Sunday 8 April 2018

Chữ Hiếu - Phạm Khắc Trung


Khoảng đâu cuối năm 89 đầu năm 90 gì đó. Gia đình người anh rể bà con cô cậu bên vợ tôi dọn tới Toronto. Gia đình anh vượt biên và được đưa đến Edmonton định cư từ những năm 85, 86. Tuy chỗ tôi ở cách Toronto 200 cây số, nhưng ít ra anh em còn có cơ hội thỉnh thoảng ghé thăm nhau.

Lúc đó anh mới xấp xỉ 40, còn tôi thua anh tới 4 tuổi, vậy mà anh làm như tôi là ông cụ không bằng, mỗi khi gặp chuyện trật lề, anh lại kiếm tôi hỏi han thăm dò ý kiến.

Một hôm cuối tuần anh chở vợ con xuống thăm tôi. Vừa chào nhau xong, mới kéo ghế ngồi, chưa kịp hỏi thăm sức khỏe nhau, anh đã kéo mấy đứa con anh lại kêu tôi phân giải:

Nè dượng! Tui nói với mấy đứa con tui á, rằng chúng nó phải noi gương cái ông nào đó mà tui hổng nhớ tên, rằng thì là trời mùa đông lạnh lẽo, trước khi đi ngủ, chúng phải dzô nằm trước ủ cho giường cha mẹ ấm lên để cha mẹ vào nằm không bị lạnh, dzậy mà chúng hổng tin, dám biểu tui nói chuyện khùng. Bây giờ có dượng đây, nhờ dượng xác nhận cho chúng nghe coi tui nói có đúng không!

Tôi mỉm cười:

Ừa! Ba mấy con nói đúng đó! Ông đó tên Hoàng Hương bên Tàu vào đời Đông Hán. Mẹ ông mất sớm, lúc đó ông mới 9 tuổi đầu mà gào khóc thiệt thảm thương, người trong làng thấy vậy đều khen ông là đứa con có hiếu. Ông thờ cha rất mực cung kính, sớm khuya hầu hạ, không dám xao lãng bao giờ. Mùa đông, ông nằm ủ vào chăn chiếu của cha để truyền hơi nóng cho cha khỏi lạnh, đến mùa hè lại quạt màn gối để cha mát mẻ luôn, nhờ đó mà cha được ăn ngon ngủ khỏe, quanh năm vui vẻ, sống thọ với ông.

Mấy đứa con anh nghe tôi kể, chúng nể nang hổng dám chê dượng nói chuyện khùng, nhưng trông chừng trong ánh mắt chúng, rõ ràng là chúng không phục một chút nào, trong khi ông anh rể tôi lại thán phục một cách tối đa:

Dượng thiệt giỏi à nha! Học từ mấy chục năm trước mà còn nhớ vanh vách. Chớ tui là tui chịu chết, nhớ có người nằm ủ giường cho cha ấm là hết mức rồi.

Được khen, lỗ mũi tôi nở to như cái trống chầu, hãnh diện quay qua sắp nhỏ bảo:

Mấy con biết không, đời nhà Tấn còn có ông Ngô Mãnh nhà nghèo, lúc mới lên 8 tuổi đã biết thờ kính cha mẹ một lòng chí hiếu: Mùa hè nhiều muỗi, không có tiền mua màn, ông sợ cha mẹ bị muỗi đốt, ông bèn cởi trần ra nằm kế bên cho muỗi đốt mình ông. Ngứa ngáy nhưng ông không dám cựa quậy, sợ động đậy muỗi sẽ bay qua đốt cha mẹ khiến cha mẹ ông không ngủ được yên.

Anh Trí buông tách trà cười khặc khặc:

Dzụ này chắc không có lũ con tui đâu nha!

Nghe thế, đứa con gái ngước lên liếc xéo cha nó thiệt dài. Chị Mai đang phụ vợ tôi làm bếp gần đó cũng ngưng tay quay lại bào chữa cho con:

Kêu chúng nó nằm ủ giường cho ấm còn nghe được, chứ cởi trần nằm yên cho muỗi cắn thì còn phia. Tụi mình ở Việt Nam ngày xưa còn hổng làm, ở đó mà kêu tụi nó?

Vợ tôi chen vào phụ họa:

Ở đây mà nằm yên cởi trần cho muỗi đốt, có nước người ta bắt nhốt nhà thương điên!

Chị Mai cười thiệt dòn:

Chứ còn gì nữa!

Dơ tay bật lửa cho anh mồi điếu thuốc trước rồi tôi mồi sau, kéo một hơi thiệt đã rồi thả khói cùng nhà, xong tôi mới thủng thẳng lên tiếng:

Đầu chương trình lớp Đệ Lục mình học về Nhị Thập Tứ Hiếu. Hồi đó bọn mình phải học thuộc lòng, tới giờ Việt Văn thầy kêu trúng tên đứa nào thì đứa ấy lên bảng, đứng khoanh tay quay xuống đọc thiệt lớn cho cả lớp nghe, chứ đâu có vừa học vừa chơi như sắp nhỏ bây giờ sướng thí mù nội. Vậy mà lâu ngày không nhắc tới cũng quên tuốt luốt, tới bây giờ em còn thuộc được mỗi bài "Mẫn Tử Khiên" thôi.

Ngước mặt thở phì cụm khói lên trần, anh Trí trợn mắt nhìn tôi kinh ngạc:

Dữ dzậy đa! Tới giờ mà dượng vẫn còn thuộc ha? Đâu dượng thử đọc cho tui nghe lại coi có nhớ gì không hè.

Uống hớp nước trà lấy giọng xong tôi mới nhẩn nha đọc:

Thầy Mẫn Tử vốn đường hiếu nghĩa,
Xót nhà huyên quạnh quẽ đã lâu,
Thờ cha sớm viếng khuya hầu.
Chẳng may gặp phải mẹ sau nồng nàn.
Trời đương tiết đông hàn lạnh lẽo.
Hai em thời áo kép chăn bông,
Chẳng thương chút phận long đong.
Hoa lau nỡ để lạnh lùng một thân,
Khi cha dạo theo chân xe đẩy.
Rét căm căm nên sẩy rời tay,
Cha nhìn ngẫm nghĩ mới hay.
Nghiến răng cắt đứt mối dây xướng tùy.
Gạt nước mắt chân quỳ miệng gởi.
Lạy cha xin xét lại nguồn cơn,
Mẹ còn chịu một thân đơn.
Mẹ đi luống để cơ hàn cả ba.
Cha trông xuống lệ sa giọt tủi.
Mẹ nghe lời cũng đổi lòng xưa,
Cho hay hiếu cảm nên từ.
Thấm lâu như đá cũng nhừ lọ ai ?
(Thơ: Lý Văn Phức)

Anh Trí khoa chân múa tay tán tụng:

Hay! Hay thiệt là hay nha! Ông dượng này giỏi quá chừng chừng! Hai mươi mấy năm trường mà vẫn còn nhớ nằm lòng, hay thiệt. Tui phục dượng sát đất luôn!

Rồi anh quay qua gọi mấy đứa con:

Vy, Lâm, David! Nghe dượng đọc hay không mấy con? Mấy con nghe có hiểu gì không hè?

Không đợi nghe mấy con trả lời, anh bèn quay qua kêu vợ:

Mai nghe dượng đọc hay không Mai?

Chị vợ cười quay lại:

Nghe! Nãy giờ đứng đây lắng tai nghe hết, dượng đọc hay lắm! Nhưng Mai phục nhất là cái óc nhớ dai của dượng!

Rồi bỗng dưng anh Trí nhướng mắt lên rồi xụ mặt xuống, anh hướng qua tôi quơ tay phân trần:

Ý! Mà dzậy thì ổng hiếu chỗ nào đâu cà? Trong khi ba ổng muốn đuổi bà vợ nhỏ đi đặng lấy bà khác mà ổng cản... Hứ! Dzậy là ổng bất hiếu! Ổng chỉ có nghĩa dzới hai đứa em thôi!


Phạm Khắc Trung