Friday 29 September 2017

Vấn đề thứ hai: Trường hợp cựu Đại úy Nhảy dù Phan Nhật Nam - Trần Văn Tích

Về một vài vấn đề thời sự trong cộng đồng

Nhờ có internet, chúng ta có thể nhận được tin tức từ khắp nơi một cách dễ dàng nhưng cũng vì internet mà chúng ta có thể nhận được những tin tức không chính xác. Các nhận định cá nhân trình bày trong bài viết này được xây dựng trên cơ sở tiến trình lý luận như sau: tôi được biết ông A đã nói như vầy như vầy, nếu quả thực ông A đã nói như thế thì tôi nghĩ rằng...

Vấn đề thứ hai: Trường hợp cựu Đại úy Nhảy dù Phan Nhật Nam

Image result for phan nhật nam


Ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tại Hà nội, gửi thư mời Ông Phan Nhật Nam – trong tư cách một nhà văn – về nước để gặp các nhà văn quốc nội vào tháng mười năm 2017. Ông Phan Nhật Nam viết thư trả lời với nội dung dứt khoát từ chối lời mời. Tóm tắt câu chuyện là thế, vậy mà bỗng dưng một số người lên tiếng phê phán ông Phan Nhật Nam. Thoạt kỳ thủy, người ta bẻ hành bẻ tỏi về cách ông Phan Nhật Nam tự xưng. Ông Phan Nhật Nam mô tả mình nguyên là một sĩ quan cấp đại úy hiện dịch thực thụ thuộc Sư đoàn Nhảy dù Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông Phan Nhật Nam không hề nói sai chi tiết nào liên quan đến thân thế. Ông chỉ nói rõ: Ông là sĩ quan cấp úy (không phải cấp tá cấp tướng), Ông là sĩ quan hiện dịch (không phải trừ bị hay trưng tập), Ông mang cấp bậc thực thụ (không phải giả định, đồng hóa, nhiệm chức), Ông thuộc một binh chủng nòng cốt của lực lượng tổng trừ bị mà chỉ Quân lực Việt Nam Cộng Hòa mới có, trong khi Vi-xi không có lực lượng nhảy dù, ít nhất là trong cuộc chiến vừa qua. Nhưng tiếng bấc tiếng chì chưa chấm dứt mà cứ lan tràn càng ngày càng rộng rãi và nhất là càng lung tung. Có người đem những sự muôn năm cũ ra kể. Người ta nhắc lại chuyện trao đổi thư tín giữa cá nhân Ông Phan Nhật Nam với một cá nhân khác là nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh. Người ta mang thơ Ông Phan Nhật Nam ra bình, trong thơ có nhắc đến người bộ đội cộng sản tham chiến tại Điện Biên Phủ. Rồi không biết tự bao giờ và do nguyên cớ nào, người ta gán cho Ông Phan Nhật Nam là thành phần chủ trương hòa hợp hòa giải.

Không phải Ông Hữu Thỉnh là người đầu tiên có sáng kiến cổ vũ cho sự gặp gỡ giữa giới cầm bút hải ngoại và quốc nội. Trên talawas ngày 20 tháng chạp 2007 có một loạt bài của Tô Nhuận Vỹ, loạt bài dài dễ sợ, đăng đến bốn kỳ, với một ngữ đoạn mang tiêu đề: “Các nhà văn trong và ngoài nước hãy ngồi lại với nhau”.

Sở dĩ có chủ trương này vì Tô Nhuận Vỹ cho rằng một trong hai nhiệm vụ hàng đầu của nhà văn hiện nay là “góp phần vào hòa hợp, hòa giải dân tộc”. Và anh ta kêu gọi “Hãy bắt đầu bằng việc giao lưu giữa các nhà văn với nhau.” Cho nên trong nước tìm cách rủ rê ngoài nước hợp tác, trao đổi, là nghề của Việt cộng. Chúng hành nghề của chúng, mình có thái độ của mình; dứt khoát, minh bạch. Ông Phan Nhật Nam đã xử sự như vậy, có thế thôi.

Đã có những kẻ tự nguyện quì gối khấu đầu đầu hàng giặc. Kết quả có kẻ được chúng cho ngồi ăn tiệc với vài ba tên đầu sỏ; có kẻ được chúng cấp cho cái thẻ chứng minh nhân dân; có kẻ được chúng cho đi xe với công an hụ còi hộ tống. Tất cả chỉ có vậy. Đã nhục nhã hàng phục chúng, đã cam tâm xun xoe nịnh bợ chúng, mà để rồi cũng chỉ nhận được các loại ân sủng như thế, thì hòa hợp hòa giải với chúng sẽ có cơ may ăn cái giải gì? Huống chi Ông Phan Nhật Nam không thuộc “chủng loại” chủ trương hòa hợp hòa giải như một nhúm người cứ nhất định gán nhãn hiệu đó cho Ông mà chỉ nêu được những lập luận mơ hồ, chỉ kể được những chứng cớ gượng ép.

Khoa phân tâm học cho rằng dục vọng chủ yếu của con người gồm hai mặt: một bên là tình dục, bản năng của sự sống; một bên là hung tính (aggression, agressivité) có tính phá hoại; về sau Freud gọi là lực chết (pulsion de mort) đối lập với tình dục (libido, pulsion sexuelle). Hung tính qui tụ những hành vi hung bạo nhằm tấn công gây đau thương chết chóc cho đối phương, đối thủ, đối tượng. Tập tính học cho rằng hung tính là cần thiết nhằm bảo vệ sự tồn tại của cá nhân và nòi giống; như thiên hướng không để cho mật độ dân cư trong một lãnh thổ quá đông, không đủ nuôi sống. Ở loài người, sự xuất hiện của ngôn ngữ và trí tuệ, sự phát minh của những kỹ thuật thông tin hiện đại, góp phần tạo ra những hình thái tấn công tượng trưng. Vô cớ tấn công tha nhân, cố tình buộc tội người khác là những hình thức hung tính bộc phát từ vô thức hay tiềm thức. Bệnh lý học tâm thần xem các hành động như vậy là một hình thái bệnh hoạn, nhẹ hay nặng, tùy hoàn cảnh, tùy tình huống. Một vài người lên tiếng công kích ông Phan Nhật Nam trong vụ phúc đáp Ông Hữu Thỉnh không hề có ác ý đối với tác giả Mùa hè đỏ lửa và quan trọng hơn nữa, cả bên lên tiếng đả kích lẫn nạn nhân bị phê phán đều cùng phụng sự chính nghĩa quốc gia, đều cùng phục vụ đại nghĩa chống cộng.


Trần Văn Tích