Thursday, 15 March 2018

Trần Việt Long - HIỂU NHAU THẬT KHÓ VÔ VÀN


Còn Lại Tiếng Thơ

Ta từ
chết đuối trôi sông
Nổi chìm thân xác
giữa dòng nhân gian

Xưa
em vớt củi sông Hàn
Nay em vớt cuộc đời tàn ta dư.

Nấm tro
hiu hắt trang thờ
Khói hương ngày cũ
bây giờ hóa chung

Trăm năm
nối sợi tơ chùng
Tiếng thơ
đồng vọng trên vùng Vô Minh.

Dương Quân



 
          Biến cố 30 tháng 4 năm 1975 đã đẩy đưa cảnh chia lìa cho biết bao gia đình nên bài thơ "Còn Lại Tiếng Thơ" của nhà thơ Dương Quân cũng buồn thương đến xé lòng. Là một người bạn thân, tôi muốn viết vài dòng giới thiệu về bài thơ của anh Dương Quân như là tâm cảnh chung của một số người cùng hoàn cảnh thật ngậm ngùi cho thời gian cũ và thật thiết tha cho thời gian qua.

"Còn Lại Tiếng Thơ" chỉ gồm tám câu lục bát mà trang trải cả một đời người của nhà thơ để rồi kết thúc ở hai từ "vô minh" tuyệt hay vì nó hàm ngụ hai ý nghĩa ở hai phương diện gần như trái ngược nhau.

Một là vô minh hiểu theo nghĩa tăm tối, mù mịt, không hiểu biết, thiếu tuệ giác như,

" Vô minh sao ý tình ngây ngất,
" Bờ mộng như tràn khắp cõi thơ.

[Giấc Xưa / Dương Quân]

Và hai là vô minh hiểu như là không có t​iếng​ kêu, không có tiếng hót, không có tiếng nói cười, tức là không có âm thanh, là trái ngược với âm thanh của những vần thơ này,

" Từ em tiếng hát lên trời
" Tay xao dòng tóc tay vời âm thanh
" Sợi buồn chẻ xuống lòng anh
" Lắng nghe da thịt tan tành xưa sau "

[Ca Sĩ / Hoàng Trúc Ly tặng Thanh Thúy] (1)



" Lưỡng cá hoàng ly minh thúy liễu,
" Nhất hàng bạch lộ thướng thanh thiên.
" Song hàm Tây Lĩnh thiên thu tuyết,
" Môn bạc Đông Ngô vạn lý thuyền.

[Tuyệt Cú / Đỗ Phủ]

(Hai con chim hoàng oanh hót trong hàng liễu biếc,
Một hàng cò trắng bay vút lên trời xanh.
Song cửa sổ ngậm tuyết đã từ nghìn năm của núi Tây Lĩnh,
Thuyền vạn dặm Đông Ngô đang đậu ngoài cửa biển cuồn cuộn sóng).

Bài thơ "Còn Lại Tiếng Thơ" của nhà thơ Dương Quân được sáng tác mười tám năm về trước (1995) về một cuộc tình trong những năm đầu của cuộc đời tỵ nạn Cộng Sản tại Hoa Kỳ của tác giả.​ ​Sau hơn tám năm ở tù cải tạo trở về và sống lây lất tại Sài Gòn, gia đình tan nát,

Ta từ
chết đuối trôi sông
Nổi chìm thân xác
giữa giòng nhân gian.


thì nhà thơ đến được Florida theo diện HO năm 1993 rồi quen được một thiếu phụ quê ở Đà Nẵng mà cuộc sống của chị cũng vô vàn vất vả sau cuộc đổi đời năm 1975.

Xưa
em vớt củi sông Hàn
Nay em vớt cuộc đời tàn ta dư.


"Chim cùng lông thì hay đậu với nhau," cùng hoàn cảnh khốn khổ nên họ đã đến với nhau thật chân tình với những mong cuối cuộc đời thì di ảnh hai người được đặt bên cạnh nhau trên một trang thờ, chung một bình hương,

Nấm tro
hiu hắt trang thờ
Khói hương ngày cũ
bây giờ hóa chung.


Nhưng rồi một ước mơ nhỏ nhoi như thế cũng không được toại nguyện vì sợi tơ phải chùng mới nối được mà sợi tơ đã chùng thì cũng khó lòng tạo nên âm thanh tình tự như nhà thơ mong muốn. Cái so le, chênh lệch vật chất đôi khi lại tạo nên nét đẹp tự nhiên của quy luật bất bình đẳng chứ không phải san bằng, sổ thẳng, nhưng cái so le của hai tâm hồn thì quả thật muôn đời vẫn là "tế ngộ nan," vẫn là hiểu nhau thật khó vô vàn trong cuộc sống chung đôi.

Trăm năm
nối sợi tơ chùng
Tiếng thơ
đồng vọng trên vùng Vô Minh.


Và vì thế cái hay của bài thơ này là ở hai chữ "vô minh" mang hai ý nghĩa ở đây. Trước hết khi mới gặp nhau thì " Vô minh sao ý tình ngây ngất," nhưng khi đã sống chung với nhau một thời gian thì sự khác biệt mỗi ngày một lộ rõ để rồi "Tiếng thơ đồng vọng trên vùng vô minh," tức là tiếng thơ phát ra từ cõi không có âm thanh !

Trần Việt Long

______________________________ ______________

(1) Bài thơ "Ca Sĩ" của nhà thơ Hoàng Trúc Ly tặng ca sĩ Thanh Thúy được trích dẫn ở nhiều nơi, mỗi nơi đều có khác biệt vài chữ; chẳng hạn như,

" Từ em giọng hát lên trời
" Tay xoa mái tóc tay mời âm thanh
" Sợi buồn nhỏ xuống tim anh
" Lắng nghe da thịt tan thành khói sương

Nhưng nguyên tác bài thơ của tác giả tôi lấy từ "Những Bài Thơ Của Hoàng Trúc Ly" thì như sau,

Ca Sĩ

Từ em tiếng hát lên trời
Tay xao dòng tóc tay vời âm thanh
Sợi buồn chẻ xuống lòng anh
Lắng nghe da thịt tan tành xưa sau

Trời em tiếng hát lên từ
Âm ba tóc rối lững lờ vòng tay
Áo dài lùa nắng vào mây
Dấu chân hồng nhạn rụng đầy gió sương

(Nghĩ về Tỳ Bà Hành)
Mùa xuân còn gì thưa em ?
Sáu dây rét mướt chưa mềm trăng khơi
Cô đơn đỉnh núi gần trời
Nghiêng vai xin khoác nụ cười áo xanh

Hoàng Trúc