Friday, 20 April 2018

Ông chủ thương xá Phước Lộc Thọ

40 năm trước, vào buổi sáng chủ nhật không lâu sau khi đặt chân đến nước Mỹ, ông Frank Jao, người chỉ bập bẹ vài câu tiếng Anh, đã tìm được việc làm. “Cả đời tôi chưa bao giờ phụ thuộc vào ai”, ông nói.

Ông Frank Jao và con gái Felicia trước Asian Garden Mall, còn gọi là Thương xá Phước Lộc Thọ. Ảnh: OC Register
Ông Jao, tên thật là Triệu Như Phát, khi đó 27 tuổi, cùng vợ là Catherine chuyển tới sống ở một căn hộ nhỏ tại thành phố Whittier, bang California, sau khi rời khỏi Sài Gòn năm 1975.
Được khuyên dành thời gian để nghỉ ngơi và thích nghi với cuộc sống ở Mỹ trong 6 tháng nhưng vào sáng chủ nhật tháng 5 năm đó, ông đi bộ ra một cửa hàng và mua báo. Ông mở vào mục quảng cáo, đến một bốt điện thoại công cộng và tìm được công việc ngay sau cuộc gọi đầu tiên: nhân viên bán máy hút bụi.
“Tại sao vội vàng ư? Cả đời tôi chưa bao giờ phụ thuộc vào ai”, OC Register dẫn lời ông nói.

Chỉ ba tuần sau đó, ông nghỉ việc và xin làm bảo vệ ca đêm. Ban ngày, ông làm thêm công việc dạy nghề cơ khí tự động và tham gia các lớp học về tài chính, bất động sản và xây dựng ở các trường cao đẳng địa phương.

Trong vòng một năm sau, vợ chồng ông chuyển đến thành phố Garden Grove. Ông Jao làm nhân viên bất động sản toàn thời gian trong khi bà Catherine làm trợ lý ở một trường học. Với mỗi hợp đồng bán nhà, ông Jao kiếm được khoảng 1.000 USD và bằng cách làm việc 16 giờ một ngày, ông kiếm được hơn 100.000 USD trong năm đầu tiên.

Năm 1978, ông Jao chuyển sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản thương mại và mở văn phòng riêng. Nhận thấy việc tự phát triển bất động sản có tiềm năng hơn là làm môi giới, ông đứng tên một nhà đầu tư Hong Kong mở dự án đầu tiên.

“Sau đó, tôi quyết định rằng chẳng có ý nghĩa gì khi làm việc cho một người khác để giúp anh ta giàu lên. Vì thế tôi bắt đầu tự kinh doanh”, ông nói.
Trong nhiều năm sau đó, ông Jao xây dựng được một mạng lưới gồm hầu hết các nhà đầu tư châu Á và vay tiền các ngân hàng Mỹ để đầu tư.

Asian Garden Mall, còn gọi là Thương xá Phước Lộc Thọ, được ông Jao khai trương năm 1987, là một trong những công trình nổi bật nhất ở Little Saigon, khu vực tập trung đông người gốc Việt sinh sống nhất trên thế giới.
Ngay bên ngoài thương xá là ba bức tượng lớn làm từ đá cẩm thạch của ba vị thần tượng trưng cho hạnh phúc, may mắn và trường tồn. Bên trong trung tâm thương mại là 300 gian hàng với đủ các loại mặt hàng như mỹ phẩm, áo dài, đồ ăn, băng đĩa nhạc và 200 quầy trang sức kim cương, vàng và đồng hồ hạng sang.

“Người Việt thích trang sức. Mọi người từ khắp nơi trên thế giới đến đây mua hàng vì giá thành của chúng tôi phải chăng”, ông nói.

Các hội chợ hoa, cuộc thi nấu ăn và trình diễn thời trang diễn ra ở đây luôn thu hút hàng nghìn người tham dự. Vào các cuối tuần mùa hè, khách khứa đổ về đây đi chợ đêm, bãi đỗ xe chật kín các hàng quán bán đồ ăn Việt Nam.

” Asian Garden Mall là một điểm đến lịch sử và mang tính biểu tượng”, ủy viên hội đồng thành phố Westminster Tyler Diep nói. “Đây là nơi nổi tiếng nhất ở Little Saigon mà mọi người muốn đến. Đó là một ngôi nhà nằm xa quê hương”.
Tháng hai vừa qua, ông Jao đón nhiều chính trị gia và chức sắc địa phương đến tham dự lễ hội chào Tết Nguyên đán. Bà Catherine đã tự tay tặng các phong bao lì xì chứa 10 USD cho các quan khách. 

Ông Frank Jao bên trong Thương xá Phước Lộc Thọ. Ảnh: OC Register
Bằng lòng tự tônvà tham vọng, người đàn ông gốc Hải Phòng dần trở thành một trong những lãnh đạo doanh nghiệp người Mỹ gốc Việt tiếng tăm nhất.

Trong 40 năm, tập đoàn Bridgecreek của ông đã phát triển hàng loạt trung tâm thương mại và nhà ở trị giá 400 triệu USD, chủ yếu ở Quận Cam . Khi bất động sản của ông Jao rải khắp hơn 20 hecta ở Westminster và các thành phố lân cận, ông trở thành chủ đất của 1.200 công ty người Việt.

Các công trình của ông là tâm điểm của Little Saigon. Có khoảng 9.000 doanh nghiệp của người gốc Việt hoạt động ở Westminster và Garden Grove. Số dân gốc Việt trên toàn Quận Cam là khoảng 189.000 người.

Dù vậy, ông Jao cũng có lúc tính toán sai lầm. New Saigon Mall mở cửa năm 1997 đằng sau trung tâm thương mại Asian Village đã bị phá dỡ sau hai năm do không thu hút được khách hàng.

Năm 2009, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, ông Jao mở dự án căn hộ cao cấp trị giá 57 triệu USD gồm 144 căn cạnh Asian Garden Mall. Đến năm 2013, nó được đổi tên thành Jasmine Place, chuyển thành các căn hộ cho thuê và bán cho các chủ mới.

“Tôi đã sai lầm”, ông Jao thừa nhận.

Trong những năm gần đây, ông Jao đã bán đi một nửa số bất động sản ở Quận Cam và chuyển trọng tâm sang các dự án ở châu Á. Hồi tháng hai, ông bay sang Singapore cùng con gái 33 tuổi Felicia và đối tác Dennis Nguyen để bàn bạc với các nhà đầu tư.

Ông Jao và Nguyen sở hữu một nhà máy chế biến thực phẩm 180 công nhân ở nam Trung Quốc, nhập khẩu hải sản và rau từ Việt Nam. Năm 2012, họ mở Indochin e Essence, một chuỗi cửa hàng ăn nhanh bình dân ở tỉnh Quảng Đông. Chuỗi chuyên phục vụ các món ăn Việt Nam với 21 chi nhánh và dự kiến tăng lên 100 chi nhánh vào cuối năm tới.

Với danh tiếng của mình, triệu phú Jao từng được trang tin tức dành cho người châu Á tại Mỹ Goldsea Asian American Daily bầu chọn là một trong số 70 người Mỹ gốc Á có ảnh hưởng nhất từ trước đến nay và được cựu tổng thống George Bush bổ nhiệm làm chủ tịch Tổ chức giáo dục Việt Nam.