Friday, 1 December 2017

Mời đọc: So sánh giới truyền thông Mỹ và Châu Á

Vào ngày 3 tháng 11 năm 2017, tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump đã làm một chuyến công du chính thức đầu tiên của ông tới Châu Á. Đây là chuyến đi nước ngoài dài và quan trọng nhất của ông với tư cách là tổng thống.

Trước hết, Tổng Thống Trump, cùng với Đệ Nhất Phu Nhân, đã dừng lại ở Hawaii. Đây là điểm xuất phát tự nhiên và đầy ý nghĩa cho chuyến công du Châu Á. Nó báo hiệu rằng Hoa Kỳ là một quốc gia có liên hệ với Thái Bình Dương mà họ có kế hoạch để gìn giữ và bảo vệ nó.

Phần còn lại của chương trình của ông là: Viếng thăm Nhật Bản vào ngày 5 tháng 11, Nam Hàn vào ngày 7 tháng 11, Trung Cộng vào ngày 8, Việt Nam vào ngày 10 và ngày 12 tháng Mười Một. Trên tất cả các địa điểm dừng chân, ông sẽ gặp các vị lãnh đạo cao cấp để đàm phán về những vấn đề quan trọng.


Quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của tổng thống là đối phó với mối đe dọa của Bắc Hàn và giảm thiểu thâm hụt thương mại của Mỹ (ở Châu Á lớn hơn các nơi khác). Tổng Thống Trump cũng sẽ khẳng định lại lời cam kết của Hoa Kỳ với các nước Châu Á-Thái Bình Dương, thúc đẩy quan hệ quốc phòng của Mỹ với các quốc gia trong khu vực, thiết lập mối quan hệ hợp tác với các tổ chức khu vực (địa phương) quan trọng ở Đông Nam Á cũng như nhiều vấn đề khác nữa.

Các phương tiện truyền thông dòng chính Hoa Kỳ, gần như đồng loạt, đã đưa ra những bình luận tiêu cực đối với chuyến đi của Tổng Thống Trump. Họ tìm đủ mọi cách để "chế nhạo" hoặc "giải thích khác đi" bất cứ một ý kiến nào cho đó là một thành công hoặc cho rằng ông Trump đã tạo được ấn tượng tốt với các nhà lãnh đạo và dân chúng của các quốc gia Châu Á mà ông viếng thăm, cho dù ông đã làm được nhiều điều để nâng cao lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.


 Các phương tiện truyền thông dòng chính ở Hoa Kỳ đã tường thuật một cách tiêu cực về hầu như mọi thứ liên quan đến Tổng Thống Trump.

Tờ Washington Post đã miêu tả chuyến công du Châu Á của Tổng Thống Trump là "sự thành công chỉ là sự tưởng tượng của ông Trump, có rất nhiều sai lầm mặc dù đã được dàn xếp rất cẩn thận". Tờ báo này cho biết ông Trump đã không đề cập đến vấn đề dân chủ hoặc nhân quyền và ông đã làm phật lòng người Mỹ khi gặp ông Vladimir Putin. Ngoài ra, ông Trump đã bỏ qua những câu hỏi về sự thiếu hụt nhân sự của Bộ Ngoại Giao và vai trò của họ trong chuyến đi.

Tờ New York Times đã đưa chuyện Trung Cộng quay trở lại với hệ thống độc tài cứng rắn làm tiền đề cho chuyến viếng thăm của Tổng Thống Trump. Một bài báo của Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Obama, đã viết rằng chuyến đi "đã làm cho Hoa Kỳ rút lui về vị trí cô lập, trao quyền lãnh đạo của vùng 'Ấn Độ-Thái Bình Dương', mới được khai sinh, cho Trung Cộng trên một đĩa bạc."

Tờ USA Today viết rằng Tổng Thống Trump thích Châu Á vì ông ưa thích những kẻ độc tài ở đó và ông ta là một kẻ "muốn trở thành nhà độc tài". Hơn nữa, bài báo đã đưa ra ý kiến ​​rằng ông Trump là "một loại chính khách mị dân như các nhà tiên phong lập quốc Hoa Kỳ đã cảnh báo" và rằng "nền dân chủ Mỹ đang bị đe doạ".

Đài truyền hình CNN thì tuyên bố rằng Tổng Thống Trump không thành công trong việc giải quyết các vấn đề thương mại của Hoa Kỳ với các nước Châu Á, như Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) - mà ông Trump đã rút ra - đó là cuộc họp của 11 quốc gia Châu Á để soạn thảo lại hiệp định mà không có Hoa Kỳ. Hơn nữa, ông Trump đã đi ngược lại với một số lời hứa, khi tranh cử, về việc đảo ngược thâm hụt thương mại với Trung Cộng.

Đài truyền hình CNBC tuyên bố rằng ông Trump đã "mong có chiến tranh" với Bắc Hàn trong chuyến đi Châu Á của ông, và gán cho ông là một người "hiếu chiến."

Đài NBC đã giải thích lý do cho chuyến đi là Tổng Thống Trump muốn né tránh những câu hỏi rắc rối mà ông đang phải đối phó ở nhà.

Hãng thông tin Associated Press đã chuyển đi lời bình luận của Chuck Schumer, chủ tịch khối thiểu số của đảng Dân Chủ ở Thượng Nghị Viện, rằng chuyến đi của ông Trump là "một thất bại khổng lồ" và "một sự mất mặt lớn" của Hoa Kỳ.

Bài bình luận chính của tạp chí Time về chuyến đi của ông Trump thì cho đây là một chiến thắng lớn và khôn khéo của Trung Cộng. Bìa của tạp chí đã in hàng chữ "Trung Cộng thắng" bằng tiếng Anh và tiếng Tàu. Đồng thời cũng đưa ra chi tiết về những "cái bắt tay ngượng ngùng" của ông Trump với các nhà lãnh đạo Châu Á, đồng thời nói rằng ông đã cố ý bỏ qua các cuộc đàm phán về nhân quyền.

Tạp chí Economist, một ấn phẩm của Anh với nhiều độc giả ở Mỹ hơn Anh Quốc, có khuynh hướng bảo thủ nhưng mạnh mẽ chống lại Trump, cho biết chuyến đi của Tổng Thống Trump đã cho thấy rõ ràng rằng ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ đã suy giảm.

 Báo cáo của giới truyền thông Châu Á về chuyến đi của Tổng Thống Trump đã hoàn toàn trái ngược với báo cáo của giới truyền thông Mỹ. Phần lớn là tích cực và khen ngợi tổng thống Mỹ.

Tại Nhật Bản, tờ Japan Times, tờ báo tiếng Anh chính của nước này, đã nhắc tới cuộc viếng thăm này là "thành công to lớn". Các nguồn tin khác của Nhật cho biết các cuộc đàm phán về thương mại rất thuận lợi, quan hệ giữa Tổng Thống Trump và thủ tướng Shinzo Abe cũng như các nhà lãnh đạo khác rất tốt đẹp, và Nhật Bản nhiệt liệt ủng hộ lập trường của Tổng Thống Trump đối với Bắc Hàn.

Asahi Shimbun, một trong những tờ báo tiếng Nhật lớn nhất Nhật Bản hoan nghênh việc đánh giá của Tổng Thống Trump về tầm quan trọng của Nhật Bản với tư cách là một đồng minh của Hoa Kỳ và mối quan hệ của ông với quân đội Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Báo chí Nhật Bản cũng mô tả một cách rất tích cực về các cuộc gặp gỡ của Tổng Thống Trump với các gia đình Nhật Bản bị bắt cóc bởi các mật vụ Bắc Hàn và cuộc gặp gỡ giữa ông và Hoàng Đế Nhật Bản.

Trong khi đó ở Nam Hàn, tờ báo lớn nhất của nước này, Chosun Ilbo, ca ngợi vị trí cứng rắn của Tổng Thống Trump đối với Bắc Hàn, đề cập đặc biệt đến "trường hợp đạo đức (moral case)" của ông chống lại Kim Jong-Un. Một tờ báo khác, Joongang Ilbo, đã gọi bài phát biểu của ông Trump trước Quốc Hội Nam Hàn là "hùng hồn" - lưu ý rằng có 22 lần vỗ tay và hai lần đứng dậy để vỗ tay hoan nghênh bài phát biểu.

Các phương tiện truyền thông Nam Hàn đã hoan nghênh "sự mềm dẻo" của Tổng Thống Trump nhằm đạt được một giải pháp ngoại giao đối với các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân và hoả tiễn của Bắc Hàn và các mối đe dọa chiến tranh của nó. Họ cũng ca ngợi nỗ lực "theo kiểu của tổng thống Reagan (Reaganque)" của ông Trump nhằm bảo đảm hòa bình bằng sức mạnh.

Các phóng viên Nam Hàn cũng đã tường trình về việc Tổng Thống Moon Jae-in thảo luận với Tổng Thống Trump về việc tăng cường khả năng tự vệ của quốc gia, đề cập đến kế hoạch của Nam Hàn muốn mua những trang bị giám sát (surveillance) tiên tiến nhất của Mỹ và có thể sẽ mua tàu ngầm hạt nhân của Mỹ.

Trong chuyến thăm Trung Cộng, tờ China Daily đã mô tả Tổng Thống Trump là người "có khả năng củng cố quan hệ Mỹ-Trung." Bài báo cũng trích dẫn những "tiến bộ quý báu" trong kinh doanh Trung-Mỹ. Các bài báo khác đã dùng những từ ngữ "to lớn" và "vĩ đại" để miêu tả hoạt động ngoại giao của ông Trump. Một vài tờ báo khác còn dùng những chữ như "Uncle Trump", "Grand Commander (Tổng Tư Lệnh)" và "Donald the Strong (Donald kẻ mạnh)".

Global Times, tờ báo tiếng Anh của TC, đăng những tin tức quan trọng về quan hệ ngoại giao rất quan trọng đối với Tổng Thống Trump, gọi chuyến thăm của ông là "thành công và lịch sử". Một phóng viên của tờ Times viết rằng Chủ Tịch Tập Cận Bình và Tổng Thống Trump đã "đạt được sự đồng thuận về việc thúc đẩy quan hệ song phương tới một giai đoạn tiếp theo (to the next phase)."

Global Times cũng tường trình những tiến bộ về các vấn đề mà Tổng Thống Trump nói là những mục tiêu hàng đầu trong chuyến đi của ông. Dựa theo lời của phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao, tờ Times viết rằng đã có thỏa thuận về "phi hạt nhân hoá hoàn toàn, có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược được" của Bán đảo Triều Tiên, và rằng Trung Cộng và Mỹ sẽ không công nhận Bắc Hàn là một cường quốc hạt nhân.

Các phóng viên của tờ Times cũng viết các bài báo về việc giải quyết sự không cân bằng thương mại, trích dẫn "tăng cường hợp tác cùng có lợi" và "xây dựng một chiếc bánh lớn hơn (bigger cake)". Họ đã trích dẫn lời cam kết của Trung Cộng sẽ chi tiêu 253,5 tỷ USD trong việc mua các sản phẩm của Mỹ như là để "xây dựng nền móng rộng lớn".

Global Times thậm chí trích dẫn các viên chức Trung Cộng hàng đầu nói rằng Trung Cộng không có kế hoạch khai thác lợi thế của chính quyền Trump như giới truyền thông Hoa Kỳ đã đưa ra, như Trung Cộng sẽ không ảnh hưởng mạnh đến sự phân chia lao động quốc tế.

Cư dân mạng ở Trung Cộng cho thấy sự quan tâm chưa từng có đối với Tổng Thống Trump và Đệ Nhất Phu Nhân; hàng triệu người đã bình luận về ông bà Trump. Nhiều người đã nhắc đến Tổng Thống Trump như một "anh hùng" và "một vị cứu tinh". Hàng triệu người đã viết về Tổng Thống Trump và Đệ Nhất Phu Nhân được mời tham dự một bữa ăn tối ở Tử Cấm Thành, lưu ý rằng đây là lần đầu tiên một vị tổng thống Mỹ, và cũng là một nguyên thủ quốc gia ngoại quốc đầu tiên, được chiêu đãi như thế kể từ khi thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (Trung Cộng) năm 1949. Một người đã viết trên trang mạng xã hội "Vạn Tuế Hoàng Đế Trump (Long live Emperor Trump!)"

Trong chuyến viếng thăm Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam báo cáo Donald Trump là tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên tới thăm Việt Nam trong năm đầu tiên tại chức . Đài phát thanh cũng ca ngợi quyết định của Tổng Thống Trump tham dự hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC (Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương), cho thấy cam kết của ông trong việc tăng cường quan hệ Mỹ-Việt.

Các phương tiện truyền thông của Việt Nam cũng báo cáo rằng chính phủ của họ đã cam kết  tham dự "Chiến dịch áp lực tối đa" để phi hạt nhân hóa Bắc Hàn; rằng Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký kết Kế Hoạch Hành Động Ba Năm về Hợp Tác Quốc Phòng (Three Year Plan of Action for Defense Cooperation) để tăng cường các hoạt động hải quân chung; rằng Hoa Kỳ đã chuyển một tàu Tuần Duyên (Coast Guard) cho Hải quân Việt Nam; một hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ thăm Việt Nam vào năm 2018; rằng hai nước đã khẳng định lại cam kết của mình đối với tự do hàng hải, hàng không và thương mại ở Biển Đông; và các thỏa thuận thương mại đã đạt được bao gồm 10 tỷ đô la (USD) để mua những sản phẩm công nghệ của Mỹ. Tổng Thống Trump và các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng nói về tầm quan trọng của việc thúc đẩy nhân quyền.

Các phương tiện truyền thông của Việt Nam, tất nhiên, đã đánh bóng tầm quan trọng của chuyến thăm của Tổng Thống Trump cũng như sự đặc biệt của bữa ăn tối do nhà nước khoản đãi và các sự kiện xã hội khác mà Tổng Thống Trump đã tham dự.

Tại Philippines, các phương tiện truyền thông đã gửi đến Tổng Thống Trump lời chào đón nồng nhiệt nhất. Trên tờ Philippine Star, đã đề cập đến việc hai nhà lãnh đạo Mỹ-Phi đã cùng nhau thảo luận về việc dẹp tan những kẻ khủng bố do ISIS tạo ra ở Philippines, tầm quan trọng chiến lược của Philippines đối với Hoa Kỳ và tương lai của Hoa Kỳ-ASEAN (Hiệp Hội Các Quốc Gia Châu Á). Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, đã ủng hộ lời kêu gọi của Tổng Thống Trump về một lập trường đồng nhất và cứng rắn để đối phó với các mối đe dọa về vũ khí hạt nhân và hoả tiễn của Bắc Hàn.

Báo chí Philippine báo cáo rất nhiều về sự tham gia của Tổng Thống Trump trong ngày kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và Hội Nghị Thượng Đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN lần thứ 40, đồng thời nhấn mạnh rằng rất "vinh dự" về sự hiện diện của Tổng Thống Trump. Họ cũng bày tỏ sự cảm kích đối với việc Tổng Thống Trump đã tăng thêm một ngày trong chuyến công du để thăm viếng Philippines.

Báo chí Việt Nam và Philippine cho thấy tầm quan trọng của chính phủ Trump đã tăng chi phí quốc phòng của Mỹ bao gồm việc mở rộng sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ trong khu vực để bảo vệ ảnh hưởng của Hoa Kỳ và ngăn chặn bất kỳ sức mạnh bên ngoài nào muốn tranh giành về sức mạnh của quân đội.

 Làm thế nào để giải thích được sự khác biệt giữa các phương tiện truyền thông dòng chính của Hoa Kỳ và các phương tiện truyền thông Châu Á khi tường trình về chuyến công du Châu Á của ông Trump?

Phương tiện truyền thông Mỹ lệ thuộc vào sinh hoạt, tư tưởng và sự ưa thích của các đảng phái chính trị và các ứng cử viên của đảng Dân Chủ. Đa số đã ủng hộ việc bà Hillary Clinton trở thành tổng thống, đã quyên góp cho Đảng Dân chủ và bà Clinton, cũng như hơn 90 phần trăm đã ủng hộ bà. Năm 2016, họ rất nhiệt tình, và mong muốn bà Clinton sẽ giành chiến thắng để trở thành tổng thống Mỹ.

Họ ganh ghét, nói xấu Donald Trump. Họ đã ngạc nhiên bởi chiến thắng của ông Trump và không chấp nhận điều đó. Sau đó họ bị ám ảnh với việc muốn nhìn thấy ông Trump thất bại hoặc bị lật đổ bằng bất cứ cách nào, kể cả lừa đảo. Họ đã vượt qua được sự ganh ghét. Nhưng họ bị vướng vào những gì mà nhiều người gọi là "hội chứng muốn Trump thất bại (Trump derangement syndrome)".

 Giới truyền thông dòng chính của Mỹ muốn làm mất uy tín của cá nhân và chính phủ của ông Trump. Điều này đã trở thành một "sứ mệnh nghề nghiệp" của họ.

Ngược lại, tất cả giới truyền thông của Châu Á đều đánh giá chuyến công du của ông Trump là thành công và hiệu quả.
Những bài báo của họ cũng bị ảnh hưởng bởi hội chứng nói trên. Các phương tiện truyền thông dòng chính ở Hoa Kỳ đã xoay chuyển, uốn nắn các bài viết của họ theo chiều hướng tiêu cực về hầu như mọi thứ liên quan đến Tổng Thống Trump. Họ muốn làm mất uy tín của cá nhân và chính quyền của ông. Điều này đã trở thành một "sứ mệnh nghề nghiệp" của họ. Việc này đã khiến họ, giới truyền thông dòng chính của Mỹ, mất uy tín, mất đi sự tin tưởng vào ngành truyền thông của quần chúng Hoa Kỳ.

Điều đáng chú ý, thậm chí đáng ngạc nhiên, rằng năm chuyến thăm viếng của Tổng thống Trump đến những quốc gia Châu Á không giống nhau về lịch sử, văn hoá, ngôn ngữ, chính trị và chính sách, nhưng ngược lại với các phương tiện truyền thông dòng chính của Mỹ, tất cả giới truyền thông của Châu Á đều đánh giá chuyến thăm của ông Trump là thành công và hiệu quả.

Tại Mỹ, các thông tin của giới truyền thông Châu Á rất ít khi được trích dẫn, và do đó các quan điểm khác nhau về chuyến đi của Tổng thống Trump ít có sẵn để người đọc có thể so sánh. Hậu quả của tất cả những điều này là tin tức của Mỹ về chuyến đi của Tổng Thống Trump không đầy đủ và, tệ hơn nữa, thiếu trung thực.

Cuối cùng, đưa đến kết luận là các phương tiện truyền thông ở hầu hết các quốc Châu Á về chuyến công du Châu Á của Tổng Thống Trump vừa qua đã trở nên khách quan và chuyên nghiệp hơn ở Mỹ.

Lâm Viên
Theo John F Cooper

John F. Copper là Giáo sư danh dự về Nghiên Cứu Quốc Tế tại trường Đại học Rhodes ở Memphis, Tennessee. Ông là tác giả của hơn ba mươi cuốn sách về chính sách Trung Cộng, Đài Loan và chính sách của Mỹ ở Châu Á.



Tham khảo:

US Liberal Media Vs Asian Reporting of Trump’s Asia Trip
http://www.ippreview.com/index.php/Blog/single/id/598.html

‘Uncle Trump’ Finds Fans in China
查看简体中文版 查看繁體中文版
https://www.nytimes.com/2017/11/09/world/asia/trump-china-fans.html