Thursday 15 March 2018

Con Đường

Con Đường

Trái đất là một hành tinh tròn xoe treo lơ lửng trong không gian bao la.  Trong mắt người thì trái đất to rộng nên thế nhân không thể nào đong đo được kích thước chính xác.  Trong vũ trụ thênh thang thì trái đất chơi vơi lủng lẳng này chỉ là một hạt hành tinh ngao du, xoay lòng vòng rong chơi mà thôi.  Dù nhỏ bé tí teo so với dải thiên hà nhưng trong tầm nhìn lạc quan của mắt tôi thì trái địa cầu này quá là diệu kỳ, từ bi và rất dễ thương. Trên vỏ trái đất chằng chịt nhiều con đường mà hai bên lề thường có hàng cây xanh lá.  Nhắc đến cây cỏ thì ta không thể nào không nhớ và cám ơn các loài cây ăn trái.

Như chúng ta đều biết, trái đất có tên gọi khác rất tượng hình là Quả Địa Cầu thì chắc chắn trái đất phải ch o thế nhân nhiều quả ngon ngọt thơm tho.  Trái cây cho chúng ta vị chua chát, vị ngọt lịm cùng hương thơm ngào ngạt bay ngút trời mây.  Nhìn chung chung, hầu hết đều có hình dạng bầu bĩnh tròn trĩnh trông vào bụ bẫm gọi mời.  Vài trái cây có hình dạng ngộ nghĩnh khác thường thì đó là loại trái đặc biệt có một không hai.
  • Sầu riêng có gai góc đâm nhọn vào bàn tay có khi rỉ máu.  Trăm ngàn gai nhọn còn hơn mũi dao sắc bén bao quanh cái vỏ cứng ngắt.  Cái bao vỏ sần sùi, tay người không thể cầm nâng niu được mà phải e dè cẩn thận và rất dễ làm mắt người hoảng sợ.
    • Nhưng không ai ngờ, mấy ngăn ẩn kín bên trong ruột trắng nõn nà xốp mịn lại chứa các múi sầu riêng khắng khít kề vai áp má vào nhau, tươm màu vàng nghệ dẻo ngọt và ngon không thể nào tả được. 
    • Chẳng những thế, hương thơm của các múi mềm ngoan hiền nằm e ấp trong cái vỏ chắc nịch, hình như có phép ma thuật huyền bí hay sao đó.  Cái mùi sầu riêng lan tỏa, bay xa ra khắp nơi theo làn gió thoảng thì chắc chắn không ai có thể lầm lẫn hay ngộ nhận với loại trái cây nào khác. 
    • Hương thum thủm khó chịu cho những ai không biết ăn sầu riêng.  Nhưng đối với người ưa thích sầu riêng thì…quá là hấp dẫn tuyệt vời.
  • Chôm chôm thì có râu ria bù xù chung quanh trái tròn.  Nhiều khi tôi bâng quơ ngắm nhìn và suy gẫm vẩn vơ.  Tôi không thể nào hiểu nổi vì sao cái khu rừng râu ria rậm rạp này giúp gì cho trái chôm chôm..?  Thật tình là tôi không tìm ra câu trả lời.
  • Trái khế có cái vỏ mỏng manh như tờ giấy trong suốt nên rất dễ bị trầy sướt và ri rỉ mật thơm len chảy qua lằn vết sẹo mình vừa bị thương tích. 
    • Trái khế xinh xắn có năm góc cạnh màu xanh khi còn sống.  Khế trổ màu vàng chanh thanh thoát khi tới ngày vạt nắng vàng âu yếm ươm tròn chín ngọt. 
    • Màu vàng khe khẽ nói lên cái vị chua chua mà cũng ngọt ngọt, cho ta sinh tố C không thể nào phủ nhận được.  Khi ta cắt trái khế ra từng khoanh ở giữa thân bụng thì ta sẽ thấy rõ rệt hình ngôi sao năm cánh. 
Thiên nhiên là bàn tay vô hình nhưng có thể uốn nắn nhiều kiểu cách, tạo dáng xinh đẹp hài hòa hiện ra trong mắt người. Tôi vừa mông lung vời vẽ ra hình dáng của vài loại trái cây mà vạn vật ban tặng cho thế nhân.  Con người có thắc mắc vì sao như thế, cuối cùng rồi chúng ta cũng đành chào thua vì chưa ai có thể trả lời câu hỏi vui vui của mình. Tạo hóa, thiên nhiên và đất trời quảng đại dàn trải tất cả cho thế nhân mọi thứ như bữa cơm được dọn sẵn với nhiều loại trái cây ngọt, chua, cay, đắng lạ lẫm.  Chúng ta có nhiệm vụ chiên, xào, nấu nướng, nêm nếm các hương vị ngon ngọt tùy ý mình thích cho mâm cơm thêm đậm đà.
Từ khi khai thiên lập địa, vỏ trái đất chỉ là không gian bao la lồi lõm. 
  • Nhà cửa thì hoàn toàn không có vì người đâu mà xây.  Nhưng nếu có sự xuất hiện của con người tiền sử thì trí thông minh chưa phát triển tới mức độ "biết cất nhà." Thời sơ khai ăn lông ở lỗ, loài người sống chung đụng với thú rừng hoang dã, chui rút trong hang động để che nắng đụt mưa.
  • Động vật ra sao, tôi không hề biết chúng xuất hiện lúc nào.
  • Những con đường cho ta tản bộ hay chạy xe đều không có.  Từ khi con người góp bàn tay khai hoang, bào núi, phá rừng, tự tạo ra triệu triệu con đường để điều hòa dòng chảy sinh sống.
Mặt đất trải dầy đặc bụi bặm, cây cỏ mọc hoang tàn tứ phía.  Thậm chí là rừng rậm sâu thẳm mà trong đó toàn là thú dữ ăn thịt nhau để sinh tồn.  Nhưng cơ duyên nào đưa đẩy những bước chân người khám phá ra vùng đất này, khu rừng kia, đại dương muôn trùng nọ, mới là điều mạo hiểm vô cùng.
Thời gian ấy, theo tôi, có ai biết vẽ ra con đường để tìm đến bên nhau đâu nào.  Một người đầu tiên hy sinh lần mò đi trước, không hề sợ hãi bóng đêm nên nhẫn nại bước tới.  Người thứ hai thấy dấu vết được in sẵn trên nền đất hay dấu cỏ oằn oại ngã rạp thì kiên nhẫn mon men tiếp nối, lần mò theo người vừa đi phía trước.
Từ khoảnh khắc khai sơ này, con người mới dò dẫm, đặt dấu chân lên nhau để đi tới nơi mình muốn biết bí mật gì ở tận chân trời xa hơn và xa hơn nữa.  Trăm ngàn, triệu triệu người kề vai dẫn dắt nhau đi.  Nếu trên trái đất này chỉ có một con đường duy nhất thì sự hiểu biết của loài người hẩm hiu thu hẹp trong phạm vi bé nhỏ mà thôi.  Mỗi con người chúng ta cần có những bước đi rẽ khúc khác nhau, quẹo loanh quanh các ngõ hướng khác nhau để tạo cho mình một niềm tin, gầy dựng cho chính mình một con đường đi riêng biệt. Từ đó ta tìm ra được bóng dáng cuộc đời.
Con đường mới mẻ mà ta tỉ mỉ vạch ra cho chính mình, cho tương lai của chính mình, đó có phải là ý chí phát huy, sáng tạo của một trí óc trong một kiếp nhân sinh chăng...?
Bạch Liên