Thú thực, tiện nhân đến dự buổi thuyết trình của LM Nguyễn Văn Khải, trưa ngày Chúa Nhật 15 tháng 9 tại Hollywood Senior Center, Portland, do Cộng Đồng Việt Nam Oregon bảo trợ tổ chức, với tinh thần trống rỗng, nghĩa là không thiên kiến (preconceived idea-free) tốt hay xấu về ông, mặc dù trước đó đã vài lần nghe ông nói chuyện trên youtube. Và với tâm trạng wait and see, chờ xem sao. Sau bao năm bị lũ Việt Cộng lưu manh lừa phỉnh, tiện nhân trở thành cháu bao nhiêu đời của Tào Tháo luôn đa nghi về mọi người, mọi việc, chuyện gì cũng xét nét, phân tích, tìm hiểu. Hoặc để nói rõ hơn, trở thành đệ tử cỡ hạng gộc của thánh Thomas trong Phúc Âm tuyên bố chỉ tin Chúa Giêsu sống lại sau khi được xỏ ngón tay vào lỗ đinh trên mình Ngài.
Tiện nhân nhìn quanh. Không thấy bóng dáng một ông linh mục nào, mà sự hiện diện không thôi, nếu có, cũng đủ hỗ trợ tinh thần cho một “cha đồng nghiệp” cô đơn chống Cộng, khác xa với những lần tổ chức tiệc gây quỹ tại nhà hàng để kiếm tiền đem về nước giúp đỡ người già, người cùi, người nghèo v.v… nghĩa là tự nguyện làm công việc thuộc trách nhiệm của bọn lãnh đạo VC, và những lần ấy tiện nhân nghe nói có cả những ông cha đứng làm MC và hát cải lương, diễn hài. Ông Chủ tịch Giáo xứ La Vang Phạm Hoàng Ân, với thái độ nhã nhặn, từ tốn đã đứng lên, xin cha Khải thông cảm vì không được biết trước nên giáo xứ và các linh mục sở tại không có cơ hội tiếp đón ngài, cho phải phép. Really? Tiện nhân chỉ kể, thấy sao thuật vậy, và chưa dám kết luận điều chi.
Sau nghi thức chào cờ, hát quốc ca, và mặc niệm các tử sĩ một cách trang trọng, là đến phần không thể tránh được: giới thiệu quan khách. Theo thiển ý, thủ tục này, trong mọi trường hợp, nên phiên phiến một chút (chỉ giới thiệu vài chức sắc quan trọng của Cộng Đồng hoặc những lãnh đạo tôn giáo), vì không cần thiết, tốn mất nửa tiếng, trong khi chương trình và thời giờ rất sít sao, từ 3:30 giờ trưa đến 7 giờ chiều và trưa nay người ta đến để nghe cha Khải nói, chứ không phải để nhìn đi nhìn lại cũng từng ấy bản mặt quá nhàm chán, như của một ông cựu Nghị Gật về già, hay một học giả này, tiến sĩ nọ, hay một cựu đại tá, trung tá, thiếu tá, đại úy … kể cả những ông đến trễ nữa, mới kinh! Rồi, đã giới thiệu thì phải giới thiệu hết mọi người hiện diện, sao lại bên trọng bên khinh? Chưa kể dịp này, “đột xuất” có thêm cái màn “tố Cộng tại chỗ”, cũng tốt thôi, nhưng tiện nhân cho là không thích hợp với một buổi thuyết trình và hội thảo trong một phòng họp khá hẹp. Số là ông Trưởng BTC lên sân khấu, quá hứng khởi, cứ tưởng đây là một buổi tập họp biểu tình ngoài phố, nên yêu cầu cử tọa, gồm đa số là bô lão hay sắp sửa đến tuổi bô lão, mấy phùa vung tay lên, hô to theo ông các khẩu hiệu “đả đảo” Tàu Cộng (Cút, cút, cút!) và Việt Cộng (Chết, chết, chết!).
Cuối cùng, sau khi các tiết mục được thực hiện đầy đủ, Linh mục Nguyễn Văn Khải mới chính thức được giới thiệu và mời lên phát biểu. Một điểm gây chú ý (tiện nhân tránh dùng chữ “gây ấn tượng” nghe sặc mùi VC) là xuất hiện ngoài đời, ông vẫn mặc áo dòng tu (dòng Chúa Cứu Thế với nịt da đen to bản và xâu chuỗi dài quấn quanh áo), không diện đồ tây kèm một miếng nhựa trắng trên cổ, giả dạng thường dân, như những vị khác. Điều nữa, sự khiêm cung hiếm quý toát ra từ con người ông qua cử chỉ, lời nói: ông tự xưng “cháu” và gọi cử tọa là “các bác”, hay “cả nhà” –điều mà tiện nhân ít thấy ở những linh mục trẻ xa lạ. Giọng ông trong trẻo, phát âm rõ ràng, không một lần vấp váp, không lặp lại, không cầm giấy, nói thao thao bất tuyệt, và đặc biệt rất dí dỏm, có duyên, làm người nghe thích thú cười thành tiếng –cười nhưng rất tin vào lời ông nói– mà nét mặt ông tỉnh bơ, không cười theo, giống như những chuyên viên kể chuyện hài trong các shows của Mỹ. Nếu được phép chấm điểm, tiện nhân xin cho ông A+
Ông mở đầu bài nói chuyện bằng hai câu hỏi mà người ta, ông bảo, thường chất vấn ông. Đại khái, không nguyên văn, theo trí nhớ của NLGO, đó là:
1) Tại sao tu sĩ tôn giáo lại làm chính trị?
Ông trả lời luôn: làm chính trị là một bổn phận, trách nhiệm của mọi người, và nhất là của một tu sĩ, một mục tử. Thấy đàn chiên của mình bị sói dữ đe dọa, áp bức, hành hạ, một mục tử xưng đáng có nhiệm vụ phải lên tiếng bảo vệ, che chở. Và đó không phải làm chính trị. Nhưng nếu hành động đó bị thiên hạ gọi là làm chính trị thì “tôi mạnh dạn nói rằng tôi đang làm chính trị”. Còn những tu sĩ tôn giáo nếu đang hoạt động và giữ một chức vị trong chế độ, hay một tổ chức, đoàn thể của chế độ thì họ đang làm chính trị đấy, theo nghĩa thông thường, tức là “xôi thịt”, cha Khải không nói nhưng tiện nhân hiểu thêm như thế.
2) Tại sao cứ chống Cộng hoài hoài mà kết quả không được bao nhiêu?
Vẫn phải chống miết, chống mãi, chống dài dài cho đến khi nào sự ác bị tiêu diệt. Ngày nào Cộng sản còn thống trị đất nước Việt Nam khốn khổ của chúng ta, còn đàn áp nhân dân, còn làm tay sai, bán đất bán biển cho Tàu Cộng, còn đàn áp tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền thì ngày đó chúng ta còn phải tiếp tục chiến đấu. Còn kết quả? Khả quan đấy chứ, cha Khải tiếp, vì nhân dân đứng lên, tuổi trẻ dấn thân, dân oan khiếu kiện, biểu tình, dù bị bắt bớ, bỏ tù. “Tôi là một mục tử, chăn giữ đoàn chiên của Chúa. Khi những người trẻ trong giáo xứ trách nhiệm của tôi dám đứng lên tranh đấu, bất chấp gian nguy, bị khủng bố, đánh đập, tù đày thì tôi sẽ là gì nếu cứ ngồi yên, không lên tiếng, không tiếp tay với họ?”
Tiện nhân thấy hai điều phát biểu trên của LM Nguyễn Văn Khải quả là xuất sắc, quá đúng. Phù hợp với lập luận của NLGO trong bài “Chống Cộng bằng (võ) mồm” phổ biến cách đây khá lâu, mà tiện nhân tin rằng cha Khải chưa có dịp đọc. Phù hợp, nhưng phát ra từ miệng của nhà hùng biện dí dỏm Nguyễn Văn Khải những điều ấy có sức thu hút mãnh liệt, lôi cuốn và thuyết phục người nghe hơn những gì được viết trên trang giấy. Cho hay, chí lớn của những người chống Cộng chân chính, dù bằng võ mồm, đều gặp nhau trên những điểm căn bản nào đó.
3) Một nước Việt Nam nghèo nàn, lạc hậu:
Qua phần hai của bài thuyết trình, LM Khải đề cập đến “hiện tình đất nước”, vẽ cho thấy một Việt Nam Cộng Sản nghèo, khổ, đói. Đói kinh khủng, đói triền miên. Đói sinh ra bệnh tật và tệ nạn ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp. Ông nói: “Ở Miền Bắc trước 1975 và Miền Nam sau 1975, nơi nào theo CS sớm thì đói sớm, nơi nào theo CS nhiều thì đói nhiều, nơi nào theo CS lâu thì đói lâu.” Bản thân ông, ở một làng quê Thái Bình, từ tấm bé đã biết thế nào là thiếu ăn, thiếu mặc, ông kể: phải lấy dây chuối bện thành thắt lưng quần. Theo chế độ tem phiếu, mỗi năm mỗi “hộ khẩu” chỉ được mua hai thước vải thô, lại còn bị cán bộ cắt xén, cho nên mới có câu vè dân gian, và ông đọc, tỉnh bơ:
Một năm hai thước vải thô
Lấy gì che kín cụ Hồ em ơi…
Quần áo thì rách nát, vá trùm vá đụp, hết lớp này đến lớp khác, đến nỗi không dám giặt, sợ bung ra hết.
Tiếp theo, LM Nguyễn Văn Khải, đề cập đến vấn đề giáo dục. Tuổi trẻ không tha thiết học hành, bởi lý do học giỏi ra trường không có việc làm, và những jobs lớn nhỏ đều năm trong tay của bọn 6C, tức “Con Cháu Của Các Cụ Cả”, tức fils à papa như Tây thường nói, dốt nát, bất tài, lì lợm, nhưng có bùa 6Đ, tức “Đi Đến Đâu Đếch Đuổi Được”, nghĩa là bọn này ngồi chỗ nào, ghế bị đinh vít chặt, không ai có thể bứng đi được. “Chất lượng” của việc học hành quá tệ, và ông nêu hai ví dụ: Ra trường, có bằng Cử nhân Pháp văn đường hoàng, nhưng không thể nói nổi, viết nổi một câu Pháp ngữ, hoặc một quan chức tại một Bộ nọ khoe có bằng tiến sĩ do đại học Mỹ cấp, nhưng không biết một chữ tiếng Anh. Chưa kể việc các viên chức mướn người thi hộ, hoặc giản tiện hơn, không thi mà vẫn đỗ, sau một chầu nhậu hay bia ôm.
Tình trạng xã hội cũng bi đát không kém: người ta đánh nhau, chém nhau vì bất cứ lý do gì. Ông kể: một người mắt lé bị những “cháu ngoan Bác Hồ” đánh nhừ đòn về tội “nhìn đểu”. Một người méo miệng cũng bị đánh về tội “cười đểu”. Cả hai giải thích, năn nỉ xin tha còn bị đánh thêm về tội “đã xấu còn tạo ấn tượng gây chú ý”. Cả nước không ai biết nói “cám ơn” và “xin lỗi”. Ai lỡ dại nói hai câu cấm kỵ ấy liền bị mắng là “chạm dây thần kinh”hoặc “tốt đột xuất”. Sinh viên chỉ biết “yêu tranh thủ, ngủ khẩn trương, học bình thường, chơi xả láng”. Nạn phá thai tại nước CHXNVN đạt mức kỹ lục thế giới, kể cả, LM Khải không giấu diếm, 20% nữ giáo dân Thái Hà. Về trình độ công dân giáo dục thì ôi thôi, khỏi nói: ví dụ, một lần lãnh sự quán Nhật Bản tổ chức triển lãm hoa anh đào tại Hà Nội. Dân chúng vào xem, giẫm đạp lên nhau, giành giật để hái cho bằng được một vài cánh, dù không biết để làm gì, khiến “tan nát một đời hoa” và cuộc triển lãm phải dẹp tiệm sớm.
Về kinh tế thì không ai hiểu nổi câu văn “cực kỳ” bí hiểm, “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.Mà “các bố” (chữ của ông) không bao giờ chịu giải thích cho dân nhờ. Nếu có, thì cũng loanh quanh, lạng quạng, càng thêm rối rắm. Bí hiểm, cho nên cả nước trở thành nghèo mạt rệp (chú thích của NLGO: trừ những thằng lãnh đạo và bè lũ tham nhũng, làm giàu trên xương máu đống bào).
Cha Khải nói tiếp: Có điều mâu thuẫn, khá khôi hài, là tuy bây giờ vẫn tung hô, ca ngợi, sùng bái chế độ Cộng sản ưu việt, thiên tài, vô địch, dù nó đã bị bóp chết từ khuya, những anh đảng viên rất sợ bị gọi là Cộng sản. Một lần, ông tiếp chuyện với vài anh đảng viên và gọi họ là “thưa quý ông đảng viên Cộng sản”, họ bèn nói: “Thôi ông ơi, gọi đảng viên là đủ rồi.”
Vân vân… Thực ra, những điều mà LM Khải phát biểu về tình hình đất nước VNCS và thiên đường Xã Hội Chủ Nghĩa hiện nay, người Việt quốc gia hải ngoại nào cũng đã biết ít nhiều qua báo chí, tin tức trên Mạng, hay lời kể của những Việt Kiều hồi hương hoặc du lịch, và vì vậy không có gì mới lạ.
Tuy nhiên, những điều ấy có một giá trị đặc biệt, trưa nay, tại hội trường Hollywood Senior Center, bởi vì a-ông đến đây từ mảnh đất quê hương khốn khổ; b- cho nên, hơn ai hết, ông là một nhân chứng sống, đã thấy, đã nghe, đã cảm, đã nghĩ, đã hiểu tất cả các vấn đề một cách cụ thể, đúng đắn; c- tất cả những gì ông nói đều là sự thật 100% hoặc hơn; d- ông có biệt tài kể chuyện, nói năng tuyệt vời, có duyên, hấp dẫn, khiến người nghe say mê, dù đề tài và nội dung đã khá quen thuộc.
4) LM Nguyễn Văn Khải: một khám phá kỳ thú
Giờ nghỉ giải lao, trong khi mọi người dùng bữa pot-luck tại chỗ, thấy LM Khải không ăn, ngồi một mình, tiện nhân, cũng không ăn, bèn lân la đến bên, để khen ngợi ông về bài và cách phát biểu xuất sắc, và nhất là để hỏi ông một câu đã ám ảnh tiện nhân từ lúc bước vào hội trường: “Thưa cha, cho phép con hỏi câu này: Cha đang du học tại Rome, và cha chống Việt Cộng quyết liệt như vậy, liệu cha có ý định hoặc có dám trở về Việt Nam không?” Không ngần ngại, e dè, ông trả lời ngay: “Thưa bác, con về hay không là do quyết định của bề trên con. Về, và làm thế nào để không bị bắt, cũng do kế hoạch của bề trên con.” Trong đức tin của người Công giáo, tiện nhân hiểu rằng, qua câu ấy, ông muốn nói mọi việc đều do Thiên Chúa Quan Phòng (Providence) sắp xếp, lo liệu hết.
Bấy nhiêu thôi, cộng với những gì được thấy, được nghe suốt buổi thuyết trình, cũng đủ đánh tan mọi thắc mắc, nghi ngờ cố hữu của tiện nhân, cũng như, ở một khung cảnh đạo giáo cao sang, của thánh Thomas ngày xưa về việc Chúa Giêsu đã sống lại. Tiện nhân hoàn toàn bị LM Nguyễn Văn Khải chinh phục, hoàn toàn tin rằng ông là một tu sĩ chống Cộng chân chính.
Và trân trọng giới thiệu ông, tuy có chút trễ tràng hay thừa thãi, với tất cả quý vị, quý bạn thân mến. Đồng thời, xin cám tạ Ban Tổ Chức và Cộng đồng Việt Nam Oregon đã mang đến cho đồng bào lưu vong, cùng một lứa bên trời lận đận, một chiều lập thu Portland tốt đẹp, đầy ý nghĩa, và đầy lửa đấu tranh làm sục sôi lòng người.
Portland, thứ năm 19/9/2013
NLGO