Saturday, 30 September 2017

MƠ HOA VÀ DÒNG NHẠC CỦA HOÀNG GIÁC - Biên soạn: Phan Anh Dũng

Nhạc sĩ Hoàng Giác sinh năm 1924. Quê gốc của ông là làng Chèm, nay thuộc phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Cha của Hoàng Giác là một người chơi đàn bầu rất hay nhưng lại ham mê môn quyền anh, từng giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Quyền anh Bắc Kỳ. Bản thân Hoàng Giác cũng là người say mê thể thao. Thuở nhỏ, ông học trường Bưởi.

Từ khi còn là học sinh, ông đã tìm tòi học hỏi nhạc theo các tài liệu sáng tác cũng như hòa thanh của Pháp. Năm 1945 ông viết ca khúc đầu tay "Mơ hoa".

Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, Hoàng Giác cùng gia đình sơ tán lên chiến khu Việt Bắc. Cuối năm 1946, ông sáng tác bài hát "Ngày về" khi còn là một đội viên trong đoàn tuyên truyền của cách mạng được trở về thăm gia đình sau những chuyến đi công tác. Theo Hoàng Giác, đây chính là ca khúc ông ưng ý nhất. Bài này đã được nhiều ca sĩ thu âm. Năm 1948, Hoàng Giác trở lại Hà Nội và là một ca sĩ được nhiều người yêu mến.

Hoàng Giác sáng tác không nhiều, chỉ khoảng 20 ca khúc. Trong số đó, có những bài hát nổi tiếng và vượt thời gian như "Mơ hoa", "Ngày về", "Lỡ cung đàn",... Ông khiêm tốn: "Tôi sáng tác không nhiều và so với các nhạc sĩ cùng thời thì đóng góp của tôi cho nền âm nhạc nước nhà không được bao nhiêu."

Hoàng Giác chuyên sử dụng nhạc cụ là đàn guitar và từng nhiều năm làm giảng viên guitar tại Trường Sư phạm Nhạc-Họa Trung ương và Trường Âm nhạc dân lập.

Hoàng Giác lập gia đình với bà Kim Châu vào năm 1951. Hai ông bà có người con trai là nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.

Ngày 14 tháng 9 năm 2017, Nhạc sĩ Hoàng Giác qua đời tại nhà riêng ở Hà Nội do tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 94 tuổi


           
Một số tác phẩm

    Anh sẽ về
    Binh sếu
    Bóng ngày qua
    Giờ vui tàn
    Hương lúa đồng quê
    Khúc hát thương binh
    Lỗi hẹn
    Lỡ cung đàn
    Mơ hoa
    Ngày đi
    Ngày về
    Quê hương

Viết lời cho ca khúc của Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ (tác giả của Giáo Đường Im BóngNhắn Gió Chiều ...):

    Qua bến năm xưa
    Tiếng hát biên thùy
    Trên đường về


                                              *** Tiểu sử: theo wikipedia 9/27/2017 ***
Thời Kỳ Thành Lập (1938-45) - Xu Hướng Nhạc Tình Duy Nhiên/Lãng Mạn/Trữ Tình - Nhạc Sĩ Ðộc Lập - Người viết: Phạm Duy

Trong xu hướng Nhạc Tình, ngoài những thanh niên soạn nhạc có liên hệ với nhau không ít thì nhiều và họp thành ban, thành nhóm mà tôi đã nói tới trong những chương trước... còn khá nhiều người soạn bài ca ở trong nước, từ Bắc vào Nam, không thuộc nhóm nào, nhưng đã có được một hay hai bài hát hay, nổi tiếng từ những năm 1942-45, cho tới bây giờ vẫn còn được hát. Xin dành một chương để nói tới các tác giả và các tác phẩm đó.

Nhưng có một điều mà chúng ta cần phải biết, là : vào lúc vừa mới được thành lập, phong trào nhạc mới với Xu Hướng Nhạc Tình đã phát triển mạnh mẽ như vậy, đó là nhờ ở các ca sĩ Tân nhạc đầu tiên và các phương tiện phổ biến... Vào lúc đó, ca sĩ cũng không nhiều lắm đâu. Giọng nam thì chỉ có tôi và Tino Thân là hai ca sĩ chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp trong hai gánh hát Cải Lương lưu động là ÐỨC HUY CHARLOT MIỀU và ÁI LIÊN. Còn Kim Tiêu, Ngọc Bảo và Mai Khanh mới chỉ là ca sĩ tài tử, hát tại quán nhạc hay trong những buổi nhạc hội mà thôi.

Cũng chưa hề có ca sĩ hát nhạc Việt tại "hộp đêm khiêu vũ" (dancing night club) là HANOI BAR. Quán nhạc lúc đó cũng hiếm, một phòng trà mang tên THIÊN THAI ở phố Hàng Gai do Ðặng Trần Vận làm chủ, là nơi để cho một giọng nữ tuyệt vời là Thương Huyền xuất hiện vài ba lần và nổi danh từ đó...

Hai giọng nữ khác là Bùi Thị Thái và Minh Ðỗ thì thỉnh thoảng tới hát tại phòng trà Nghệ Sĩ ở phố Bờ Hồ, chủ nhân là vĩ cầm gia (violonist) và chủ lò bánh mì Nguyễn Văn Diệp, "Em-Xi " (MC = master of ceremony) là nhạc sĩ Thẩm Oánh... Ðài Phát Thanh (như Radio Indochine chẳng hạn) cũng là một phương tiện truyền bá Tân Nhạc rất hữu hiệu. Học sinh yêu nhạc còn có thêm cái thú sưu tập những bản nhạc (song sheet) được in ra khổ to, khổ nhỏ và với hình ca nhạc sĩ...

Một nhận xét nữa khá ngộ nghĩnh về Tân Nhạc vào lúc sơ khai, là nhạc tình được mọi người thích nghe, thích hát lúc đó thường là những bài ca ngợi các cô gái như Cô Lái Ðò của Nguyễn Ðình Phúc, hay là Cô Lái Ðò Mơ của Dzoãn Mẫn, Cô Láng Giềng của Hoàng Quý. Rồi khi có Thẩm Oánh kêu gọi Cô Hàng Bán Hoa thì cũng có Hoàng Giác kêu gọi cô hái hoa trong bài Mơ Hoa... Tôi thì mở đầu nghề "viết ca khúc" (songwriter) bằng cách phổ nhạc bài thơ Cô Hái Mơ của Nguyễn Bính. Nhạc tình của Nguyễn Ðình Phúc là bài Cô Lái Ðò, cũng là thơ của nhà thơ này. Lúc đó, Nguyễn Bính là thần tượng của lũ nhạc sĩ mầm non chúng tôi, một thanh niên khác cũng chọn thơ Nguyễn Bính để phổ nhạc. Ðó là Từ Vũ tức Trần Ðỗ Lộc với bài (Cô) Gái Xuân :

Em như cô gái hãy còn xuân
Trong trắng thân chưa nhuốm bụi trần
Xuân đến, hoa mơ hoa mận nở
Gái Xuân giũ lụa trên sông Vân...

Rồi ca dao Việt Nam tuyên truyền cho phong trào Truyền Bá Chữ Quốc Ngữ cũng được Long Châu soạn thành bài Cô Tú, tất cả dân Hà Nội đều nghe, đều hát :

Ai về chợ huyện Thanh Vân
Hỏi thăm cô Tú đánh vần được chưa ?

Sau này, nhạc tình vẫn luôn luôn mang bóng dáng lồng lộng của các cô gái Việt Nam như Cô Sơn Nữ (tức là Sơn Nữ Ca) của Trần Hoàn, Cô Sơn Nữ (tức là Nụ Cười Sơn Cước) của Tô Hải, Cô Hàng Nước (của Vũ Huyến, Cô Hàng Cà Phê của Canh Thân và có luôn cả Cô Tây Ðen (nghĩa là cô gái Việt lấy chồng Tây Ðen) của Vũ Chấn (mà nghệ sĩ Ðức Quỳnh là người lăng xê tại Saigon)...

***
Hoàng Giác




Người con gái Việt Nam da vàng ngày xưa sướng thật. Ðược nhạc sĩ mầm non chúng tôi ca tụng qua những bài như Cô Lái Ðò, Cô Lái Thuyền, Cô Lái Ðò Mơ, Cô Láng Giềng, Cô Hái Mơ... Thẩm Oánh đã có bài Cô Hàng Bán Hoa ... Bây giờ Tân Nhạc có thêm bài Mơ Hoa của Hoàng Giác, cũng xưng tụng Cô Hái Hoa :

Cô hái hoa tươi
Hãy dừng bước chân
Trên đường thầm xa
Tôi nhắn cô em đôi lời
Lòng không lưu luyến
Sao đành cô lãng quên
Quên người gặp gỡ
Trong một chiều mơ...

Thật là thú vị khi thấy rằng các nhà viết nhạc đầu tiên đều có chung đề tài. Hoàng Giác và Thẩm Oánh đã có chung cảm hứng về "cô gái bán hoa". Hoàng Giác lại có chung đề tài với Hoàng Trọng về "cây đàn", qua bài Lỡ Cung Đàn:

Tha thiết gửi mấy cung đàn
Nửa chừng xuân cung đàn lỡ
Ai nhắn người nơi xa ngàn
Nơi phương nghìn năm nát tan
Nơi ấy giờ đây âm thầm
Chiều chiều mơ nơi đầm ấm
Hương khói trầm luân cay nồng
Se tơ làm cho nát lòng
Tìm đâu đây đó thân mến
Chở sầu theo gió về bến
Ðò ngang chung chuyến
Rung mấy đường tơ
Hoà khúc đàn xưa
Thời gian quên đếm ngày tháng
Thuyền tình quên gọi đò ngang
Ngẩn ngơ trên bến
Ðâu những đường tơ
Cùng khúc đàn xưa
Ðôi mắt vời trông hoen mờ
Nửa chừng xuân cung đàn lỡ
Có những nguời đi không về
Xa xôi rồi quên ước thề...

Hoàng Giác còn có thêm những bài hát như Quê Hương, Ngày Về ... Bài Ngày Về nói lên tâm tình của khách phong trần tha hương... "mơ đến em một ngày đằm thắm..." Rồi câu tâm sự : "tung cánh chim tìm về tổ ấm..." vì "nhớ phút chia phôi...tha thiết mong tìm về bạn cũ..." vẫn là tâm tư của thanh niên lãng mạn, lúc nào cũng tự coi mình như con đò lạc bến. Nào có khác chi "con thuyền không bến" hay "con thuyền xa bến" trong Tân Nhạc lúc bấy giờ ?

(Phạm Duy & Hoàng Giác gặp nhau tại Hà Nội năm 2000)

Hoàng Giác tỏ ra là người rất phong phú trong Tân Nhạc vào thuở đầu đời. Ngoài những ca khúc thuộc loại nhạc tình mà chúng ta vừa thấy, ông còn có một bài hát -- 10 năm hay 20 năm về sau -- đã từng làm cho nhiều người trạnh lòng, khi lâm vào hoàn cảnh phải bỏ miền Bắc vào Nam hay bỏ nước mình đi sống ở nước người :

Về quê xưa để sống êm đềm giấc mơ
Về quê xưa tìm bóng những ngày đã qua
Và say sưa cuộc sống bên ngàn lũy tre
Xa lánh cuộc đời khắt khe, trăm đau ngàn thương...
(bài Quê Hương của Hoàng Giác)
*** Nguồn: phamduy.com *** 
             “Cánh chim bạt gió” Hoàng Giác - Trần Lưu 2002

Căn nhà số 124 Hàng Bạc nằm sâu, khuất sau những cửa tiệm buôn bán. Phía dưới số 124, có một tấm biển nhỏ màu xanh với dòng chữ ngay ngắn: Hoàng Giác – dạy guitar
Bóng hình: Mái tóc bạc thưa, khuôn mặt bình dị với giọng nói rõ ràng, chậm rãi, ông đi lại trong căn phòng không có nhiều “dấu vết” của âm nhạc, ngoài một cây guitar điện cũ treo trên tường.

“Người ta viết về tôi cũng nhiều rồi. Cũng không có gì mới cả để anh viết nữa đâu!”. Nói rồi ông đưa ra một tập báo, có mới, cũ và cả những bài được chụp lại một cách cẩn thận. Rót nước, rút một điếu thuốc Thăng Long mời tôi, rồi ông cũng châm một điếu. Tôi giở tập báo xem lướt qua. Ông, vợ ông – bà Kim Châu, con trai ông – nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm… Nhiều thật! Không có dáng của một nghệ sĩ, trông ông giống như một người thợ may hay thợ kim hoàn về già.
               NS Hoàng Giác năm 1949
 Năm 21 tuổi, viết ca khúc đầu tay. –
Nhạc sĩ Hoàng Giác sinh năm 1924, tuổi Giáp Tý, cùng tuổi với cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Ông cụ thân sinh ra ông là một người chơi đàn bầu rất hay, nhưng lại ham mê môn quyền Anh và từng giữ chức Chủ tịch Liên đoàn quyền Anh Bắc Kỳ. Thuở trẻ say mê các môn thể thao, vậy mà ông lại bắt đầu chơi nhạc khi còn là cậu học sinh trường Bưởi. Đầu năm 1945, khi mới 21 tuổi, ông viết bài hát đầu tiên và đây cũng là bài hát được nhiều người biết đến, yêu thích nhất trong những sáng tác của ông – bài Mơ hoa. Nhưng bài mà ông tâm đắc nhất là bài Ngày về, sáng tác vào những ngày cuối năm 1946. Khi đó ông là một đội viên trong đoàn tuyên truyền của cách mạng được trở về thăm gia đình sau những chuyến đi công tác.

Cũng như một số nhạc sĩ cùng thời như Đoàn Chuẩn, Đặng Thế Phong, Doãn Mẫn…, “gia tài” âm nhạc của Hoàng Giác không quá đồ sộ. Thế nhưng cũng như những người bạn ấy, Hoàng Giác đã chứng minh một điều là trong nghệ thuật, số lượng tác phẩm không phải là quyết định. Hoàng Giác có khoảng 20 bài hát qua các thời kỳ, chỉ vừa đủ cho một đêm tác giả. Mỗi bài hát gắn liền với những kỷ niệm, là những cảm xúc chân thật của con người ông về cuộc đời – điều mà ông cho là quan trọng nhất khi sáng tác. Mơ hoa là “một cuộc tình nhỏ”, trong trẻo của người thanh niên vừa bước vào đời; Ngày về là nỗi lòng của kẻ đi xa nhớ về tổ ấm gia đình; Quê hương là cảm xúc khi đi qua những vùng quê trong kháng chiến chống Pháp… Tất cả đều là những nỗi niềm tâm sự của ông với cuộc đời.

Vừa sáng tác, vừa làm ca sĩ. – 
"Lớp nhạc sĩ tiền chiến chúng tôi chẳng còn mấy người, có thể đếm trên đầu ngón tay và hầu hết đã xấp xỉ 80. Năm ngoái 2001 Đoàn Chuẩn đã ra đi! Không biết ai là tiếp theo đây? Trong số đó, hai người tôi mang nhiều ấn tượng sâu sắc nhất là Dương Thiệu Tước và Nguyễn Văn Khánh. Họ cũng đều đã mất. Còn người mà tôi quý mến nhất là anh Dzoãn Mẫn!…”. Ông nói rồi trầm ngâm trong khói thuốc. Người nhạc sĩ, ca sĩ già có lẽ đang quay về, sống lại với những ký ức xa xăm của mình. Cuộc đời mỗi nghệ sĩ ai cũng có những bước thăng trầm, nhưng cái hay, cái đẹp vẫn luôn luôn tồn tại và được mọi người chấp nhận. Ông như người thợ kim hoàn kỹ tính trau chuốt, gửi gắm hồn mình vào mỗi tác phẩm. Không nhiều, nhưng hầu hết đều được lưu danh. Đã có lúc thế này, thế khác, nhưng trước sau, những bài hát như Mơ hoa, Ngày về của ông vẫn luôn được mọi người yêu thích và xếp vào hàng “những tình khúc vượt thời gian”. “Thắng không kiêu, bại không nản! Đó là bản lĩnh cao nhất của người nghệ sĩ chân chính”. Ông nói vậy rồi cất tiếng hát một đoạn trong bài Ngày về: “Tung cánh chim tìm về tổ ấm, nơi sống bao ngày thơ đằm thắm. Nhớ phút chia ly ngại ngùng bước chân đi, luyến tiếc bao ngày xanh…”. Ngày trẻ, không chỉ sáng tác, ông còn là một ca sĩ khá nổi tiếng trong giới âm nhạc miền Bắc.
Khi tôi hỏi ngày trẻ ông có quen biết nhạc sĩ Đặng Thế Phong không, ông nói có biết nhưng không chơi thân vì Đặng Thế Phong là bậc đàn anh. Dù có sự chênh lệch về tuổi tác, nhưng giữa Đặng Thế Phong, Dzoãn Mẫn, Hoàng Giác, Đoàn Chuẩn có sự khá giống nhau về phong cách sáng tác. Họ đều thuộc dòng nhạc tình lãng mạn, sáng tác không nhiều, nhưng lại được nhiều người biết đến. Đó là những “nghệ nhân” tài hoa thực sự trong làng âm nhạc Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20 và đã có công rất lớn tạo nên nền tân nhạc Việt Nam. Họ đều để lại những ca khúc bất hủ, vượt thời gian mà bất cứ ai yêu nhạc đều biết đến.

Hai niềm hạnh phúc – hai niềm tự hào. –
Trong câu chuyện của mình, nhạc sĩ Hoàng Giác cho rằng: Trong cuộc đời mỗi một con người, ai cũng hơn một lần ra đi và niềm vui lớn nhất vẫn là được trở về tổ ấm gia đình. Với ông, đến lúc này có hai niềm hạnh phúc lớn: Có một gia đình đầm ấm hạnh phúc và nhất là tự hào về “tác phẩm” – người con trai đầu của mình – nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, người mà theo ông “đã đóng góp ít nhiều cho nền văn học nước nhà”. Niềm hạnh phúc thứ hai là một số bài hát của ông đã lại được công chúng đón nhận. “Tôi sáng tác không nhiều và so với các nhạc sĩ cùng thời thì đóng góp của tôi cho nền âm nhạc nước nhà không được bao nhiêu. Bây giờ già rồi, cũng không làm được gì nhiều nữa. Vì yêu nghệ thuật và nhớ âm nhạc nên dạy guitar cho thêm vui tuổi già. Phương châm sống của tôi lúc này là: sức khỏe trên hết!. Nhạc sĩ nào có được vài bài hát mà mọi người yêu thích là hạnh phúc lắm rồi!…” Ông nói chậm rãi, rồi lại châm một điếu thuốc, nhấp chén nước. Căn phòng chợt im lặng. Ông trở về với những hoàn cảnh, cảm xúc khi viết các bài hát của mình. Đó là một phần cuộc sống của người nghệ sĩ già khá trầm lặng này. Có lẽ ông đang tiếc nuối một điều gì đó?…
Chẳng bao giờ ông có thể biết được hết những người yêu thích Mơ hoa, Ngày về, cũng như không phải ai thích những bài hát đó đều gặp được tác giả. Nhưng vậy thôi cũng đủ rồi! Mỗi bài hát có một “số phận” và nhạc sĩ Hoàng Giác vẫn luôn thấy say mê, hạnh phúc bởi những “mảnh đời” đó. Ông như một cánh chim bạt gió thời gian, luôn khao khát được trở về với trời xanh tuổi trẻ.

Trần Lưu
     Vĩnh biệt tác giả của Tung cánh chim tìm về tổ ấm...                                 Ca sĩ Ánh Tuyết - 16/09/2017 

"Chẳng phải tôi cao ngạo hay kiêu căng gì đâu, nhưng thấy khán giả vẫn còn nhớ đến những tác phẩm của mình là vui lắm rồi, xuất hiện trước công chúng bây giờ với tôi như thể cậu bé đứng trước lớp trả bài lần đầu tiên, vậy sẽ chẳng biết phải nói gì bởi mình đã gửi gắm hết qua các tác phẩm của mình rồi, những giai điệu đó vẫn còn được vang vọng trong cuộc sống vậy là đã quá hạnh phúc." - NS Hoàng Giác
               

TTO- Vậy là tác giả của 'Tung cánh chim tìm về tổ ấm…' đã đi trọn cuộc đời với dương gian, nơi ông gieo lại những dư âm thật đẹp với Mơ hoa, Ngày về, Quê hương, Lỡ cung đàn, Lỗi hẹn...Cũng là lỗi hẹn rồi, khi tôi đã có ý định sẽ ra thăm ông, trong một ngày đầu thu tới đây tại Hà Nội.

Thế hệ của ông, lớp nghệ sĩ đến với âm nhạc bằng sự nghiêm túc và cái chất tài tử trời cho, đã dần dà trở thành người thiên cổ.

Vẫn biết, thời gian trôi, sinh tử là lẽ thường của đời sống, nhưng có khi nào ta thôi hoài niệm về cái đẹp, về những chân dung tỏa sáng giữa đời thường trong tâm khảm của bản thân chúng ta.

Vẻ đẹp dung dị mà sâu sắc

Nhạc sĩ Hoàng Giác sáng tác không nhiều (trên dưới 20 tác phẩm âm nhạc) nhưng với ca khúc nào ông cũng để lại dấu ấn.

Bản thân ông từng tâm sự rằng "Tôi sáng tác không nhiều và so với các nhạc sĩ cùng thời thì đóng góp của tôi cho nền âm nhạc nước nhà không được bao nhiêu".

Thế nhưng, nhắc đến lớp tác giả tiền chiến thì không thể không nhắc đến cái tên Hoàng Giác. Âm nhạc của ông bao giờ cũng ẩn chứa một vẻ đẹp dung dị nhưng lại trang nhã, sâu sắc, từ ca từ, giai điệu đến hình tượng trong tác phẩm.

Ông cũng lựa chọn cho mình cách sống như vậy, không phô trương, ồn ã, để có thể cảm nhận đời sống theo cách riêng của mình, và ông đã luôn giữ được niềm hạnh phúc giản đơn mà bình yên đó suốt gần một thế kỷ qua, bên những người thân yêu nhất.

Hơn ai hết có lẽ nhạc sĩ Hoàng Giác là người hiểu rõ xúc cảm "Tung cánh chim tìm về tổ ấm" trong nhạc phẩm Ngày về bất tử của chính bản thân ông.

Sở dĩ tôi vẫn tâm niệm rằng, nhạc sĩ Hoàng Giác là một trong những nghệ sĩ tài hoa của âm nhạc Việt Nam, bởi lẽ tuy viết không nhiều, nhưng tác phẩm nào khi ra đời cũng để lại dấu ấn.

Tôi được biết, mỗi khi có cảm hứng sáng tác, nhạc sĩ Hoàng Giác thường suy nghĩ rất lâu, đặc biệt ở mỗi bài hát ông luôn luôn có một hai câu thơ làm lời đề từ cho tác phẩm như "Ngày đi trăm nỗi hẹn hò. Ngày về vắng bóng con đò bến xưa" hay "Quê ai khói lửa ngập trời. Con tim se sắt trông vời quê tôi…".

Đến khi hình thành giai điệu cũng như ca từ, ông đều để người thân, bạn bè nghe đi nghe lại nhiều lần rồi mới hoàn thiện tác phẩm.

Sự chỉn chu và nghiêm túc đó xuất phát từ quan điểm của chính bản thân ông rằng " sáng tạo nghệ thuật là bởi sự rung cảm thực sự của trái tim mình, âm nhạc không có chỗ cho những cảm xúc giả tạo".

Bởi thế, khi không còn cảm hứng, nhạc sĩ Hoàng Giác đã thôi sáng tác, ông chuyên tâm biểu diễn và giảng dạy Tây Ban Cầm, mang âm nhạc đến với cuộc đời qua một hình thức khác.

Những câu chuyện âm nhạc không dừng lại…

Lớp học Tây Ban Cầm của ông tại phố Hàng Bạc suốt một thời gian dài là khoảng không gian khó quên của lớp thanh niên thủ đô nhiều thế hệ, không chỉ đơn thuần là dạy kỹ thuật chơi đàn, ông còn gợi mở cảm xúc cho mỗi người khi đắm mình trong âm nhạc.

Đôi lần đến thăm, tôi vẫn gặp những người học trò cũ - mới ngồi trò chuyện hàng giờ với ông trong căn phòng nhỏ nhưng vẫn toát lên vẻ chỉn chu của nếp sống Hà Thành.

Họ có người là nhạc công, có người là doanh nhân, có người chỉ đơn giản làm lao động phổ thông bình thường, điểm chung là niềm say mê âm nhạc đã được người nhạc sĩ lão thành truyền thụ.

Những câu chuyện âm nhạc đó, tôi nghĩ sẽ không bao giờ dừng lại…

Thời gian qua với sự bùng nổ của các live show, sự kiện âm nhạc tôn vinh các nhạc sĩ, đặc biệt là những nhạc sĩ lão thành có sự đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam; cá nhân tôi được biết có khá nhiều cá nhân, tập thể trong và ngoài nước muốn tổ chức một đêm nhạc vinh danh nhạc sĩ Hoàng Giác tại thủ đô Hà nội thế nhưng ông đều nhã nhặn từ chối.

Bất chợt tôi chợt nhớ tới ca khúc Mơ hoa của ông - một ẩn dụ cho cái đẹp, tượng trưng đầy ước lệ là thế, nhưng sao bao năm qua người ta vẫn say mê , có lẽ những "cô hái hoa" ấy sẽ luôn "dừng bước chân" thật lâu trong tâm hồn mỗi người, khi chúng ta thực sự rung động với muôn vàn cái đẹp hiện hữu giữa đời sống mỗi ngày.

Giờ đây, thể phách tinh anh đó đã rời xa chúng ta, thế nhưng giấc "Mơ hoa" trong tâm cảm người nhạc sĩ yêu đời, yêu người sẽ còn ở lại mãi bên đời…

Với cuộc đời, ngoài những bản tình ca, có lẽ nhạc sĩ Hoàng Giác còn mang đến cho chúng ta một nhà thơ khá nổi tiếng - người từng được mệnh danh là "hoàng tử của thơ tình Việt nam" một thuở, đó là nhà thơ - nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm, trưởng nam của ông.

Nhạc sĩ Hoàng Giác không hay nói nhiều về con trai. đôi lần gặp gỡ hai cha con, tôi cứ ngỡ họ là bạn văn, và là một tình bạn vong niên bởi sự gần gũi ấm áp nhưng đầy lễ nghĩa qua cách trò chuyện.

Với một người làm nghệ thuật, có lẽ không gì hạnh phúc hơn khi thế hệ tiếp nối tình cảm tư tưởng của bản thân mình lại là những người thân yêu trong gia đình. Nhạc sĩ Hoàng Giác đã thực sự có được hạnh phúc đó.
                             
                                      Ca sĩ Ánh Tuyết trình bày Mơ Hoa (Youtube)
                               Nhạc phẩm của Nhạc sĩ Hoàng Giác
                                                 
Lỡ Cung Đàn - Tiếng hát:  Anh Ngọc    Thanh Lan    Ngọc Hạ       Châu Hà
Ngày Về - Tiếng hát: Hà Thanh    Anh Ngọc      Hương Lan
Bóng Ngày Qua - Tiếng hát: Tâm Vấn  Jo Marcel   Hà Thanh  Mai Hương  Khánh Ly
Quê Hương - Tiếng hát: Hà Thanh   Trúc Mai
Ngày Đi - Tiếng hát: Mai Hương
Ngày Trở Lại -  Tiếng hát: Mai Hương    Tâm Hảo    Mộc Lan
Anh Sẽ Về -  Tiếng hát: Mộc Lan
Hương Lúa Đồng Quê - Tiếng hát: Hà Thanh
Khúc Hát Thương Binh -  Tiếng hát: Thanh Lan
                                        
Tiếng Hát Biên Thùy (nhạc: Nguyễn Thiện Tơ, lời: Hoàng Giác) - Tiếng hát: Anh Ngọc
Trên Đường Về (nhạc: Nguyễn Thiện Tơ, lời: Hoàng Giác) - Tiếng hát: Tâm Hảo
Qua Bến Năm Xưa (nhạc: Nguyễn Thiện Tơ, lời: Hoàng Giác) - Tiếng hát: Khánh Ly

 
Những bóng hồng trong thơ nhạc: Ngày về trong giấc mơ hoa- Hà Đình Nguyên

Số tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Giác chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng trong số đó đã có 2 tuyệt phẩm là Mơ hoa và Ngày về. Đó là niềm hạnh phúc và cũng là “tai ương” cho tác giả.

Định mệnh đã đưa đến cho nhạc sĩ Hoàng Giác một người vợ “trên cả tuyệt vời” để đồng cam cộng khổ, để là điểm tựa tinh thần cho chồng trong giai đoạn lao đao nhất của đời mình. Nói về sắc đẹp, bà Kim Châu (vợ nhạc sĩ) được tôn vào hàng “giai nhân đất Hà thành”. Biết bao chàng công tử phong lưu cầu cạnh được kề cận bên người đẹp, thế nhưng bà Kim Châu đã rũ bỏ tất cả để về “nâng khăn sửa túi” cho chàng nhạc sĩ tuy nghèo nhưng rất mực tài hoa, đúng như ước nguyện của mình.
Hoàng Giác sinh năm 1924, gốc làng Chèm (xã Thụy Phương, Từ Liêm, Hà Nội). Làng Chèm có nghề làm chả giò truyền thống trong câu thành ngữ “giò Chèm, nem Vẽ”. Cha của ông là một nghệ nhân chơi đàn bầu rất hay đồng thời cũng là một võ sĩ quyền anh, từng giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Quyền anh Bắc kỳ. Hoàng Giác được theo học ở Trường Bưởi – một ngôi trường rất nổi tiếng thời đó. Bạn học cùng lớp với ông nhiều người sau này trở thành những nhạc sĩ nổi tiếng như Dzoãn Mẫn (tác giả Biệt ly), Ngọc Bích (tác giả Mộng chiều xuân), Đoàn Chuẩn (tác giả Thu quyến rũ)… Hoàng Giác được học nhạc trong nhà trường nhưng cũng giống bạn bè đồng lứa, còn mày mò tự học thêm. Những sáng tác đầu tay của thế hệ ấy đa phần ra đời trong giai đoạn này.

Người đẹp Hà thành
Nhưng bản nhạc đầu tay của Hoàng Giác không phải làm tặng cho… người đẹp Kim Châu. Ông kể: “Lúc bấy giờ, chúng tôi phần nhiều ở lứa tuổi 18, 19, cho nên rất mơ ước có những bài hát của người Việt làm với lời Việt. Lứa tuổi chúng tôi lúc đó hầu hết là học sinh, đều say sưa viết. Mơ hoa cũng là một trong những bài tôi viết thời đó. Đấy là năm 1945, tôi vừa tốt nghiệp Trường Bưởi, ở gần nhà tôi có một thiếu nữ trong Hà Đông ra, cô mới tuổi 16 thôi. Dáng người cô thon nhẹ, tóc dài. Chúng tôi gặp gỡ, trao đổi và có những tình cảm quyến luyến như những chàng trai, cô gái tuổi mới lớn khác. Nhìn cô, tôi liên tưởng ngay đến các cô ở làng hoa Ngọc Hà mà sáng sáng tôi hay gặp trên đường đi học. Thế là tôi mơ ước viết một bài để tặng cô ấy, tức nhiên trong lòng đã mang một giấc mơ. Và đấy là bản nhạc đầu tay trong cuộc đời sáng tác của tôi”.

Bà Kim Châu thời trẻ

Không chỉ biết sáng tác, cậu thanh niên Hoàng Giác còn sở hữu một giọng hát trầm ấm và điêu luyện, thế nên cô thiếu nữ – hoa khôi đường Quán Thánh sau vài lần theo bố mẹ đến dự những buổi trình diễn ca nhạc ở Nhà hát Lớn đã thấy hồn mình rung động, thầm ao ước chàng nghệ sĩ hào hoa kia là ý trung nhân của mình.
Cách mạng tháng Tám 1945 bùng nổ, Hoàng Giác hăng hái tham gia. Trong Tuần lễ vàng ở Hà Nội, Hoàng Giác đăng đàn diễn thuyết. Tài ăn nói của chàng đã thu về nhiều thắng lợi cho ngân sách của chính phủ non trẻ. Trong đám đông đứng nghe, có cả “giai nhân đường Quán Thánh”, cô lặng lẽ tháo tất cả vòng, xuyến bỏ vào thùng ủng hộ cách mạng. Và cũng như những buổi nghe hát ở Nhà hát Lớn, trong tâm tư cô cũng thổn thức ước nguyện.
Nhưng cái anh chàng “phổi bò” kia thì lại quá vô tình… chẳng biết gì sất! Đến khi toàn quốc kháng chiến, Hoàng Giác tham gia Đoàn Tuyên truyền xung phong và một tuyệt phẩm nữa được ra đời vào năm 1947, ca khúc Ngày về: “Tung cánh chim tìm về tổ ấm. Nơi sống bao ngày giờ đằm thắm. Nhớ phút chia ly, ngại ngùng bước chân đi. Luyến tiếc bao ngày xanh… Tha thiết mong tìm về bạn cũ. Nhưng cánh chim mịt mùng bạt gió. Vắng tiếng chim xanh ngày vui hót tung mây. Mờ khuất xa xôi nghìn phương…”.
Tác phẩm của Hoàng Giác không chỉ có Mơ hoa và Ngày về mà còn có cả Lỡ cung đàn, Quê hương, Hương lúa đồng quê, Bóng ngày qua… và ba ca khúc hợp soạn với nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ Tiếng hát biên thùy, Qua bến năm xưa và Trên đường về; nhưng nhắc tới Hoàng Giác là người ta nhớ ngay đến hai ca khúc đầu tiên, đặc biệt là Ngày về – nhạc sĩ đã làm trên đường công tác được về thăm nhà.
Năm 1951, sáu năm sau những rung động đầu tiên trong tâm hồn thanh khiết của “giai nhân đường Quán Thánh” – định mệnh hình như cũng biết được tâm nguyện thầm kín của nàng nên đã run rủi cho song thân của Hoàng Giác cậy nhờ mai mối đi hỏi cô Kim Châu cho con trai họ. Cả Hà Nội xôn xao. Bao nhiêu chàng trai thất vọng. Cũng có người can ngăn bố mẹ nàng không nên gả con gái cho “thằng nghệ sĩ nghèo rớt mồng tơi”. Thế nhưng có ai biết được ước mơ của nàng, và nàng đã hân hoan chấp nhận lời cầu hôn. Thế là người đẹp Kim Châu trở thành “bà Hoàng Giác” năm 19 tuổi.
Cuộc sống êm đềm của đôi vợ chồng Hoàng Giác – Kim Châu chỉ kéo dài được khoảng hơn 15 năm thì tai họa ập xuống, khi chính quyền Sài Gòn thời ấy “cắc cớ” chọn bài Ngày về làm nhạc hiệu cho chương trình “Tiếng chim gọi đàn” (tên một bài hát của nhạc sĩ Hoàng Quý) – một chương trình “chiêu hồi”. Dạo ấy, chính quyền miền Nam đã sử dụng khá nhiều ca khúc của “phía bên kia” như bài Tiếng gọi thanh niên của Lưu Hữu Phước trở thành quốc ca, rồi Sơn nữ ca, Lời người ra đi của Trần Hoàn, Thiên thai, Bến xuân của Văn Cao… nhưng Ngày về lại rơi vào trường hợp “nhạy cảm” nhất cho nên không chỉ tác giả mà cả gia đình của ông cũng chịu nhiều hệ lụy. Tai họa này đã biến bà Kim Châu từ một người vợ yếu đuối đã tự gắng gượng và trở thành “lao động chính”, một mình bà phải chạy vạy, lo toan chuyện cơm áo để nuôi sống chồng con. Đằng đẵng suốt bao nhiêu năm trời bà cặm cụi may vá, đan len thuê kể cả phết hồ dán bao bì. Bà không từ chối bất cứ việc gì, cho dù là nhỏ nhặt hoặc lao nhọc, miễn sao đem lại cho bà chút tiền để khả dĩ mua được thức ăn nuôi sống gia đình.
Cực khổ như thế nhưng đó cũng là thời gian bà cảm thấy rất hạnh phúc, vì bà không chỉ được chia sẻ hoạn nạn với ông mà còn thấy… ông che mặt khóc khi chứng kiến vợ mình quá cơ cực. Và với bà, như thế cũng là một sự đền bù ấm áp.
Hà Đình Nguyên

                                      
                   
                 
 Nhạc sĩ Hoàng Giác chia xẻ: “Năm 1945, tôi vừa tốt nghiệp trường Bưởi, ở gần nhà tôi có một thiếu nữ trong Hà Đông ra, cô ấy mới 16 tuổi. Dáng người cô thon nhẹ, tóc dài. Chúng tôi gặp gỡ, trao đổi và có những tình cảm quyến luyến như những chàng trai cô gái mới lớn khác. Nhìn cô, tôi liên tưởng ngay đến các cô ở làng hoa Ngọc Hà mà sáng sáng tôi hay gặp trên đường đi học. Thế là tôi mơ ước viết một bài hát để tặng cô ấy, tất nhiên, trong lòng đã mang một giấc mơ. Thế là “Mơ hoa” ra đời và là bản nhạc đầu tay trong cuộc đời sáng tác của tôi”.

Những rung động đầu đời trong trẻo đã dẫn lối cho ông vào đề một cách rất tự nhiên “Cô hái hoa tươi, hãy dừng bước chân/ Trên đường thầm xa, tôi nhắn cô em đôi lời/ Lòng không lưu luyến, sao đành cô lãng quên/Quên người gặp gỡ, trong một chiều mơ”. Thế nhưng điều ít ai ngờ là khi nhạc sĩ Hoàng Giác chưa bao giờ có dịp bày tỏ lòng mình. Và chàng sinh viên lãng tử ấy đã gửi gắm tất cả lòng mình vào bài hát đầu tay của mình. Những tưởng khi ca khúc Mơ Hoa được hoàn thành, chàng lãng tử Hoàng Giác sẽ có trọn trái tim người trong mộng thì cô gái kia đã trở về Hà Đông và kết hôn với một người đàn ông ở làng lụa Vạn Phúc. Giấc “mơ hoa” ấy của nhạc sĩ Hoàng Giác bất thành nhưng ông đã đặt những dấu ấn đầu tiên của mình trên con đường âm nhạc. Và có lẽ chính ông cũng không thể ngờ rằng ca khúc đầu tay ấy của mình lại là chiếc cầu nối đưa ông đến với tình yêu và hạnh phúc đích thực của đời mình.

(Trích bài Nhạc sỹ Hoàng Giác: Hơn 60 năm một giấc “Mơ hoa” của Đỗ Anh Vũ – Thiên Anh)
 
                               
 
                                    NS Hoàng Giác tâm sự về bản nhạc Lỡ Cung Đàn (MP3)
                            Thu Hà hát Lỡ Cung Đàn (Youtube) - lời mở đầu của NS Hoàng Giác
                           
                              
 
 
Tung cánh chim tìm về tổ ấm
Chỉ nghe một câu ngắn ngủi này thôi là người dân miền Nam Việt Nam ngày trước ai cũng biết và nghĩ ngay tới chương trình Chiêu hồi của chính phủ Việt Nam Cộng hòa trước 75.
 
Tung cánh chim tìm về tổ ấm
nơi sống bao ngày giờ đằm thắm
nhớ phút chia ly, ngại ngùng bước chân đi
luyến tiếc bao ngày xanh


Đó là 4 câu đầu của bài hát Ngày về của Hoàng Giác mà người miền Nam ngày trước ai cũng nằm lòng.

Đầu năm 1945, khi mới 21 tuổi, Hoàng Giác viết bài hát đầu tiên, bài "Mơ Hoa". Đây là bài hát được nhiều người biết đến và yêu thích nhất trong những sáng tác của ông. Nhưng bài mà ông tâm đắc nhất là bài Ngày về. Cũng năm 1945 đó, Cách mạng tháng Tám chống Pháp bùng nổ, cũng như những người yêu nước chống ngoại xâm lúc ấy, Hoàng Giác hăng hái tham gia. Đến khi toàn quốc kháng chiến, ông tham gia Đoàn Tuyên truyền xung phong và tuyệt phẩm "Ngày Về" được ra đời sau đó, vào những ngày cuối năm 1946. Hoàng Giác đã làm bài này trên đường trở về thăm gia đình sau những chuyến đi công tác xa nhà.
Mượn hình ảnh con chim lạc đàn, tác giả bộc lộ nỗi nhớ nhung gia đình, quê hương, bạn bè và người thương: “Tung cánh chim tìm về tổ ấm, nơi sống bao ngày giờ đằm thắm, nhớ phút chia ly, ngại ngùng bước chân đi, luyến tiếc bao ngày xanh”. Nội dung bài hát xoáy vào nỗi đau của người tình bị thất hẹn và kết thúc bằng lời than thở, ví số phận cô đơn của mình “như bóng con đò lạc bến, lờ lững trôi qua cùng ngày tháng phôi pha”.
                                       

Vào năm 1963 chính phủ Việt Nam Cộng Hòa chọn bài Ngày Về của ông làm nhạc hiệu cho chương trình “Tiếng chim gọi đàn”, trong chiến dịch Chiêu Hồi, đề ra để kêu gọi các thành phần của Mặt trận giải phóng miền Nam và bộ đội miền Bắc buông súng quay về với chính phủ VNCH để hợp tác hoặc trở về với gia đình để làm ăn sinh sống trong chính thể Tự Do của miền Nam... 
                        
 
 
                   
Như vậy đã hơn 60 năm đã đi qua, hai ông bà đã trải qua rất nhiều thăng trầm cuộc sống nhưng hình như tình cảm ngày đầu ấy chưa hề phai nhạt. Ở tuổi gần chín mươi ông bà vẫn xưng hô với nhau là anh em như thủa ban đầu. Khi đến thăm ông bà tôi đã thật sự cảm động khi nghe giọng bà nhẹ nhàng: “Em lấy cho anh cái áo tiếp khách nhé”. Ông trả lời từ tốn: “Ừ, em lấy cho anh cái áo sơ mi kẻ sọc trắng hồi sáng ấy”. Còn vợ ông, tiểu thư Kim Châu ngày nào vẫn nói về ông với nguyên vẹn sự yêu thương và tự hào: “Ông nhà tôi hóm lắm cô ạ, có hôm đi tập thể dục về ông khoe hôm nay vừa được dự buổi hòa nhạc các tác phẩm của mình. Hóa ra ông ấy đi bộ và chợt nghe nhà ai đó mở các bài Ngày về, Mơ hoa, Lỡ cung đàn… ông dừng lại nghe chăm chú rồi cảm thấy rất vui”.  Tôi chưa thấy một cặp vợ chồng già nào xưng hô anh em và nói chuyện với nhau tình tứ, lịch lãm như thế bao giờ.
Chia tay chúng tôi nhạc sỹ Hoàng Giác không khỏi bùi ngùi, ông tâm sự: “Tôi sáng tác không nhiều và so với các nhạc sĩ cùng thời thì đóng góp của tôi cho nền âm nhạc nước nhà không được bao nhiêu. Bây giờ già rồi, cũng không làm được gì nhiều nữa. Vì yêu nghệ thuật và nhớ âm nhạc nên dạy guitar cho thêm vui tuổi già. Phương châm sống của tôi lúc này là: sức khỏe trên hết! Nhạc sĩ nào có được vài bài hát mà mọi người yêu thích là hạnh phúc lắm rồi!…”. Ông nói chậm rãi, rồi nhấp chén nước. Căn phòng chợt im lặng. Ông trở về với những hoàn cảnh, cảm xúc khi viết các bài hát của mình. Đó là một phần cuộc sống của người nghệ sĩ già khá trầm lặng này. Có lẽ ông đang tiếc nuối một điều gì đó?… Nhưng chỉ cần hai tuyệt phẩm Mơ hoa và Ngày về thì lịch sử tân nhạc Việt Nam chắc chắn mãi mãi ghi dấu tên ông.
 (Trích bài Nhạc sỹ Hoàng Giác: Hơn 60 năm một giấc “Mơ hoa” của Đỗ Anh Vũ – Thiên Anh)

                         
                   Tác Phẩm của Nhạc sĩ Hoàng Giác - Chu Văn Lễ biên soạn (Youtube) - 9/2017
                             NS HOÀNG GIÁC - Một Thoáng Hương Xưa - Bích Huyền thực hiện
                             NS HOÀNG GIÁC - Chương trình Thơ Nhạc - Bích Huyền thực hiện
   "70 NĂM TÌNH CA TÂN NHẠC VIỆT NAM - NS HOÀNG GIÁCdo Hoài Nam - SBS Úc Châu thực hiện (MP3)

                                 
 
 
                              
 
 
      
 
                 
 
 
 
    
                                  
 
 

   Nhạc sĩ Hoàng Giác: Tiếng lòng xưa bên giấc "Mơ hoa"...
                                               Ca sĩ Ánh Tuyết - 02/06/2013

TT - Năm 1973 còn bé xíu, ca hát líu lo một cách say mê, tham gia cuộc thi văn nghệ của Hướng đạo Việt Nam tại chân núi Sơn Trà (Đà Nẵng), không hiểu sao tôi lại chọn cho mình tác phẩm Quê hương của nhạc sĩ Hoàng Giác.
                         Nhạc sĩ Hoàng Giác và ca sĩ Ánh Tuyết với ca khúc Quê hương trong chương trình Ký ức thời gian năm 2005 - Ảnh: Nguyễn Thế Thục

Một bản tình ca đẹp nhưng đượm buồn với giai điệu quyến luyến cùng những lời ca u hoài da diết, Ai qua miền quê binh khói, nhắn giúp rằng nơi xa xôi..., đặc biệt ở đoạn Luyến tình quê, luyến tình quê, hẹn sẽ trở về cùng nỗi niềm ước mong hết sức bình dị trong phần điệp khúc Về quê xưa để sống êm đềm giấc mơ, về quê xưa tìm bóng những ngày đã qua... đã gợi mở sự cảm nhận và ghi dấu trong tâm hồn non trẻ của tôi sự rung cảm sâu sắc.

Không biết ông có nhớ không cái ngày tháng đó của năm 1987. Tôi ra Hà Nội biểu diễn, được một người quen đưa đến gặp nhạc sĩ Hoàng Giác tại nhà ông ở phố Hàng Bạc, dù chưa hề biết tôi nhưng ông thật nhiệt tình niềm nở đón mời. Tôi giới thiệu mình và khoe thành tích nhờ bài Quê hương của ông mà tôi đoạt giải năm 12 tuổi. Ông đã thật vui với nụ cười hiền, mang lại cho cô ca sĩ trẻ là tôi lúc ấy một cảm giác an lành và như đã thân quen từ lâu.

Kể từ đó cứ mỗi lần có dịp ra Hà Nội là tôi tranh thủ thời gian đến thăm ông. Rồi cũng chính thời gian đã giúp tôi thêm hiểu vì sao những Tung cánh chim tìm về tổ ấm, nơi sống bao ngày giờ đằm thắm... (Ngày về), rồi Trên đường thầm xa, tôi nhắn cô em đôi lời, dù hoa quên bướm, nhưng lòng ta khắc ghi... (Mơ hoa), và Nửa chừng xuân cung đàn lỡ. Ai nhắn người nơi xa ngàn. Tơ vương nghìn năm nát tan... (Lỡ cung đàn) hay Bóng ngày qua, hay Hương lúa đồng quê, và cả những ca khúc ông cùng viết với người bạn thân là nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ lại có sức lay động lòng người lâu bền đến vậy.

Hoàng Giác à? Không biết!

Nhạc sĩ Hoàng Giác nay đã gần tuổi 90, âm nhạc vẫn giúp ông có được sự khỏe khoắn và minh mẫn. Căn nhà số 124 Hàng Bạc nằm khuất sau con hẻm nhỏ xíu xiu, sau những cửa tiệm buôn bán, phía dưới có tấm biển màu xanh với dòng chữ đẹp nắn nót “Hoàng Giác - dạy guitar”, lớp học mà hôm xưa tôi đến chơi nay chỉ còn trong ký ức. Ông đã chuyển về địa chỉ 115 A8 Đầm Trấu, một khu đô thị mới được xây dựng hơn chục năm nay.

Đến thăm ông, tôi phải đi vòng vèo hỏi đường suốt, ngạc nhiên ở chỗ hỏi cả khu mà chẳng có người biết Hoàng Giác là ai... Không biết ở đâu cả, người đàn ông ngồi trong nhà vọng ra bảo tôi qua công an phường bên cạnh mà hỏi. A! Mình ngu thiệt... Tôi bước vào hỏi anh công an ngồi cạnh cửa, anh bảo tôi vòng phía sau hỏi anh công an quản lý khu vực chắc chắn sẽ rõ. Tôi vui trong bụng nghĩ lần này mình sẽ biết thôi, liền vòng ra sau gặp anh công an khu vực nhưng... ôi trời, buồn và thất vọng quá, anh công an trẻ tỏ vẻ ngạc nhiên và hình như đang tâm trạng không vui, khi nghe tôi hỏi tìm nhà nhạc sĩ Hoàng Giác anh đáp gọn “không biết”. Trời, quản lý khu vực chi lạ rứa?!...

Quay ra đường tôi cất giọng hát Tung cánh chim tìm về tổ ấm, anh chàng xe ôm ngay trước trụ sở phường trố mắt nhìn tôi: “Ngày về - nhạc tiền chiến đúng không chị? Bọn em hát karaoke suốt...”. Thế mới biết tên tuổi của những người nhạc sĩ thế hệ trước thường chỉ ẩn mình sau các tác phẩm thật sự đi vào lòng người của họ... Thêm mấy bước tôi vòng ra con ngõ sau lưng công an phường, mắt đảo lia dò tìm, đây rồi, tấm bảng “nhạc sĩ Hoàng Giác” rất dễ nhìn gắn ngay trước nhà.

         
Nhạc sĩ Hoàng Giác và người vợ đã cùng ông chia ngọt sẻ bùi hơn 60 năm - Ảnh: Trần Lê Chiến

Nghệ nhân tài hoa của âm nhạc

Không biết từ đâu tôi lại nghĩ ông như một trong những nghệ nhân tài hoa của nền âm nhạc Việt Nam, tuy ông viết không nhiều nhưng mỗi tác phẩm ra đời hầu hết đều trở thành những ca khúc bất tử in đậm dấu ấn trong lòng người mộ điệu. Đặc biệt trong đa số bài hát của ông luôn có vài câu thơ để ngâm sa mạc dẫn chuyện vào ca khúc như Ngày đi trăm nỗi hẹn hò. Ngày về vắng bóng con đò bến xưa (bài Ngày về) hay Quê ai khói lửa ngập trời. Con tim se sắt trông vời quê tôi, lụy nhỏ tơi bời (bài Quê hương) và đến khi hình thành giai điệu cũng như ca từ ông đều để người thân, bạn bè nghe đi nghe lại nhiều lần rồi mới hoàn thiện tác phẩm. Sự chỉn chu và nghiêm túc đó xuất phát từ quan điểm của chính bản thân ông rằng “sáng tạo nghệ thuật là bởi sự rung cảm thật sự của trái tim mình, âm nhạc không có chỗ cho những cảm xúc giả tạo”.

Bởi thế khi không còn cảm hứng ông đã thôi sáng tác, ông chuyên tâm biểu diễn và giảng dạy tây ban cầm, mang âm nhạc đến với cuộc đời qua một hình thức khác. Lớp học tây ban cầm của ông suốt một thời gian dài là khoảng không gian khó quên của nhiều lớp thanh thiếu niên thủ đô thời đó. Đôi lần đến thăm, tôi vẫn gặp những người học trò cũ - mới ôm đàn ngồi hàng giờ với ông trong căn phòng nhỏ nhưng vẫn toát lên vẻ chỉn chu nề nếp của hương sắc Hà thành.

Mà gặp lại ông lúc nào cũng vậy, sau câu chào hỏi là một nụ cười hiền và hóm. Nhưng khác với những lần trước, giờ ông mắc chứng run tay rất khó khăn để ôm đàn guitar đệm cho tôi hát như những năm xưa. Lần ghé thăm này ông lại có nhã ý tặng tôi cây đàn guitar, nó đã theo ông ngót hơn nửa thế kỷ. Tôi biết đó không chỉ dừng lại ở tình cảm tốt đẹp ông đã dành cho mình mà ẩn sâu sau ánh mắt nụ cười nhẹ nhàng ấy còn có cả một khoảng trống mà tôi lờ mờ cảm nhận ra ở bàn tay run run, ở ngay cái cách khi ông hồi tưởng về “những người muôn năm cũ” - các đồng nghiệp, bạn hữu của ông, nay chỉ còn những thanh âm dư ảnh ở lại với cuộc đời này. Cây đàn của ông cũ mèm, màu gỗ úa, cùng những vết xước hằn trên thân đàn được khắc ghi những câu chuyện bằng âm nhạc và bao kỷ niệm trong tâm hồn ông.

Cô Kim Châu, vợ ông, thắc mắc: “Cớ sao ông lại tặng Tuyết cây đàn đã theo ông đến gần hết đời vậy?”. Ông bảo “vì Tuyết là người có công tìm tòi gìn giữ dòng nhạc tưởng chừng bị lãng quên, nếu không có Tuyết chịu khó kiên trì thì chắc...”. Tôi lém miệng nói: “Dạ, còn có cả sự góp sức của những người yêu nhạc nữa mới được đó chú ơi”. Tôi lặng nhìn ông, nhận ra thời gian có thể tạo nên những dấu hiệu thể chất với ông nhưng có lẽ không thể xóa nhòa hay hằn lên những tì vết trên tâm hồn, trái tim của người nghệ sĩ ấy.

Người ẩn mình sau những tình khúc vượt thời gian

Hình như bây giờ chú hay tránh xuất hiện trước công chúng? Có lần tôi hỏi ông vậy. “Chẳng phải tôi cao ngạo gì đâu, nhưng thấy khán giả vẫn còn nhớ đến những tác phẩm của mình là vui lắm rồi. Xuất hiện trước công chúng bây giờ với tôi như thể cậu bé đứng trước lớp trả bài lần đầu tiên vậy, sẽ chẳng biết phải nói gì bởi mình đã gửi gắm hết qua các tác phẩm và những giai điệu đó vẫn còn được vang vọng trong cuộc sống, vậy là đã quá hạnh phúc”. Nhạc sĩ trải lòng và vợ ông nhân đó tiếp lời: “Ông nhà tôi hóm lắm cô ạ, có hôm đi tập thể dục về ông khoe hôm nay vừa được dự buổi hòa nhạc các tác phẩm của mình. Hóa ra ông ấy đi bộ và chợt nghe nhà ai đó mở các bài Ngày về, Mơ hoa, Lỡ cung đàn... ông dừng lại nghe chăm chú rồi cảm thấy rất vui”. Câu chuyện của vợ chồng ông khiến tôi vui lây niềm vui bình dị đó và chợt nhận ra những giá trị cao đẹp giữa đời sống này đôi khi chỉ đơn giản nằm ở cách suy nghĩ của mỗi người. Ông không phô trương, ồn ã để có thể tận hưởng cuộc sống theo cách riêng của mình, và ông đã luôn giữ được niềm hạnh phúc dung dị bình yên đó suốt gần một thế kỷ qua bên những người thân yêu. Hơn ai hết có lẽ ông là người hiểu rõ xúc cảm Tung cánh chim tìm về tổ ấm trong nhạc phẩm Ngày về bất tử của chính mình.

Bất chợt tôi nhớ trong ca khúc Mơ hoa của ông, một hình bóng ẩn dụ cho cái đẹp, tượng trưng đầy ước lệ, thế nhưng sao bao năm qua người ta vẫn say mê mỗi lần ca khúc đó được cất lên. Có lẽ những “cô hái hoa” ấy sẽ luôn “dừng bước chân” thật lâu trong tâm hồn mỗi người khi chúng ta thật sự rung động với muôn vàn cái đẹp hiện hữu giữa đời sống mỗi ngày. Giấc mơ hoa đó có lẽ chưa bao giờ dừng lại trong tâm cảm người nhạc sĩ tài hoa, luôn phơi phới một tinh thần cảm quan yêu đời, yêu người ấy...

Ca sĩ Ánh Tuyết 
                    
                           Nhạc sĩ Hoàng Giác bên hồ Hoàn Kiếm, năm 2007 - Ảnh: Trương Quý
                              
                           VĨNH BIỆT NHẠC SĨ HOÀNG GIÁC (1924-2017)  

XIN VUI LÒNG GỞI THÊM TÀI LIỆU HAY Ý KIẾN XÂY DỰNG VỀ PHAN ANH DŨNG dathphan1@gmail.com