Saturday 30 September 2017

Tin Tức Thế Giới

Washington ca ngợi Bắc Kinh trừng phạt Bình Nhưỡng

Tú Anh
media
Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Rex Tillerson bắt tay trợ lý ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton (T), trong cuộc điều trần trước tiểu ban Thượng Viện về An Ninh, Washington ngày 17/08/2017.Mark Wilson/Getty Images/AFP

Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh « chứng tỏ thiện chí » cứng rắn hơn đối với Bình Nhưỡng. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á, Susan Thornton, tuyên bố như trên trong buổi điều trần tại Thượng viện ngày thứ Năm 28/09/2017, vào lúc ngoại trưởng Rex Tillerson lên đường sang Trung Quốc chuẩn bị cho chuyến công du châu Á đầu tiên của tổng thống Donald Trump.

Theo AFP, quan hệ đầy thăng trầm giữa Mỹ và Trung Quốc dường như đang được cải thiện từ khi Bắc Kinh ủng hộ đề xuất « gây áp lực tối đa » với Bắc Triều Tiên.


Ngày 28/09/2017, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bay sang Bắc Kinh gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trước khi lên đường, ông cho biết « hồ sơ Bắc Triều Tiên sẽ là một trong những chủ đề được bàn thảo » bên cạnh những chuẩn bị chuyến công du châu Á của tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Thông báo của bộ Ngoại Giao Mỹ không che giấu lạc quan : những vận động hậu trường đã mang lại kết quả, Bắc Kinh có những bước tiến lớn và đúng hướng.

Cùng ngày, trong cuộc điều trần trước một tiểu ban của Thượng Viện, trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á, Susan Thornton nhìn nhận « trong thời gian gần đây, Trung Quốc ban hành các biện pháp mới, hợp tình hợp lý ». Bản thân tổng thống Donald Trump, hôm thứ Ba 26/09, khen ngợi Trung Quốc « can đảm ngưng mọi liên hệ ngân hàng » với Bắc Triều Tiên.

Bắc Kinh lần lượt bật đèn xanh cho Hội Đồng Bảo An « trừng phạt Bình Nhưỡng thật nghiêm khắc », thông báo hạn chế xuất khẩu xăng dầu sang nước láng giềng phương bắc, kỳ hạn cho các xí nghiệp Bắc Triều Tiên hoạt động tại Hoa lục đến tháng 01/2018, phải đóng cửa.

Giới chuyên gia độc lập cũng có cùng nhận định với chính quyền Mỹ. Theo Jeffrey Bader của viện nghiên cứu Brookings Institution, Trung Quốc phải thay đổi thái độ vì đối đầu với nhiều bất trắc : một là sợ Hàn Quốc và Nhật Bản tăng cường vũ trang và thắt chặt liên minh quân sự với Mỹ.

Hai là thấy rõ hành động khiêu khích vừa bất chấp hậu quả vừa làm mất mặt Bắc Kinh của Bình Nhưỡng. Và thứ ba là sợ Washington trả đũa, trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc. Giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh bắt buộc phải chọn một trong hai.

Bắc Triều Tiên tuyên bố có hàng triệu thanh niên xin tòng quân

Duy Anh
media
Một tuần hành tại quảng trường Kim Nhật Thành (Kim Il Sung), Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên, ngày 23/09/2017 (Ảnh do KCNA công bố ngày 24/09/2017)KCNA/via REUTERS.

Theo hãng tin Yonhap, Bắc Triều Tiên, hôm qua 28/09/2017, đã tuyên bố có gần 4,7 triệu sinh viên và lao động trẻ tuổi đã xin tòng quân, hưởng ứng sau lời hứa sẽ đáp trả Hoa Kỳ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào tuần trước.

Theo nhật báo chính thức của Đảng Lao Động Triều Tiên, Rodong Sinmum, chỉ trong vòng 6 ngày gần đây, hàng triệu nam nữ thanh niên đã thể hiện ước nguyện gia nhập quân đội để đối đầu với quân đội Mỹ. Đã thành thường lệ, mỗi khi căng thẳng giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ gia tăng, Bình Nhưỡng luôn hung hăng tuyên bố nước này có rất nhiều công dân trẻ tuổi khao khát gia nhập quân đội để minh chứng tình đoàn kết dân tộc.

Trái với những tuyên bố hiếu chiến của Bắc Triều Tiên, bộ trưởng bộ Thống Nhất Hàn Quốc, theo Yonhap hôm nay 29/09/2017, lại tuyên bố mong muốn Bắc Triều Tiên cải thiện tình hình nhân quyền, đổi lại Hàn Quốc sẽ viện trợ nhân đạo cho người dân Bắc Triều Tiên. Bên cạnh đó, việc tăng cường hợp tác với các cơ quan Liên Hiệp Quốc về vấn đề nhân quyền ở miền Bắc cũng nằm trong dự kiến của bộ Thống Nhất Hàn Quốc.

Những nhiệm vụ này là một phần trong kế hoạch hành động năm 2017 của chính quyền tổng thống Moon Jae-In, một chiến lược kéo dài 3 năm nhằm cải thiện tình hình miền Bắc, dựa trên luật Nhân Quyền cho Bắc Triều Tiên, chính thức có hiệu lực vào tháng 9 năm ngoái dưới thời bà Park Geun-hye.

Hồ sơ Rohingya : Trung Quốc ủng hộ Miến Điện vì lợi ích kinh tế

Thùy Dương
media
Cố vấn Nhà nước, ngoại trưởng Miến Điện Aung San Suu Kyi và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqianging) tại lễ ký các hiệp định hợp tác song phương, Bắc Kinh, Trung Quốc, 18/08/2016Reuters/路透社

Trong khi quốc tế phản đối việc chính quyền Miến Điện trấn áp người Hồi giáo thiểu số Rohingya ở bang Rakhine, thậm chí Liên Hiệp Quốc còn coi đó là chiến dịch « thanh lọc sắc tộc », chính phủ nước này lại có được sự ủng hộ quý giá của Trung Quốc. Hồi giữa tháng 09/2017, ngoại trưởng Trung Quốc phát biểu là Bắc Kinh« ủng hộ các nỗ lực của Miến Điện để gìn giữ sự ổn định và phát triển của đất nước ». Đó là vì Bắc Kinh muốn duy trì các dự án kinh tế khổng lồ tại bang Rakhine, thêm vào đó vùng này lại nằm trên trục « con đường tơ lụa mới ».

Hồi tháng 04/2017, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cho trải thảm đỏ đón tiếp đồng nhiệm Miến Điện Htin Kyaw và nhấn mạnh phải triển khai ngay lập tức các dự án hợp tác then chốt, trong đó có dự án « đặc khu kinh tế Kyaukpya ». Kyaukpya là một thành phố thuộc bang Rakhine, miền tây Miến Điện, nằm cách khu vực xảy ra xung đột dữ dội nhất khoảng 200km về phía nam.

Là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Miến Điện, trong những năm qua, Trung Quốc đã củng cố vị thế tại miền tây nước này, nơi sinh sống chủ yếu của người Hồi Giáo thiểu số Rohingya. Bang Rakhine có tầm quan trọng sống còn đối với Bắc Kinh vì Trung Quốc muốn đảm bảo an toàn cho đường ống dẫn dầu và khí ga tự nhiên từ Trung Đông tới tỉnh Vân Nam, miền tây nam Trung Quốc, để tránh phải đi qua eo biển Malacca, nằm giữa Malaisia và Indonésia.

Vào tháng 04/2017, sau bảy năm lắp đặt, đường ống dẫn dầu khồng lồ nối từ bang Rakhine - Miến Điện tới tỉnh Vân Nam - Trung Quốc đã được hoàn thành. Theo cơ quan chủ quản, tập đoàn Nhà nước Trung Quốc CNPC, Miến Điện đã đầu tư 1.2 tỉ đô vào công trình trên, còn Bắc Kinh đầu tư 1.24 tỉ đô la.

AFP cho biết, theo số liệu của tập đoàn nhà nước CITIC của Trung Quốc, trong khuôn khổ dự án « Con đường tơ lụa mới », từ nay tới năm 2038, Bắc Kinh phải đầu tư hơn 9 tỉ đô la vào một cảng nước sâu ở Kyaukpya và vào một khu kinh tế 1000ha.

Bà Sophie Boiseau du Rocher, chuyên gia về Đông Nam Á, thuộc Viện Quan Hệ Quốc tế của Pháp (IFRI) nhận định là các « dự án kinh tế quy mô lớn » nói trên của Bắc Kinh chính là chìa khóa để chính quyền Miến Điện có được sự ủng hộ của Trung Quốc.

Đối với lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi, phát triển kinh tế là vấn đề then chốt tại bang Rakhine, một trong những bang nghèo nhất của Miến Điện, với tỉ lệ đói nghèo lên tới 78%, cao hơn gấp 2 lần tỉ lệ đói nghèo bình quân của cả nước.
Hồi tháng 01/2016, phó chủ tịch tập đoàn CITIC của Trung Quốc đã từng nới tới việc « chia lãi dự án cho Miến Điện và người dân địa phương », xây dựng 50 bệnh viện tư và 50 trường học tại vùng này. Tuy nhiên, cho tới nay, các lời hứa của phó chủ tịch tập đoàn CITIC vẫn chưa được thực hiện.

Còn bà Alexandra de Mersan, nhà nghiên cứu của Viện Quốc Gia Về Ngôn Ngữ và Văn Minh Phương Đông (INALCO), một chuyên gia về Miến Điện cho AFP biết : « Các dự án khổng lồ của Trung Quốc tại bang Rakhine khiến người dân địa phương vô cùng bất mãn vì họ không thấy bất cứ một hệ quả tích cực nào »
Theo một báo cáo hồi tháng 08/2017 của Ủy ban quốc tế về Miến Điện, do cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lãnh đạo, lợi nhuận của các dự án kinh tế thường rơi vào tay chính quyền Naypyidaw và các doanh nghiệp nước ngoài, và hậu quả là chính phủ Miến Điện bị dân chúng coi là lợi dụng, bóc lột người dân.

Cũng như nhiều vùng khác ở Miến Điện, dưới lòng đất tại bang Rakhine rất giàu khoáng sản, nhiên liệu, đặc biệt là khí đốt. Đối với nhiều chuyên gia, xung đột hiện nay có liên quan tới các lợi ích kinh tế, chứ không chỉ đơn thuần liên quan tới tôn giáo.

So với các khu vực khác, cho tới khi cuộc xung đột sắc tộc xảy ra, đất đai ở bang Rakhine vẫn không bị những người thân cận với chính quyền dân sự chiếm đoạt nhiều. Nhưng nay thì mọi chuyện đã thay đổi, bởi vì theo nhà xã hội học Saskia Sassen, đất đai ở bang Rakhine đã trở nên quý giá do có các dự án đầu tư của Trung Quốc. Và chính quyền quân sự Miến Điện rất quan tâm tới mảnh đất mà người Rohingya buộc phải bỏ lại để chạy trốn khỏi cuộc trấn áp của chính quyền.

LHQ yêu cầu Miến Điện cho tiếp cận nhân đạo giúp người Rohingya

RFI
media
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres trong phiên họp Hội Đồng Bảo An về khủng hoảng Rohingya, New York 28/09/2017.TIMOTHY A. CLARY / AFP

Lần đầu tiên kể từ 8 năm qua, thảm họa người Rohingya được thảo luận tại Hội Đồng Bảo An. Theo Liên Hiệp Quốc, từ tháng 08/2017 đến nay, khoảng nửa triệu người đã phải chạy sang Bangladesh để tránh bạo lực của quân đội Miến Điện. Giới ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc công khai nói đến khả năng trừng phạt các quan chức Miến Điện có liên quan trong hồ sơ này.

Từ New York, thông tín viên Marie Bourreau gửi về bài tường trình :

« Đó là một ác mộng nhân đạo và một ác mộng đối với các quyền của con người. Tổng thư ký Antonio Guterres đã tóm tắt tình hình như vậy. Vào lúc Rangoon lấy cớ thời tiết xấu để hủy chuyến thị sát của phái đoàn Liên Hiệp Quốc tại bang Rakhine, được dự kiến vào ngày hôm qua, lãnh đạo Liên Hiệp Quốc lại một lần nữa yêu cầu Miến Điện phải cho phép tiếp cận nhân đạo, không được ngăn cản.
Ông nói : Trong những ngày vừa qua, chính quyền Miến Điện đã nhiều lần tuyên bố là chưa đến lúc để có thể cho tiếp cận nhân đạo và không bị cản trở. Thật sự là rất đáng tiếc vì tình hình tại đây có những nhu cầu lớn. Liên Hiệp Quốc cần phải được phép đến ngay lập tức những vùng bị tác động.

Phiên họp công khai này cũng là dịp để gia tăng áp lực đối với Rangoon. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley tuyên bố : "Không nên lo sợ khi gọi đúng tên các hành động của chính quyền Miến Điện. Đó là một chiến dịch quân sự tàn bạo và liên tục ở nước này nhằm thanh lọc một sắc tộc thiểu số. Và chính quyền lãnh đạo cấp cao tại Miến Điện lẽ ra phải hổ thẹn về những hành động này".

Rangoon đã điều cố vấn an ninh quốc gia đến dự phiên họp. Quan chức này bác bỏ danh từ thanh lọc chủng tộc và bảo đảm rằng đó chỉ là một chiến dịch chống khủng bố. Ông ta cũng hứa hẹn sẽ cho các tổ chức nhân đạo của Liên Hiệp Quốc được tiếp cận nhân đạo ngay từ thứ Hai tuần tới, đồng thời mời tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tới đánh giá tình hình tại chỗ ».