Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu đích danh Trung Quốc và Nga là đối thủ chính trong diễn văn về an ninh quốc gia, ngày 18/12/2017.REUTERS/Joshua Roberts
Khi công bố chính sách an ninh quốc gia đầu tiên dưới thời ông cầm quyền, tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18/12/2017 vừa qua đã nêu đích danh Trung Quốc là một trong hai đối thủ cạnh tranh chính, có ý đồ thách thức Hoa Kỳ trên trường quốc tế.
Trong một bài phân tích mang tựa đề « Phản ứng ngược chống Trung Quốc trên thế giới ngày càng tăng - The global backlash against China is growing », nhật báo Mỹ The Washington Post ngày 19/12 đã nhận định rằng thái độ của Mỹ nằm trong một loạt những phản ứng gần đây ở rất nhiều nơi trên thế giới chống lại các hành động và thủ đoạn mang tính chất bành trướng của Bắc Kinh.
Tác giả bài viết, John Pomfret, từng là trưởng văn phòng của tờ báo Mỹ ở Bắc Kinh, đã liệt kê một loạt những hành vi của Trung Quốc đã bị phản đòn, từ Úc đến châu Âu, châu Mỹ, và kể cả tại những quốc gia được coi là đồng minh thân thiết của Bắc Kinh.
Ví dụ đầu tiên được báo Washington Post nêu bật là trường hợp tại Úc, nơi mà Trung Quốc đã sử dụng tay chân tại chỗ để tung tiền lũng đoạn chính trường, dẫn đến việc một thượng nghị sĩ phải từ chức, và buộc chính quyền Canberra phải đưa ra một loạt luật lệ nhằm chống lại ảnh hưởng nước ngoài.
Tại Mỹ thì giới doanh nhân, từ lâu nay vẫn là chỗ dựa cho quan hệ Mỹ-Trung, hiện không còn nhất trí trên việc nên tiếp tục làm ăn như thế nào với Bắc Kinh. Nhiều công ty Mỹ đã bị thua lỗ ở Trung Quốc. Kết quả là yêu cầu phải phản ứng chống lại Bắc Kinh đã dấy lên trong một loạt vấn đề khác nữa như gián điệp công nghiệp, yêu sách của Bắc Kinh đòi đối tác ngoại quốc phải chuyển giao công nghệ, hay việc sử dụng các truyền thông Nhà nước Trung Quốc để tuyên truyền ở Mỹ và nỗ lực gây ảnh hưởng trên hệ thống giáo dục Mỹ...
Trung Quốc chịu hệ quả
Hệ quả đối với Bắc Kinh ngày càng rõ : Những tập đoàn Trung Quốc tìm mua công nghệ cao cấp của Mỹ đã phải gặp khó khăn nhiều hơn ; ở Quốc Hội Mỹ thì đã có dư luận muốn buộc Truyền hình Nhà nước Trung Quốc và các hãng tin Trung Quốc tại Mỹ phải đăng ký là tác nhân nước ngoài.
Các phản ứng đáp trả nói trên xuất hiện vào lúc mà Trung Quốc đang cho thấy là họ tin tưởng hơn bao giờ hết vào mô hình kinh tế và chính trị của họ, kết hợp tính chất chuyên chế của đảng Cộng Sản với một chính sách công nghiệp mà mục tiêu là đảm bảo sao cho công nghiệp Trung Quốc thống trị kinh tế thế giới trong tương lai, thông qua việc tài trợ và đẩy mạnh nghiên cứu, thu mua công nghệ phương Tây.
Theo Washington Post, phản ứng đáp trả cũng gia tăng vào lúc nhiều người ở phương Tây lo ngại trước khả năng Trung Quốc chiến thắng trong cuộc đua giành nguyên liệu, giành thị trường chứng khoán và giành ảnh hưởng về ý thức hệ.
Vào tháng11 vừa qua, nhân chuyến thăm Trung Quốc của tổng thống Mỹ, báo chí Hoa Kỳ tràn ngập bài vở cho rằng Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trong cuộc đua giành vị trí lãnh đạo toàn cầu. Kênh truyền hình CNN đã chạy dòng tựa trên trang mạng vào ngày 3/11 : « Tại sao Trung Quốc đã thắng vào năm 2017 và Donald Trump đã giúp họ như thế nào để thực hiện điều đó ». Tạp chí Time Magazine trên trang bìa cũng khẳng định : « Trung Quốc đã thắng ». Báo USA Today cũng chạy một tựa đề tương tự.
Điều đáng chú ý là phản ứng tiêu cực trước sự vươn lên của Trung Quốc đã phản bác những đánh giá theo đó Hoa Kỳ, dưới sự lãnh đạo của ông Trump, không còn khả năng hợp tác với các đồng minh truyền thống của Mỹ.
Trong những tuần lễ gần đây, chính quyền Trump đã hợp sức với châu Âu bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đòi được công nhận là một nền kinh tế thị trường chỉ với lý do là họ đã ký thỏa thuận gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới OMC. Quy chế kinh tế thị trường sẽ bảo vệ Trung Quốc không bị áp thuế chống phá giá. Tại hội nghị của OMC ở Buenos Aires tuần qua, Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản đã hợp sức đối đầu với Trung Quốc, chỉ trích việc Bắc Kinh ngoan cố không muốn giảm sản xuất công nghiệp và từ bỏ một số hành vi thương mại ‘có vấn đề’.
Ấn Độ làm đối trọng…
Trong chuyến công du châu Á tháng 11 vừa qua, ông Trump bắt đầu sử dụng thuật ngữ « Ấn Độ-Thái Bình Dương / Indo Pacific » thay vì « Châu Á-Thái Bình Dương / Asia Pacific ». Đây là cách cho thấy ý định của Mỹ muốn đưa Ấn Độ vào nỗ lực chung để tạo thành đối trọng cho sức mạnh không ngừng gia tăng của Trung Quốc về mặt quân sự cũng như kinh tế. Bên lề cuộc họp thượng đỉnh ASEAN ở Manila, các quan chức chức Mỹ đã gặp các đồng nhiệm Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, để vực dậy cái gọi là «bộ Tứ», (the Quad) tức 4 nền dân chủ trong vùng đang lo ngại trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Thêm vào đó, cảm nhận rộng rãi theo đó việc ông Trump được bầu lên dẫn đến sự suy yếu ảnh hưởng của Mỹ, đã thúc đẩy các quốc gia châu Á tìm cách đối phó với Trung Quốc mà không có Mỹ. Chỉ ít lâu sau khi vào Nhà Trắng, Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định thương mại TPP. Động thái này tưởng như đã chôn vùi hiệp định, thế nhưng thực tế lại không như vậy. Lo ngại trước việc Mỹ rút đi sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc thống trị, 11 nước còn lại tiếp tục tiến bước.
Hơn nữa quan hệ song phương giữa các nền dân chủ châu Á vẫn vững mạnh và được tăng cường. Nhật Bản đã đóng một vai trò quan trọng không muốn nói là then chốt, trong việc cổ vũ Ấn Độ gia tăng ảnh hưởng ở châu Á. Tokyo đã giúp tổ chức một hội nghị ở New Delhi giữa Ấn Độ và thành viên của ASEAN, tập trung trên việc Ấn Độ có thể giúp như thế nào để các quốc gia Đông Nam Á bớt dựa vào Bắc Kinh trên phương diện thương mại và đầu tư.
Các quốc gia thân cận Trung Quốc cũng bực tức
Phản đòn chống lại Trung Quốc không chỉ bó hẹp ở các nền dân chủ. Ngay những quốc gia có quan hệ gần gũi trong lịch sử với Trung Quốc cũng bắt đầu có phản ứng trước cách cư xử thô bạo của Trung Quốc liên quan đến chương trình hạ tầng cơ sở cho Con Đường Tơ Lụa mới.
Trong lúc mà Bắc Kinh cố tô vẽ cho đề án này, cho đấy là một kế hoach Marshall của Trung Quốc, thì càng lúc nó càng bị cảm nhận như là một chế độ thực dân phương Tây hơn là một sự trợ giúp hào phóng.
Sri Lanka chẳng hạn, là nước nợ các công ty do Nhà nước Trung Quốc kiểm soát hơn 8 tỷ đô la. Để phần nào trả nợ, vào tuần trước nước này đã cho Trung Quốc thuê cảng chiến lược Hambantota trong vòng 99 năm, một quyết định bị những người chỉ trích cho là phương hại đến chủ quyền của Sri Lanka. Tại Ấn Độ, sự kiện đó phản ánh « chính sách ngoại giao bẫy nợ ».
Ngay cả Pakistan, có lẽ là đối tác nước ngoài gần gũi nhất của Trung Quốc, cũng đang có suy nghĩ khác khi nhận tiền của Bắc Kinh. Tờ báo Express Tribune tại Pakistan đã đưa tin là Islamabad đã hủy bỏ một đề án xây đập trị giá 14 tỷ đô la sau khi Bắc Kinh nói rõ là muốn làm chủ con đập sau khi xây dựng xong. Nepal cũng có một thông báo cho biết là đã hủy đề án đập thủy điện khác vì lý do tương tự.
Bắc kinh phản ứng hung hang
Trước những mối quan ngại ngày càng tăng, Trung Quốc đã phản ứng rất hung hăng. Tại Úc, đại sứ quán Trung Quốc lên tiếng cảnh cáo các quan chức chính quyền Canberra là không nên phá hoại « sự tin tưởng lẫn nhau » giữa hai nước, trong bối cảnh Úc đang chuẩn bị thông qua luật nhằm bảo vệ hệ thống chính trị trong nước, để không bị tiền nước ngoài lũng đoạn. Và sau khi thủ tướng Úc lên tiếng lo lắng trước những « báo cáo đáng quan ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc », thì tòa đại sứ Trung Quốc lại cảnh báo phía Úc là « không nên có những nhận xét vô trách nhiệm ». Đại sứ quán này cũng cảnh báo truyền thông Úc không nên bịa đặt về « cái gọi là ảnh hưởng và sự xâm nhập của Trung Quốc ở Úc ».
Báo Washington Post kết luận : « Từ hàng thập kỷ qua, các chính quyền nối tiếp nhau ở Mỹ luôn nỗ lực giúp cho Trung Quốc hùng mạnh hơn. Nhưng bây giờ Trung Quốc đã hùng mạnh hơn, thì cùng với nhiều nước trên thế giới, Hoa Kỳ không còn chắc rằng đó là điều mà Mỹ muốn. »