Đời quân ngũ tôi có thời gian đồn trú ở Tân Rai (Lâm Đồng) khá lâu, mà lính của tôi thì đa số là người Koho (nhánh Koho-maa); nên tôi phải học tiếng của dân bản địa, chứ ra lệnh cho lính bằng tiếng Kinh: khi nào ưng ý thì nó hiểu, khi nào không vừa ý thì nó… không hiểu.
Tiếng Koho không khó, tuy ít từ vựng nhưng hồi đó không sách vở và quá nhiều địa phương ngữ (8 dialects) nên muốn học nhanh và hiệu quả thì phải sống trong cái cộng đồng ngôn ngữ ấy. Bởi thế, tôi thường la cà ở hai “buôn” thượng Tân Rai và Minh Rồng, và dĩ nhiên luôn có hai chú lính tà lọt đi theo để bảo vệ.
Sau buôn Tân Rai có con suối đá, thỉnh thoảng tôi vẫn ra đây tắm. Một hôm đang tắm thì có bầy gái làng ra suối, thấy tôi tắm họ bỏ lên đầu nguồn, tôi bảo hai chú lính đem quần áo, súng đạn cho tôi lên trên giòng nước của họ để tắm cho xong, nhưng khi tôi vừa lên thì bọn gái làng lại lục tục kéo lên trên. Tôi thắc mắc thì chú lính Koho giải thích: Đàn bà con gái không tắm dưới giòng nước vì sợ có con nít trong bụng (tức có bầu).
Có lần tôi tình cờ bắt gặp cô gái khỏa thân từ trong lô cốt ra hàng rào lấy sà rông đang phơi, cô gái nhìn thấy tôi vội đưa hai tay lên che… mặt. Tôi hỏi chú lính Koho: tại sao cô ta không ôm ngực, che bụng mà lại che mặt? Chú lính cười: Che cái ngực cái đùi người ta vẫn thấy mặt mình. Che cái mặt thì người ta có thấy cũng chẳng biết là ai.
Trong đồn Tân Rai có một dẫy nhà cầu chung cho lính, mỗi khi đi ngang tôi thường bịt mũi, nhưng lính của tôi thì họ không bịt mũi mà bịt miệng.. Thắc mắc thì họbảo: hai lỗ mũi nhỏ khí thối vào bụng ít hơn cái lỗ miệng to.
Những ngày không hành quân thì dù có cắm trại thì lính Thượng cũng bỏ về buôn hết, chú nào ở lại đồn thì chui vô câu lạc bộ uống rượu. Không cách nào cấm được, tôi bèn ra lệnh: những ngày cắm trại thì sáng tập thể dục, sau đó chia hai, nửa tạp dịch buổi sáng nửa buổi chiều, còn nửa ngày nên không chú nào về buôn. Giờ thể dục tôi thấy tất cả lính đều mặc quần đùi trái, hỏi ra mới biết: quần đùi để bảo vệ “con chim” nên phải mặc ngược.
Trong đơn vị có vài chú lính người Kinh. Vợ con người Kinh ít khi ở đồn với chồng, nhưng với người Thượng thì chồng đâu vợ con đó, cả tài sản của họ như heo, chó, gà… đều đi theo. Đêm nào chú lính Thượng đến phiên đi tiền đồn hay kích đêm, thì thế nào cũng có chú lính Kinh chui vô “bắt cái nước” vợ đồng đội, nhưng vì không bắt được quả tang nên không khiếu nại được.
Có lần tôi triệu tập các vợ Thượng để cho họ biết là không nên làm như vậy.. Nhưng họ phản đối: đôi vú để dành cho con nít thì không được xâm phạm, còn giữa hai đùi dành cho đàn ông, ưng hay không là quyền của họ, mẫu hệ mà. Chưa kể, các bà ấy còn nói với tôi rằng: con chao (Thượng) chỉ biết chui vô bắt cái nước, con nhoan (Kinh) bắt cái nước “có ra có dô” thích hơn.
Nhưng có lần xảy ra chuyện lớn: số là có một chú lính Thượng đến phiên đi kích, nhưng vì bịnh nên được ở lại đồn gác đêm, chú lính Kinh chỉ theo dõi Lịch công tác nên không biết, đêm mò vào thăm vợ người ta, sau phiên gác thằng chồng nó vềbắt được tại trận. Sáng ra nó mời tôi lên câu lạc bộ tuyên bố “bắt nợ”.
- Đêm qua thằng T vô bắt cái nước vợ em, bây giờ em bắt nợ nó một con heo cho đồn và một con gà cho em.
- Nếu tao không chịu cho mày bắt nợ thì mày làm gì được tao?
- Tao sẽ lên Di linh xin ông thày bùa “thư” con heo với con gà vào bụng mày.
Tôi kêu T lên văn phòng nói với nó:
- Đi đêm mãi cũng có ngày gặp ma. Đến nước này rồi chú mày chịu bắt nợ thôi. Anh sẽ cho mượn tiền mua heo gà, ghi sổ cuối tháng trừ tiền lương.
- Thày cho em nghĩ một ngày.
Sáng hôm sau, cũng chính chú lính Thượng mời tôi lên câu lạc bộ phân trần:
- Em không bắt cái nợ thằng T nữa, nhưng nó cũng không được làm hại em.
- Được rồi tao hứa không hại mày, nhưng tao phạt mày một con đuối khô với hai lít đế.
Sau khi nhậu với hai chú lính, tôi hỏi T:
- Chú mày làm gì mà nó đã tha bắt nợ mà còn chịu phạt?
- Có gì đâu ông thày, sáng nay em bảo nó: mày thư con heo mọi với con gà gi chưa chắc tao đã chết. Tao sẽ lên Tùng nghĩa xin ông thầy Nùng của tao “thư” lại con heo với con gà vào bụng mày, mà heo và gà của tụi tao to hơn của tụi mày thì chắc mày sẽ chết… trước. Nó sợ nên mới chịu nộp phạt.
Là người lãnh đạo chỉ huy khi ra lệnh thì thuộc cấp phải “thi hành trước khiếu nại sau”. Nhưng từ khi sống với anh em Koho, mỗi khi ra lệnh tôi đều hỏi: có ai khiếu nại gì không? Bởi không phải lúc nào mình cũng có lý.
Sau này có dịp trở về Tân Rai, tôi mới thấm thía tâm sự của Thi sĩ Nguyễn Bính:
“Hôm qua em đi tỉnh về,
Hương đồng gió nội, bay đi ít nhiều.”
Nhưng với Tân Rai của tôi thì: Hương đồng gió nội, bay đi hết rồi.
Nét đẹp của dân tộc Koho, tôi cũng chỉ còn nhớ được mỗi lời nguyện buổi sáng:
Ơ! Giàng! Giàng! nhem sạ lơ hạ bích, ai ãnh nhu nhem sạ nhem, banh ai típ tơn gung ta gung tô.
Ơi! Trời! Trời! cho tôi ăn được ngủ được, cho tôi uống ngon ăn ngon, tôi đi con đường nào tốt con đường ấy.
Bùi Năng Phán