Thursday, 12 April 2018

Thử bàn về chữ “hòa” Nhân đọc bài thuyết trình “Văn hóa Thái Hòa của Việt tộc” của tác giả Việt Nhân

Đọc những dòng đầu của chương kết luận, qua câu chuyện mà cha con ông Việt Nhân trao đổi với nhau, ông Việt Nhân mới chỉ giáo đầu là đang đi tìm tòi về văn hóa Việt Nam thôi chứ chưa có dịp lên lớp, người con đã đưa ra một phản đề là thực trạng của đất nước càng ngày càng tệ hại, khiến ông không trả lời được đành ngậm câm (lời của ông Việt Nhân).

Ca ngợi văn hóa Việt Nam ở nhà không được nữa (có lẽ người con nghe riết đã chán tai), ông đến thuyết trình trong những buổi “họp mặt văn hóa tư tưởng Việt Nam”, trước hết vẫn là dịp để ông đề cao mọi mặt của nền văn hóa Việt tộc, sau vẫn là báo nguy cho những mối bất hòa đang tràn lan khắp mặt.

Nói là quyền của các ông. Có thì giờ các ông tha hồ họp nhau, thay phiên nhau nói từ ngày này qua ngày khác, chẳng ai phiền hà chi cả. Nhưng nếu các ông muốn nói cho giới trẻ lắng tai nghe, thì các ông phải bỏ tính kiêu căng cố hữu ấy đi, phải dẹp lòng tự ái bị thua thiệt, phải lấy khoa học làm nền tảng, trong tinh thần tôn trọng sự thật. Và nhất là các ông cũng phải chịu khó lắng nghe ý kiến của con của cháu mình, xem coi chúng muốn gì.

Dựa trên cơ sở đó, chúng tôi xin phép được đặt mình vào chỗ đứng của người con, giải bày những điều mình suy nghĩ (thế hệ thứ 2), khi đọc bài thuyết trình về “Văn Hóa Thái Hòa của Việt tộc” của ông Việt Nhân (thế hệ thứ nhất).

1) Ngay trong dòng đầu tiên, ông Việt Nhân đã mang cái nghĩa đen của truyện Hồng Bàng ra phân tích và lấy việc “trăm trứng trăm con” làm nền tảng để giải thích chữ “hòa”.

Khoan hãy bàn về nguyên nghĩa (nghĩa tiềm ẩn) của truyện Hồng Bàng, cứ tạm chấp nhận nghĩa đen của câu chuyện, thì việc chia 100 con ra làm hai tức là “ly biệt”, sao lại gọi là “hòa” cho được? Hãy nghe lời Long Quân bảo Âu Cơ: “Ta là loài rồng, sinh trưởng ở thủy tộc; nàng là giống tiên, người ở trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy rằng khí âm dương hợp lại mà có con, nhưng phương viên bất đồng, thủy hỏa tương khắc, khó mà ở cùng nhau trường cửu. Bây giờ phải ly biệt…”

2) Dù lúc nhỏ có ai đó không chơi trò chơi “ù ập” đi nữa, nhưng vì nghe trẻ em xướng hát mãi rồi cũng thuộc:

“Châu chi rành rành,
Cái đinh nổ lửa
Con ngựa đứt cương
Ba Vương nhất Đế
Cấp kế đi tìm
Ú tim ù ập!”

Nhờ có sử sách ghi chép song hành, phần thì sự việc mới xẩy ra gần đây (cuối thế kỷ 19), nên chúng ta còn hiểu được rằng câu đồng dao trên thuộc loại “Việt sử khẩu truyền” mang ý nghĩa là: Bá cáo cùng chúng dân: Người Pháp đã chính thức mở màn cho công cuộc xâm lăng nước ta bằng những cuộc bắn phá dữ tợn bằng súng thần công vào cửa bể Đà Nẳng trong những năm 1856 và 1858. Trong khi đó, triều đình Huế bất lực, phải nhường 3 tỉnh miền Đông Nam Việt cho Pháp năm 1862, đến năm 1874 thì nhường nốt 3 tỉnh miền Tây Nam Việt, rồi đến mất chủ quyền ở Bắc Việt (thành Hà Nội 2 lần thất thủ) năm 1883. Sau khi vua Tự Đức băng hà (ngày 16 tháng 06 năm Quí Mùi, 1883), với dã tâm thiết lập nên một chính phủ bù nhìn để dễ dàng thao túng, chỉ trong vòng 1 năm, người Pháp đã liên tục truất phế 3 vua, lập hoàng tử thứ 26, con vua Thiệu Trị là Ưng Lịch, lúc đó mới 13 tuổi lên ngôi (1884), hiệu là Hàm Nghi. Trái với lòng mong đợi của người Pháp, dù còn nhỏ tuổi, vua Hàm Nghi vẫn nêu cao ý chí đấu tranh bất khuất của cha ông, đưa đến cuộc chính biến ngày 23 tháng 05 năm Ất Dậu (1885), kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn, xuống chiếu Cần Vương, kêu gọi toàn dân trường kỳ kháng chiến, quyết tâm đánh đuổi giặc Pháp, giành lại độc lập chủ quyền cho quê hương. Bằng nhiều thủ đoạn, từ võ lực cho tới dụ dỗ, mua chuộc…, người Pháp vẫn chưa làm gì được. Cho đến đêm 01-11-1888, tên đội trưởng Trương Quang Ngọc toa rập với tên đội hạ giá là Nguyễn Đình Tĩnh làm phản, bắt vua Hàm Nghi đem nộp cho Pháp để lãnh thưởng, phong trào Cần Vương tan vỡ”.

Với vỏn vẹn 24 chữ mà tóm lược cả một giai đoạn lịch sử dài 32 năm, lại còn dựng thành một trò chơi cho trẻ nhỏ nô đùa để phổ biến. Với thời gian phôi phai, nếu không được giải thích tường tận, làm sao hiểu được những sự kiện lịch sử được chuyên chở trong 6 câu đồng dao đó? Tại sao cha ông mình phải vận tâm khổ sở đến thế?

Nhìn lại những trang sử của dân tộc, đã bao lần nước ta mất vào tay kẻ khác, nhà tan cửa nát, thân làm nô lệ? Lần nào đô hộ nước ta, quân Tàu cũng đều tìm cách tịch thu sách, cưỡng hại học trò, mong hủy diệt những trang sử oai hùng của dân tộc Việt, để những đứa con Việt lớn lên bơ vơ không có hồn nước mà dựa, sống thất tha thất thểu như kẻ vô hồn, tha hồ cho chúng tiêu diệt và đồng hóa… Nhưng tổ tiên ta không bao giờ chịu khuất phục, bằng mọi cách cố nuôi dưỡng cái hồn nước, dụng tâm dựng nên những câu đồng dao, những câu chuyện thuộc loại hoang đường để chuyên chở ý nghĩa lịch sử hầu qua mặt quân Tàu mà duy trì ngọn lửa thiêng của dân tộc, không để cho nó bị tắt lụm, chờ cơ hội bùng lên, thu giang sơn về một mối!

Chúng ta luôn tự hào về cái lịch sử vẻ vang với hơn 4000 năm văn hiến. Mà vẻ vang thật! Với cái sức mạnh đồng hóa ghê gớm đến thế của giặc Bắc phương, tất cả các nước lớn bé khác của Việt tộc đều bị tiêu diệt và đồng hóa, duy có giống dân nhỏ bé Lạc Việt là còn đứng vững và trường tồn được đến ngày nay, tức là cái hồn Lạc Việt phải cứng bền như khối kim cương, cái ngọn lửa thiêng Lạc Việt phải âm ỉ cháy mãi không ngừng. Vậy thì những trang sử trong truyện đã từng hun đúc cái hồn nước ấy, đã từng nuôi dưỡng cái ngọn lửa thiêng ấy, phải có một ý nghĩa ngầm trọng đại nào đó, phải cao cả và khoa học lắm thì mới đủ sức xuyên thấu nổi cái sức mạnh đồng hóa đó mà trường tồn, chứ không thể tầm thường theo cái nghĩa đen hoang đường thiếu khoa học của cái truyện trăm trứng nở trăm con được.   

3) Những câu chuyện chuyên chở dữ kiện lịch sử đã từng qua mặt giặc Tàu hàng mấy ngàn năm, dĩ nhiên không thể một sớm một chiều mà mình có thể giải mã ngay ra được. Nhưng nếu đã tin tưởng và hạ quyết tâm, mình cứ khởi hành từ cái bước căn cơ của nền văn hóa nông nghiệp mà lần mò từng bước, thì e chi mà không tìm ra manh mối?

Trăm trứng nở trăm con rồi lại chia làm 2 ngả chia ly mỗi nẻo 50 người, chúng tôi trộm đoán, nó có liên quan tới 100 dấu chấm gồm 50 chấm trắng và 50 chấm đen, của 2 bức đồ hình mà người ta gọi là Hà Đồ và Lạc Thư trong Kinh Dịch.  

Image result for Hà Đồ và Lạc ThÆ°Image result for Hà Đồ và Lạc ThÆ° 

Có giải mã được những câu truyện chuyên chở dữ kiện lịch sử này, mới mong làm tiền đề thống nhất mà đoàn kết các tầng lớp dân tộc, như lời ông Huỳnh Văn Lang, mà chúng tôi rất lấy làm tâm đắc (trích):

“Chắc chắn tất cả chúng ta đều đồng ý: chính văn hóa dân tộc là yếu tố để đoàn kết, gìn giữ được văn hóa dân tộc tức là có cơ đoàn kết được.

Chúng tôi cũng cùng một ý kiến như vậy; tuy nhiên văn hóa dân tộc lại quá mênh mông, quá rộng lớn khó mà cô đọng lại cho dễ lĩnh hội, dễ nắm lấy để lợi dụng được. Ngoài ra nhiều thành phần văn hóa tự bản chất lại hay chia rẽ, nếu không chia rẽ thì lại hay biến thể. Văn hóa dân tộc là gì nếu không phải là nếp sống (ăn mặc ở), là nếp cảm xúc hay phản ứng trước thiên nhiên, là nếp cư xử người với người, là tin tưởng trước huyền bí, trước thiêng liêng… Nghĩa là nó đi từ những cái thấp kém, đến những cái cao cả, từ cách nấu nướng, nước mắm, tô phở tái chín nạm, bún bò Huế, bún bò hóc, cá kho tộ, canh chua… Trò chơi, thả diều, đánh đu, đá gà đá cá, bài tứ sắc, tổ tôm, đánh chắn… Cách ăn mặc, chiếc nón bài thơ, cái áo bà ba, cái áo dài, cái khăn đóng… Xây cất nhà cửa, cái nhà ba căn hai chái, cái cổng làng, lũy tre xanh… Ca dao, tiếng hát chèo, tiếng hò Huế, cải lương, vọng cổ… Tranh vẽ trên lụa, bản in gỗ, sơn mài… Bình Ngô Đại Cáo, Đoạn Trường Tân Thanh, Lục Vân Tiên… Thuyết nhà Phật, Đạo Đức Kinh, Ngũ Kinh/ Tứ Thơ… Văn chương, văn học và Ngôn ngữ. Tất cả những yếu tố kể trên đều được gọi là văn hóa dân tộc vì nó có những sắc thái riêng biệt của mỗi một dân tộc Việt Nam.

Như thế thì phải chọn lựa yếu tố nào mới gọi được là yếu tố đoàn kết, vì không phải yếu tố nào cũng là yếu tố đoàn kết, ví như yếu tố đạo giáo chẳng hạn thì không đoàn kết mà lại hay chia rẽ, còn các yếu tố khác thì lại hay bị hư hỏng hay biến thể, ví như cái tô phở e rằng có ngày hóa ra quá lạt hay quá ngọt, cái áo bà ba có ngày sẽ để hở rốn, chính ngôn ngữ, tiếng nói chắc chắn có ngày hóa ra lai căng… Vậy thì yếu tố nào, thử hỏi?

Chúng tôi muốn lấy một ví dụ kỳ hoặc sau đây là so sánh văn hóa dân tộc như là một con người có ba hồn chin vía. Tất cả những yếu tố kể trên, theo chúng tôi chỉ là những cái vía của con người, còn lịch sử của một dân tộc mới là cái hồn của văn hóa. Chính Trời Phật cũng không sao sửa đổi được lịch sử của một dân tộc. Lịch sử dân tộc là một yếu tố đoàn kết, trên và hơn cả đạo giáo, hơn cả ngôn ngữ” (ngưng trích).


4) Bàn về 2 nét khắc song song trên hòn đá cuội mà các nhà khảo cổ tìm được ở Bắc Sơn, thì rõ ràng đó là nét đặc thù của nền văn hóa Việt tộc, không tìm thấy dấu vết bên Tàu. Nhưng nói rằng hai đường song song mà vẫn gặp nhau thì chúng tôi phản đối: Nếu hai đường rầy song song có thể gặp nhau ở cuối tầm nhìn thì làm sao chiếc xe lửa có thể chạy hút tầm mắt và trở về lại điểm khởi đầu? Nếu hai dây điện giữa các dụng cụ trong nhà và ổ cắm điện gặp nhau thì việc gì sẽ xẩy ra?

Thật ra, hai đường song song không bao giờ gặp nhau, nó phải cùng nhau song hành để tạo thế “hòa” năng động, bởi “hòa” tức là phải còn nguyên hai yếu tố, hai sự việc, hai sự kiện, hai thực thể. Sống là phải tranh đấu, nhưng phải tranh đấu trong tình huynh đệ, vừa tranh đấu vừa thỏa thuận trao đổi khí giới cho nhau, tranh đấu cho sự tiến bộ chung của con người tự do sống bên con người tự do, có đối lập mà không hầm hừ vì đã biết chấp nhận sự hiện hữu của nhau.

Còn khi thực thể này muốn tiêu diệt thực thể kia để trở thành độc tôn, độc bá, độc quyền, thì phải gọi là “nuốt” chứ không còn “hòa” được nữa, bởi thế mà người ta không tìm thấy yếu tố nhị nguyên bên Tàu là vậy. CS Việt Nam miệng dóng “hòa” với người Việt tự do hải ngoại, nhưng tay lại thập thò phá hủy tượng đài kỷ niệm thuyền nhân trên 2 đảo Galang và Bidong, đó là CSVN muốn “diệt”, muốn “nuốt” người Việt tự do hải ngoại, chứ sao lại gọi là “hòa” cho được?


5) Chúng tôi tin tưởng rằng “truyện Hồng Bàng” chỉ là câu truyện nhằm chuyên chở những dữ kiện lịch sử, nên những con số dùng trong truyện đều là “lý số” để lý giải chứ không phải là “thực số”, nên không thể giải thích một cách đơn giản rằng “cháu ba đời” là “thế hệ thứ ba”, “18 đời Hùng Vương” là có 18 đời vua thật, rồi chia ra mà tính số năm mỗi ông trị vì là nát bét.

Kiểm chứng với giả thuyết của ông Huỳnh Văn Lang về nguồn gốc dân tộc, chúng tôi nghĩ rằng, con số 2879 tcn của họ Hồng Bàng nói lên là đã có một giống dân (Lạc Việt) an cư lạc nghiệp ở đó (Triết Giang, hạ lưu sông Dương Tử?) từ trước khi nước Tàu lập nghiệp. Mặc dù họ đã quy tụ thành những đơn vị hàng xóm với mức sinh hoạt xã hội cao của nền văn minh ruộng nước, nhưng quan niệm quốc gia chưa được thành hình. Đến thời Xuân Thu Chiến Quốc, trước áp lực của đế quốc thực dân từ phương Bắc, một số ý thức trước nạn diệt chủng của cuộc chiến bạo tàn giành đất giết người này, nên đã dùng thuyền vượt biển xuôi Nam, tìm đến vùng đất hiểm trở “Giao Chỉ” làm cứ địa mà duy trì nòi giống, ước vọng lập ra nước Văn Lang có vua Hùng cai trị vĩnh cửu từ đây thôi thúc. Phần lớn còn ở lại dựng nên nước Việt của Câu Tiễn, đứng lên tranh hùng cùng thiên hạ, diệt được nước Ngô của Phù Sai, rồi sau bị Sở tru diệt.

Trong quyển “có những sự kiện lịch sử cần phải xem lại”, trang 141, ông Huỳnh Văn Lang viết: “Tuy nhiên trong thời gian 450 năm thời đại Hùng Vương, có một sự kiện xem không quan trọng lắm nhưng lại quá nhiều ý nghĩa, vì nó có thể lý giải được nguồn gốc các vua Hùng cũng như nguồn gốc tổ tiên chúng ta, tức là xác nhận tổ tiên của chúng ta là những thuyền nhân thuộc tộc Lạc Việt, bỏ Triết Giang chạy về Giao Chỉ. Theo Đại Việt Sử Lược thì “Việt Vương Câu Tiễn (550-490 ttl?) đã có lần ve vãn chiêu dụ Hùng Vương, nước Văn Lang theo về với nước Việt, Hùng Vương quyết liệt chống đối”. Nhưng rất tiếc là không ghi lại Hùng Vương thứ mấy và năm nào. Chỉ biết Việt Vương Câu Tiễn cai trị khoảng năm 500 ttl, cùng một thời với Khổng Phu Tử (550-479 ttl), lúc ông làm Thừa Tướng nước Lỗ (Định Công)” (Hết trích).

Có lẽ vì thế mà Khổng Tử so sánh cái cường của phương Nam ở tại “khoan nhu dĩ giáo”, khác với cái cường của Bắc phương ở chỗ xả thân liều chết nơi chiến trường, đó là nơi quân tử y cứ, “quân tử cư chi”, nên đạo mà quân tử gọi là Nhu giáo là nói lên cái tính chất nhu thuận ôn hòa, không tranh cường háo thắng, tự rút mình ra khỏi chốn thị phi để bảo tồn nòi giống này chăng? “Khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo. Nam phương chi cường, quân tử cư chi”.
      
Cái quan niệm quốc gia và nền quân chủ chuyên chế mới chỉ hình thành ở Việt tộc tận sau này vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, còn như ở Việt Nam mình, phải đợi đến cái chiến thắng Bạch Đằng giang của Ngô Quyền năm 939, mới hoàn thành được cái ước nguyện quốc gia của vua Hùng khi dựng nước Văn Lang (xem Huỳnh Văn Lang, sách đã dẫn). Vậy thì làm gì lại có cái quan hệ vua tôi trong Việt Nho? Ông Việt Nhân có thay đổi vị trí các mối quan hệ xã hội của Tàu rồi gán là “ngũ luân” của ta cũng không xong, bởi thực chất của “ngũ luân” cũng chỉ là những liều thuốc mê hoặc của giai cấp thống trị nhằm tê liệt hóa khả năng đề kháng của giai cấp bị trị để chúng dễ dàng cai trị và đồng hóa. Chính những liều thuốc mê hoặc này đã đè nén sức sống của dân tộc ta từ hơn 2000 năm nay, để rồi cộng sản tiếp tục lợi dụng, biến chiêu bài “trung quân ái quốc” thành “trung với đảng hiếu với dân”, để đè đầu cỡi cổ dân tộc, nhận chìm đất nước vào chốn bùn nhơ như ngày hôm nay! Chúng tôi liều lĩnh kêu gọi dân tộc, hãy can đảm lên đừng thương tiếc, dứt khoát vứt bỏ những gọng kềm nô lệ đó, kiên quyết đứng lên, ta ngẩng cao đầu, cùng “dắt tay nhau đi dưới tấm bảng chỉ đường của trí tuệ”.

Nói thế, không phải chúng tôi quên nguồn quên gốc, chúng tôi vẫn uống nước nhớ nguồn, có điều chúng tôi dùng trí tuệ để phân biệt và chọn lọc. Bởi cái di sản của Việt Nho đã bị sói mòn hao hụt, áng chừng còn lưu lại như dăm bẩy hột thóc lẫn lộn trong cái đống chấu Hủ (Hán) Nho hỗn độn. Và nhất là văn hóa luôn thay đổi theo yếu tố thời gian và sự phát triển của xã hội. Điều gì tích cực, còn thích hợp thì đem ra áp dụng, những điều tiêu cực không còn thích hợp nữa thì gửi vào bảo tàng viện giữ làm di tích lịch sử. Chẳng hạn như về định nghĩa con người của Nho gia, chúng tôi phân tích và suy luận như sau:

“Người là đức của Trời Đất (Nhân giả kỳ thiên địa chi đức)”. Người ở giữa Trời và Đất (tam tài), cùng làm chuẩn với Trời Đất mà chỉnh trang, tạo cảnh thái hòa cho vạn vật: “Dịch dữ thiên địa chuẩn, cố năng di luân thiên địa chi đạo” (Hệ Từ Thượng truyện, chương IV). Bởi vậy mà Trời có 4 hướng là Đông – Tây – Nam – Bắc, Đất có 4 mùa là Xuân – Thu – Hạ – Đông, Người có 4 đức là Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí. Cái vị thế của con người quan trọng như thế, cái chức năng của con người cao cả như vậy, nên con người phải là một chủ nhân ông thật sự, không những chỉ làm chủ những đồ đạc cần dùng, mà trước hết, và trên hết, là phải làm chủ chính bản thân mình, tâm hồn mình, vận hệ mình. Vậy thì con người phải có quyền tư hữu, quyền tham dự vào mọi hoạt động và cơ cấu tổ chức xã hội.

Hệ Từ Hạ truyện viết: “Thiên địa nhân huân, vạn vật hóa thuần, nam nữ cấu tinh, vạn vật hóa sinh: Khí trời hình đất, nhờ ở sự khởi nguyên và sinh ra, mà vật nào thì có cái sở nghi của vật nấy, rồi giống đực và giống cái giao cấu nhau, rồi vạn vật cứ thế mà sinh ra mãi”. Người là sự kết tinh từ sự giao hợp của âm và dương (âm dương chi giao), nên phải theo cái lẽ của tạo hóa (âm dương) mà biến hóa sinh sinh. Như thế, sự sống của con người phải được tuyệt đối tôn trọng. Sự tôn trọng quyền sống của con người được biểu hiện bằng 2 đức Hiếu và Đễ: Hiếu là trọng kính cái nguồn gốc của sự sống, những người đã truyền sinh và nuôi dưỡng nên mình. Đễ là trọng kính sự sống nơi người nào đã bảo toàn sự sống lâu hơn mình để học hỏi và thâu thập kinh nghiệm sống. Để sống, con người cần ăn và tự do, thiếu ăn thì hết sống, và thiếu tự do thì cái sống không còn của con người nữa mà là cái sống của cây cối, súc vật. Quyền sống và quyền hưởng tự do đó phải được xã hội công khai thừa nhận.

Được thừa nhận không cũng chưa đủ, quyền sống và quyền hưởng tự do phải được xã hội tôn trọng và ra sức bảo vệ. Mà trong con người có đủ các yếu tố thụ tạo và tạo dựng, có vật chất, mảnh vụn, dạt dào, có điên rồ, lộn xộn, mà cũng có những mãnh lực, kiến thiết lôi kéo trái ngược… bởi người “là chỗ tụ hội của quỷ thần” (quỷ thần chi hội), nên cần phải hướng dẫn hành vi con người theo lối tích cực, nghĩa là vừa phải có Lễ để khuyến khích người ta làm điều ngay, điều phải, vừa có Luật để ngăn cấm và trừng phạt những hành vi càn rở của người đời.

Quyền sống, quyền làm việc, quyền được bảo vệ là 3 đẳng thức thiết thực để duy trì cái thế quân bình năng động của con người đối với Trời Đất, với vật chất và tinh thần, với nội tại và tâm linh. Nó phải cùng với 2 yếu tố đối kháng song hành (chấp nhận sự hiện hữu của nhau), tạo nên thế “Thái Hòa” cho vũ trụ gọi là  Tham Thiên Lưỡng Địa (3 là số lẻ mang tính dương là đạo Trời, 2 là số chẵn mang tính âm là đạo Đất).


6) Theo chỗ chúng tôi nghĩ, tổ chức xã hội theo cái liều lượng 2 – 3 này vẫn còn là một giấc mơ trong trứng, chứ chưa bao giờ có cơ hội thực hiện trong lịch sử của Việt tộc. Bởi vậy nên Khổng Tử luôn tưởng tượng tới một thời đại Hoàng Kim, mơ ước một xã hội thái hòa của vua Nghiêu vua Thuấn, và bôn ba đi từ nước này qua nước khác mong có vua nào dùng để có cơ hội đem ra thi thố giúp đời? Nhưng không có vua nào dùng ngài được! Khi về già, ngài ở nhà dạy học, san định lại sách vở đời trước và làm sách Xuân Thu. Sau này, học trò của ngài cũng chen vào được hành chính mà thực hiện được phần nào cái chủ đích của ngài là giáo dục cải hóa người khổng lồ phương Bắc tiêu giải bớt dã tính. Dần dà, cái đạo Nho đó biến thể thành Hủ (Hán) Nho, kềm hãm sự phát triển của nước Tàu hàng mấy thế kỷ.

Trong khi du mục Tây Âu không bị Hủ (Hán) Nho cầm chân, tiếp tục phát triển theo định luật tự nhiên của xã hội loài người là luôn tìm cách cải thiện đời sống vật chất, dẫn đến sự hình thành cơ sở khoa học, phát minh ra nhiều dụng cụ cơ giới mới mẻ, bỏ xa người bạn Á Châu hàng nhiều thế kỷ.

Chế độ Tư Bản ra đời cùng với sự phát minh của máy hơi nước và điện năng, chỉ trong vòng vài trăm năm, sự phát triển đã vượt xa so với nhiều ngàn năm trước đó, mở đầu cho một kỷ nguyên mới của loài người. Của cải vật chất dư thừa, người ta có thì giờ chăm chút đến đời sống tinh thần, giá trị con người được đề cao, những phạm trù Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền… thôi thúc, dẫn đến sự hình thành một thể chế chính trị mới, mở đầu cho nền nhân bản viên mãn, do 3 cơ quan có chức năng độc lập nhau là Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp điều hành.

Giai đoạn này, xã hội cũng đẻ ra một đứa con khật khùng, tuy không sống lâu nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy lớn lao cho xã hội, là chủ nghĩa Cộng Sản. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, cũng nhờ đứa con khật khùng này mà chủ nghĩa Tư Bản có dịp nhìn lại, sửa sai và hoàn thiện.

Như vậy, nền nhân chủ ở Tây Âu nhờ cưu mang đủ tháng nên lớn mạnh, còn ở Việt tộc, bởi sinh non nên vong mạng oan ức! Bởi thế mà những vấn đề nhân quyền, tự do, dân chủ… đã là những nhu cầu tự nhiên như hơi thở không cần đả động đến trong xã hội Âu Mỹ, thì ở ta vẫn là những “xa xỉ phẩm” để nhà cầm quyền trang sức và làm tín vật mặc cả khi giao dịch với nước ngoài, còn trong nhân dân thì vẫn là “những giấc mộng ngàn đời”!   

Nhìn lại 5 đức tính: Nhân (yêu mình và yêu người), nghĩa (trách vụ trong cư xử mà giữ hòa hảo), lễ (thái độ cung kính), trí (lý trí), tin (tin và thành thật với mình và người) mà ông Việt Nhân gọi là “ngũ thường, tức là những đức tính hằng ngày (thường xuyên) ta phải trau dồi để phát triển toàn diện con người cả về vật chất, tinh thần và tâm linh”. Nếu thái độ thân thiện, hòa nhã thay thế được thái độ cung kính, thì những đức tính này đã ăn sâu vào đời sống hằng ngày của con người công nghệ này từ lâu rồi. Cứ thực tế mà nhìn nhận, dân Âu Mỹ không chỉ yêu mình yêu người mà còn yêu luôn động vật; họ vui vẻ, lịch sự, tò mò nhưng biết dừng nơi giới hạn nên ít mất lòng người; họ hòa nhã, lịch sự, ân cần nhưng không lố bịch; dùng lý trí khám phá vũ trụ là bản năng của người Âu Mỹ; họ thành thật và luôn đúng hẹn…

Vậy thì câu “vấn đề căn bản là phải hoàn thiện con người trước, rồi mới đến chế độ, chính sách” của ông Việt Nhân cũng phải đảo lộn thứ tự lại. Chúng tôi nghĩ chắc là ông Việt Nhân nói ngược thôi, chứ thật ra thì chế độ nào đẻ ra con người đó. Thí dụ như chế độ nô lệ đẻ ra lớp chủ nô và nông nô, chế độ phong kiến đẻ ra lớp địa chủ và tá điền, chế độ tư bản đẻ ra lớp tư sản và thợ thuyền; chế độ xã hội chủ nghĩa đẻ ra lớp đầy tớ của nhân dân hỗn xược và ưa đòi ăn mà cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt đã từng phàn nàn là “… thấm thoát và lợi dụng vốn quốc doanh, … lộng quyền, coi thường pháp luật, mất dân chủ, bản vị, cục bộ, … đầu cơ, cửa quyền, độc quyền. kinh tế ngầm, mafia, … quan liêu, độc đoán, … vô tổ chức, vô chính phủ,, cục bộ, địa phương chủ nghĩa, cát cứ, dựa dẫm, bè phái, v.v,”.


7) Cái nguy cơ cộng sản hiện nay đã không còn. Xã hội Âu Mỹ đã chuyển mình sang giai đoạn phát triển mới, giai đoạn phát triển toàn cầu trên tất cả mọi bình diện trong đời sống xã hội, giai đoạn của con người văn minh biết chung sống hòa bình trong nền nhân chủ phổ biến đa nguyên đa đảng. Họ sống bình đẳng bên nhau, cùng tranh đấu bên nhau trong tình huynh đệ, vừa tranh đấu vừa thỏa thuận trao đổi khí giới cho nhau, tranh đấu cho sự tiến bộ chung của con người tự do sống bên con người tự do, có đối lập mà không hầm hừ vì đã biết chấp nhận sự hiện hữu của nhau.

Họ đối lập thật sự chứ không phải đối lập cuội, rồi sau đó vẫn tươi cười bắt tay nhau, chúc tụng nhau, khen nhau, thậm chí còn trở thành những người bạn thân của nhau nữa (Bush & Clinton).

Về phía gia đình, còn cái hình ảnh nào “hòa” cho bằng hình ảnh cả 3 thế hệ Bush cùng chung sức vận động cho một mục đích chung trong kỳ bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ năm 2004?

Có khi nào ông Việt Nhân dành thì giờ để tâm đến những sinh hoạt chính trị, văn hóa, kinh tế, y tế, cứu tế, giáo dục, khoa học, kỹ thuật, xã hội… trong đời sống hằng ngày nơi đây để tìm hiểu, rồi ước ao đất nước mình đạt được một phần nhỏ như vậy?

Tại sao lại có những mâu thuẫn lạ lùng đến thế, trong khi mình có triết lý “nhân chủ” dẫn lối đưa đường mà mình cứ lẽo đẽo không vượt qua nổi lao tù nô lệ, trong khi người đi “lạc đường” lại trở thành những chủ nhân ông thật sự. Những thành công vượt bực của người trên khắp bình diện khiến mình phải suy xét lại.

Nhiều người đổ lỗi cho yếu tố con người. Sự thành công của hơn hai triệu người vượt biển tìm tự do, sống rải rác khắp các nước tự do trên thế giới từ hơn 30 năm qua, trên khắp mọi lãnh vực, cả về số lượng đến mức độ, đã chứng tỏ rằng lập luận này hoàn toàn sai, cộng đồng người Việt có mức độ thành công cao nhất trong tất cả các cộng đồng di dân.

Vậy thì yếu tố nào đã cản trở bước tiến của dân tộc? Chính là cái chủ thuyết lằng nhằng đánh lận con đen của Hủ (Hán) Nho như “tình 3 lý 2”, như “tài đức vẹn toàn”… đã làm mê hoặc lòng người, cản trở sức sống của dân tộc ta từ hơn 2000 năm nay, để rồi cộng sản tiếp tục lợi dụng, biến chiêu bài “trung quân ái quốc” thành “trung với đảng hiếu với dân”, để đè đầu cỡi cổ dân tộc, nhận chìm đất nước vào chốn bùn nhơ như ngày hôm nay.

Thế nào là “tình 3 lý 2”? Tôi lái xe quá tốc độ vượt đèn đỏ bị công an thổi còi giữ lại. Anh nhã nhặn cho tôi biết mình phạm những tội gì. Anh thông cảm, ngỏ lời cho phép tôi được đóng phạt tại chỗ là 1 cái tình. Tôi mỉm cười chấp nhận là 2 cái tình. Nhận tiền phạt xong, khỏi mất công ghi giấy cho rườm rà tốn kém, anh trả lại tôi giấy tờ, chào chúc tôi một ngày vui vẻ là 3 cái tình. Tội đã rành rành, không nộp phạt hôm nay, mai phải lên đồn nộp phạt mất thì giờ là 1 cái lý. Không nộp cho anh hôm nay, mai lên đồn nộp phạt cho người khác cũng vậy, là 2 cái lý. Cứ sống theo cái liều lượng “tình 3 lý 2” này thì tình lý sẽ tương tham, đời sống sẽ quân bình, xã hội sẽ hài hòa ư?

Tai hại hơn, cái lập luận “tình lý tương tham” này biện minh cho những chủ trương lưu manh coi thường công lý, sống và làm việc ngoài lề pháp luật… Bởi vậy mà người ta bỏ qua cái tội giết vợ của Hồ Chí Minh, người ta vinh danh ông ta nào là “cha già dân tộc”, nào là “lãnh tụ kính yêu”, rồi người ta đánh bóng những hành vi đểu cáng bịp bợm của ông ta như một hệ tư tưởng tốt đẹp bắt cả nước noi theo? Thì đấy, từ cái chỗ Hồ Chí Minh tập trung dân chủ nhân dân bỏ vào rương khóa lại rồi cất chìa khóa vào túi giữ hộ nhân dân, đến cái chỗ cán bộ cắt ruộng đất hương hỏa của người dân bán giùm cho ngoại quốc rồi bỏ tiền vào túi giữ hộ, có là bao xa? Cha nào sinh con nấy, cái hậu quả ấy là do cùng một nguyên nhân gây ra, làm sao tránh khỏi?

66 năm hiện diện, 57 năm áp đặt chủ nghĩa cộng sản trên nước ta, đảng CSVN du nhập cái khẩu hiệu CCCP (của Liên Xô) về giày xéo quê nhà: các cụ cứ phá, các cha cứ phá, các chú cứ phá, các cô cứ phá, các cậu cứ phá, các chị cứ phá, các con cứ phá, các cháu cứ phá, các chắt cứ phá, các chút cứ phá, các chit cứ phá, có chỗ cứ phá, còn chỗ còn phá… Phá đến thế thì còn gì quê hương?

Cái nhà là nhà của ta,
Công khó ông cha làm ra.
Cháu con hãy gìn giữ lấy,
Muôn năm giữ nước non nhà.

Trải qua bao khổ ải gian nguy, Việt Nam ta còn trường tồn được đến hôm nay, cũng là nhờ ở cái tinh thần dân tộc và cái ý niệm quốc gia. Để đưa Việt Nam vượt ra khỏi chốn bùn nhơ như trong hiện tại để cùng thế giới tiến lên, chúng tôi nghĩ cũng không có gì ngoài việc hun đúc cái ý niệm quốc gia và cái tinh thần dân tộc.


Phạm Khắc Trung

___________________________

Tài liệu tham khảo:

Có những sự kiện lịch sử cần phải xem lại, Huỳnh Văn Lang, Văn Nghệ, California, Hoa Kỳ

Kinh Dịch, Ngô Tất Tố, H.T. Kelton, California, Hoa Kỳ.

Kinh Dịch, Nguyễn Hiến Lê, Văn Nghệ, California, Hoa Kỳ, 1993.

Nhân Chủ, Kim Định, H.T. Kelton, California, Hoa Kỳ.

Nho Giáo, Trần Trọng Kim, Đại Nam tái bản, California, Hoa Kỳ.