Ngay từ thời gian đầu tiên khi bước chân vào ngưỡng cửa Y Khoa, tôi đã đọc và nhớ mãi câu nói của nhà bác học Pháp Louis Pasteur: Guérir parfois, soulager souvent, écouter toujours nghĩa là trong Y Học, chữa khỏi bệnh thì hiếm , giảm thiểu sự đau đớn bệnh hoạn thì nhiều hơn, song phải biết nghe người ta nói . Càng đi sâu vào lãnh vực này, tôi càng ngày càng thấy câu nói trên có lý, và phải là một phương châm cho những người áo trắng.
Thời gian mới ra trường, tôi vào quân đội. Nơi đó, tôi thực sự chứng kiến những thảm khốc gây ra do cuộc chiến tranh mà những người Cộng Sản đã tiến hành trên đất nước dưới sự đốc thúc và viện trợ của các nước CS đàn anh Nga, Tầu . Lúc đó, còn trẻ và bị tri phối bởi thời cuộc, lý tưởng chánh trị, tôi làm việc như cái máy và cũng chẳng có thì giờ suy nghĩ nhiếu về các người bệnh, tuy không đến nỗi chỉ coi họ như những con số hay những trường hợp bệnh lý đã học trên sách vở. Cuộc chiến Việt Nam kết thúc một cách tức tưởi năm 1975 hất tôi xuống tận cùng xã hội, với thân phận người tù trong trại cải tạo tại U Minh - Rồi vượt biên, rồi làm lại cuộc đời nơi xứ người, tôi tất bật chạy theo cơm áo, với những đứa con cần sự săn sóc và giáo dục sao cho theo kịp người ngoại quốc mà vẫn còn giữ được văn hóa Việt Nam khiến tôi cũng lơ là tìm hiểu đời sống các bệnh nhân. Chỉ đến khi qua một cơn bạo bệnh thừa sống thiếu chết và sau đó chuyển về làm tại một trung tâm Y Khoa dành cho những người bệnh nặng, mất tự quản, cần giúp đỡ hoàn toàn bởi các người y công 100%, kể từ ăn, mặc, tắm rửa, đại, tiểu, tiện…v..v thì tôi mới thay đổi cách tôi nhìn những người bệnh nhân của tôi.
Nhiều đêm, khi nghĩ về những người này trong hiện tại của họ, tôi so sánh với đời sống của tôi trong dĩ vãng. Tôi đã trải qua nhiều năm trời bị giam hãm trong các nhà giam chật hẹp. Khi đó, nhìn qua cái cửa sổ nhỏ xíu của trại giam, tôi thấy những cây bông gòn. Lúc ban đầu cây không , sau có trái, rồi sau nữa trái nở bung , như vậy nhiều lần. Người tù cam chịu sự giam hãm những vẫn nhìn về tương lai với niềm hy vọng được phóng thích một ngày nào đó. Một ngày nào đó mình sẽ ra khỏi trại giam và trở về với đời sống tự do, với gia đình, với những người thân. Trái lại, một khi đã vào đến các CHSLD rồi, thì với đa số, lối ra chỉ là các nghĩa trang. Có lẽ tôi hơi bi thảm hóa nhưng sự thực nó là như vậy. Một người Y Công (ở đây người ta gọi là PAB : préposé aux bénificiaires) nửa đùa nửa thực nói : Các cụ đều có Visa rồi, chỉ chờ chuyến bay !!
Bởi các sự kiện này mà một vấn đề được đặt ra cho các xã hội văn minh (Tôi nghĩ tại các nước như Việt Nam, khi người ta còn quá nghèo, vào bệnh viện phải nằm như cá mòi, có khi nằm nhiều người trên một chiếc giường, thì họ chưa nghĩ đến) là làm sao cho những người đã đi đến tình trạng như đã nói ở trên, có thể chấm dứt đời mnình một cách không quá thê thảm, có tư cách một chút- Mourir dans la dignité-Từ vấn đề này nẩy sinh một vấn đề thứ hai là Aide Medicale à mourir hay trợ tử. Ai sẽ làm công việc đó, ai sẽ giúp các người bệnh không còn một hy vọng khỏi bệnh nào nữa ra đi ??? Ngọn đèn sắp tắt nhưng ai sẽ thổi cho nó tắt đi ?? Còn ai nữa ngoài những người áo trắng,chính chúng tôi, tại sao còn nghi ngại?.
Tuy nhiên mọi sự không đơn giản như vậy vì còn nhiều vấn đề tâm linh, tôn giáo. Vatican không chấp nhận, Phật Giáo thì cấm sát sanh !!Nhưng sau cùng, những người da trắng Âu Châu vẫn là những người dám nhận trách nhiệm giải quyết đầu tiên cho nhân loại. Thụy Sỹ là nước tiên phong cho phép người ta làm cái việc cần thiết nhưng không ai muốn làm này.Tại Bắc Mỹ, người ta luôn đi sau Âu Châu. Canada với một đạo luật năm 2016 của chính phủ Liên Bang hợp pháp hóa Aide Médicale à mourir nhưng mỗi tiểu bang có những tiêu chuẩn khác nhau trong việc thi hành đạo luật này. Toronto hình như cởi mở hơn Quebec, theo tôi nghĩ.
Tại Toronto, có một cặp vợ chồng lấy chung sống đã 73 năm : ông George và bà Shirley Brickenden. Bà Shirley thì nhiều bệnh nan y lắm nhưng ông George không có bệnh nan y như vợ nhưng quá yếu : ông 95 tuổi còn bà 94. Sau nhiều lần đòi hỏi, ngày 27 tháng ba 2018 vừa qua, hai cụ đã được toại lòng : Họ từ giã cõi đời vào cùng một lúc, và tay trong tay. Tôi đọc tin này , bâng khuâng suy nghĩ, và tôi cho rằng họ đã làm đúng, không phải ông bà Brickenden, nhưng những đồng nghiệp của tôi, những người đã dùng sự hiểu biết về y học của mình để đưa hai cụ vào giấc ngủ ngàn thu.
Guerir parfois, soulager souvent, écouter toujours.Nhà bác học Louis Pasieur quả thật có lý vô cùng.
Trần Mộng Lâm