Sau khi quân V.N.C.H. rút khỏi Đà-Nẵng và
tình hình Qui-Nhơn trở nên nguy ngập, Tư-Lệnh Hải-Quân – Phó-Đô-Đốc Chung Tấn
Cang – chỉ thị Tham-Mưu-Trưởng kiêm Tư-Lệnh-Phó Hải-Quân, Phó-Đề-Đốc Diệp Quang
Thủy, ra Cam-Ranh giải quyết những ứ đọng tại đó để Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh,
Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng II Duyên-Hải, lên HQ 3 ra Qui-Nhơn, trực tiếp điều binh
tại chiến trường.
Trong thời gian tình hình Đà-Nẵng sôi động,
HQ 400 – đã được tháo gỡ tất cả trang bị của một bệnh viện hạm – nhận lệnh
chuyên chở đạn pháo binh từ Cam-Ranh ra tiếp tế Sư-Đoàn 22 phòng thủ Qui-Nhơn.
Ngày 20 tháng 3, HQ 400 ủi bãi Qui-Nhơn.
Tối 20 tháng 3, lúc 11 giờ, trong khi chờ
phương tiện “bốc” số đạn pháo binh, HQ 400 bị 3 người nhái Việt-Cộng lặn đến,
đặt mìn. Nhân viên canh phòng chiến hạm phát giác kịp thời, thảy lựu đạn, bắt
sống được một tên – chỉ mới 16 tuổi – hai người kia lặn thoát.
Vào thời điểm này, Lực-Lượng Hải-Quân trong
vịnh Qui-Nhơn có khoảng mười chiến hạm, gồm PC, PCE và WHEC với súng lớn, có
tầm bắn xa, cùng với một số PGM.
Tình hình Qui-Nhơn sôi động hơn, vì tin
tình báo cho hay 3 Sư-Đoàn Bắc-Việt, sau khi chiếm Đà-Nẵng, đang trên đường
tiến vào Qui-Nhơn. Trên đường tiến quân, Bắc quân đã chiếm một quận nhỏ phía
Bắc Qui-Nhơn.
Sau khi “đổ” quân bạn và đồng bào xuống
Cam-Ranh, HQ 505 được lệnh từ Vùng II Duyên-Hải: Trở ra Sông-Cầu để yểm trợ
Duyên-Đoàn 23 rút về Nha-Trang.
HQ 3 đưa Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh, Tư-Lệnh
Hải-Quân Vùng II Duyên-Hải, từ Cam-Ranh đến Qui-Nhơn. HQ 3 trở thành Soái-Hạm.
Tại Qui-Nhơn, Tướng Nguyễn Duy Hinh và
Phó-Đề-Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại từ HQ 802 sang HQ 3; và hầu hết đơn vị trưởng Hải-Quân
đều ở trên HQ 3. Riêng Chỉ-Huy-Trưởng Hải-Đội III Tuần-Dương ở trên HQ 8.
Tư-Lệnh Hải-Quân – Phó-Đô-Đốc Chung Tấn
Cang – chỉ thị cựu Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng I Duyên-Hải – Phó-Đề-Đốc Hồ Văn Kỳ
Thoại – vào chức vụ Tư-Lệnh các Lực-Lượng Hải-Quân yểm trợ chiến trường
Qui-Nhơn.
Ngày 31 tháng 3, Tổng Thống Nguyễn Văn
Thiệu đích thân ra lệnh Chỉ-Huy-Trưởng Hải-Đội III Tuần-Dương bắn kho xăng
Shell và kho xăng Quân-Nhu trên núi, thuộc thành phố Qui-Nhơn. Đồng thời Tổng
Thống Thiệu cũng chỉ thị Hải-Quân “bốc” Sư-Đoàn 22, thuộc quyền chỉ huy của
Thiếu Tướng Phan Đình Niệm, tại vịnh phía ngoài hải cảng Qui-Nhơn.
Vịnh này rất cạn. Một hải đạo sâu nhất vịnh
được ghi trên bản đồ chỉ có độ sâu từ một thước rưỡi đến một thước tám! Điểm
gần nhất chiến hạm có thể vào được cách bờ đến khoảng năm trăm thước – một
khoảng cách không thể nào một người bình thường có thể bơi ra được!
Trong khi HQ 7 được lệnh vào sát Ghềnh-Ráng,
bắn chung quanh Tòa Tỉnh vì được báo cáo nơi đây đang bị Việt-Cộng tấn công thì
Hải-Quân Trung-Tá Lê Thuần Phong – Chỉ-Huy-Trưởng Hải-Đội II Chuyển-Vận – được
chỉ định sang HQ 403 thực hiện cuộc đón quân của Sư-Đoàn 22 Bộ-Binh.
Từ HQ 403, Trung-Tá Phong lấy ống dòm quan
sát. Biển êm.Trên bờ quân lính ngồi ngay ngắn, rất có kỹ luật.HQ 403 từ từ tiến
vào. Cả chiến hạm đều ngạc nhiên, tự hỏi: Tại sao thấy chiến hạm vào mà khối
quân nhân trên bờ vẫn ngồi yên? Phải chăng đơn vị này đã bị Việt-Cộng chế ngự?
Tuy sợ mắc cạn và thấy tình thế bất lợi
trên bờ, HQ 403 cũng vẫn chuẩn bị ủi bãi sau khi ban hành nhiệm sở tác chiến.
Trời tối dần.Biển lặng cho đến nỗi có thể
nghe được tiếng mũi tàu chạm vào cát. Bỗng, ầm! Ầm! Ầm…Tiếng đạn B40 vang rền
và nước bắn tung tóe trước mũi chiến hạm. Vì chỉ là một LSM, không được trang
bị súng lớn, HQ 403 báo cáo ngay về HQ 3 rồi lui ra khỏi tầm đạn, chờ lệnh.
Trong khi HQ 403 chưa thể vào vịnh được thì
Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh ra lệnh HQ 400 ủi bãi Trường Sư-Phạm Qui-Nhơn để đón
vài đơn vị khác của Sư-Đoàn 22 Bộ-Binh.
Từ trong bờ, Việt-Cộng bắn ra chiến hạm dữ
dội khiến HQ 400 không thể nào ủi bãi được.Cuối cùng, những đơn vị của Sư-Đoàn
22 phải bơi ra tàu.Trong số những quân nhân bơi ra tàu có Thiếu Tướng Phan Đình
Niệm – Tư-Lệnh Sư-Đoàn 22 Bộ-Binh.
Trong khi đó, từ thành phố Qui-Nhơn,
Trung-Đoàn-Trưởng Trung-Đoàn 42 Bộ-Binh – Đại-Tá Nguyễn Hữu Thông – liên lạc
trực tiếp với Chỉ-Huy-Trưởng Hải-Đội III Tuần-Dương, Hải-Quân Trung-Tá Lê Thành
Uyển và cho biết rằng trong thành phố Qui-Nhơn không có một tên Việt-Cộng nào
cả. Trung-Tá Uyển hỏi về những tiếng súng thì Đại-Tá Thông trả lời, đó là của
Nhân-Dân Tự-Vệ bắn vu vơ, để ông ấy cho dẹp. Vì muốn biết tình hình trên bờ, Trung-Tá
Uyển yêu cầu Đại-Tá Thông ra tàu sớm để hỏi thăm.Đại-Tá Thông bảo Trung-Tá Uyển
cho tàu đón lính của Ông trước đi.
Tối 31 tháng 3, sau khi được báo cáo là
Thiếu Tướng Phan Đình Niệm đang ở trên HQ 400 và tinh thần của Ông hơi bất an,
Tướng Phạm Văn Phú – Tư-Lệnh Quân-Đoàn II – chỉ định Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh,
Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng II Duyên-Hải, thay thế Tướng Phan Đình Niệm ở chức vụ
Tư-Lệnh chiến trường Bình-Định. Tướng Phan Đình Niệm rời vùng trách nhiệm, theo
HQ 400 về Vũng-Tàu.
Sáng 1 tháng 4, Phó-Đề-Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại
ra lệnh các chiến hạm bắn hải pháo vào phi trường Qui-Nhơn.
Lúc này, tại vịnh phía ngoài hải cảng
Qui-Nhơn, không biết bao nhiêu quân nhân bơi lố nhố trên mặt biển. Vì độ sâu
của biển không cho phép chiến hạm ủi bãi, cho nên, nhiều PCF được phái tới, vào
sát bờ, cứu gần trọn vẹn một Trung-Đoàn; còn một Trung-Đoàn khác ở lại, không
bơi ra tàu.
Lý do một Trung-Đoàn không bơi ra tàu là
vì: Trong cuộc chạy loạn từ vùng hỏa tuyến vào, cựu Trung-Đoàn-Trưởng của một
Trung-Đoàn thuộc Sư-Đoàn 22 Bộ-Binh gặp lại đơn vị cũ của Ông. Đơn vị này cho
Ông biết, họ không hiểu tại sao họ phải bỏ chạy trong khi họ đang thắng lớn tại
đèo Phủ-Cũ, An-Khê. Vị Trung-Đoàn-Trưởng “nhận lại” đơn vị của Ông, rồi tất cả
quay vào rừng!
Cuộc đón quân tại cầu tàu Qui-Nhơn được
thực hiện tương đối không mấy khó khăn.Trung-Tá Uyển lại liên lạc với Đại-Tá
Nguyễn-Hữu-Thông, hỏi tại sao chưa thấy Ông trên tàu? Đại-Tá Thông đáp: “Tôi không thể ra với anh được. Lính của
tôi ra hết rồi. Cảm ơn anh. Tôi đi về!” Không ai biết vị anh hùng ấy đi về
đâu!
Tất cả Duyên-Đoàn thuộc Vùng II Duyên-Hải ở
mạn Bắc Qui-Nhơn được lệnh rút về phía Nam.
Tại Sông-Cầu, trong khi yểm trợ Duyên-Đoàn
23, HQ 505 bị hai xe tăng Việt-Cộng bắn trực xạ. Là một LST với trọng tải
chuyên chở một ngàn tấn, bài-thủy-lượng bốn ngàn tấn và chỉ được trang bị ba
khẩu 40 ly đơn để phòng không chứ không có “moọc-chê”, Hạm-Trưởng cho chiến hạm
quay mũi, chạy ra. Vừa lúc đó, Duyên-Đoàn 23 cũng ra khỏi cửa sông. Từ đây, HQ
505 hộ tống Duyên-Đoàn 23 và đoàn ghe cùng PCF của Vùng I Duyên-Hải về
Nha-Trang.
Thời gian này, nhiều MSF và PC tuần tiễu
vùng Sông-Cầu báo cáo về Trung-Tâm Hành-Quân Hải-Quân Saigon là xe tăng
Việt-Cộng di chuyển khơi khơi trên quốc lộ và ban đêm từng đoàn Molotova chạy,
rọi đèn sáng rực mà những chiến hạm của Hải-Quân V.N.C.H. không thể ngăn chận;
vì MSF và PC chỉ được trang bị súng 76 ly mà thôi!
Sau khi Trung-Tâm Hành-Quân Hải-Quân xin
Không-Quân yểm trợ mà bị từ chối, Phó-Đô-Đốc Chung Tấn Cang chỉ thị những chiến
hạm với trọng pháo có tầm bắn xa, bắn sập tất cả cầu trên quốc lộ I từ Qui-Nhơn
đến Đèo Cả.
Hải-Quân Đại-Tá Đỗ Kiểm – Tham-Mưu-Phó hành
quân – trình lên Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, Tham-Mưu-Trưởng Liên-Quân:
Hải-Quân có thể điều động 3 Duyên-Đoàn; mỗi Duyên-Đoàn có khoảng 150 đoàn viên,
cộng với vài chiếc WHEC có đại bác và 4,
5 MSF. Lực lượng này cùng với tất cả đơn vị Bộ-Binh, Nghĩa-Quân,
Biệt-Động-Quân, v. v…sẽ đặt tuyến vòng đai phòng thủ Qui-Nhơn. Nếu
Bộ-Tổng-Tham-Mưu can thiệp để Không-Quân yểm trợ cho lực lượng này trong vòng
một tuần lễ thì Hải-Quân sẽ tăng phái nhiều WHEC vận chuyển súng lớn đến. Và
như thế, những đơn vị phía Nam Qui-Nhơn đủ thì giờ tổ chức, phối hợp, bố trí,
chận ngang quốc lộ I.
Trung Tướng Đồng Văn Khuyên đồng ý giải
pháp do Hải-Quân đề nghị và giao Hải-Quân trách nhiệm điều động và chỉ huy.
Phó-Đô-Đốc Chung Tấn Cang đề nghị
Bộ-Tổng-Tham-Mưu: Nếu muốn giao nhiệm vụ đó cho Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh thì nên
đặt Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh vào chức vụ Tổng-Trấn Qui-Nhơn để Phó-Đề-Đốc Hoàng
Cơ Minh có toàn quyền xử dụng lực lượng Bộ-Binh và những đơn vị hiện diện trong
vùng.
Tối 1 tháng 4 lúc 11 giờ, Trung Tướng Đồng
Văn Khuyên gọi Trung-Tâm Hành-Quân Hải-Quân và cho biết: Tổng Thống Nguyễn Văn
Thiệu đã ký nghị định chỉ định Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh làm Tổng-Trấn Qui-Nhơn
trong nhiệm vụ phối trí các lực lượng, đổ quân vào tái chiếm Qui-Nhơn.
Khuya 2 tháng 4 lúc 2 giờ, Đại-Tá Đỗ Kiểm
liên lạc và thông báo với Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh về quyết định của Tổng Thống
Nguyễn Văn Thiệu.
Sáng 2 tháng 4, sau khi Lực-Lượng Hải-Quân
tại Qui-Nhơn dồn hết vào gần bờ, Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng II Duyên-Hải, kiêm
Tổng-Trấn Qui-Nhơn, kiêm Tư-Lệnh chiến trường Bình-Định – Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ
Minh – cùng vài đơn vị nhỏ của Bộ-Binh và một số sĩ quan Hải-Quân đổ bộ lên
Qui-Nhơn thăm dò tình hình.
Tình hình thành phố Qui-Nhơn yên lặng, ngột
ngạt, nhưng tuyệt nhiên không có bóng dáng tên Việt-Cộng nào cả. Tại phi trường
Phù-Cát, mấy mươi chiếc phi cơ còn nằm đó, nguyên vẹn. Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh
đích thân liên lạc vô tuyến với những đơn vị của Sư-Đoàn 22 chưa di tản; nhưng
những đơn vị này đang tán loạn, không thể liên lạc được! Tiểu-Khu-Trưởng và các
Chi-Khu-Trưởng đều vắng mặt. Vì lẽ đó, sự phối trí giữa Địa-Phương-Quân,
Bộ-Binh và Biệt-Động-Quân tăng phái không thực hiện được.
Chiều 2 tháng 4, toán quân đổ bộ trở lại
chiến hạm. Kế hoạch lập chiến tuyến ở Qui-Nhơn bị bức tử khi vừa mới tượng
hình; vì những đơn vị trưởng trách nhiệm đã đào ngũ trước khi kẻ thù xuất hiện!
Kể từ sau khi rút quân khỏi Đà-Nẵng, một
hiện tượng tương tự cứ xảy ra nơi những tỉnh dọc theo miền duyên hải: Nếu thấy
chiến hạm – bất kể của Hải-Quân Việt-Nam hay Hải-Quân Hoa-Kỳ – lãng vãng ngoài
khơi và cố vấn Mỹ chào tạm biệt Tiểu-Khu-Trưởng để ra đi thì, liền sau đó,
Tiểu-Khu-Trưởng cũng đi theo, tạo nên tình trạng “rắn không đầu”! Binh sĩ tự
động rời đơn vị về lo cho gia đình!
Trên hải trình trở về Bộ-Chỉ-Huy Hải-Quân
Vùng II Duyên-Hải, Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh chỉ thị HQ 7 bắn yểm trợ vùng
Phú-Yên. Cũng chính Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh trực tiếp điều động tất cả
Lực-Lượng Hải-Quân trong vùng và liên lạc với những đơn vị bạn trên bờ để thực
hiện các cuộc đón quân dọc theo miền duyên hải.
ĐIỆP MỸ LINH