Thursday, 12 April 2018

DARWIN VÀ TIẾN HÓA CỦA THẾ KỶ 19 - Chu Tất Tiến. MSP


Image result for charles darwin

Từ hơn 100 năm nay, nhiều cuộc tranh cãi có tính cách khoa học đã nổ ra xung quanh đề tài “Thuyết Tiến Hóa” của Charles Darwin. Đến những thập niên gần đây, hàng trăm cuốn sách giá trị chống lại Thuyết Tiến Hóa đã được viết bởi các nhà khoa học có uy tín hàng đầu trong thế giới khoa học và đã được sử dụng trong việc giảng dậy tại các trường đại học. Điều đáng nói là không phải những nhà khoa học phản đối thuyết Tiến Hóa của Darwin đều là tín đồ Thiên Chúa Giáo vì có một số các khoa học gia không có niềm tin tôn giáo nào cả. Những vị này phản biện thuyết Tiến Hóa vì lí luận của Darwin có quá nhiều sơ hở. Với tư cách là những người làm khoa học, họ không chấp nhận hiện tượng Darwin, vì công trình nghiên cứu của Darwin đã được thực hiện trong thế kỷ 19, khi văn minh chưa phát triển như bây giờ và những phương tiện, dụng cụ nghiên cứu thời ấy, so sánh với hiện tại, chỉ là chiếc xe đạp muốn chạy song song với xe hơi. Trong số các cuốn sách phản bác lại Thuyết Tiến Hóa, có những cuốn được giảng dậy chính thức tại các Đại Học Mỹ:

1-“Darwin On Trial.” (Darwin Trước Pháp Đình). Tiến Sĩ Phillip E Johnson, Giáo Sư Luật, Đại Học U.C Berkley.1993.

2-“Battle of Beginnings”. (Cuộc Chiến Của Sự Bắt Đầu). Tiến Sĩ Del Ratzsch. Giáo Sư Triết Học, Đại Học Massachusetts. 1996.

3-“Science on Trial - The case for Evolution”. (Khoa Học Đang Bị Thử Thách – Trường Hợp của Thuyết Tiến Hóa). Tiến Sĩ Douglas Futuyma, Giáo Sư Khoa Học Lượng Tử và Sự Tiến Hóa, Đại Học New York.1995.

4-“Finding Darwin’s God”. (Đi Tìm Thiên Chúa Của Darwin). Tiến Sĩ Kenneth R. Miller. Giáo Sư Sinh Vật Học, Đại Học Brown University. 1999.

Với sự phát triển của khoa học về DNA, Sinh Vật Học, Khảo Cổ Học, và Nhân Loại Học, các nhà khoa học hiện đại đã chứng minh được là Thuyết Tiến Hóa không những thiếu sót và có quá nhiều lỗ hổng (gap) mà còn sai lầm ghê gớm. Trong thập niên 80, đồng loạt nhiều nhà khoa học đã chứng minh rằng Darwin sai lầm đến nỗi tập san dành cho các nhà khoa học,  “Science”, đã phải làm một lần tổng hợp với đề tài “Evolutionary Theory Under Fire”. (Lí Thuyết về Sự Tiến Hóa Đang Bị Tấn Công.)

Trong một nỗ lực muốn tìm hiểu thêm về Thuyết Tiến Hóa, người viết sẽ tóm lược vài điểm (trong cả ngàn điểm) thiếu sót hay sai lầm của Thuyết này đã được viết trong các cuốn sách nói trên, thêm vào với những nhận xét riêng tư của tác giả trên phương diện Triết Học. (Vì bài nhận xét khá dài, nên sẽ chia làm 2 phần để độc giả dễ nhận xét).

PHẦN MỘT:

1) Mặc dầu các nhà khoa học có thể chứng minh là những vật chất nguyên thủy có thể thay đổi trong một số chủng loại, (microevolution), nhưng không ai có thể chứng minh được những biến thể vĩ mô cần thiết cho những sự xuất hiện của các chủng loại mới. (God the Magician. Finding Darwin’s God. Kenneth Miller. P.89.) Những chủng loại mới đã có thể nẩy sinh ra từ những biến động bùng nổ cực nhanh hơn là từ từ chuyển động như Darwin đã chứng minh. Những nhà nghiên cứu đại dương đã tìm thấy nhiều sinh vật mới xuất hiện vài trăm năm nay. Đặc biệt là sự nghiên cứu về Ung Thư, các khoa học gia đã tìm thấy nhiều biến dạng lạ lùng. Nhiều con cá hồng bỗng có bộ da mầu vàng. Trong một gia đình vịt, bỗng có một con vịt khác thường và bị những con khác cùng một mẹ luôn tấn công. Có những con cá khổng lồ trong một “trường cá” (School of fish) bình thường. Ngay trong con người, cũng có nhiều biến dạng vì sự phát triển đột ngột của các tế bào. Có người cao hơn 2 thước, người cao chưa tới một thước trong các gia đình bình thường. Có người đột nhiên mọc lông xồm xoàm trong một gia đình không ai có lông nhiều. Nhiều dạng vẩy cá, ngón tay có 6 ngón, có người mắt lồi ra cả một phân, thiếu nữ 18 tuổi mà già hơn bà già 80, người mang cục bướu to đùng... Tất cả những đột biến kể trên không phải là vì Tự Cải Biến Để Sinh Tồn (Survival for the fittest) mà vì sự biến đổi bất ngờ của gene. Điều này đã phản lại lý thuyết của Darwin khi ông cho rằng mọi biến thái đều xẩy ra từ từ, qua nhiều niên đại, không phải do đột biến. Chính Darwin đã phải công nhận trong cuốn The Origin: “Nếu có thể chứng minh rằng bất cứ một cơ phận phức tạp nào xuất hiện, mà không phải do sự hình thành bằng một số lượng liên tục, thay đổi từ từ, thì lý thuyết của tôi thất bại.”
Theo nhà Sinh Vật Học Julian Huxley, thì Thuyết Tiến Hóa, đã được phổ biến rầm rộ vào thế kỷ 19, thời đại mà khoa học, nhất là Y Khoa, còn chập chững về Gene và rất nhiều ngành khoa học khác, cho nên lầm lỗi rất nhiều. Vì thế, ông đã hệ thống hóa lại  sử dụng một danh từ khác: “Sự tổng hợp tân tiến của lý thuyết tiến hóa” (Modern Synthesis of Evolutionary theory), trong đó, ông đã điều chỉnh những thiếu sót của Darwin theo chiều hướng mới. (Darwin mất năm 1882, cách thời gian hiện tại 136 năm. Huxley mất năm 1975.)

Theo Kenneth Miller, về sự xuất hiện của các sinh vật mới, có hai lý thuyết: 1) những sinh vật mới này xuất hiện bất ngờ như một hơi khói thuốc lá. “Puff”! thế là xong. 2) những sinh vật mới là thế hệ sau của sự giao cấu giữa hai chủng loại tương tự. (Điều này có thể chứng minh được ngay bằng cách thăm viếng phòng lưu trữ của cơ sở Cảnh Sát Hình Sự San Antonio, Texas, nơi có một cái lọ thủy tinh, chứa một bào thai của một con Hắc Tinh tinh, nhưng có 90% yếu tố của một bé trai Người. Con Hắc Tinh Tinh cái này, một hôm đi khệnh khạng trên đường phố, bị xe cán chết, người ta mổ xác ra lấy bào thai ra, thì thấy đó đúng là bào thai của một em bé trắng trẻo và kết luận rằng con Hắc Tinh Tinh này đã giao cấu với Người! Người viết bài này đã tận mắt quan sát bào thai này vào năm 1968.)

2) Trong cuốn sách được giảng dậy tại các trường Đại Học, cuốn Darwin On Trial, viết bởi Tiến sĩ Phillip E Johnson, Giáo Sư Luật, Đại Học U.C Berkley, ông đã phân tích 12 đề tài trong 12 chương, liên quan đến sự sai lầm của Thuyết Tiến Hóa: Sự sắp đặt chính thức, sự chọn lựa tự nhiên (natural selection), Sự biến đổi Gene,  những trở ngại của việc đi tìm mẫu vật, sự kiện chính thức về Thuyết Tiến Hóa… Chương quan trọng nhất là Thuyết Tiến Hóa đã được dựa trên sự đi tìm mẫu vật hóa đá, nên đã gặp trở ngại là không thể chứng minh được những mẫu vật giống nhau rải rác khắp 4 phương trời là có cùng cha mẹ sinh ra. Nhiều con vật tương tự nhau nhưng lại sinh sống các lục địa xa cách nhau hàng chục nghìn dậm.  Chúng không thể bơi cũng như không thể bay đến với nhau, nhưng làm sao lại tương tự nhau? Con vật nào là “cha”, con nào là “con”? Như thế, ông đã gọi thuyết của Darwin là “Giả Khoa Học” (Pseudoscience), chứ không phải khoa học, vì ông cho rằng việc đi sưu tầm mẫu vật, cho dù công phu thế nào chăng nữa mà không thể chứng minh trong phòng thí nghiệm Vật Lí, Hóa Học về DNA…rằng có sự liên hệ “cha, con” giữa hai loại chủng, thì cũng chỉ là công trình của người đi góp nhặt mà thôi. Nhiều cuốn sách khoa học khác phân tích DNA và sự thông minh của loài vật lại chứng minh rằng chuỗi DNA của loài người khác với chuỗi DNA của Khỉ và trí thông minh của Cá Heo lại gấp nhiều lần trí thông minh của Khỉ. Cá Heo biết sáng tạo, còn Khỉ chỉ bắt chước. Khi người ta dậy cho Khỉ biết cách dập tắt một đám lửa bằng cách dậy cho nó cầm cái xô nước đã có nước tạt vào một đống củi đang cháy, thì khỉ biết làm theo, nhưng khi để con khỉ đứng bên cạnh bờ sông, gần đám cháy, thì khỉ sợ hãi, chạy lung tung! Khỉ ngu độn hơn nhiều loại chim, mà con chim trống biết đi nhặt những mảnh vụn lấp lánh đặt vào một tổ chim đã được làm sẵn, để “tán gái” tức là dụ chim mái vào tổ mình. Nhiều loại chim biển biết quặp con rùa lên cao, rồi thả rơi rùa xuống đá cho vỡ cái mu rùa ra, để rồi đáp xuống ăn thịt rùa bên trong cái mu cứng. Nếu lấy chỉ số thông minh làm chuẩn, và lí luận rằng Nhân Loại là hậu duệ của môt động vật, thì có lẽ Người là hậu duệ của Cá Heo thì đúng hơn là hậu duệ của Khỉ.  

3) Darwin cho rằng mọi sinh vật biến hóa theo chiều Dương (positive) nghĩa là biến hóa làm sao cho chúng “tốt hơn, mạnh hơn, thích hợp hơn” với môi trường mới. Năm 1981, nhà Sinh Vật Học David Reznick mang một số cá đẹp ở dưới sông Trinidad, mang lên những ngọn suối cao trên đỉnh núi, nơi ông chặn suối thành một khu riêng để nghiên cứu, thì thấy chúng uể oải, chậm sinh dục, và yếu ớt đến nỗi bị các loại cá khác ăn thịt mà không biết tránh né như khi ở dưới sông. Điều này chứng minh rằng, môi trường có thể biến đổi sinh vật, nhưng không chắc là Tiến Hóa theo chiều Dương (positive) hay Thoái Hóa theo chiều Âm (negative). Rất nhiều loại chó Bắc Cực khi mang về xứ nóng là chết. Nhiều loại chim đang hót say sưa, khi bị chuyển môi trường thì ủ rũ và không hót nữa. Thực vật cũng thế, nhiều cây cam ngọt khi đổi chỗ đứng thì thành chua. Lý thuyết Tiến Hóa (biến đổi làm cho tốt hơn để sinh tồn) của Darwin chỉ có áp dụng ở một số sinh vật, nhưng không phải Tất Cả. Đó là một lỗ hổng lớn mà Darwin không thể lấp đầy.


(Từ hơn 100 năm nay, nhiều cuộc tranh cãi có tính cách khoa học đã nổ ra xung quanh đề tài “Thuyết Tiến Hóa” của Charles Darwin. Đến những thập niên gần đây, hàng trăm cuốn sách giá trị chống lại Thuyết Tiến Hóa đã được viết bởi các nhà khoa học có uy tín hàng đầu trong thế giới khoa học và đã được sử dụng trong việc giảng dậy tại các trường đại học. Điều đáng nói là không phải những nhà khoa học phản đối thuyết Tiến Hóa của Darwin đều là tín đồ Thiên Chúa Giáo vì có một số các khoa học gia không có niềm tin tôn giáo nào cả. Những vị này phản biện thuyết Tiến Hóa vì lí luận của Darwin có quá nhiều sơ hở. Với tư cách là những người làm khoa học, họ không chấp nhận hiện tượng Darwin, vì công trình nghiên cứu của Darwin đã được thực hiện trong thế kỷ 19, khi văn minh chưa phát triển như bây giờ và những phương tiện, dụng cụ nghiên cứu thời ấy, so sánh với hiện tại, chỉ là chiếc xe đạp muốn chạy song song với xe hơi…)

4) Những thay đổi cấu trúc bên ngoài của những bộ xương hóa thạch từ thời cổ đại đến hiện đại không chứng minh được là do chính những sinh vật đó “tự biến thái theo ý muốn của mình là để sống còn” nếu không do tác động bên ngoài của môi trường và khí hậu thì “chính chúng đã được tạo ra như vậy”. Những con chim Penguine có bộ lông và lớp mỡ rất dầy để chống lại khí lạnh cực kỳ tại nơi mà “không một con người nào có thể sống quá 2 ngày”, không phải do chúng tự tạo ra lớp lông và lớp mỡ đó mà do chúng từ khi sinh ra đã như vậy. Những con lạc đà đi sa mạc biết dành nước trong bao tử mình để khỏi chết khát cũng được tạo ra như thế. Các loại cá biển có cần câu điện để bắt mồi không phải là chúng đi nhặt vật liệu dưới bùn rồi lắp thành cần câu trước miệng. Các con mực biết xịt mực đen xì để trốn kẻ địch, các loại cá phát điện để giật chết địch thủ cũng tự nhiên mà có chứ không được ai dậy cách tự lắp máy phát điện hay máy xịt nước đen. Những con vật tắc kè biến đổi mầu sắc cho hợp với thân cây nơi chúng bám vào là do phản ứng của da với môi trường, giống như người ta, khi mắc cở thì đỏ mặt, hoặc khi gặp một sự đụng chạm, kích thích đúng lúc thì da của người nổi gai lên, không có chi là ghê gớm. Ngược lại, những con cá hồi hàng năm lội ngược trở về nguồn để đẻ và chấp nhận chết chóc dọc đường thì không phải là “chọn cái sống” mà là “chọn cái chết”. Những chú cá sặc sỡ mầu sắc làm mục tiêu cho cá lớn hơn đớp mình một cách dễ dàng thì không thể cho rằng chúng ngu, mà vì số mạng nó đã được đặt để như thế. Hơn nữa, khi Darwin cho rằng mọi sinh vật đều phải tự biến cải hình dạng và cách sinh hoạt của mình để tồn tại qua lý thuyết “natural selection/sexual selection”, ông đã tự mâu thuẫn với chính mình. Vì Darwin khẳng định là “không có bàn tay của một đấng Tạo Hóa nào can thiệp vào sự tiến hóa của mọi sinh vật”, tức là mọi sinh vật chỉ là do Vật Chất tự tạo ra Vật Chất, rồi ông lại chứng minh rằng: “Vật Chất có Ý Chí, có lòng Muốn Sinh Tồn, có sự Cố Gắng để thay đổi hầu được sống còn. Từ “Nhận Thức” là phải Biến đổi để sống còn, cơ thể sinh học của các sinh vật, động vật đã tự nẩy sinh ra các bộ phận mới thích hợp với môi trường mới!” Vậy, Ý Chí là gì? Ý Chí có phải Vật Chất không? Ai (Điều Gì) tạo ra Ý Chí? Tại sao lại muốn sống còn, nếu các Vật Chất không có Tư Tưởng, có Suy Nghĩ về sự hiện hữu của mình? Một khi có Tư Tưởng, có Suy Nghĩ, có cố gắng tự thay đổi bề ngoài, thì đương nhiên, Darwin đã bỏ qua Khoa Học Thực Nghiệm để bước vào ngưỡng cửa của Khoa Học Tâm Lý, và từ Tâm Lý sang Tâm Linh chỉ có một dấu phẩy! Mâu thuẫn đã hiện ra ở đây:

a)Sự Sống Còn của mọi Sinh Vật = Vật Chất tự đi tìm phương tiện để sống còn = Vật Chất tự biến cải cấu trúc cơ thể của mình bằng phương tiện tự thân = Vật Chất có suy luận, có biết phương pháp Tổng Hợp, Loại Trừ = Vật Chất có Tâm Linh.

b)Tâm Linh không phải Vật Chất, vì Tâm Linh không sờ được, không nắm được, không chụp hình được, không kiểm soát được. Người ta có thể giữ Hơi Thở trong một ống nghiệm, nhưng không thể giữ được Trí Khôn hay Sự Thông Minh.

Như vậy, Mệnh đề a) mâu thuẫn với Mệnh đề b). Kết luận: Lý thuyết Tự biến cải để sinh tồn của Darwin đã rõ ràng là thiếu sót nếu không nói là sai lầm. 

5)Thuyết Tiến Hóa đối lập với hiện tượng Thoái Hóa của thiên nhiên, sinh vật, thực vật và Con Người. Hiện tượng Thoái Hóa, hay nói đúng hơn là Sự Chết, từ triệu triệu năm nay vẫn luôn hiển hiện trong vũ trụ. Núi đá cũng chết vì bị người phá hay vị bị nung chẩy bởi “plasma” từ miệng núi lửa. Những hệ Thiên hà, các vì sao cũng phải chết sau một “thời gian” tồn tại và biến thành “Lỗ Đen” là những thực tế vô cùng kinh hãi của trí tuệ con người.
Trên mặt địa cầu, có điều gì, vật gì mà không CHẾT? Vậy, Chết có phải là sự đối lập của việc Tiến Hóa không? Nếu việc Tiến Hóa xẩy ra một cách tự nhiên, thì theo đúng Luật Quán Tính, nghĩa là nếu hòn bi đã lăn mà không có lực gì cản lại thì sẽ lăn mãi mãi vô cùng, như thế, việc Tiến Hóa, nếu đã khởi đầu từ triệu năm trước thì vẫn phải Tiến Hóa mãi cho đến hiện tại. Nhưng nghiên cứu về giống Khỉ từ trăm năm trước, cho đến nay vẫn là Khỉ, không có dấu hiệu gì là Khỉ bắt đầu rụng lông…mà chỉ thấy cả Khỉ và Người đều phải Chết! Những người lớn tuổi, từ 50,60 trở lên đều cảm thấy sự Thoái Hóa, chứ không phải Tiến Hóa đến với mình, từ các khớp xương thoái hóa, bắp thịt nhão ra, thần kinh suy yếu, tim đập kém đi.. rồi khi mà sự Thoái Hóa đến cực đỉnh, thì con người nhắm mắt, buông tay. Lúc con người sắp chết, dù có Thèm, có vô cùng Ham Muốn được tự biến cải mình để sống còn cũng phải thở hắt ra một hơi dài… Lúc đó, thì Natural Selection ở đâu? Survival for the Fittest ở đâu?

6)Các công trình nghiên cứu của Darwin luôn bác bỏ có sự can thiệp của Thượng Đế, nhưng đến cuối đời, chính ông lại phải chấp nhận rằng, “kiến thức thật sự của con người có thể tìm thấy trong cuốn sách nói về những việc làm của Thiên Chúa” (True knowledge could be found as much in the book of God’s work!”). Darwin đã bất lực trước vấn đề linh hồn và thể xác. Theo nguyên tắc Nghiên cứu, nếu muốn phản bác một sự việc và cho rằng việc đó không có thực (negative, non-existing) thì phải chứng minh rằng điều đó Không có. Ngược lại, muốn chứng minh rằng có một việc hay một vật chất có thực thì cũng phải chứng minh rằng điều đó hiện hữu (positive, existing). Tuy nhiên, đối với vấn đề Linh Hồn, thì không thể chứng minh bằng khoa học thực nghiệm được vì Linh Hồn cũng như hơi thở và gió, không làm thực nghiệm được, vì không ai nắm được hơi thở, cũng không nhốt gió vào trong lọ được nhưng hơi thở và gió có thực. Về Linh Hồn cũng thế, chúng tôi chỉ có thể chứng minh bằng một phương trình toán học đơn giản sau đây:

Người Chết = Người sống – yếu tố X.
Nếu đảo phương trình:
Người Sống = Người Chết + yếu tố X. 

Có nhiều người chết vì mất máu, cụt chân cụt tay, nghĩa là mất đi một phần thân thể, nhưng cũng có người chết mà cơ thể toàn vẹn, không hụt đi một ly máu, một khúc xương nào, chỉ vì tim không thích đập nữa. Vậy, tại sao Chết? Có phải là mất đi một yếu tố X nào đó không? Nếu không nói Yếu Tố X là Linh Hồn thì là cái gì? Cũng vậy, sự Thông Minh, Khôn Ngoan của con người hay của các động vật khác là cái gì? Có ai nhốt được sự thông minh vào cái lọ không? Chuyện Quốc Văn Giáo Khoa Thư ngày xưa đã viết: Hồi đó, cọp còn biết nói tiếng người. Một hôm, cọp hỏi một nông dân: “Trí thông minh của mày là cái gì? Mày để ở đâu?” Người trả lời: “Tao để trí thông minh ở nhà rồi!”. Cọp bảo: “Mày về lấy mang ra đây cho tao xem.” Người bảo: “Nếu tao về nhà, mày ở đây, ăn thịt con trâu của tao thì sao? Nếu mày muốn xem, để tao trói mày lại đã.” Cọp bằng lòng cho người trói. Người trói xong, lấy cái cầy đánh lia lịa vào con cọp cho đến khi cọp chết, và nói rằng: “Đây! Trí thông minh của tao ở đây này!”

Theo chuyện này, thì Sự Hiểu Biết của con người (nhận thức), dù thấp dù cao, cũng như Linh Hồn là những điều không máy móc nào kiểm soát được, nhưng vẫn có thực. Linh Hồn và Nhận Thức tuy hai mà một, không thể tách rời. Mà nếu đã có Linh Hồn, thì phải có đấng tạo ra Linh Hồn cũng như trí thông minh của con người.

Chu Tất Tiến. M.S. Psychology. (10 tháng 4 năm 2018.)

Reference:
1-“Darwin On Trial.” Phillip E Johnson, Ph.S. Professor of Law, U.C Berkley.1993.
2-“Battle of Beginnings”. Del Ratzsch. Ph.D. Professor of Philosophy. University of Massachusetts. 1996.
3-“Science on Trial - The case for Evolution”. Douglas Futuyma, Ph.D. Professor of  New York University.1995.
4-“Finding Darwin’s God”. Kenneth R. Miller.Ph.D. Professor of Biology, Brown University. 1999.
5-“The Age of Earth”. Dalrymple, G.B. Stanford University Press. 1991.
6-“Voices for Evolution”. McCollister, B. Ph.D. Education. Professor, University of Berkley. 1989.