Monday, 16 April 2018

Quốc Hận - Phạm Gia Đại

IMG_0246 IMG_0245

Hằng năm cứ vào Tháng Tư dương lịch, các cộng đồng người Việt, dù ở nơi nào trên thế giới, đều long trọng cử hành Lễ Tưởng Niệm Ngày Quốc Hận. Ngày 30 Tháng Tư Năm 1975, ngày mất miền Nam vào tay cộng sản, ngày mà đồng minh Hoa Kỳ đã phản bội đồng minh Việt Nam Cộng Hòa để bắt tay mậu dịch với Trung Cộng, để cho miền Nam phải đơn độc chiến đấu chống lại cả khối cộng sản hung tàn, mà đại diện là cộng sản Bắc Việt xâm lược – ngày đó đã được gọi với tên thống nhất là Ngày Quốc Hận. 

Sau hai thập niên chiến đấu anh dũng bảo vệ quê hương và nền tự do độc lập của miền Nam, chế độ VNCH đã bị bức tử. Chính phủ Mỹ thời bấy giờ qua Tổng Thống Richard Nixon và cố vấn Henry Kissinger đã thực thi chính sách bỏ rơi Đông Dương. Viện trợ cho chế độ miền Nam từ một tỷ USD xuống còn 700 triệu, còn 300 triệu, và đến đầu năm 1975 thì viện trợ Mỹ đã trở về con số không một cách tàn nhẫn. 

Chính quyền Hoa Kỳ bấy giờ đã thay đổi chính sách đối ngoại đột ngột đem đến cái chết cho cả một dân tộc. Gần cuối tháng Tư, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã bị áp lực phải từ chức để cho các vị không được dân bầu lên thay thế, ngõ hầu Mỹ có thể thực hiện được lời cam kết của họ với Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai năm 1972 qua các mật đàm tại Bắc Kinh và Hiệp Ước Thượng Hải. 

Ông Dương Văn Minh lên thế cụ Trần Văn Hương trong chức vị tổng thống, để ra lệnh đầu hàng vào sáng ngày 30 Tháng Tư năm 1975. Miền Nam tan tác và rơi vào máu lửa dưới súng đạn của cộng quân và sự trả thù tàn bạo của họ.

Để chuẩn bị cho việc người Mỹ lui quân, không can thiệp vào chiến tranh Đông Dương nữa, hội nghị Ba Lê đã được thành lập với bốn bên: Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa, Bắc Việt và Việt Cộng (dưới tên “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam”). Người Mỹ đã trực tiếp đàm phán với Bắc Việt và để cho VNCH ngồi ngang hàng với VC. Tổng Thống Thiệu đã cực lực phản đối, nhưng không thành công vì người Mỹ vẫn đi theo kế họach họ đã vạch sẵn. 

Các tướng lãnh Hoa Kỳ tuyên bố họ tham dự vào một cuộc chiến mà không được chiến thắng, hay như tướng bốn sao của Mỹ Westmoreland nói ông chiến đấu với một tay bị trói ra đằng sau. Các cuộc biểu tình phản chiến vào những năm cuối thập niên ’60 và đầu ’70 tại Mỹ và nhiều nơi trên thế giới, mà nhiều quan sát viên cho rằng có bàn tay của “Xịa” nhúng vào, đã như hỗ trợ cho chính sách rút quân của Mỹ ra khỏi Miền Nam nhanh chóng hơn và bất kể hậu quả. 

Nhiều phóng viên quốc tế, nhất là của truyền thông Hoa Kỳ, được phái qua miền Nam tường thuật về chiến tranh VN, trong suốt thời gian từ Tết Mậu Thân 1968 cho đến khi Hòa Đàm Ba Lê kết thúc 27-1-1973, cho biết rằng họ đến miền Nam để lấy các tin tức có lợi cho cuộc triệt thoái này, không phải lấy tin về các chiến thắng của Quân Lực VNCH; và các tin tiêu cực, có lợi cho cộng sản, gây thiệt hại cho chính nghĩa của VNCH tràn ngập trên các báo chí truyền thanh truyền hình của Mỹ. 

Phóng viên người Đức Uwe Siemon-Netto của nhà in Đông Á lớn nhất tại Đức tiết lộ rằng bạn ông Peter Braestrup của tờ Washington Post đã hỏi toán quay phim truyền hình Mỹ sao không quay các cảnh VC tàn sát dân chúng, các hố chôn tập thể? Thì thấy họ trả lời thản nhiên rằng: “Chúng tôi không đến đây để làm tuyên truyền chống cộng sản.” Ông Uwe Siemon-Netto cho biết thêm VNCH đã bị bất lợi từ mọi phía, Walter Cronkite, xướng ngôn viên cột trụ của CBS Evening News, nhân vật mà thời gian đó, được xem như  được tín nhiệm nhất tại Hoa Kỳ, đã nói trước 22 triệu khán giả rằng cuộc chiến không thể thắng được. 

Cả một kế hoạch âm mưu đã được phác họa ra để giúp cho người Mỹ có cớ triệt thoái, đồng thời để triệt hạ uy tín chính nghĩa của chế độ Cộng Hòa tại miền Nam, và nâng các chiến thắng giả tạo của Bắc Việt và VC. Quả là điều đáng hổ thẹn cho các cá nhân và cơ quan truyền thông của Mỹ thời đó đã làm việc theo đơn đặt hàng và đi ngược với công tâm nhân loại.

Cuối tuần qua người viết bài này có dịp cùng với một người bạn đến Thư Viện Richard Nixon, thành phố Yorba Linda, miền nam California, Hoa Kỳ, để xem triển lãm về Viet Stories của hai người Mỹ gốc Việt tổ chức là cô Trâm Lê và Dr. Linda Võ của đại học UC Irvine, và cũng nhân dịp tham khảo lại các hình ảnh tài liệu về chuyến công du qua Bắc Kinh năm 1972 của Tổng Thống Nixon và viên cố vấn Kisinger. 

Hai căn phòng lớn của thư viện đã được dành cho các hình ảnh của chuyến công du, chưa kể hàng chục máy tivi đang chiếu lại các thước phim tài liệu về TT Nixon và chuyến công du của ông. Ngay đầu căn phòng thứ nhất là hai tấm ảnh phóng đại, chiếm lĩnh cả hai bức tường, chụp các tù binh Mỹ sau chấn song sắt, và các POW’s đang đứng trong sân trại giam ở Hỏa Lò Hilton Hà Nội. 

Đây đó là các hình ảnh về yến tiệc, như triều đình vua chúa ngày xưa, để chiêu đãi TT Nixon và cố vấn Kissinger.  Trong một góc phòng là hình tượng của TT Nixon đang bắt tay tươi cười với hình tượng của Chu Ân Lai bên cạnh ảnh vẽ chiếc Air Force One. Vận mệnh miền Nam đã bị định đoạt trong yến tiệc đó, miền Nam VN đã mất ngay sau cái bắt tay đổi thù thành bạn ấy của chính quyền Hoa Kỳ thời đó mà đại diện là TT Nixon và cố vấn Kissinger. 

Trên một bức tường khác treo ảnh chụp lại tờ báo Register ra ngày Thứ Tư 30-4-1975 chạy tít lớn: “Saigon surrenders to Viet Cong” và ảnh của Big Minh: “ President orders ceasefire”. Thực tế ngày đó, ông Dương Văn Minh, dùng quyền của một vị tổng thống (mới được đưa lên) là tổng tư lệnh quân đội, để buộc các đơn vị VNCH phải buông súng đầu hàng (chứ không phải ra lệnh ngưng bắn ceasefire), và Sàigòn đã mất.

Mỗi năm, cộng đồng người Việt hải ngoại trên toàn thế giới lại tưởng niệm ngày Quốc Hận trong những đau xót hằn vết không nguôi, nhưng nằm sâu trong tưởng niệm ấy là niềm hãnh diện của hàng triệu quân dân cán chính VNCH đã từng đứng dưới là cờ Vàng Ba Sọc Đỏ để bảo vệ Tự Do cho Miền Nam trong cuộc chiến Quốc-Cộng 1954-1975. Âu là cơ trời vận nước suy vong. Người lính VNCH, kể cả các đơn vị bán quân sự, đã anh dũng chiến đấu gian khổ bằng xương máu của mình, bao nhiêu vợ con của họ đã từng cùng nằm trong chiến hào với chồng để chống lại từng đợt tấn công của cộng quân vào những xã ấp bé nhỏ thanh bình của Miền Nam. 

Họ đã hy sinh, nhưng gương dũng cảm và yêu chuộng tự do của họ vẫn sống mãi với lịch sử ngàn năm hào hùng của con cháu Lạc Hồng. Những người lính ngày xưa, sống sót sau cuộc chiến, sống sót qua bao năm tháng ngục tù trong các trại tập trung giết người của cộng sản, bây giờ đã già cỗi, nhưng họ vẫn còn đó, trong tim vẫn giữ hình bóng thân yêu của lá Cờ Vàng, và những hình ảnh yêu quý của Sàigòn ngày tháng cũ. 

Đại Tướng Douglas MacArthur, khi trở về từ chiến trường Triều Tiên, từng nói trước Quốc Hội Hoa Kỳ vào ngày 19 tháng Tư năm 1951 rằng “giống như người lính gìa trong bài thơ ấy, bây giờ tôi giã từ binh nghiệp, và sẽ phai mờ dần đi, một người lính đã hết sức làm phận sự của mình dưới ánh sáng của Chúa chiếu rọi (... and like the old soldier of that ballad, I now close my military career and just fade away, an old soldier who tried to do his duty as God gave him the light to), và ông kết luận: người lính già không bao giờ chết, họ chỉ phai mờ dần (old soldiers never die, they just fade away). 

(Tin Tổng Hợp).
Phạm Gia Đại