Tiếng Mỹ có chữ Who Cares với hàm ý là chuyện không quan trọng, chẳng cần quan tâm. Khi mà nói chữ này, người Mỹ tỏ thái độ bất cần như kiểu trong tiếng Việt là lối nói bất cần đời của mấy tay anh chị, mấy tay cô hồn "tao đếch cần" hay "tao đéo cần".
Tuần này là tuần lễ họp hội nghị APEC ở Việt Nam. Cả 3 tay lãnh đạo của 3 cường quốc Nga Mỹ Tàu đều lên đường đến Việt Nam phó hội. Đây cũng là lần đầu tiên tổng thống Trump đến Việt Nam. Trước ông Trump, các ông Clinton, Bush (con), Obama đều có đến thăm Việt Nam. Tuy nhiên, cả 3 ông này đến Việt Nam khi chỉ còn vài tháng là hết nhiệm kỳ làm tổng thống. Cho nên, chuyến thăm đó được xem như là chuyến đi chơi cuối ... mùa vì thường chẳng ông tổng thống nào lại có những hành động hay đưa ra chính sách ngoại giao gì với Việt Nam khi biết quyền lực của mình sắp hết.
Nhưng ông Trump thì khác. Ông đến Việt Nam khi mới bắt đầu bước vào chiếc ghế quyền lực ở toà Bạch Ốc chỉ chưa tròn một năm. Phương hướng, chính sách ngoại giao gì ông cũng đang toàn quyền quyết định. Đây là dịp tốt cho những ai muốn gióng tiếng nói với chính phủ Mỹ, với tổng thống Mỹ về những đòi hỏi thực thi nhân quyền, thực thi những cam kết quốc tế mà nhà cầm quyền Việt Nam thường ... hay quên.
Thử tưởng tượng, nếu có đoàn người cả chục ngàn người như lần trông chờ ông Obama đến Sài Gòn, đứng chờ ông Trump ở Hà Nội (hay Đà Nẵng) với những áp phích, khẩu hiệu kêu gọi chính phủ Mỹ để ý giùm đến việc nhân quyền, đến các nhân vật đối lập đang bị bắt, v..v... thì kết quả sao nhỉ?
Who cares! Thanh niên Việt Nam đang đón tiếp Jack Ma, một tay trùm tư bản Tàu Tin tức đưa đầy hình ảnh thanh niên Việt Nam thần tượng Jack Ma, tay cầm Micro phát biểu trong buổi gặp mặt với nhà tỷ phú này rằng " tôi yêu Jack Ma". Không chỉ nói 1 lần, mà lập đi lập lại 3 lần. Chắp tay mà vái Jack Ma như vái ông thánh sống.
Who cares! Thanh niên Việt Nam vẫn tưng bừng ... thi hoa hậu, ngắm người đẹp, mặc kệ mưa to gió lớn, bão tố phong ba đang thổi tung cả miền Trung. Dân (nghèo) chết mặc kệ, ta có tiền thì ta vẫn vui chơi.
Who cares! Google hay FaceBook có bị cấm cửa ở Việt Nam cũng không sao vì thanh niên Việt Nam lại có Alibaba, Weibo của Tàu mà xài. Vẫn có thể lên mạng tung hình "tự sướng" (selfie). Vẫn tha hồ chơi game. Vẫn tha hồ khoe của hay "lừa tình".
Who cares! Diva trong giới ca sĩ Việt Nam chửi rủa các ca sĩ khác lợi dụng nhạc Bolero, và nhờ báo chí, nhờ những scandal để nổi tiếng. Thanh niên Việt Nam cứ thế mà nhào vào kẻ binh người chống Diva, tha hồ mà cãi nhau ỏm tỏm.
Và còn biết bao nhiêu chuyện "hàng ngày xảy ra ở huyện" mà ... chẳng ai quan tâm. Bao nhiêu người biết được những người như Trần Huỳnh Duy Thức, như "Mẹ Nấm" (tên của một blogger) đang ở đâu. Who cares hay "tao đéo cần biết"! Tất cả đều là một thái độ bàng quan, dửng dưng đúng nghĩa với chữ Who Cares. Thức ăn nhiễm độc, môi trường bụi bặm dơ bẩn, bịnh ung thư ngày càng hoành hành. Tất cả cũng .... Who Cares!!!
Dường như tất cả đều Who Cares, vậy tại sao người Việt tị nạn cộng sản ở hải ngoại lại Care?