưng phần lớn cộng đồng sắc tộc thiểu số này vẫn ở lại làng quê.
Theo các tổ chức phi chính phủ, số người này đang thiếu đủ mọi thứ, từ lương thực đến thuốc men. Nhà ở của họ phần lớn đều bị phá hủy. Liên Hiệp Quốc tố cáo quân đội Miến Điện tiến hành một cuộc "thanh lọc chủng tộc".
Trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc, phó tổng thống Miến Điện Henry Van Thion hôm qua cam kết "cứu trợ nhân đạo người Rohingya là ưu tiên hàng đầu" của chính quyền Naypyitaw, và các khoản trợ giúp này sẽ được phân phát cho tất cả mọi người, "không có chuyện phân biệt đối xử".
Philippines : Hàng ngàn người biểu tình cảnh cáo tổng thống Duterte
Thanh Hà
Đoàn biểu tình chống Duterte tiến đến Phủ tổng thống Philippines, Manila, ngày 21/09/2017.Reuters
Nhân kỷ niệm 45 năm ngày nhà cựu độc tài Philippines Ferdinand Marcos ban hành thiết quân luật, hôm nay 21/09/2017, hàng ngàn người dân Philippines tuần hành, phản đối chính sách chống ma túy tàn bạo của tổng thống Rodrigo Duterte, một vấn đề đang gây chia rẽ công luận Philippines.
Theo hãng tin Reuters, có rất nhiều thành phần trong xã hội Philippines tham gia cuộc xuống đường hôm nay với những động lực khác nhau : một số lên án chính sách bài trừ ma túy tàn bạo của tổng thống Duterte, số khác thì phản đối kế hoạch chính quyền Manila ban hành thiết quân luật trên toàn quốc. Cũng có những người biểu tình để phản đối lập trường thân Trung Quốc của tổng thống Duterte.
Tham gia biểu tình có nhiều thành phần, từ đại diện của chính giới Philippines đến những chức sắc Giáo hội Công giáo, từ các doanh nhân đến đại diện của các tổ chức đấu tranh cánh tả. Phó tổng thống Philippines Leni Robredo, không thuộc đảng của ông Duterte, sáng nay đã đến dự một thánh lễ tại trường Đại Học ở Manila để nhắc nhở công luận không quên đi quá khứ.
Ngày 21/09/1972, một năm trước bầu cử tổng thống Philippines, do không được quyền tái tranh cử, ông Ferdinand Marcos đã ban hành thiết quân luật. Quyết định này cho phép nhà độc tài Marcos bám trụ quyền lực thêm 14 năm, cho đến khi bị sức mạnh của đường phố lật đổ. Tổng thống đương nhiệm, Rodirgo Duterte lên cầm quyền từ cuối tháng 6/2016, không vẫn bày tỏ lòng ngưỡng mộ Marcos.
AFP thì cho biết, bên cạnh các cuộc tuần hành chống Duterte, có khoảng 8.000 người tập hợp tại một công viên ở thủ đô Manila và 16.000 người tại một nhà thờ gần phủ tổng thống. Những này lên tiếng bảo vệ đường lối của đương kim tổng thống Philippines. Đây là dấu hiệu cho thấy công luận Philippines đang bị chia rẽ hơn bao giờ hết.