Những
cuộc chạy đua vũ trang với Hoa Kỳ để chế tạo các loại vũ khí tối tân sử dụng
trên mặt đất, dưới lòng biển, và trên không trung, nhất là trong lĩnh vực không gian, như các hỏa
tiễn liên lục địa mang đầu đạn nguyên tử ..., đã làm cho nền kinh tế của Nga Sô kiệt quệ - một
trong các nguyên nhân làm sụp đổ đế chế cộng sản này.
Tuy nhiên, những diễn biến tại Châu Âu và Châu Á trong
tháng Ba và đầu tháng Tư năm 2018 vừa qua liên quan đến vụ đầu độc cha con điệp
viên nhị trùng tại Anh Quốc, và chiến tranh mậu dịch giữa Mỹ-Hoa, cũng như vấn
đề Đài Loan, đang đưa thế giới trở lại với thời Chiến Tranh Lạnh của thập niên
50 và 60. Các ngọn lửa âm ỉ của chiến tranh lạnh đầu thế kỷ 21 này có thể châm
ngòi cho một cuộc chiến mới.
Ngày 2
tháng 4, Ngoại Trưởng Nga ngụ ý rằng chính phủ Anh có thể ra tay hạ độc thủ cha
con điệp viên, cựu đại tá tình báo Nga Sergei Skripal ngày 4 tháng 3, và đổ
trách nhiệm qua cho Nga. Hôm thứ Sáu, ngày 30
tháng 3, Nga đã triệu tập một số nhà ngoại giao cấp cao cấp Phương Tây để phản
đối các chính phủ của họ trục xuất các nhà ngoại giao Nga.
Bộ Ngoại giao Nga
còn cho biết Anh có 1 tháng để cắt giảm số nhà ngoại giao tại Nga xuống tương
đương số nhà ngoại giao Nga ở Anh. Theo
Reuters, người ta đã thấy hình ảnh của Đại sứ Anh Laurie Bristow tại Moscow rời Bộ Ngoại Giao Nga hôm
30/3/2018 sau khi ông nhận văn thư phản kháng của Bộ Ngoại Giao Nga vì Luân Đôn
đã có hành động khiêu khích khi trục xuất 23 nhà ngoại giao của Nga; và điểm
đang chú ý là ngay sau đó Nga đã trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh.
Ngoài ra, trước
việc 150 nhà ngoại giao Nga bị trục xuất trên 20 nước, Nga đã trục xuất 60 nhà
ngoại giao Mỹ để trả đũa, và Bộ Trưởng Ngoại Giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố sẽ
trục xuất số lượng tương đương các nhà ngoại giao của 20 nước kia.
Vụ án cha
con điệp viên Sergei Skripal sẽ còn nhiều gay cấn vì người cha đang trên đường
hồi phục, và dự trù cả hai cha con sẽ được trình diện trước công chúng trong
một ngày rất gần đây, và người ta hy vọng màn bí mật trong cuộc đầu độc này sẽ
được hé mở.
Châu Âu đang trong cơn sốt của chiến tranh điệp báo. Ngoài ra, sự
đối đầu của Nga với Mỹ tại Syria cũng là nguyên nhân rạn nứt giữa hai nước. Theo
VOA, ngày 8 tháng 4, Tổng Thống Mỹ Donald
Trump đã cáo buộc Nga và Iran ủng hộ Tổng Thống Syria Bashar al-Assad mà ông
gọi là “con vật”, và phe chính phủ nắm quyền kiểm sóat đã tấn công hóa học làm
hàng chục thường dân thiệt mạng. Ông Trump viết
trên Twitter: “Nhiều người chết, cả phụ nữ và trẻ em trong cuộc tấn công HÓA HỌC
thiếu suy nghĩ ở Syria… Tổng Thống Putin, Nga và Iran phải chịu trách nhiệm vì
đã hậu thuẫn Con vật Assad. Sẽ phải trả giá đắt”.
Nhìn qua Á Châu, cuộc
chiến mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng đang trong giai đoạn căng thẳng sau
khi Tổng Thống Trump muốn lấp đi hố sâu thâm thủng giữa Mỹ-Hoa lên đến hàng
trăm tỷ, và áp đặt các hình thức thuế cao hơn theo một danh sách được công bố, vào
một số mặt hàng, trong đó có những sản phẩm công nghệ xuất cảng qua Mỹ từ Bắc
Kinh mang nhãn hiệu “Made In China 2025”, bao gồm 10 ngành công nghiệp chiến
lược của Trung Cộng.
Phía Mỹ còn cáo buộc Trung Quốc đã có âm mưu một cách có hệ thống để thủ đắc
tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ một cách bất hợp pháp qua những yêu cầu về liên
doanh, qui định cấp phép không công bằng, các vụ mua lại các công ty công nghệ
Mỹ bằng tiền tài trợ của nhà nước và đánh cắp bí mật công nghệ của Mỹ một cách
lộ liễu.
Ngày 4 tháng 4, để đáp
ứng lại việc Tổng Thống Trump công bố ý định áp dụng thuế lên đến 50 tỷ USD vào
các mặt hàng của Trung Quốc hồi tháng trước theo một danh sách 1.300 mặt hàng
về hàng không, y tế, và thông tin, ngày 4 tháng 4, Trung Cộng công bố các kế
hoạch đánh thuế tổng trị giá 50 tỷ USD lên các mặt hàng của Mỹ.
Tuy nhiên, nhìn lại
lịch sử, sau chuyến công du của Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon và cố vấn Henry
Kissinger, và kể từ khi Mỹ ký với Trung Cộng Hiệp Ước Thượng Hải vào năm 1972
đến nay, lần đầu tiên quan hệ ngoại giao giữa hai nước Mỹ-Hoa đang đi vào thử
thách về vấn đề Đài Loan.
Từ thời Mao Trạch Đông, đảng cộng sản Trung Quốc luôn
luôn tuyên bố hòn đảo nhỏ bé này là một phần của Hoa Lục, và chỉ có một nước
Tầu, và không công nhận chủ quyền độc lập của Đài Loan. Việc áp đặt đó với Đài
Loan cũng giống như việc tự nhận đường vẽ chín đọan tại Biển Đông là hoàn toàn
thuộc chủ quyền của Trung Cộng, đã dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ trên thế
giới.
Một trong các nguyên nhân đã làm Bắc Kinh tức giận là sự đắc cử của vị
tổng thống nữ đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc tại hòn đảo này là bà Thái Anh
Văn với lập trường quốc gia cứng rắn, chống lại lập luận tuyên truyền “một nước
Tầu” của Tập Cận Bình.
Trong bài diễn văn sau chiến thắng của cuộc tổng
tuyển cử 2016, bà Thái Anh Văn cảnh cáo Bắc Kinh: “Hệ thống dân chủ, bản sắc
dân tộc và không gian quốc tế của chúng tôi phải được tôn trọng, bất kỳ hình thức
đàn áp nào cũng sẽ gây tổn hại mối quan hệ giữa hai bờ eo biển”.
Ngoài ra, theo tin RFI ngày 8 tháng 4, việc Mỹ cho phép chuyển giao công nghệ chế tạo tàu ngầm cho
Đài Loan, giúp Đài Bắc tự chế tạo tàu ngầm, được đưa ra chỉ một tháng sau khi Tổng
Thống Mỹ Donald Trump ký ban hành luật mới về Đài Loan, cho phép các quan chức
cấp cao Hoa Kỳ sang thăm Đài Loan, và ngược lại. Trung Cộng đã phản đối luật mới
đó và đòi Mỹ cắt đứt các trao đổi chính thức với Đài Loan. Chính quyền Đài Bắc
hôm 08 tháng 04 đã lên tiếng hoan nghênh quyết định này của Hoa Kỳ vì sẽ cho
phép Đài Loan xây dựng được một hạm đội mạnh chống lại mối đe dọa đến từ Trung
Cộng.
Qua những xung đột ngấm ngầm và công khai trong
thời gian gần đây, thế giới một lần nữa đang bước vào chiến tranh lạnh. Theo
Robert Farley của The National Interest, 15 năm trước câu hỏi: “Cuộc chiến giữa
China và Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ sẽ diễn ra như thế nào?” theo ông, cuộc chiến đó
có liên hệ đến các tranh chấp liên quan đến Đài Loan và Bắc Hàn.
Những nguyên
nhân gây ra Thế Chiến đều bất ngờ, và không phải là yếu tố then chốt để gây chiến.
Bởi thế, một tuyên ngôn độc lập của Đài Loan, hay một cuộc tấn công của Bắc Hàn
vào Nam Hàn, hoặc những biến cố tương tự có thể châm ngòi, và kéo Trung Cộng và
Hoa Kỳ phải vào vòng chiến, dù là miễn cưỡng.