*
Sau 2.000 năm nước mất nhà tan, người người ly tán ăn nhờ ở đậu các xứ trên thế giới và thường trực bị sống trong thảm nhục diệt chủng, động lực nào đã thúc đẩy người Do Thái - với trăm ngàn dị biệt giữa họ - không những giành lại được đất tổ quê cha mà còn biến vùng đất khô cằn sỏi đá cũng như sa mạc hoang sơ từ ngàn xưa nơi đó thành một cõi bờ trù phú tân tiến, hồi sinh và thống nhất một ngôn ngữ già như trái đất là cổ ngữ Hébreu thành quốc ngữ?
Trong bài nầy tôi chủ quan chỉ lược soạn những điều hay của họ, còn những điều kém hay, đặc biệt kể từ sau 1967, tôi trộm nghĩ trong lúc nầy chúng ta chưa cần phải học mặc dù tôi hằng tâm đắc câu "kỳ bất thiện giả nhi cải chi" của Khổng Tử. (1)
Thủy tổ người Do Thái và ý thức Do Thái Giáo là Abraham, dân tộc Hébreu (2), thuộc giòng Sémite. Abraham gốc người xứ Chaldée (Irak ngày nay), theo thân phụ di cư qua đất Canaan. Ông tự nhận được Thượng Đế khải thị cho chọn đất nầy làm nơi định cư lập nghiệp. Tuy nhiên, dân tộc Do Thái chỉ thực sự được gầy dựng kể từ đời thứ tư nhờ một trong 12 người chắt trai của Abraham là Joseph. Bấy giời Joseph làm thượng thư trong triều đình Ai Cập (Egypte) nên toàn thể độ 70 người trong tộc Abraham đều theo Joseph qua Ai Cập sinh sống.
Vào năm 1585 trước CN, một vị Pharaon (vua Ai Cập) khác lên ngôi, không thích người Do Thái, nghi kỵ và bạc đãi bắt cả nhóm của Joseph làm nô dịch. Ý thức thành lập một quốc gia Do Thái phát sinh từ đó.
Gông cùm nô dịch kể trên kéo dài 317 năm mới được Moïse giải phóng. Moïse là một thân vương của Ai Cập, nhưng đứng trước nhục trạng của đồng bào ông, ông cương quyết từ bỏ địa vị cao sang cá nhân, bênh vực và bảo vệ họ.
Vào năm 1266 trước CN, Moïse đưa đồng bào đau khổ của ông di cư về Đất Hứa. Tới núi Sinaï, họ sống vất vưởng cực khổ 40 năm. Truyền rằng chính nơi đây, được khải thị bởi Thượng Đế, Moïse đã cụ thể hoá ý thức tôn giáo nhất thần của Abraham thành Do Thái giáo, có cơ sở hẳn hòi: Thờ Jahvé, một Thượng đế toàn năng, toàn trí, chí nhân, chí công và là người tạo ra trời đất cùng muôn loài.(3).
Thánh kinh Do Thái (la Torah) di lưu rằng vì thủy tổ loài người, ông Adam và bà Eva, phạm tội ăn trái cấm nên hậu duệ của ông bà phải chịu khổ, song một ngày kia một Đấng Cứu Thế trong tộc Do Thái sẽ ra đời và Ngài sẽ là người hoà giải Jahvé với nhân loại.
Người trong đạo Do Thái tin có linh hồn và linh hồn bất diệt khi thể xác rữa tan. Tín đồ Do Thái giáo phải tin theo Thập Tự Giới như: thờ một Chúa duy nhất, kính trọng cha mẹ, không được cướp của giết người, không được nói dối, phải giữ linh hồn và thể xác trong sạch... Ngày thứ bảy trong mỗi tuần là ngày Sabbat, tức là ngày thiêng liêng, mọi công việc đều phải đình lại.
Dân tộc Do Thái bắt đầu văn minh và thống nhất từ đời Moïse nhưng nhờ Josué, đời kế tiếp, chiếm được một phần xứ Canaan (Đất Hứa), con cháu Israël mới chính thức về đó định cư. Sau, David chiếm trọn đất Canaan, dựng đô ở Jérusalem, lập một ngôi đền đẹp đẽ cũng lấy tên là Jérusalem (có nghĩa là Đền Bình Trị). Và đến đời con của David là Salomon, quốc gia Do Thái mới toàn thịnh.
Năm 930 trước CN, Salomon băng hà, Israël bị chia làm hai tiểu quốc: Israël ở phía bắc và Judée ở phía nam. Nam Bắc tương tàn, rốt cuộc Israël bị Assyrie chiếm mất, Judée lọt vào tay Babylone.
Tới khi Ba Tư (Iran) sang chiếm Babylone, người xứ Judée mới được về lại xứ, xây cất lại đền Jérusalem, tạm sống yên ổn trong hai thế kỷ.
Rồi tới năm 63 trước CN, La Mã chiếm xứ Judée, tàn phá và đổi tên Jérusalem thành Aelia Capitolina, và Israël thành Palestine (tên cũ). Dân tộc Do Thái mất quốc gia và nếm mùi lưu vong và nhục trạng diệt chủng trường kỳ khủng khiếp từ thời đó cho tới năm 1948, tây lịch.
2. Bước đường lưu vong
Mới đầu họ tản mác qua Tiểu Á (Asie Mineure) rồi qua Âu Châu, Bắc Phi, Ethiopie; chỉ còn một nhóm nhỏ ở lại trong xứ sống chung với người Ả Rập. Đi tới đâu, thổ dân cũng nhận ra họ, một là vì tôn giáo, hai là vì nét mặt (nhất là sống mũi mỏ vẹt đặc thù của họ), ba là sự đoàn kết, sự thông minh, sự tiến đạt thịnh vượng hơi quá lộ liễu của họ, dù rằng đi tới đâu họ cũng đều nhập tịch xứ đó và cũng hy sinh tính mạng những khi hữu sự y như người bản xứ. (4).
Xin lược kể ra đây một vài trường hợp khinh ghét oái oăm mà người Do Thái phải hứng chịu tại các nước đạo Hồi:
• Tại Ba Tư (Iran) vào thế kỷ XIX tây lịch, người Do Thái chẳng khác gì hạng tiện dân bên Ấn Độ, vì đối với người bản xứ, hễ người Do Thái đụng tới một vật gì thì vật đó hoá ra nhớp nhúa bẩn thỉu. Do đó người Do Thái bị cấm triệt không được hành nghề như mở quán tạp hoá, nhà hàng... Lúc trời mưa, họ không được ra khỏi khu vực dành riêng cho họ (có tên là Mellah) tương tự như các ghetto ở Âu Châu. Đặc biệt người Do Thái không có quyền làm chứng và tuyên thệ ở toà án. Sinh mạng của một người Do Thái không quá 140 Kraus (tiền Ba Tư).
• Tại Maroc, người Do Thái không được luật pháp công nhận quyền công dân dù họ đã vào quốc tịch. Lẽ sống chết của họ tùy thuộc vào nhà vua. Vua Maroc muốn bắt họ làm nô lệ thì họ phải tuân theo vì không biết dựa vào đâu mà kêu ca ngoài lời nguyện cầu Jahvé che chở.
• Tại Yémen trước 1948, người Do Thái không được phép lớn tiếng trước mặt người Hồi giáo, không được bán cùng món hàng với người Hồi giáo. Ngoài ra, ngày viá Mohamed, giáo chủ Hồi giáo, người ta cấm họ mặc các thứ vải có màu nhạt, mang khí giới. Trẻ con Do Thái mồ côi phải giao cho nhà cầm quyền để nhà cầm quyền cho chúng theo Hồi giáo.
Thân phận người Do Thái ở Âu Châu xét ra còn bi đát hơn nhiều so với thân phận người Do Thái ở Trung Đông. Suốt gần mười thế kỷ, không nơi nầy thì nơi khác, lúc nào cũng có những người Do Thái bị nhục cảnh ghetto, pogrom, hỏa hình lò thiêu, dìm nước. Người Do Thái bị buộc gắn hình bánh xe nhỏ hoặc hình ngôi sao David sáu cánh trên áo như tội phạm mang áo dấu, bị trút lên đầu lên cổ tất cả mọi tội lỗi mà họ không hề gây nên. Những lúc họ được yên thân nhất cũng không khác thân phận nô lệ là bao vì người ta cấm họ có bất động sản, thành thử muốn theo nghề nông, họ chỉ có thể làm nông nô hay tá điền là cùng. Muốn khá giả, họ chỉ còn nghề đổi tiền và cho vay (5).
Sự học hành của người Do Thái ở các nơi nầy cũng bị hạn chế. Chẳng hạn ở Nga, chính phủ không ra mặt cấm hẳn sự học của họ nhưng lại áp chế một chính sách xảo quyệt là cho các trường trung học chỉ được thu nhận một số học sinh Do Thái khoảng 10% tổng số học sinh theo Thiên Chúa giáo, trong khi ở châu thành nào có dân Do Thái thì nhân số Do Thái cũng chiếm ít nhất 30% tổng số dân cư ngụ vì người Do Thái bị bắt buộc phải sống chung gần như trong các ghetto của Đức, của Ba Lan.
Tình cảnh của họ bất công đến nỗi một người theo Thiên Chúa giáo đã phải thốt ra câu nầy: "Nếu chỉ cần ghét tụi Do Thái cũng đủ là người Thiên Chúa giáo ngoan đạo thì hết thẩy chúng ta đều là những người Thiên Chúa giáo ngoan đạo".
Cuộc tàn sát Do Thái vì kỳ thị Thiên Chúa giáo thực sự bắt đầu từ thế kỷ XI trong cuộc viễn chinh của Thập Tự Quân kéo dài đến đầu Thế chiến 2 thì chuyển hướng qua kỳ thị chủng tộc bởi Hitler và Đức Quốc Xã.
3. Kỳ thị tôn giáo
Năm 1096, người ta rủ nhau đi giải phóng mộ Chúa Ki Tô. Và còn gì hữu lý bằng, trước khi làm công việc thiêng liêng cao cả đó, trả thù những kẻ mà 11 thế kỷ trước đã phản bội Chúa nên Chúa mới bị chính quyền La Mã kết tội phiến loạn, bị đóng đinh trên Thánh Giá tại núi Golgotha cùng với hai tên đạo tặc.
• Ở Worms (Đức), trong hai ngày, người Âu Châu đã làm thịt 800 người Do Thái bất luận già trẻ, đàn ông hay đàn bà. Hễ là Do Thái mà không chịu theo Thiên Chúa giáo là bị chém bằng gươm bằng giáo.
• Ở Mayence (Đức) cũng vậy, 700 người Do Thái ngã gục chỉ vì họ là hậu duệ của kẻ đã giết Chúa (Juda) và đã được Chúa "xin Cha - Thượng Đế - tha thứ cho họ (người Do Thái) vì họ không biết họ làm gì". Chúa tha, nhưng đời đời kiếp kiếp tín đồ của Chúa, vốn không cùng chủng tộc với Chúa, không tha, quyết diệt cho tiệt cái nòi mà chính Chúa đã mượn thân xác xuống trần.
Mà thật ra, Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo vốn là "đồng bào ruột thịt" vì Đức Mẹ Maria và Chúa Jésus đều là người Do Thái và tất cả đều theo những điều luật của Moïse, cũng là dân Do Thái nốt.
Còn nhiều, rất nhiều cuộc tàn sát Do Thái khác trước Thế chiến 2 nhưng vì quá nhiều, không tiện liệt kê cả ra đây. Chúng ta hãy biết rằng năm 1905, Nga thua Nhật ở eo bể Đối Mã (Tsushima), cách mạng nổi lên ở Nga và dân Nga lại trút hết tội lỗi lên đầu người Do Thái, do đó có nhiều cuộc thảm sát Do Thái trong tháng 10 (1905) và vào năm 1919-1921 đã có trên 10 vụ pogrom.
4. Kỳ thị chủng tộc
Trước kia người ta giết Do Thái một cách thô bạo, dã man. Đến Thế chiến 2, Đức Quốc Xã của Hitler tàn sát họ rất bình tỉnh, có tổ chức, có kế hoạch, có chủ thuyết và có khoa học. Bởi vậy dân Do Thái chết như rạ, dẫu Néron, Tần Thủy Hoàng có tái sinh cũng không thể không cúi đầu chịu thua trên phương diện lượng và phẩm khủng khiếp (chỉ có hai ông tổ Staline và Mao Trạch Đông sau này là vượt xa ‘chỉ tiêu’ đó).
Lửa kỳ thị tôn giáo và hận giết Chúa sau gần 20 thế kỷ dù sao cũng phải lụi phần sôi sục. Hơn nữa, rất nhiều người Do Thái đã cải giáo, cho nên muốn tận diệt họ, Hitler bèn tạo thêm lòng kỳ thị chủng tộc. Thuyết kỳ thị chủng tộc của Hitler đã được rút ra từ cuốn sách "Chủng Loại Các Thứ Cây" (Espèces en Botanique), xuất bản năm 1753 của nhà vạn vật học Thụy Điển Carl Linné (1707-1778). Từ hệ thống phân loại cỏ cây làm 24 giống, Linné phân loại tới loài người: Giống Âu da trắng siêng năng, giống Á da vàng dai sức, giống Phi da đen bạc nhược (6) và giống Mỹ da đỏ nóng nảy.
Chộp lấy hệ thống đó, Đức Quốc Xã tuyên truyền rằng giống Do Thái – vàng chẳng ra vàng, đen chẳng ra đen, trắng không thật trắng – có máu quỉ quyệt phản bội (phản Chúa), chống chính phủ (thuyết cộng sản của Marx, gốc Do Thái). Vậy, vì lý do an ninh của nước Đức và để bảo tồn huyết thống của giống Đức (giống Aryen) - một giống thông minh nhất thế giới, anh hùng nhất thế giới, tài giỏi nhất thế giới, cao thượng nhất thế giới - khỏi bị lây lai bậy bạ mà phải sa đoạ lần lần mất, chúng ta (dân Đức) phải tận diệt chúng (tức Do Thái) và tịch thu tài sản của chúng.
Từ năm 1939 đến đầu năm 1945, tính ra có trên năm triệu người Do Thái bị Hitler và đồng bọn thảm sát hoặc bằng súng đạn, hơi ngạt, hoặc bằng lò thiêu, chôn sống. Chỉ riêng tại trại Auschwitz cũng đã có gần ba triệu thây ma Do Thái.
Hai chữ Do Thái thật ra chỉ là danh xưng để gọi một giống người mà huyết thống, sau 2.000 năm vong quốc, đã bị lai loãng cả trăm, cả ngàn đời rồi. Cho nên có đến hàng trăm thứ Do Thái: Do Thái Pháp, Do Thái Bỉ, Do Thái Ý, Do Thái Anh, Do Thái Mỹ, Do Thái Nga, Do Thái Hung, Do Thái Thổ, Do Thái Đức, Do Thái Ba Lan, Do Thái Bồ Đào Nha, Do Thái Tây Ban Nha, Do Thái Ả Rập (Iran, Irak..., Algérie, Maroc, Tunisie, Syrie, Egypte – Ai Cập...), Do Thái Áo, Do Thái Phi châu da đen... và cả Do Thái Tàu. (7)
Tóm lại trên phương diện địa lý-văn hoá, giữa người Do Thái với nhau có sự phân chia đại cương thành 2 nhóm: Ashkénaze và Séfarade. Ashkénaze = Do Thái gốc Nhật nhĩ man (Germanique: Đức, Anh, Hoà Lan... và mấy nước Bắc Âu) và Tư lạp phu (slave: Nga, Biélorusses, Ba Lan, Ukraines, Serbes, Croates, Slovaques, Tchèques...); Séfarade = Do Thái gốc Địa Trung Hải (Méditerranéens: chủ yếu là Cận Đông, Bắc Phi và Tây Á).
5. Phục Quốc
Bao lần quật khởi đẫm máu, người Do Thái vẫn không tránh được cảnh nước mất nhà tan, người người phân tán trên khắp địa cầu. Ở đâu họ cũng bị hất hủi, khủng bố, tàn sát cho nên lòng hoài hương của họ trong suốt 2.000 năm lúc nào cũng đau đáu trong lòng. Nỗi khổ của họ đã làm thi sĩ Anh Cát Lợi Byron buột miệng than "dân Do Thái khổ hơn những con thú không có hang".
Dù ở Moscou, Paris, New York, Rome, Berlin, Londre... người Do Thái luôn luôn hướng về thánh địa Jérusalem và xứ Israël, mảnh đất thiên đường mà, nghe nói, Thượng Đế đã đặc ban cho họ, một dân tộc, cũng nghe nói, được Chúa trời chọn. Bất cứ gặp nhau ở nơi nào, họ đều chúc nhau: Sang năm về Jérusalem.
Nói đến công cuộc phục quốc của người Do Thái mà không nói tới Théodore Herzl thì quả là một thiếu sót lớn. Vì nếu không có cuốn sách nhỏ mang tựa đề "Quốc Gia Do Thái" (L'Etat Juif) của Herzl, chẳng biết ngày nay thân phận hậu duệ ông Jacob đã đi đến vực thẳm khổ nhục nào rồi.
Théodore Herzl sinh năm 1860 tại Budapest (Hung Gia Lợi), viết báo, soạn kịch và hành nghề ký giả. Nhân vụ án Alfred Dreyfus, một sĩ quan gốc Do Thái-Alsace trong quân đội Pháp, làm sôi nổi dư luận Âu Châu năm 1894, Herzl được toà báo Neue Freie Press (tân Tự Do) phái tới dự thính vụ xét xử và lột lon Dreyfus (ngày 15/01/1895) trước công chúng Pháp để viết bài tường thuật. Sĩ quan Dreyfus bị Bộ Quốc phòng Pháp ngờ cho là gián điệp của Đức, bị toà xử tội đày. Dreyfus một mực kêu oan. Nét mặt ông khi ra toà tại Rennes thật thảm thương, chân thành, gây lòng trắc ẩn cho một số người trong đó có văn hào Emile Zola (1840-1902) và ký giả Théodore Herzl.
Nghiệm thấy chứng cớ xử tội Dreyfus không đứng vững và tin rằng Dreyfus bị hàm oan, Emile Zola bèn can đảm viết loạt bài bất hủ nhan đề "Tôi buộc tội" (J'accuse) trên tờ l'Aurore (01/1898) để buộc chính phủ Pháp xét lại trường hợp của Dreyfus. Bảy năm sau, có đủ tài liệu chứng minh sự vô tội của Dreyfus, toà phá án và tha bổng Dreyfus. Song, sau 12 năm nằm tù một cách oan uổng, Dreyfus đã hoá ra con người bỏ đi.
Chính nỗi bất công mà Dreyfus phải hứng chịu đã thay đổi hẳn một người đồng chủng của ông là Théodore Herzl. Nỗi oan uổng đó đã làm Herzl gậm nhấm rằng "chỉ vì lỡ sinh ra là người Do Thái như mình mà Dreyfus phải bị tội oan". Cái án Dreyfus ám ảnh ông khôn nguôi và non một năm sau, ông viết một cuốn sách nhỏ tựa đề "Quốc gia Do Thái", xuất bản tại Vienne (Áo) năm 1896. Sách được dịch ra nhiều thứ tiếng. Trong sách có đoạn viết "người Do Thái nào muốn có một quốc gia của mình thì sẽ có một quốc gia và xứng đáng được có quốc gia". Ấy vì "chỉ có mình mới tự cứu mình được thôi, và vấn đề Do Thái phải do người Do Thái giải quyết lấy".
Herzl hoạt động hăng say không tiếc sức. Chu du khắp nơi, gặp gỡ hết thảy các nhân vật có thẩm quyền lúc bấy giờ. Năm 1903, người Anh muốn tặng ông xứ Ouganda ở trung bộ Phi Châu, đảo Chypre ở Địa Trung Hải để thành lập quê hương Do Thái, nhưng những người Do Thái ở Nga - đặc biệt Chaïm Weizmann, sau nầy thành vị tổng thống đầu tiên của Israël - nhất định không chịu, kiên quyết đòi về đất Palestine cho bằng được.
Quá lao tâm lao lực ngày đêm tranh đấu thuyết phục các chính quyền, liên lạc với đồng bào trên thế giới, Herzl kiệt sức và qua đời tại Vienne (Áo) năm 1904 hồi mới 44 tuổi.
Năm 1914, Thế chiến 1 bùng nổ. Đồng minh trông cậy rất nhiều vào Anh quốc vì bấy giờ Anh làm bá chủ trên biển. Nhà cầm quyền nước Anh lúc đó vô cùng bối rối vì các nguyên liệu chế tạo thuốc nổ của họ thiếu một chất cốt yếu, đó là chất acétone. Trong những ngày khủng hoảng đó, nhà bác học Anh gốc Do Thái Chaïm Weizmann (1874-1952) đã sáng suốt nắm lấy cơ hội, chế biến được chất acétone nhân tạo giúp đồng minh đánh bại Đức năm 1918. Đế quốc Ottoman sụp đổ. Thực dân Anh cưỡng chiếm Palestine.
6. Xin lưu ý:
Palestine không phải là một quốc gia mà là một vùng đất mênh mông thuộc đế quốc Ottoman, 1453-1917. Thế chiến 1 chấm dứt năm 1918, thực dân Pháp ‘được ủy nhiệm’ vùng Bắc Phi (Maroc, Algérie, Tunisie, Libye) và bắc Cận Đông (Syrie và Liban). Palestine nằm dưới sự ‘ủy nhiệm’ của thực dân Anh, nơi đây gồm các tộc Ả Rập Hồi giáo, Thiên Chúa giáo và Do Thái, được gọi chung là Palestiniens (cư dân vùng Palestine).
Để thưởng công ông, thủ tướng Anh Lloyd George tặng ông một chi phiếu ký tên nhưng để trống ô ghi số tiền. Ông từ chối và nói "xin thủ tướng hứa với tôi là sẽ dùng hết uy quyền của thủ tướng để cho đất Palestine được trả lại cho người Do Thái chúng tôi".
Quê hương Do Thái được thành lập vào năm 1922 nhưng bị đặt dưới quyền bảo hộ của Anh, tức là có tiếng mà không có miếng (Tuyên ngôn Balfour ngày 02/11/1917).
Năm 1938, thực dân Anh đề nghị chia khoảng 30% lãnh thổ Palestine thành hai quốc gia: Một Ả Rập và một Do Thái, nhưng sự việc không thành, năm 1939.
Phải đợi đến cuối thập niên 1940 quốc gia Do Thái mới thành một thực tại độc lập. Trong Thế chiến 2, một lần nữa người Do Thái đã anh dũng chiến đấu phía đồng minh, đặc biệt bên cạnh Anh mặc dù người Anh đã một lần xảo quyệt phụ rẫy công lao của họ (cho đất mà không cho quyền tự trị).
Khi Thế chiến 2 kết liễu (1945), hy vọng độc lập của người Do Thái lại bay theo khói súng. Công chung sức diệt Đức Quốc Xã của họ không được Anh đếm xỉa tới. Sự kiện nầy trách Anh là chuyện thừa vì sự thành lập một quốc gia Do Thái độc lập ảnh hưởng đến lẽ sống chết của Anh: các mỏ dầu hỏa của Anh nằm hết bên các xứ Ả Rập – Ai Cập, Syrie, Ả Rập Séoudite, Cisjordanie - những quốc gia tử thù truyền kiếp với Do Thái.
Nghị quyết 181 của Liên Hiệp Quốc, ngày 29/11/1947, tán thành giải pháp chia đôi toàn bộ lãnh thổ Palestine thành hai quốc gia: Một Do Thái (56,47%) và một Palestine (43,53%). Thánh địa Jérusalem có một quy chế đặc biệt dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc. Khối Ả Rập không chịu, đặc biệt người Palestine, viện cớ không được tham vấn trong việc phân chia.
Dẫu vậy, ngày 14/05/1948, dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Văn phòng Do Thái (Agence Juive), David Ben Gourion, quốc gia Do Thái được thành lập. David Ben Gourion đọc bản Tuyên ngôn Độc lập:
"Đất Israël là nơi sinh ra dân tộc Do Thái". Chính nơi đó đã đặt nền móng cho bản sắc tâm linh, tín ngưỡng và dân tộc của người Do Thái. Chính nơi đó dân tộc Do Thái đã thực hiện nền độc lập của mình và đã tạo nên một nền văn hoá có ý nghĩa quốc gia và phổ biến. Chính nơi đó họ đã soạn ra bản Thánh kinh và đã cống hiến cho thế giới.
Bị bức bách phải lưu xứ, tản mác trong mọi quốc gia khác, dân tộc Do Thái vẫn thủy chung với vùng đất Israël, chưa bao giờ họ ngưng nguyện cầu và ngưng hy vọng trở về để tái lập nền tự do quốc gia của mình.
Thúc đẩy bởi sự liên hệ lịch sử đó, người Do Thái đã đấu tranh qua bao thế kỷ để được trở về trên mảnh đất của tổ tiên và tìm lại xứ sở của mình. Qua mấy thập niên gần đây, người Do Thái đã trở về hàng loạt, khai khẩn các vùng đất hoang, tái sinh ngôn ngữ, xây dựng các thành phố, các thôn làng và sắp đặt một cộng đồng năng động và tràn đầy phát triển, có đời sống riêng về kinh tế và văn hoá. Họ cầu tìm hoà bình đồng thời sẵn sàng để tự vệ. Họ đã mang lại nhiều lợi ích trong tiến bộ cho mọi cư dân trong xứ và đã được chuẩn bị cho nền độc lập tối cao.
Năm 1897, hội nghị Sionisme [chủ nghĩa người Do Thái tự trị] lần thứ nhất, cảm hứng từ dự phóng một quốc gia Do Thái của Théodore Herzl, đã công bố quyền của dân tộc Do Thái trong mùa xuân mới dân tộc trên chính quê hương của họ.
Quyền đó đã được bản Tuyên Ngôn Balfour công nhận ngày 02 tháng 11 năm 1917 và được Hội Quốc Liên [Liên Hiệp Quốc] tái xác định, do đó đã thành sự công nhận quốc tế chính thức về mối liên hệ lịch sử của dân tộc Do Thái với vùng đất Palestine và quyền tái lập quê hương của họ.
Thảm hoạ Shoah (8) đã tiêu diệt hàng triệu người Do Thái tại Âu Châu, thêm một lần nữa chứng minh nhu cầu phải giải quyết vấn đề thiếu tổ quốc và độc lập của dân tộc Do Thái bằng sự tái lập quốc gia Do Thái hầu mở cửa cho mọi người Do Thái và trao cho họ một quy chế bình đẳng trong lòng cộng đồng các quốc gia.
Những người sống sót trong cuộc thảm sát tại Âu Châu cũng như những người Do Thái từ các quốc gia khác không hề buông bỏ sự cố gắng của họ để tìm về Israël, bất chấp mọi khó khăn, mọi trở ngại, mọi tai ương; và họ không ngưng đòi hỏi quyền có một đời sống có phẩm cách, có tự do và có công ăn việc làm liêm chính trên mảnh đất của tổ tiên họ.
Trong Thế chiến 2, sát cánh với các quốc gia yêu chuộng tự do, cộng đồng Do Thái Palestine đã đóng góp trọn vẹn phần mình trong chiến đấu chống lại ách Đức Quốc Xã. Với những hy sinh của quân sĩ và những cố gắng của họ trong chiến tranh, người Do Thái xứng đáng được có mặt giữa những quốc gia sáng lập Liên Hiệp Quốc.
Ngày 29 tháng 11 năm 1947, Hội Đồng LHQ đã tán thành một nghị quyết về việc tái lập một quốc gia Do Thái tại Palestine.
Hội Đồng đã yêu cầu cư dân trong xứ dùng mọi phương sách cần thiết để thực thi nghị quyết đó. Sự công nhận của LHQ về quyền của dân tộc Do Thái được phép tạo dựng một quốc gia độc lập cho họ [là sự công nhận] không thể vãn hồi.
Đó là quyền tự nhiên của dân tộc Do Thái, cũng như mọi quốc gia khác đã làm, hướng tới một hiện hữu độc lập trong đất nước tối thượng của họ.
Vì thế, chúng tôi, các thành viên trong Hội Đồng Quốc Gia, đại diện cho cộng đồng Do Thái Palestine và phong trào Sionisme Thế Giới, họp mặt trong đại hội long trọng hôm nay – ngày chấm dứt sự ủy nhiệm của người Anh tại Palestine - bằng vào quyền tự nhiên và lịch sử của dân tộc Do Thái và chiếu theo nghị quyết của Hội Đồng LHQ, chúng tôi công bố việc thành lập một quốc gia Do Thái tại Palestine, [quốc gia đó] sẽ có tên là Israël.
Chúng tôi tuyên bố rằng kể từ khi chấm dứt sự ủy nhiệm, vào nửa đêm ngày 14 tháng 05 năm 1948, và cho đến khi các cơ quan nhà nước thường trực được bầu chọn đúng theo bản Hiến pháp sẽ được hoàn chỉnh bởi một Hội đồng từ nay cho đến ngày 01 tháng 10 năm 1948, Hội Đồng Quốc Gia sẽ hành động với tư cách Hội Đồng Tham Chính Lâm Thời và nền hành chính trong nước sẽ thi hành nhiệm vụ của một chính phủ lâm thời của quốc gia Do Thái tên gọi là Israël.
Quốc gia Israël (QGI) sẽ mở cửa đón nhận mọi con dân Do Thái tản mác trên thế giới; QGI sẽ lưu tâm đến sự phát triển đất nước vì phúc lợi của mọi cư dân trong xứ; QGI sẽ được đặt nền tảng trên các nguyên tắc của Tự do, Công bằng và Hoà bình đúng theo những gì mà các vị tiên tri Israël đã cưu mang; QGI sẽ bảo đảm sự bình đẳng toàn diện về xã hội và chính trị cho mọi công dân, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc hay giới tính; QGI sẽ bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, giáo dục và văn hoá; QGI sẽ bảo đảm việc bảo vệ các thánh địa của mọi tôn giáo và sẽ tôn trọng những nguyên tắc trong Hiến chương LHQ.
QGI sẵn sàng hợp tác với các tổ chức và đại diện của LHQ để thực thi nghị quyết đã được biểu quyết bởi Hội Đồng ngày 29 tháng 11 năm 1947 và dùng mọi phương sách cần thiết hầu đặt để sự Liên kết Kinh tế trên toàn lãnh thổ Palestine.
Chúng tôi yêu cầu LHQ giúp đỡ dân tộc Do Thái tạo dựng đất nước họ và thừa nhận Israël trong gia đình các quốc gia.
Là nạn nhân của sự công kích đặc trưng, tuy vậy chúng tôi yêu cầu các cư dân Ả Rập [sinh sống] trên đất nước Israël hãy dự phòng những đường hướng hoà bình và đóng góp vai trò của mình vào việc phát triển đất nước trên căn bản công dân đầy đủ và bình đẳng và tư cách thích đáng trong các cơ quan và học viện – lâm thời và thường trực - của xứ sở.
Chúng tôi dang tay, với biểu hiện hoà bình và láng giềng tốt, hướng tới mọi quốc gia và dân tộc bao quanh chúng tôi và chúng tôi kính mời họ đến hợp tác với quốc gia Do Thái độc lập vì điều tốt đẹp chung cho tất cả. QGI sẵn sàng góp phần mình vào sự tiến bộ của Cận Đông và trong toàn thể.
Chúng tôi yêu cầu con dân Do Thái trên thế giới hãy sát cánh với chúng tôi trong trọng trách hồi cư và phát triển cũng như hãy giúp chúng tôi trong cuộc tranh đấu thực hiện lại giấc mơ của bao thế hệ đã trôi qua: Chuộc lại Israël.
Vững tin vào đấng vĩnh hằng toàn năng, chúng tôi ký bản Tuyên ngôn nầy trong phiên họp của Hội đồng Quốc gia lâm thời, trên bờ cõi của tổ quốc, trong châu thành Tel Aviv, rạng ngày lễ Sabbat, 5 Iyar 5708 tức ngày 14 tháng 05 năm 1948."
(HLN tạm dịch theo bản tiếng Pháp. Nguyên tác có ở đây)
* David Ben Gourion (1886-1973, đồng sáng lập viên đảng Mapaï) là thủ tướng đầu tiên của Israël, nhiệm kỳ 1: 1948-1954. Năm 1954 đương tại chức, ông bình thản nhường quyền cho Moshé Sharett (đảng Mapaï) mà chẳng một lời ‘kể công lập quốc’. Vì chính sự nhiễu nhương, D. Ben Gourion trở lại làm thủ tướng nhiệm kỳ 2, năm 1955 đến năm 1963, rồi lại nhường quyền cho Levi Eshkol (đảng Mapaï, sáp nhập vào đảng Lao Động năm 1968). Ông mất năm 1973, thọ 87 tuổi. Ta có thể nghiêng mình gọi 2 lần từ nhiệm của D. Ben Gourion là trường hợp Công Thành Thân Thoái. Tự biết bản thân chỉ thật thụ hữu dụng trong giai đoạn lập quốc, uy tín của mình ổn định được sự tranh chấp nội chính nhưng cũng tự biết mình vụng về trong việc kiến quốc, ông đã từ quan về sống trong sa mạc Neguev đến cuối đời, để tiếng thơm thiên cổ. Tôi chợt nhớ lại huyền sử Phù Đổng Thiên Vương: Đuổi xong giặc Ân, Thánh Dóng tim thịt phóng ngựa tim thịt biến mất trên ngọn Sóc Sơn, nhờ thế, lưu danh muôn thuở. Khác hẳn ai đó đuổi được giặc Ân rồi lại biến thành giặc Ân, bạo ngược hơn giặc Ân, do đó khắc xú vạn niên.
7. Kiến Quốc
Giành được nền độc lập không có nghĩa quốc gia Do Thái sẽ được sống trong hoà bình để kiến thiết khi chung quanh họ các nước thù địch trong Liên đoàn Ả Rập (được thành lập từ 1945) vẫn nhất quyết tận diệt họ. Ngay trong ngày Tuyên bố độc lập (14/05/1948), họ đã phải cầm súng chiến đấu, và đánh tan sự bũa vây trùng điệp của Liên đoàn Ả Rập có quân số đông hơn họ gấp bội. Hơn nữa, như chúng ta đã biết, có quá nhiều khác biệt trên mọi phương diện giữa người Do Thái với nhau và vùng đất mới được độc lập của họ vốn đã "chết" quá lâu, ảnh hưởng rất nhiều đến lẽ sinh tồn của họ.
Công việc đầu tiên mà Bộ Quốc gia Giáo dục Istaël gấp rút xúc tiến sau ngày 14/05/1948 là thống nhất tiếng Hébreu thành quốc ngữ. Thật vậy, sau 2.000 năm phiêu bạt khắp hoàn cầu, con cháu Abraham không những đã mất đi ít nhất 99% huyết thống chính tông trong người mà tiếng mẹ đẻ chẳng còn mấy người nói được. Thời mới phục hồi nền độc lập, dân số Israël được hơn một triệu gồm trên 50 giống người và mỗi giống mỗi ngôn ngữ, mỗi nếp sống, mỗi trình độ văn minh, văn hoá.
Để thống nhất ngôn ngữ, Bộ Quốc gia Giáo dục Israël cưỡng bách mọi công dân Israël phải học tiếng Hébreu, soạn những sách phổ thông dạy từ 500 đến 1.000 tiếng căn bản để sau vài tháng dân chúng có thể đàm thoại với nhau được. Đồng thời Bộ còn cho dịch những danh từ mới về mọi ngành ra tiếng Hébreu để cho soạn sách từ cấp tiểu học đến đại học, tìm trong Thánh kinh những chuyện cổ để dịch ra những ý niệm mới.
Vậy mà trong vòng 10 năm sau, ngành giáo dục của họ đã bắt kịp các nước tân tiến nhất. Ngôn ngữ mới được hồi sinh mà con cháu Abraham đã muốn tranh giành ảnh hưởng với các ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức!
Hai đại học lớn nhất tại Israël là đại học Jérusalem gồm đủ phân khoa và Viện Công nghệ, nơi đào tạo các kỹ sư đủ mọi ngành, đặc biệt ngành canh nông và kỹ nghệ. Ngoài ra còn có một viện chuyên về nghiên cứu là Viện Khoa học Weizmann – tên vị tổng thống đầu tiên của họ – ở Rehovoth với những ngành như vật lý, hạch tâm, điện tử, vi trùng học, vật lý thực nghiệm..., một đại học ở Tel Aviv và nhiều trường đại học khác khắp nước.
*
Tân tiểu quốc Israël nằm trên bờ Địa Trung Hải, phía bắc giáp Liban và Syrie, phía đông giáp Jordanie, phía tây nam giáp Ai Cập, phía cực nam giáp Hồng Hải.
Diện tích (2012): 20.770 cây số vuông (7.477 cs vuông là đất chiếm đóng sau các cuộc chiến với Liên đoàn Ả Rập đặc biệt vào năm 1967), xếp hạng 148 trên thế giới, với nhiều miền có khí hậu khác hẳn nhau. Họ nhất quyết muốn lấy thành phố lớn nhất là Thánh địa Jérusalem làm thủ đô nhưng cho đến nay (2013), vì vấn đề Palestine, chỉ có hai quốc gia trên thế giới công nhận Jérusalem là thủ đô của Israël, đó là Salvador và Costa Rica. Do đó, trong mắt thế giới, châu thành ven biển tân tiến, đẹp đẻ, sạch sẻ Tel Aviv được coi như thủ đô tạm thời. Tel Aviv có nghĩa là Đồi Xuân. (Tôi đã sửng sờ, kinh ngạc xiết bao khi tận mắt nhìn thấy một Tel Aviv huy hoàng, hiện đại chẳng kém Nice, Cannes của Pháp tí nào và ghê cho sự năng động, quyết tâm của họ).
Các thành phố chính khác: Haïfa, Rishon Le-Zion, Petah Tiqwa, Ramat Gan, Beercheba, Nazareth.
Dân số: +/- 8 triệu người (năm 2013, xếp hạng 94), trong đó có khoảng 20% là người Ả Rập (91% theo đạo Hồi, 9% theo đạo Thiên Chúa), 4,5% là mấy cộng đồng khác như Druzes, Bédouins, Arméniens…; 75,5% còn lại gồm 53 thứ Do Thái từ khắp nơi tụ về trong phong trào hồi hương tập thể. Xin lưu ý, từ khi thành lập quốc gia Israël (1948) người Do Thái ở trong nước được gọi là Israéliens / Israelis (công dân quốc gia Israël) để phân biệt với những người Do Thái ở hải ngoại (Juifs / Jews), theo ước tính năm 2010 là 7,5 triệu; bên Mỹ có gần 6 triệu, bên Pháp có khoảng 500 ngàn.
Tổng sản lượng quốc gia: 245,266 tỉ US$ (năm 2011, xếp hạng 41). Israël đứng thứ 4 trên thế giới về xuất cảng vũ khí, sau Mỹ, Tàu và Pháp. Chúng ta đừng quên cha đẻ các loại bom Nguyên tử, H, Hạch nhân đều là người Âu Mỹ gốc Do thái.
Thu nhập bình quân người / năm: 32,298 US$ (năm 2011, xếp hạng 27)
Tiền tệ: Shekel, ký hiệu: NIS (New Israeli Shekel)
1 NIS = 0,20€ / 0,27 US$ - 1 € = 4,91 NIS; 1 US$ = 3,66 NIS (20/02/2013)
Ngôn ngữ: Tiếng Hébreu và tiếng Ả Rập. Ngoại ngữ thông dụng là tiếng Anh và tiếng Pháp.
Chế độ chính trị: Cộng hoà Đại nghị (République parlementaire). Đa đảng (13 đảng). Hai đảng lớn mạnh nhất hiện nay là đảng Lao Động (tả phái) và đảng Likoud (hữu phái) đang chia quyền. Quốc hội (Knesset) gồm 120 nghị viên, có nhiệm vụ biểu quyết quyền lập pháp và kiểm soát chính phủ (hành pháp).
Tổng thống do quốc hội bầu ra, nhiệm kỳ 7 năm (trước chỉ 5 năm), mang tính cách biểu tượng, rất ít thực quyền. Tổng thống chỉ định thành phần trong Tối cao Pháp viện, nhiệm kỳ suốt đời (trong thực tế việc chỉ định nầy phải thông qua và có sự chấp thuận của Quốc hội). Thủ tướng thường là người lãnh đạo đảng có số phiếu cao tuyệt đối hay liên minh đa số ghế trong Quốc hội. Thủ tướng nắm quyền hành pháp, trực tiếp lãnh đạo đất nước, nhiệm kỳ 4 năm, nhưng khi hữu sự đa số trong Quốc hội có quyền biểu quyết bải nhiệm Thủ tướng trước hạn kỳ. Ví dụ: Tháng 11 năm 1995, Thủ tướng Yitzhak Rabin bị ám sát, ông Shimon Peres lên thay nhưng chỉ 6 tháng sau, ông bị đa số trong Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm, tổ chức bầu bán trước hạn kỳ, ông Peres thất cử, ông Benjamin Netanyahou lên nắm quyền (nhiệm kỳ 1, 18/06/1996 -16/07/1999).
Quốc kỳ hiện hành của Israël vốn là biểu tượng của phong trào Sionisme từ thế kỷ19. Nền trắng. Trung tâm là hình sao David sáu cánh với hai gạch màu xanh dương nằm ngang trên và dưới.
Quốc khánh: 14/05.
Quân dịch (2013): Công dân Israël từ 18 tuổi bất luận nam hay nữ ở trong hay ở ngoài nước: Nam, 3 năm toàn thời gian; Nữ, 22 tháng toàn thời gian và sau đó 1 tháng dự bị mỗi năm (nam hay nữ khi còn độc thân).
Quân đội (2012): 187.000 lính tại nhiệm + 445.000 dự bị = 632.000. Lực lượng vũ trang tuyệt đối trung thành với tổ quốc và dân tộc. Tuyệt đối đứng ngoài mọi tranh chấp giữa các đảng phái chính trị trong nước, kể cả đảng đang cầm quyền.
Đề tựa cuốn Les murailles Israël của Jean Lartéguy, tướng độc nhãn Moshé Dayan (1915-1981) viết đại để "Bí mật sức mạnh của quân đội chúng tôi bắt nguồn từ nguyên tắc các sĩ quan đã được học hỏi là không bao giờ chiến đấu đàng Sau binh sĩ của mình, nhưng càng về phía Trước họ càng hay". Thông thường khi lâm trận, sĩ quan trong quân đội các xứ khác thường thúc quân "hãy tiến lên", còn sĩ quan Israël lại hô "hãy theo tôi".
Đến đầu năm 2013 này, Israël vẫn chưa có văn bản chính thức về Hiến pháp, mặc dù trong bản Tuyên ngôn độc lập đã có lời hứa "Hiến pháp sẽ được hoàn chỉnh bởi một Hội đồng từ nay cho đến ngày 01 tháng 10 năm 1948". Mọi điều hành của chính phủ thường dựa vào 14 điều luật cơ bản (14 lois fondamentales d’Israël) đã được Quốc hội thông qua, cùng các quy ước lập hiến và bản Tuyên ngôn độc lập (1948).
Theo tôi, không phải vô tình mà Israël chưa "có nổi" một bản Hiến pháp chính thức đâu: Trước tiên, do mâu thuẩn Thần quyền và Thế quyền vẫn chưa được giàn xếp ổn thoả; kế đến là hậu ý muốn cô lập hay vô hiệu hoá nhóm công dân gốc Ả Rập (+ /- 1.5 triệu) trên mặt chính trị đối nội lẫn đối ngoại, ít ra cho đến khi Israël giải quyết êm thấm và bền vững được sự xung đột với Palestine và khối Ả Rập. Chưa có Hiến pháp chính thức thì nhóm chủ thể Ashkénaze dễ dàng nắm trọn quyền điều hành đất nước. Ý kiến về bản Hiến pháp được toàn dân phúc quyết đã được nêu ra, đòi hỏi cũng đã được lên tiếng, kêu gào từ nhiều chục năm qua, nhưng, viện cớ còn chiến tranh, Knesset "xin ghi nhận và đang nghiên cứu".
Việc kiến thiết tân quốc gia Israël, xét chung, người dân phải bắt đầu từ con số không. Ở đây, tôi chỉ xin đơn cử vài ví dụ điển hình mà theo tôi tóm gọn được nổ lực siêu phàm san bằng những trở ngại thiên nhiên của họ. Đó là sự phát triển kinh tế trên bãi sa mạc Neguev, "kẻ thù số một phải khuất phục của Israël" theo lời bà Golda Meir, Thủ tướng Israël, 1969-1974).
Sa mạc Neguev (Neguev = Phía Nam) rộng hơn phân nửa diện tích toàn xứ Israël (13.000 cs vuông), nằm phía nam châu thành Tel Aviv, đỉnh cực nam là Hồng Hải với thành phố biển Eilat. Trước Thế chiến vừa qua, Neguev hoàn toàn hoang vu khô cháy, lồi lõm. Văn minh tiến bộ như thực dân Anh mà còn chịu thua, không sao khai thác được.
Theo tôi, có hai nguyên nhân sâu xa khiến chính phủ Israël phải khai phá vùng cát "chết" nầy. Một là để nuôi dân: đất đai thì hẹp mà dân số tăng rất nhanh (qua các phong trào hồi hương tập thể). Hai là để củng cố mặt quốc phòng: không để khoảng đất rộng nào không có người ở hầu tránh sự xâm nhập của kẻ thù, đặc biệt vùng đất thuộc dải Gaza từ năm 1967.
8. Chiến thắng sa mạc
Phương pháp dẫn thủy nhập điền rất công phu tỉ mỉ ở Việt Nam hay bên Tàu đã làm thế giới ngạc nhiên, song đem so với những nổ lực phi thường của dân tộc được Chúa chọn thì hãy còn kém xa.
Mỗi năm vùng sa mạc Neguev chỉ giữ được từ 2 đến 4 phân nước. Như vậy, muốn trồng trọt thì phải có nhiều nước, nhưng làm thế nào?
Vấn đề thiếu nước ở Israël là nguyên nhân sinh ra lắm thứ thuế oái oăm. Ví dụ: Trong giá tiền một chai bia được tiêu thụ, một nửa là thuế dành cho công cuộc tìm nước. Họ đã nghĩ đến việc đào giếng, dùng nước mưa và nước biển, nhưng lấy đâu cho đủ nước trong khi ở đây mưa chẳng mấy lúc; còn nước biển thì ngoài công dụng cho kỹ nghệ ra, súc vật còn chịu không thấu huống hồ cỏ cây. Cho nên họ bèn thăm dò những dòng nước ngầm dưới lòng đất nằm ven biển và đã khám phá ra những nơi nầy có một tầng đất không thấm nước, chứa lại khá nhiều nước ngọt, chẳng hạn trong khu Avedat.
Hiện nay số nước rút được từ các nơi đó là khoảng 200 triệu thước khối trong một năm. Những vùng có nước ngầm đã trở nên bồn nước thiên nhiên dành cho cả khu vực Yarkon - Neguev. Nhất là từ khi sử dụng được dòng sông lịch sử Jourdain, tổng lượng số nước rút được hàng năm lên tới 5, 6 tỉ thước khối đủ dùng cho mọi nhà, mọi ngành kỹ nghệ và 4 triệu dounams đất khô cháy (10 dounams tương đương với 1 éc-ta).
Để tránh việc phí phạm nước, dân israéliens bơm xuống lòng đất hàng triệu thước khối nước – kể cả nước cống đã được lọc và khử trùng – cho khỏi bị bốc hơi. Thật chưa dân tộc nào cần "nước" như người Do Thái. Song, xét ra phương pháp đặt ống dẫn nước vẫn hiệu nghiệm hơn cả. Ống dẫn nước ở Israël có lẽ là loại ống dẫn kỹ lục: dài từ 4 đến 170 cs, nặng không dưới 32 tấn, mỗi đoạn 5 thước đường kính và 3 thước bề dài, đặt ngay trên mặt đất, có khi phải xuyên núi, vượt đèo và thung lũng. Hệ thống dẫn nước của họ là cho nước chạy theo ống dẫn lớn, qua ống nhỏ, phân ra làm muôn ngàn nhánh mỗi lúc mỗi bé để rồi tung ra ruộng nương, vườn tược qua các máy nước chẳng khác gì các trận mưa nhân tạo.
Nước chảy đến đâu, người dân tìm theo đến đấy và sự canh tác tiến triển tùy nhịp nước lan mau hay chậm.
Thủ đô của sa mạc Neguev là thành phố Beersheva, tụ điểm của hầu hết những người Do Thái hồi hương từ khắp nơi trên thế giới. Chính Abraham đã đặt ra tên Beersheva (Giếng thề).
Dưới bầu trời sa mạc nóng cháy Neguev (trung bình 36° C), người ta thấy gồm đủ hạng người, từ anh kỹ sư (thứ thiệt 100%), nhạc sĩ đến chị bán hàng, chú thợ máy; từ bác tiến sĩ (thứ thiệt 100%), thím giáo sư đến cô y tá, em sinh viên, cậu cu li. Bấy giờ mọi dị biệt xã hội giữa họ đều được san bằng, tất cả chỉ còn là những đứa con của Israël chung vai sát cánh hồi sinh vùng Đất Hứa.
Nhờ những cố gắng, những hy sinh như thế mà ngày nay du khách ghé Israël sẽ thấy cả vùng sa mạc Neguev đã mơn mởn màu xanh của lúa và trổ đầy hoa trái. Các giống nho lừng danh của Pháp như Bordelais, Beaujolais, Bourgogne cũng đã "sống khoẻ" trên sa mạc, khai sinh ra một thứ rượu vang nổi tiếng trong vùng Darom. Mỗi độ thu về, các vườn cam, vườn quýt, vườn bưởi, vườn chanh, vườn chuối, vườn chà-là... trổ bông, hương thơm ngào ngạt đến tận châu thành Tel Aviv.
Và không thể không nhắc tới tiến sĩ Samuel Appelbaum (sinh năm 1942), giám đốc trung tâm Bengis thuộc đại học Ben Gourion (Beersheva), người đã thành công trong công trình nghiên cứu ứng dụng nước mặn và nóng dưới lòng sa mạc Neguev vào canh tác trồng trọt, đặc biệt như Aquaculture và Pisciculture (tạm dịch: Thủy canh và Bể canh). Trước thập niên 1990, ý nghĩ nuôi tôm cá trên sa mạc là điều không tưởng, là ý tưởng làm phịch cười giới khoa học, thế mà Samuel Appelbaum đã kiên trì và đã làm được, do đó được mệnh danh là nhà tiên tri thời hiện đại.
9. Tìm hiểu Hezbollah, kẻ tử thù số 1 hiện nay của Israël
Có hai Hezbollah hoàn toàn độc lập: Hezbollah Liban và Hezbollah Turc (Thổ Nhĩ Kỳ). Ở đây chỉ nói về Hezbollah Liban.
Trong bài này, tôi chọn sơ lược về Hezbollah Liban thay vì Tổ chức Giải phóng Palestine (OPL/PLO) là vì chủ quan nghĩ rằng OLP/PLO đã quá nổi tiếng trên thế giới từ lâu, hơn nữa từ khi kế nhiệm chủ tịch Yasser Arafat, ông Mahmoud Abbas đã có ít nhiều biểu hiện bớt căng với Israël.
Hezbollah theo tiếng Ả-rập có nghĩa là Đảng của Thượng Đế (Parti de Dieu), gồm các tín đồ Hồi giáo người Liban theo hệ Chiite (đối lập là hệ Sunnit), được thành lập năm 1982, ngay sau khi Israël đưa quân qua phản kích tự vệ và chiếm đóng Liban năm 1982 (1982-2000), nghĩa là Hezbollah có tính cách Kháng chiến chống ngoại xâm. Mục đích của Hezbollah là dựng nên một quốc gia Hồi giáo rập mẩu Iran và phủ nhận mọi sự hiện diện không Hồi giáo tại Cận Đông. Hezbollah có độ 65.000 thành viên, trong đó có những lực lượng đặc nhiệm được đào tạo và huấn luyện kỹ càng; liên kết chặt chẻ với phong trào Fatah / Organisation de Libération de la Palestine (OLP/PLO, Tổ chức Giải phóng Palestine), thành lập năm 1964) từ sinh thời chủ tịch Yasser Arafat (1929-2004), được Syrie và Iran ủng hộ, cụ thể về mặt tài chánh. Bản doanh của Hezbollah đặt tại nam Liban. Báo chí Âu Tây ví Hezbollah như một quốc gia trong một quốc gia (Liban). Về mặt truyền thông, tuyên truyền Hezbollah có đài truyền thanh, truyền hình riêng. Lãnh tụ hiện nay là Cheikh Sayyed Hassan Nasrallah, sinh 30/08/1960, lãnh đạo Hezbollah từ 1992, sau khi lãnh tụ Abbas al-Mousawi bị ám sát.
Israël và Hezbollah (+ OLP/PLO) đụng nhau đẫm máu hầu như cơm…tuần, ghi không xuể; vả lại chẳng ích gì. Chỉ biết rằng:
"[...] Mọi sự sống bị mất đi trong chiến tranh là sự sống của mỗi con người, dẫu là Ả Rập hay Israël. Mọi phụ nữ mất chồng là một con người có quyền sống trong một gia đình hạnh phúc, dẫu là Ả Rập hay Israël. Những đứa trẻ bị cướp đi sự chăm sóc của người cha là những đứa trẻ của mỗi chúng ta, trên đất Ả Rập hay trên đất Israël và chúng ta có bổn phận to lớn là lo toan sao cho chúng có được một hiện tại sung sướng và một tương lai tốt đẹp." (11).
Tóm lại, theo tôi, cuộc xung đột tan hoang và đẫm máu này hai bên đều sẽ đại thắng cũng như đều sẽ đại bại trong những tháng năm sắp tới. Vậy ai là kẻ thật sự thắng và thủ lợi? Cụ thể trước mắt là ai sẽ đóng các vai chính trong việc tái thiết? Và ai sẽ là tác giả bản chiết tính về nỗi đau thương mà dân tình đôi bên phải gánh chịu?
Từ lâu tôi vẫn thắc mắc, nước Mỹ cùng các đồng minh như Gia Nã Đại, Anh, Liên hiệp Âu châu... và đương nhiên Israël, dựa vào nguyên tắc "thật sự thật", lý do nhân bản "thật sự thật" nào để chấm điểm nước kia, nhóm nọ (trong đó có Hezbollah), liệt vào danh sách đen, chẳng hạn "khủng bố", "đáng quan ngại"...? Tất nhiên, đời nào tôi lại ủng hộ chuyện độc tài hay khủng bố, nhưng nếu đứng từ ngoài nhìn vào, tôi thấy phe nào cũng hữu lý và phi lý hay siêu lý, đều ranh ma và ngu xuẩn, mà đại đại ngu xuẩn là người dân Do Thái và người dân khối Ả Rập nói chung. Dĩ nhiên tôi cũng hiểu là cả hai bên đều đã tự đánh mất thế chủ động kể từ Cuộc Chiến Sáu Ngày (05- 10/06/1967). Hai bên là hai con gà chọi nhưng có nhiều ông bà chủ. Đức Giê-su, Đức Phật, Đức Mahomed, Đức Yewah, hay bất cứ Đức nào có tái thế, hạ trần và nếu chỉ dùng đối thoại ‘người’ bình thường (vì chẳng thiếu gì người vẫn còn quyết tín rằng chư vị đại nhân này có phép mầu, nên tôi phải thủ trước cho chắc), cũng vô phương thuyết phục được tôi là Mỹ và đồng minh tự nguyện (hay tự phong) làm giám khảo là do xuất phát từ cái thiện tâm không tì vết. Vạn sự rối tung rối mù, máu đổ thịt rơi, trước trước hết và sau sau cùng, là từ cái thứ chất lỏng lỏng màu đen đen vừa chí ích, vừa chí hại là dầu lửa. Nói như cụ Nguyễn Hiến Lê, trong cuốn Bán đảo Ả Rập và Dầu lửa, trang giới thiệu: "Ta cứ ví dụ rằng bao nhiêu kinh sách của các tôn giáo đó bỗng dưng mất hết và tất cả các tu sĩ trên thế giới bỗng ăn cháo lú, quên hết những lời Chúa dạy, Phật dạy, (tôi thêm: Mohamed dạy, Yewah dạy) thì nhân loại có thể kém văn minh một chút, nhưng nhất định là vẫn tồn tại. Nhưng nếu các giếng dầu trên thế giới bỗng nhiên "đột tử" như giếng Kirkuk năm 1940 thì chẳng những cả nền văn minh vĩ đại của chúng ta sụp đổ mà nhân loại sẽ chết đói chết rét đến một nửa là ít. Không có dầu lửa thì hết có điện, xe hơi, máy bay, máy cày, máy lạnh, máy sưởi, v.v..., (tôi thêm: hết tham nhũng, hết Internet!); kỹ nghệ sẽ chết đứng và canh nông sẽ ngắc ngoải. Đã xây mồ cho Dầu lửa thì tại sao người ta không nghĩ dựng tượng cho Dầu lửa? Muốn cho xứng thì tượng phải cao lớn gấp hai tượng Thần Tự Do ở New York. Vì Tự do chỉ là một đứa con đĩnh ngộ của văn minh cơ giới ngày nay – người ta bảo vậy – mà dầu lửa mới chính là cha đẻ của văn minh đó. Và tôi xin đề nghị cũng dựng nó ở cửa sông Hudson cho hợp tình hợp lý."
Tôi để ý từ trước tới nay, các cuộc tấn công Israël của OLP, của Hamas, của Hezbollah truyền thông Israël và Âu Mỹ gọi là Khủng bố - terroriste (bình thường hay kamikaze - tự sát). Còn các vụ tàn sát thường dân Ả-rập nói chung của Israël họ lại kêu là Chiến dịch (Opération), là Đột kích (Raid). Ôi, có khác gì nhan nhản khắp nơi: xâm chiếm, tàn phá xứ người thì xưng là giải phóng, là tự vệ; đàn áp, khủng bố, bỏ tù người yêu nước thì cho là để giữ an ninh xã hội, khắc ghi cái ‘nghĩa ân nhường cơm sẻ áo’, bảo vệ cái ‘khối tình hữu hảo’; người tổ chức kháng chiến nhưng vì yếu thế nên phải chơi trò du kích (đánh lén) thì cho đó là phiến loạn, khủng bố. Ngoại trừ những người chủ mưu và những kẻ chấp hành, chẳng ai (trong đó có tôi) chấp nhận được chuyện đặt bom hay ôm bom giết hại thường dân ở các nơi công cộng như 2 vụ tại Luân Đôn, Vương quốc Anh (08/07/2005) và Charm El-Cheikh, Ai Cập (23/07/2005). Tuy nhiên, đôi khi cũng cần bình tâm tò mò nhìn lại, nhìn vào hậu trường, đặt ngược sự tình thành câu hỏi: Do đâu có khủng bố? Mục đích của khủng bố là gì? Chính quyền của các nạn nhân đã làm gì ở hải ngoại để xảy ra nông nổi nầy?
Ý nghĩa của mớ danh từ nầy xấu tốt, nặng nhẹ ra sao ai ai cũng thấy rõ:
Ví dụ, tại Liban, ngày 25/02/2000, thủ tướng Pháp, bấy giờ là ông Lionel Jospin, trong bài diễn văn, đánh giá nhóm Hezbollah là nhóm khủng bố, tức khắc tạo ra khủng hoảng ngoại giao Pháp-Cận Đông. Lần đầu tiên, từ sau 1956, khoảng 5.000 người Liban đưa nhau xuống đường phản đối Pháp dữ dội vì Liban vẫn coi Hezbollah là một phong trào kháng chiến chống ngoại xâm Israël.
Nhưng mà thôi, vạn sự hoàn toàn tùy mỗi góc độ nhận định, cứ tạm cho là giặc chữ nghĩa để khỏi phải viết dài hơn. Có điều chúng ta đừng quên rằng, hầu hết các phương tiện truyền thông Âu Mỹ, nếu truy nguyên ra, đều nằm trong tay các công dân bản xứ gốc... Do Thái.
Tấm gương Do Thái
Đọc lịch sử phục quốc và kiến quốc của dân tộc Do Thái chúng ta học được rất nhiều điều quí báu, từ tinh thần quốc gia dân tộc đến tinh thần đoàn kết; từ ý chí phục quốc đến đức hy sinh, sức chịu đựng ghê gớm; từ kinh nghiệm định cư, giáo dục đến nông lâm mục súc; từ tổ chức cộng đồng đến tổ chức quân đội, tổ chức chính quyền... Nhưng 2 tấm gương cao quí nhất mà họ đã gián tiếp vạch ra cho chúng ta thấy, đó là cái họa Thực Dân, Đế Quốc và nhất là tinh thần Thượng Tôn Quyền Lợi Quốc Gia và Dân Tộc.
Thực dân, đế quốc nào, bất luận Đông Tây, cũng chỉ nghĩ đến quyền lợi của họ trước hết và sau cùng, vậy cho nên Bảo hộ, Khai hoá, Hữu nghị, Tương trợ, “Tương liên, Tương thông, Tương đồng, Tương quan” (9); Đồng chí đồng chấy, Đồng minh đồng mụn gì gì cũng chỉ là các loại bình phong che đậy dã tâm, tà vọng trục lợi. Chỉ những phường lú lấp trập trệ như Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc mới không thấy điều đơn giản này; hay tập đoàn hậu Thành Đô 1990 tuy thấy rõ nhưng, vì cái gọi là đảng, vẫn giả mù sa mưa đem cả dân tộc đút đầu vào cái kim cô 16.4 ca-ra khốn khổ khốn nạn. Lỡ gian díu với thực dân đế quốc cũ hay mới thì chóng chầy thế nào cũng điêu đứng, lầm than, tàn tạ với họ. Trên thế giới, Việt Nam ta là quốc gia gian díu với thực dân đế quốc nhiều nhất (Tàu, Tây, Nhật, bộ ba Mỹ-Tàu-Nga, và nay cụ thể lại là Tàu); kết quả hiện tiền ra sao, chắc chắn không ai không thấy:
Phong trần đến cả sơn khê,
Tang thương đến cả cây kia cỏ nầy.
(Cung Oán Ngâm Khúc, Nguyễn Gia Thiều)
Từ chính sách Bao cấp, một sớm một chiều, nhảy ù qua chế độ Kinh tế thị trường (dù vì ‘sĩ diện’ cố thòng bằng được cái đuôi định hướng, tư tưởng tào lao kia nọ) trên 20 năm nay, mức sống của người dân quả có thay đổi trong chiều hướng khả quan. Không ai phủ nhận sự hiển nhiên nầy. Điểm khả quan trong việc ‘đổi mới’ càng rõ nét hơn khi ta so sánh với thời bao cấp đóng cửa hay bị cô lập, cấm vận đến nỗi “mua cái đinh cũng phải xin miếng miếng giấy”. Hiện nay (02/2013) thu nhập cơ bản ở ta đã bò lên được 1.523 US$ người / năm: Chi tiêu ra sao, có đủ sống không, lại là chuyện khác. Xin miễn biện bàn. Đó là cái Được hoàn toàn do ‘đổi mới’ theo kiểu tụi giãy hoài không chết mà người ta muốn sử xanh ghi nhận và người ta cũng muốn và tìm mọi cách xóa hay lờ tịt đi bao nhiêu cái Mất trong 68 năm duy ý chí bay theo "Chiếc áo bằng mây" của thực dân, đế quốc bá quyền đỏ. Ai là người phải chịu trách nhiệm trước sử xanh đối với khoảng thời gian đăng đẳng bị hoang phí nầy khi so sánh ta với người? - Đảng phải chịu trách nhiệm! Nhưng đảng là ai? - Đố ai trả lời đươc.
Hiện nay Israël có tất cả 13 đảng phái chính trị, trong đó có 3 đảng của công dân Do Thái gốc Ả Rập. Mỗi mùa bầu cử Quốc hội, các đảng phái cũng vận động sôi nổi, cũng mánh mung tương tự các nơi khác, nhưng sau đó, đảng nào lên nắm quyền cũng tuyệt đối thượng tôn quyền lợi quốc gia và dân tộc: Quyền lợi quốc gia vả dân tộc là trước và trên hết. Quốc gia và dân tộc là số 1. Có thể tóm gọn thành "Dân vi quí, xã tắc thứ chi, đảng vi khinh". Còn nói trắng ra là trên mảnh đất nhỏ bé mới hồi sinh này, nhất định không thể hiện hữu thứ đảng phái vô sĩ đến mức dám viện dẫn ‘công lao lịch sử’ – nhưng lờ tịt những tội ác trời than, những sai lầm đất oán – để khư khư độc tôn tự tung tự tác, đão điên xứ sở như đã và đang xảy ra ở nước ta!
Và người Do Thái gián tiếp cho các dân tộc đang phát triển (nghĩa là chưa phát triển nếu không muốn nói trong thực tế đang nghèo khó) thấy rằng một dân tộc càng bị đẩy vào chỗ chết càng mau kiếm được lối sống, miễn là dân tộc đó có muốn hay không muốn thôi. Một khi đã quyết sống, tự cho mình là một thực tại dân tộc đặc thù thì thực dân, đế quốc, chủ thuyết đến từ phía nào cũng phải nhượng bộ, nhìn nhận cái thực tại độc lập đó! Nô lệ cấp trên và nô lệ cấp dưới cũng là nô lệ thôi!
Non 25 năm qua, tôi làm việc và tiếp xúc khá nhiều với người Do Thái tại Tây Âu, mày mò tìm hiểu về họ và có dịp may qua Israël tu nghiệp hai lần, cho nên ngoài niềm khâm phục dành cho họ trên tổng thể, tôi có chút nhận xét ngoại vi, đó là có sự kỳ thị ngấm ngầm nhưng sâu sắc giữa hai nhóm Do Thái, đặc biệt cộng đồng Do Thái chủ thể Ashkénaze - tự cho mình là dân trí thức - vẫn có cái ‘nhìn xuống’ đối với cộng đồng Do Thái Séfarade (hồi hương từ Bắc Phi) mà họ đánh giá là lái buôn, ít học. Lấy ví dụ ở Israël cho đến nay không hề có Bộ trưởng nào, cũng như chưa hề có một thẩm phán Do Thái gốc Ả Rập trong Tối cao Pháp viện. Từ khi lập quốc năm 1948 đến đầu năm 2013 này, Israël trải qua 9 đời tổng thống, 17 nhiệm kỳ thủ tướng và 10 nhiệm kỳ chủ tịch Tối cao Pháp viên, tất cả đều gốc Ashkénaze. Đơn cử: 1. Shimon Peres, sinh trưởng tại Wisniew (Ba Lan, nay thuộc Biélorussie, hậu Liên Xô), thuộc đảng Kadima, nắm quyền Tổng thống từ 15/07/2007 và 2. Benjamin Netanyahou (Bibi), sinh trưởng tại Tel Aviv năm 1949 – gia tộc gốc Do Thái Lituanie, thuộc đảng Likoud, nắm quyền Thủ tướng nhiệm kỳ 2, từ 31/03/2009.
Sau chiến tranh ném đá 2 (Intifada 2, năm 2000), ở Jaffa, người Ả Rập mua bán trong các chợ trời Ả Rập, người Do Thái mua sắm trong các siêu thị. Thu nhập khác nhau, cách sống khác nhau, hai cộng đồng vẫn song hành, vẫn giao nhau nhưng chẳng thấy nhau. Đạo diễn Avi Mograbi từng viết "họ đã thành công khi làm biến mất người Ả Rập trên đất nước" vì ở đây "người ta có thể nghe tiếng Hébreu, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Anh... và mọi thứ tiếng khác, ngoại trừ tiếng Ả Rập.[...] Văn tự Ả Rập biến mất trên các tên đường. Mọi bảng hiệu hoàn toàn được kẻ bằng chữ Hébreu và chữ Anh, kể cả tên họ trên các chuông cửa".
Ngày 01/10/2000, quân đội Israël bắn chết 13 công dân Israël gốc Ả Rập trong một cuộc biểu tình tại Naplouse. Tại Tel Aviv, một số công dân Israël-Séfarade nghiệm ra rằng người ta có thể xả súng vào họ như bắn người Ả Rập Palestine, còn một số công dân Israël-Ashkénaze khám phá ra rằng các thợ thuyền hay các người giúp việc - gốc Ả Rập - trong gia đình mình có thể bất ngờ trở thành hiểm họa, cho nên đã thay thế lần lần bằng các nhân công di cư Nga, Roumanie, Philippine... Cứ đà nầy, Tel Aviv sẽ thực hiện được giấc mơ thuở ban đầu: Thành phố dành riêng cho người Do Thái-Ashkénaze.
Do đó mới nảy ra câu hỏi: Cái gì đã tạo ra cái gì? Khủng hoảng Do Thái - Palestine đã tạo ra sự kỳ thị Ả Rập hay sự kỳ thị Ả Rập là nguyên nhân kéo dài không biết đến bao giờ khủng hoảng Do Thái - Palestine?
Và câu hỏi này làm tôi suy nghĩ lung về chúng ta, Trong và Ngoài: "Những chân lý khác biệt ở vẻ ngoài xem chừng tương tự vô số những chiếc lá trông khác nhau nhưng nằm chung trên một gốc cây" (10). "Hoà giải hoà hợp không phải là xảo thuật của các khẩu hiệu để biện hộ cho những thèm muốn hoặc để che giấu những tham vọng. Hoà giải hoà hợp, trong tinh túy của nó, thường đối lập với mọi thèm muốn và mọi cuồng vọng... Tôi nói thật với quí vị rằng, hoà giải hoà hợp chỉ trở thành hiện thực khi nó được đặt nền móng trên lẽ công bằng... Không thể nào chấp nhận được khi quí vị đòi hỏi cho quí vị những điều mà chính quí vị từ chối cho kẻ khác" (11).
___________________________________
Chú thích:
(1) Tam nhân hành tất hữu ngã sư yên, trạch kỳ thiện giả nhi tòng chi, kỳ bất thiện giả nhi cải chi = Ba người đi (hai người nữa với ta) tất có hai người làm thầy ta, vậy lựa người thiện mà theo (noi gương), người bất thiện mà sửa mình.
(2) Hébreu = ở bên kia sông Euphrate.
(3) Xin đọc thêm Exodus của Léon Uris.
(4) Vài danh nhân Âu Mỹ gốc Do Thái:
• Khoa học: Albert Einstein, Jacob Oppenheimer, Chaïm Weizmann.
• Triết học: Karl Marx, Sigmund Freud, Baruch Spinoza, Henri Bergson.
• Văn học: Heinrich Heine, Marcel Proust, Frank Kafka, André Maurois.
• Chính trị: Léon Trotsky, Benjamin Disraeli, Léon Blum, Pierre Mendès-France, Henry Kissinger…
• Giải Nobel ra đời năm 1901. Đến hết năm 2012 đã trao ra 659 giải. Bạn có biết hậu duệ ông Moïse nhận được mấy phần không? – 181 phần! Đọc thêm «những người gốc Do Thái nổi danh trên đất Pháp».
(5) Thời trước, giáo hội Ki Tô cấm tín đồ cho vay lấy lời nên nghề sét-ti, nghề ngân hàng gần như thành độc quyền cha truyền con nối của người Do Thái: Ví dụ, giòng họ Rothschilds giàu nhất Âu châu nhờ nghề làm chủ ngân hàng. Bên Mỹ 4 giòng họ làm chủ những ngân hàng lớn: Belmont, Seligman, Lehman, Goldman. Nắm ngân hàng tức nắm Tiền: Ông bà Will & Ariel Durant có câu "hạng người điều khiển người, chỉ điều khiển những người điều khiển sự vật thôi, còn hạng người điều khiển tiền bạc mới điều khiển tất cả".
(6) Nếu ông Linné còn sống, chắc chắn ông phải đặt lại vấn đề ‘bạc nhược’ của giống da đen, vì từ trước Thế chiến 2 đến nay, trong mọi bộ môn thể thao, dân da đen thường lãnh huy chương vàng về cho các xứ... da trắng. Về âm nhạc thì kể hoài không hết. Liên quan tới da đen và da trắng, Tổng thống Cộng hoà Sénégal, nhà thơ Léopold Sedar Senghor (1906-2001) có bài thơ:
Thưa người anh em da trắng
Khi tớ chào đời: tớ đã đen / Khi tớ lớn lên: tớ đã đen / Khi tớ đi giữa trời: tớ đen / Khi tớ lạnh: tớ đen / Khi tớ sợ: tớ đen / Khi tớ bệnh: tớ đen / Khi tớ chết: tớ sẽ đen!
Nhưng còn cậu, người da trắng:
Khi cậu chào đời: cậu hồng / Khi cậu lớn lên: cậu trắng / Khi cậu đi giữa trời: cậu đỏ / Khi cậu lạnh: cậu xanh lam / Khi cậu sợ: cậu vàng /Khi cậu bệnh: cậu xanh lục / Khi cậu chết: cậu sẽ xám!
Vậy, trong hai ta, ai là người da màu? (Cher frère blanc)
(7) Đọc Les Juifs en Chine của Sidney Shiparo, Hipocrene, NY; hay Les Juifs en Chine của Henri Cordier.
(8) Sau Thế chiến 2, toà án Nuremberg đã định nghĩa việc thảm sát người Do Thái như một cuộc diệt chủng (génocide). Ngay sau đó, các tác giả Mỹ đã gọi sự kiện nầy bằng từ "Holocaust" (lễ hiến vật). Nhưng từ nầy tạo thành vấn đề đối với người Do Thái vì nó ngụ ý hy sinh: tiêu diệt người Do Thái không thể là hiến tế lên Thượng Đế. Do đó, người Do Thái tại Âu châu chủ trương dùng từ Shoah (hay Shoa) theo tiếng Hébreu có nghĩa là Thảm hoạ (catastrophe) hay Judéocide (Thảm sát người Do Thái). Ngày 16 tháng 07 mỗi năm là ngày tưởng niệm Shoah.
(10) Bapu Mahatma Gandhi: Lettres à Asbram.
(11) Mượn ý cố Tổng thống Ai Cập, Anouar El-Sadate: Diễn văn tại Quốc hội Israël (Knesset), 20/11/1977. Nguyên văn nói tới hoà bình giữa Ai Cập và Israël.
Tài liệu tham khảo:
* Nguyễn Hiến Lê: Bài học Israël, Nxb Nguyễn Hiến Lê - Sàigòn 1969.
* Các sách đã nêu trong bài và Internet.