Friday, 20 April 2018

HẢI QUÂN V.N.C.H. RA KHƠI, 1975 - VÙNG IV DUYÊN-HẢI - ĐIỆP MỸ LINH Biên khảo

image001

    

Tại Đặc-Khu Phú-Quốc, ngoài lực lượng Hải-Quân Vùng IV Duyên-Hải, còn có hai Tiểu-Đoàn Địa-Phương-Quân và một Đại-Đội Trinh-Sát.

Lực lượng Việt-Cộng trên một Tiểu-Đoàn, Bộ-Chỉ-Huy đặt tại Bắc Đảo. Khoảng hai Trung-Đội Việt-Cộng hoạt động phía Nam Dương-Đông. Áp lực địch nặng nhất là vùng Bắc Đảo, Cửa Cạn. Việt-Cộng thường pháo kích vào phi trường Dương-Đông và cố ý cô lập đồn Cửa Cạn.

Lực lượng hai bên không chênh lệch. Nhưng áp lực địch rất nặng, vì Lực-Lượng Địa-Phương-Quân của V.N.C.H. chỉ ở thế thủ hoặc đi kích, hành quân lẻ tẻ, thiếu những cuộc hành quân quy mô.


Từ ngày nhậm chức Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng IV Duyên-Hải kiêm Đặc-Khu-Trưởng Đặc-Khu Phú-Quốc, Hải-Quân Đại-Tá Nguyễn Văn Thiện giải tán các đồn, cho quân hành quân lục soát phía ngoài, mở rộng vòng đai phòng thủ. Đại-Tá Thiện xử dụng những đơn vị Địa-Phương-Quân để hành quân trên bộ, giữ an ninh phi trường và làng xã.

Khi cuộc rút quân từ miền Trung bắt đầu, Thiếu-Tướng Nguyễn Khoa Nam – Tư-Lệnh Quân-Đoàn IV – chỉ định Đại-Tá Thiện đặc trách lo về vấn đề đồng bào tị nạn.

Về quân sự, Đại-Tá Thiện trực tiếp chỉ huy và báo cáo về Bộ-Tư-Lệnh Quân-Đoàn. Về hành chánh, Quốc-Vụ-Khanh Phan Quang Đán bổ nhiệm một nhân viên hành chánh cao cấp ra Phú-Quốc giúp Đại-Tá Thiện điều hành. Đại-Tá Thiện phúc trình tình trạng dân, quân tị nạn và nhận lệnh từ bác sĩ Phan Quang Đán và Đề-Đốc Lâm Ngươn Tánh – phụ tá Quốc-Vụ-Khanh đặc trách đón tiếp đồng bào di cư.

Phía Nam đảo Phú-Quốc, vùng Đất Đỏ, V.N.C.H. đã xây một trại tù để giam giữ tù chính trị. Sau hiệp định Ba-Lê, số tù Cộng-Sản được chuyển đi, trại tù bỏ trống. Đại-Tá Thiện xử dụng những dãy nhà này với hệ thống nước ngọt từ một giếng sâu, do hãng thầu RMK (Raymond – Morrisson – Knudsen) của Mỹ đào từ lâu, với dụng cụ y-tế và giường ngủ sẵn có, để tiếp người tị nạn.

Vấn đề tiếp tế để lo cho khối người tị nạn một phần do Hải-Quân đài thọ; phần lớn do chính phủ trung ương và cơ quan USAID Hoa-Kỳ đảm nhận.

Mỗi ngày có khoảng ba mươi chuyến bay của Air America, C123 hoặc C130 đáp xuống phi trường Dương-Đông với đầy đủ dụng cụ và thực phẩm.

Với khoảng 60.000 người tị nạn trên một diện tích nhỏ hẹp, an ninh là vấn đề phức tạp và thiết yếu. Tuy vậy, tình trạng các trại rất tốt đẹp nhờ hệ thống kiểm soát chặt chẽ và nhiều biện pháp mạnh được áp dụng. Để giải tỏa bớt tình trạng ứ đọng, Đại-Tá Thiện cấp giấy phép rời Phú-Quốc cho bất cứ ai có thân nhân trong đất liền.

Hải-Quân biệt phái một số sĩ quan do Hải-Quân Đại-Tá Trần Văn T. – Chỉ-Huy-Trưởng Trung-Tâm Huấn-Luyện Hải-Quân Saigon – điều động ra Phú-Quốc giúp điều hành và giải quyết những khó khăn tại các trại tỵ nạn.

Trong những chiến hạm chuyển quân và dân ra Phú-Quốc, có một chuyện rất thương tâm xảy ra trên HQ 500.

Từ Qui-Nhơn HQ 500 đón quân và dân về Cam-Ranh. Tại Cam-Ranh HQ 500 được lệnh nhận thêm lính và dân rồi đưa ra Phú-Quốc.

Trong số dân và quân HQ 500 đưa ra Phú-Quốc có Thiếu-Úy Lê Quang Lệ Lan – trưởng nữ của Cựu Tư-Lệnh Hải-Quân Lê Quang Mỹ – và một em bé được sinh ra trên chiến hạm.

Em bé này được Thiếu-Úy Lệ Lan đón vào đời và được Hạm-Trưởng LST Cam-Ranh – Hải-Quân Trung-Tá Lê Quang Lập – đặt tên là Nguyễn-Thị-Cam-Ranh.

Vào đến Phú-Quốc, HQ 500 cặp cầu dầu. Từ cầu này muốn vào bờ phải dùng xuồng hay tàu nhỏ.

Thời gian này, đồng bào trên chiến hạm quá đông và thiếu thốn mọi thứ. Thiếu-Úy Lệ Lan tình nguyện vào gặp Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng IV Duyên-Hải xin tiếp tế.

Suốt thời gian nhận và chuyển thực phẩm, vật dụng, thuốc men từ Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng IV Duyên-Hải ra chiến hạm, Thiếu-Úy Lệ Lan đã tận tụy với đồng bào, nhiều khi quên ăn, quên uống.

Lần cuối cùng, sau khi chất đầy thực phẩm, hai mươi mốt nhân viên chiến hạm và Thiếu-Úy Lệ Lan từ bờ trở lại HQ 500 bằng LCVP. Khi kéo LCVP lên, giây đứt, hai mươi mốt nhân viên bị hất xuống biển; riêng Thiếu-Úy Lệ Lan bị kẹt, chết giữa những thùng thực phẩm!

Sau đó HQ 500 về Saigon sửa chữa. Công tác sửa chữa chưa hoàn tất, HQ 500 lại được lệnh đưa khoảng vài trăm tội phạm ra Côn-Sơn.

Trên những chuyến xà-lan từ miền Trung vào Phú-Quốc, nhiều tên bất lương lấy quân phục của vài binh chủng thiện chiến V.N.C.H. mặc vào rồi cướp của, giết người, xô người xuống biển, v. v… Khi những chuyến xa-lan này đến Phú-Quốc, đơn vị an ninh ở các trại tị nạn được báo cáo.

Sau khi điều tra cặn kẽ, nếu hội đủ bằng chứng, tội phạm được giải giao cho Quân-Cảnh Tư-Pháp điều tra thêm. Tin này loan ra nhanh. Một số lớn đồng bọn đi những chuyến xà-lan sau đón ghe đánh cá vào Rạch-Giá khi xà-lan còn neo ngoài khơi Phú-Quốc.

Trong số những tên thảo khấu bị bắt, có mấy tên được đồng bào nhận diện. Một Đức Cha, khi thuật lại những hành động dã man của hai tên bất lương đối với gia đình của một Đại-Tá Bộ-Binh đã không nén được phẫn nộ, hỏi Đại-Tá Thiện: “Theo sấm truyền cũ, những hành động như vậy giữa con người đối với con người, phải bị tội lăng trì. Đại-Tá biết không?” Là một con chiên ngoan đạo, Đại-Tá Thiện lặng thinh, suy nghĩ.

Trong thời gian đa số đồng bào bất bình về thái độ trì hoản xử tội mấy tên cướp thì, ngày 19  tháng 4, Hải-Quân Đại-Tá Nguyễn Văn Thiện nhận được công điện từ Bộ-Tổng-Tham-Mưu: Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng-Tham-Mưu-Trưởng Quân-Lực V.N.C.H., bổ nhiệm Đai-Tá Thiện vào chức vụ Tổng-Trấn Phú-Quốc.

Với quyền hạn của một Tổng-Trấn trong thời chiến, Đại-Tá Thiện có quyền kêu án tử hình tội phạm, không cần chờ lệnh tòa án. Nhưng Đại-Tá Thiện lại liên lạc Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân xin ý kiến. Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân không hạn chế quyền hạn của Đại-Tá Thiện.

Vì áp lực của đồng bào và của Đức Cha, Đại-Tá Thiện cử ủy ban điều tra lại vụ hai tên côn đồ và mấy tên thảo khấu trên những chuyến xà-lan khác nhau. Sau khi ủy ban an ninh phúc trình bản điều tra cuối cùng, Đai-Tá Thiện ra lệnh Địa-Phương-Quân thành lập một bán tiểu đội hành quyết, xử tử những tội phạm đó.

Thời gian này, tình hình quân sự trong Vùng tương đối yên tĩnh. Chỉ có đồn Cửa Cạn bị Việt-Cộng vây khốn suốt mấy hôm, với mục đích khuấy phá chứ không dám chiếm; vì sợ hải pháo và phi cơ oanh tạc.

Trọng trách giải tỏa đồn Cửa Cạn được giao cho Đặc-Khu-Phó (Quận-Trưởng quận An-Thới). Đại-Tá Thiện tăng phái HQ 230 bắn hải pháo yểm trợ, đồng thời biệt phái PCF chạy gần bờ để kiểm soát và yểm trợ bằng đại liên, trung liên và súng cối 81 ly. Nhiều LCM của Căn Cứ Yểm-Trợ An-Thới cũng được tăng cường để, nếu cần, sẽ đổ bộ Địa-Phương-Quân lên.

Không hiểu vì lý do gì, Đặc-Khu-Phó không thực hiện được công tác đã được hoạch định và giao phó. Đại-Tá Thiện thay đổi kế hoạch bằng cách không xử dụng chiến đỉnh mà trưng dụng mười ghe đánh cá loại lớn, tập trung ngoài khơi. Khi được lệnh của Đại-Tá Thiện, quân sẽ được chuyển xuống mười ghe đó, đưa lên các ghềnh đá phía Bắc Đảo, cách đồn Cửa Cạn khoảng hai, ba cây số, đánh thốc xuống.

Nhờ yếu tố bất ngờ, chỉ không tới một Đại-Đội Địa-Phương-Quân, với sự yểm trở hữu hiệu của hải pháo, đã đẩy lui trên một Tiểu-Đoàn địch về những hang hóc phía Đông Bắc. Địch để lại trên một trăm xác và thương binh.

Ngoài chiến thắng tại đồn Cửa Cạn, tưởng cũng nên đề cập đến cuộc đụng độ giữa Duyên-Đoàn 44 và Khmer Đỏ, trên hòn đảo phía Bắc, trong quần đảo Poulo Dama.

Vào khoảng cuối tháng Tư, Duyên-Đoàn 44 được lệnh chiếm hai đảo Kiến-Vàng và Keo-Ngựa, trong hải phận Việt-Nam. Chỉ-Huy-Trưởng Duyên-Đoàn 44 chỉ huy một đơn vị Hải-Kích thi hành công tác này. Toán quân được chia làm hai cánh.

Cánh A thực hiện kế hoạch và chiếm đảo Keo-Ngựa một cách dễ dàng.

Cánh B đổ bộ nhầm một đảo khác, không thuộc hải phận Việt-Nam. Cánh quân B này “đụng” với lực lượng Khmer Đỏ trấn thủ đảo. Trong cuộc chạm súng, Hải-Quân Thiếu-Úy T. bị kẹt trên đảo.

Nghe báo cáo, cánh A, một mặt xin chiến hạm yểm trợ, một mặt kéo toàn lực lượng đến đảo Kiến-Vàng, tìm cách cứu vị sĩ quan.

Lực Lượng Hải-Kích đến đảo Kiến-Vàng khoảng 5 giờ sáng. Nhưng Khmer Đỏ dùng trọng pháo 150 ly pháo kích nặng nề xuống bãi, khiến quân V.N.C.H. đến sáng vẫn không đổ bộ được.

HQ 330 đang tuần tiễu quanh vùng, được chỉ thị đến đảo Kiến-Vàng trợ chiến; nhưng HQ 330 không được phản pháo, vì hải phận đó không thuộc chủ quyền của V.N.C.H.

Trưa, Khmer đỏ ngưng pháo kích. Thiếu-Úy T. từ bờ bơi ra chiến hạm.

Tối 27 tháng 4, Đại-Tá Nguyễn Văn Thiện gọi tất cả chiến hạm biệt phái cho Vùng IV Duyên-Hải về An-Thới.

Sáng 28 tháng 4, chiến hạm USS Dubuque thuộc Đệ Thất Hạm-Đội Hoa-Kỳ đột ngột xuất hiện và neo gần An-Thới. Ít ai biết được rằng ông Erich Von Marbod – phụ tá Bộ Trưởng Quốc Phòng (Assistant Secretary of Defense) Hoa Kỳ – có mặt trên USS Dubuque. Ông Erich Von Marbod xử dụng USS Dubuque như một trạm viễn liên để hướng dẫn Không-Quân V.N.C.H. bay sang Thái-Lan!

Đêm 28 tháng 4, Căn-Cứ Hải-Quân Vùng IV Duyên-Hải hỗn loạn vì tin Đại-Tá Thiện lấy PCF ra chiến hạm Mỹ. Tất cả chiến hạm V.N.C.H. rời bến sau khi thông báo cho phòng hành quân.
Sáng 29 tháng 4, Đại-Tá Thiện cho tất cả chiến hạm biết rằng Ông đã đi tuần trong đêm qua.

10 giờ sáng cùng ngày, Đại-Tá Thiện liên lạc với Phó-Đề-Đốc Diệp Quang Thủy – Tham-Mưu-Trưởng Hải-Quân – để hỏi tình hình chiến sự. Phó-Đề-Đốc Thủy bảo Đại-Tá Thiện túc trực trên máy vô tuyến, có biến chuyển nào Ông sẽ cho hay.

11 giờ sáng cùng ngày, Đại-Tá Thiện mất liên lạc với Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân Saigon!

Ngày 30 tháng 4, lúc 10 giờ sáng, sau khi nghe lệnh đầu hàng của Tổng Thổng Dương Văn Minh, Đại-Tá Thiện họp tất cả sĩ quan và Hạm-Trưởng tại phòng ăn sĩ quan và cho biết ý định của Ông là sẽ ra đi. Điểm hẹn là Poulo-Panjang.

Sau cuộc họp ngắn ngủi đó, tất cả chiến hạm tách bến; chiến đỉnh cũng vội vàng ra đi. Đại-Tá Thiện và gia đình không còn phương tiện nào để rời Bộ-Chỉ-Huy Hải-Quân Vùng IV Duyên-Hải. Đại-Tá Thiện liên lạc vô tuyến với người bạn cùng khóa – Chỉ-Huy-Trưởng Căn-Cứ Tiếp-Vận An-Thới – nhờ giúp đỡ.

Chiếc LCM8 đưa gia đình Chỉ-Huy-Trưởng Căn-Cứ Tiếp-Vận An-Thới ghé đón Đại-Tá Thiện và gia đình Ông tại cầu tàu, trước Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng IV Duyên-Hải.

Sau đó, vì đã hứa đi chung với các đơn vị Hải-Quân tại Phú-Quốc, Đại-Tá Thiện sang một ghe Yabuta để đến chiến hạm.

Lúc này đoàn tàu gồm có:

§  HQ 230 – Hạm-Trưởng là Hải-Quân Thiếu-Tá Nguyễn Nguyên.
§  HQ 330 – Hạm-Trưởng là Hải-Quân Thiếu-Tá Nguyễn Văn Anh.
§  HQ 331 – Hạm-Trưởng là Hải-Quân Thiếu-Tá Lê Tấn Triệu.
§  HQ 602 – Hạm-Trưởng là Hải-Quân Thiếu-Tá Ngô Minh Dương.

Đại-Tá Thiện lên HQ 230. Tại đây, vì chưa biết Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân Saigon đã di tản, Đại-Tá Thiện dùng hệ thống siêu tần số để liên lạc với Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân Saigon, nhưng không gặp được ai cả!

Một số nhân viên trên HQ 230 nổi loạn, muốn đem chiến hạm về. Vừa khi đó, HQ 230 đến Poulo-Panjang. Tại đảo này có khoảng hai mươi PCF của Hải-Đội 4 Duyên-Phòng. Những người muốn về, dùng PCF trở về; ai muốn đi, ở lại chiến hạm.

Trên đường rời hải phận Việt-Nam, vì tình trạng kỹ thuật của HQ 331, đoàn tàu phải ghé Singapore. Hải-Quân Singapore, thay vì giúp sửa chữa HQ 331, lại đòi lấy HQ 331!

Đoàn tàu rời Singapore với thêm nhiều người di tản mới nhập hạm từ Singapore. HQ 330 phải dòng HQ 331.

Trong thời gian hải hành, Thiếu-Úy Xử-Lý Thường-Vụ Hạm-Phó HQ 602 cùng một nhóm người nhập hạm từ Singapore, nổi loạn, giết chết Hạm-Trưởng – Hải-Quân Thiếu-Tá Ngô Minh Dương – rồi đem chiến hạm trở về!

Đại-Tá Thiện có ý định – và tất cả Hạm-Trưởng cũng đồng ý – là sẽ đưa những chiến hạm này sang Úc-Đại-Lợi. Nhưng, khoảng nửa đường, nghe đài BBC và đài VOA loan báo rằng Úc-Đại-Lợi công nhận chính phủ Cộng-Sản Việt-Nam, tất cả đổi ý, đi Phi-Luật-Tân.

Trên đường hướng về Phi-Luật-Tân, một chiến hạm Nga bám sát ba chiến hạm HQ 230, HQ 330 và HQ 331. Khi phi cơ Hoa-Kỳ xuất hiện quanh ba chiến hạm này thì chiến hạm Nga đổi hướng và mất dạng.

Trong chuyến di tản này, lực lượng Hải-Quân Phú-Quốc đem theo khoảng từ 50% đến 55% gia đình Hải-Quân, từ 10% đến 15% gia đình Địa-Phương-Quân và số còn lại là đồng bào.

VÙNG V DUYÊN-HẢI

Việt-Cộng dồn mọi nỗ lực vào các mặt trận Cao-Nguyên và miền Trung cho nên tình hình quân sự Vùng V Duyên-Hải hoàn toàn yên tĩnh.

Chiều 29 tháng 4, sau khi thâu nhận được những diễn tiến tại Trung-Ương, Lực-Lượng Hải-Quân Vùng V Duyên-Hải tập trung tại Hòn-Khoai, chờ lệnh.

Tối 29 tháng 4, Lực-Lượng Hải-Quân Vùng V Duyên-Hải nghe lời kêu gọi của Trưởng-Khối an ninh Hải-Quân – Đại-Tá Chiến-Binh Nguyễn Văn Tấn – trên hệ thống truyền tin, cho nên tất cả trở về hậu cứ Năm-Căn!

Ngày 30 tháng 4, sau khi nghe lệnh Tướng Dương Văn Minh bảo buông súng, lực lượng Hải-Quân Vùng V Duyên-Hải lại ra khơi.

Ngày 1 tháng 5, khoảng 3 giờ chiều, Lực-Lượng Hải-Quân Vùng V Duyên-Hải đến Hòn-Tre – Duyên-Đoàn 43 – và giao tất cả vũ khí cũng như quân dụng cho ban tiếp thu Việt-Cộng, rồi giải tán!

Tư Lệnh Hải Quân Vùng V Duyên Hải là Hải Quân Đại Tá Nguyễn Văn May.


ĐIỆP MỸ LINH