Tuesday 3 April 2018

Philippines sắp thành một tỉnh của Trung Quốc?

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (Ảnh: Rappler)

See the source image

Hơn một năm sau khi nói phán quyết về Biển Đông chỉ là một “mảnh giấy”, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte kêu gọi Bắc Kinh biến Philippines thành một tỉnh của Trung Quốc.
Dù chỉ là lời nói đùa, ông Duterte cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt ở trong nước.
Ông Gary Alejano, một nhà lập pháp xuất thân từ Hải quân Philippines hôm thứ Ba nói rằng “không thể chấp nhận được” khi Tổng thống Duterte nói đùa về việc biến Philippines thành một tỉnh của Trung Quốc, theo Rappler.
Ông Alejano bình luận: “Lời nói đùa vô trách nhiệm như vậy là một cái tát vào mặt nhiều người Philippines, gồm cả những người lính của chúng ta đang làm nhiệm vụ tại các hòn đảo mà chúng ta chiếm đóng, những người làm việc không biết mệt mỏi để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta khỏi tay Trung Quốc”.
Tuy nhiên, ông Alejano nói rằng lời nói đùa của ông Duterte là “gần với sự thật”.
Theo thông tin mà ông nhận được, nhà lập pháp cho biết một tàu hải quân Philippines đã nhìn thấy một chiếc tàu Trung Quốc cách đảo Thị Tứ khoảng 4 hải lý. Thị Tứ hay Pag-asa là hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng hiện bị Philippines chiếm đóng.
Ông Alejano nói: “Sự phản ứng nhanh chóng của các tàu Trung Quốc khi tàu hải quân của chúng ta đến đảo Pag-asa cho thấy họ đang đóng quân thường xuyên ở gần đó”.
Tại một lễ kỷ niệm hôm 19/2 tại Câu lạc bộ Doanh nhân Trung Quốc ở Philippines, Tổng thống Duterte bày tỏ tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ không sử dụng các cơ sở quân sự của mình ở Biển Đông để chống lại Philippines.
Ông Duterte nói: “Nó thực sự là nhằm chống lại những người mà Trung Quốc nghĩ rằng sẽ tiêu diệt họ và đó là Mỹ”.
Cuối bài phát biểu của mình, ông Duterte nói đùa về việc Philippines trở thành một tỉnh của Trung Quốc: “Nếu các ông muốn, các ông có thể biến chúng tôi thành một tỉnh, như Phúc Kiến. Tỉnh Philippines, nước Cộng hòa [Nhân dân] Trung Hoa”.
Một nghị sỹ khác của Philippines, ông Tom Villarin, cũng phê phán ông Duterte vì “trò đùa” của ông, nói rằng “nó thể hiện sự phục tùng của ông ta và cái giá phải trả là chủ quyền của chúng ta”.
“Chúng ta sẽ trở thành trò đùa nếu không kêu gọi ông ta từ chức vì những tuyên bố vô trách nhiệm như thế”, ông Villarin nói thêm.
Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Duterte thể hiện rõ lập trường ủng hộ Trung Quốc nhằm tìm kiếm mối quan hệ ấm cúng hơn với Bắc Kinh. Không lâu sau khi nhậm chức, ông Duterte “chia tay” đồng minh lâu năm Hoa Kỳ vì bị chỉ trích về nhân quyền, đồng thời chuyển hướng hợp tác sang Trung Quốc, đất nước còn bị lên án gay gắt hơn về những vi phạm nhân quyền đối với các học viên Pháp Luân Công, người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, các tín đồ Cơ Đốc giáo.
Trong chuyến công du đầu tiên tới Bắc Kinh, ông Duterte nói rằng phán quyết về Biển Đông, một chiến thắng của Philippines bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, chỉ là một “mảnh giấy”.
Thu Phương

Tổng thống Duterte: Phán quyết biển Đông chỉ là ‘một mảnh giấy’

Tổng thống Duterte chỉ coi phán quyết biển Đông như 'một mảnh giấy'. (Ảnh:SCMP)

Tại Bắc Kinh, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã bất ngờ phát biểu rằng phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài Hague chỉ là “một mảnh giấy” và sẽ không đề cập đến vấn đề này trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong hôm nay, theo SCMP.
Phát biểu trước phóng viên hôm 19/10 tại Bắc Kinh, Tổng thống Duterte cho biết ông sẽ đợi ông Tập Cận Bình nêu vấn đề về Biển Đông trước. Ông nói: “Tôi cần phải lịch sự nên tôi sẽ đợi đến khi Chủ tịch Trung Quốc đề cập vấn đề đó trước rồi tôi sẽ đáp lại”.
Không những thế, Tổng thống Philippines còn nhấn mạnh phán quyết của Tòa Trọng tài là “một mảnh giấy bốn góc”. Theo ông Duterte: “Tình huống Tòa quốc tế quyết định Philippines là bên thắng kiện, còn Trung Quốc lại một mực khẳng định họ có chủ quyền lịch sử ở Biển Đông. Vậy thì hai bên nên tranh luận hay đơn thuần chỉ nói chuyện? Tôi thì cho rằng, hãy nói vấn đề này vào hôm khác”.
Philippines tiến hành kiện Trung Quốc về đường lưỡi bò và vấn đề biển Đông vào năm 2013 trước khi ông Duterte đắc cử Tổng thống vào năm 2016. Người tiền nhiệm của ông Duterte, Benigno Aquino III, đã khởi xướng vụ kiện. Ông Duterte chưa thúc ép Trung Quốc tuân thủ phán quyết và không có kế hoạch nêu vấn đề này tại các cuộc gặp song phương và đa phương.
Quay lưng với Mỹ
Phát biểu hôm 19/10, ông Duterte khẳng định chính sách đối ngoại của Philippines đang hướng về phía Trung Quốc. Nói chuyện với đám đông người Philippines tại Bắc Kinh, ông Duterte nhấn mạnh quốc đảo này sẽ thoát khỏi sự can thiệp của Mỹ cũng như không tiến hành tập trận chung giữa hai quốc gia.
Nhà lãnh đạo 71 tuổi này đã nhiều lần đe dọa chấm dứt mối quan hệ đồng minh với Washington vì bất đồng trong hàng loạt vấn đề cũng như tranh thủ lợi ích kinh tế từ Trung Quốc. Chuyến công du 4 ngày cũng có thể nhằm thiết lập lại mối quan hệ giữa Bắc Kinh – Manila, vốn rạn nứt sau những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.
Bản thân ông Duterte cũng mong đợi những khoản viện trợ từ Trung Quốc cho việc đầu tư về cơ sở hạ tầng, năng lượng, viễn thông ở quốc gia này. Nếu các thỏa thuận được ký kết thành công, Trung Quốc sẽ cho Philippines vay 3 tỷ USD để phục vụ những vấn đề cấp thiết nhất của quốc gia với các chính sách ưu đãi.
Bản thân ông Duterte cũng khẳng định: “Tôi sẽ không bao giờ đi Mỹ để cậy nhờ sự giúp đỡ nữa. Chúng tôi sẽ chẳng được gì ngoài sự xúc phạm”.
Mỹ là đồng minh thân cận nhất của Philippines kể từ thời điểm quốc đảo này độc lập năm 1946. Hai nước gắn kết bởi hàng loạt hiệp ước quốc phòng. Tuy nhiên, những gì ông Duterte thể hiện là rất cứng rắn. Tổng thống Philippines từng gọi người đồng cấp Mỹ là “con của mụ điếm” hay nguyền rủa ông Obama hãy “cút xuống địa ngục”.
DL.

ASEAN có chào đón khi Mỹ cảnh cáo Trung Quốc về Biển Đông?

Hoa Kỳ
Tàu sân bay USS Carl Vinson của Hoa Kỳ và các tàu khu trục hàng hải Nhật Bản (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tăng cường hoạt động hải quân ở Biển Đông nhằm gửi đi một thông điệp đến Trung Quốc rằng: “Các nước láng giềng trong khu vực nhỏ hơn các ông, nhưng họ không đơn độc”, theo Asia Times.
Sự hiện diện liên tục của Mỹ ở Biển Đông là một phần lời khẳng định của Washington rằng họ cần thiết và mong muốn đảm bảo sự ổn định trong khu vực, Asia Times bình luận. Nhưng câu hỏi là liệu các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có ủng hộ sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Biển Đông hay không.
Chuyên gia phân tích chính sách hàng hải Mark Valencia viết trên tờ The Jakarta Post rằng câu trả lời tùy thuộc vào các thành viên ASEAN, và những gì mà hải quân Hoa Kỳ sẵn sàng hành động vào bất kỳ thời điểm nào.
Ông Valencia, hiện đang là một học giả của Viện nghiên cứu quốc gia về Biển Đông có trụ sở tại Trung Quốc, cho rằng, sự hỗ trợ từ Singapore, đồng minh gần gũi nhất của Mỹ trong ASEAN, sẽ không phải là không có điều kiện,
“Trong một đánh giá về vai trò của Hoa Kỳ đối với an ninh Đông Nam Á, [Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long] khẳng định: ‘Hầu hết các thành viên ASEAN ủng hộ và hoan nghênh lập trường của Hoa Kỳ”. Vì Singapore là Chủ tịch ASEAN năm nay, tuyên bố của ông Lý có thể có sức nặng đặc biệt nào đó. Nhưng nếu tách bối cảnh đó ra, lời nói của ông có thể được diễn giải sai”.
“Tuyên bố của ông Lý là một đánh giá chung về vai trò của Mỹ như là một ‘cường quốc Thái Bình Dương’ – chứ không phải là về hoạt động của Mỹ ở Biển Đông. Trên thực tế, ông ấy đang đề cập đến lời khẳng định của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis tại cuộc Đối thoại Shangri-La năm 2017 rằng khu vực Đông Nam Á là một khu vực ưu tiên và rằng Hoa Kỳ đã cam kết [đảm bảo] ‘an ninh và thịnh vượng của khu vực'”.
“Ông Lý cũng viết: ‘Theo quan điểm của khu vực, vấn đề quan trọng nhất là các giải pháp chính trị và chiến lược của Hoa Kỳ nhằm trù liệu một sự hiện diện đáng tin cậy và mang tính xây dựng với tư cách là một cường quốc Thái Bình Dương.’ Ông ấy đang truyền đạt một số điểm không chắc chắn về cam kết và giải quyết.”
Ngoài Singapore, thái độ của các nước ASEAN là có sự khác biệt. Theo Asia Times, Việt Nam có cơ hội nhận được lợi ích từ sự hiện diện của Mỹ nhưng sẽ tuân thủ chính sách không liên kết.
Các nhà hoạch định chính sách Indonesia đang “nghi ngờ động cơ của Hoa Kỳ và lo lắng về những ảnh hưởng tiềm ẩn gây bất ổn từ cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc”..
tàu chiến
Tàu chiến USS Mustin (DDG-89) của hải quân Hoa Kỳ, vào tháng 3/2018 đã thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại Bãi Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông (Ảnh: USN)
Brunei là một nước tranh chấp, nhưng dường như đang nghiêng về phía Trung Quốc, tương tự như Philippines dưới quyền của Tổng thống Duterte. Thái Lan, Campuchia, Lào và Myanmar hiện giữ thế trung lập hoặc cùng phía với Trung Quốc, theo Asia Times.
Tóm lại, ông Valencia cho biết: “Sự ủng hộ của [các nước] Đông Nam Á có thể còn thấp hơn nhiều so với suy nghĩ của Hoa Kỳ”.
Carl Vinson
Tàu sân bay Carl Vinson đã tới thăm Đà Nẵng vào đầu tháng 3/2018 (Ảnh: US Navy)
Dù Mỹ có thể có viện trợ từ những nơi xa hơn, chẳng hạn Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ có thể muốn có một hành động về Biển Đông. Người đứng đầu chính sách an ninh của EU, ông Francois Rivasseau nói với The Australia Financial Review vào tuần trước rằng không loại trừ khả năng các lực lượng hải quân châu Âu sẽ tiến hành các cuộc tuần tra tự do hoạt động ở Biển Đông.
“Khu vực Nam Á rất quan trọng đối với châu Âu từ góc độ kinh tế. 50% thương mại của chúng tôi đi qua khu vực này”, ông Rivasseau nói. “Chúng tôi quan tâm đến sự ổn định trong lĩnh vực này..”
Mai Liên