Tôn Dật Tiên (1866-1925, tên chữ Hán là Tôn Trung Sơn, hiệu là Dật Tiên) là nhà cách mạng, vị lãnh tụ chính trị, đã giữ một vai trò quan trọng trong công cuộc lật đổ triều đại Nhà Thanh. Ông cũng là vị sáng lập ra Quốc Dân Đảng, là Tổng Thống Lâm Thời Thứ Nhất khi nước Cộng Hòa Trung Hoa được thành lập vào năm 1912. Ông đã khai triển một triết lý chính trị được gọi là Chủ Nghĩa Tam Dân (the Three Principles of the People) và học thuyết này đã ảnh hưởng rất mạnh tới các chính quyền của nước Trung Hoa ngày nay. Ông Tôn Dật Tiên hay ông Tôn Văn, là một nhân vật biểu tượng cho sự đoàn kết sau thời đại quân chủ và trong thế kỷ 20, ông được sự kính trọng của các nhà chính trị tại cả hòn đảo Đài Loan lẫn trên lục địa Trung Hoa.
Sau khi qua đời, ông Tôn Dật Tiên được dân chúng tại Đài Loan gọi là "Người Cha của Đất Nước" (Quốc Phụ) còn trên lục địa, ông được coi là "Nhà Cách Mạng Tiên Phong".
1/ Thuở Niên Thiếu.
Ông Tôn Dật Tiên sinh ngày 12 tháng 11 năm 1866 tại xã Hương Sơn, huyện Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, trong một gia đình nông dân. Sau vài năm theo học tại trường làng, cậu Dật Tiên vào tuổi 13, đã qua Honolulu để sống với người anh ruột tên là Tôn Mỹ (Sun Mei). Ông anh này lớn hơn cậu 12 tuổi, đã di cư sang Hawaii (lúc bấy giờ chưa trở thành một tiểu bang của Hoa Kỳ), làm nghề lao động rồi trở thành một thương gia giàu có. Mặc dù ông Tôn Mỹ luôn luôn không ủng hộ các hoạt động cách mạng của ông Tôn Dật Tiên, nhưng ông anh này đã thường xuyên yểm trợ người em về tài chính nhờ vậy ông Tôn Dật Tiên sau này đã bỏ nghề bác sĩ để theo đuổi các hoạt động cách mạng.
Cậu Dật Tiên đã theo học các môn tiếng Anh, Toán và Khoa Học tại trường Iolani và cậu rất xuất sắc về môn tiếng Anh nên đã nhận được phần thưởng của Vua David Kalakaua. Sau đó, cậu đã theo học trường Đại Học Oahu. Nhờ vào thời gian sinh sống tại nước ngoài này mà cậu Dật Tiên được tiếp xúc với các ảnh hưởng và nền văn minh của phương tây, nhưng rồi cậu phải trở về Trung Hoa bởi vì người anh lớn không muốn cậu theo đạo Thiên Chúa. Tại trường Iolani, cậu Dật Tiên đã quen thân với Tống Phong, là người sau này sáng lập ra Ngân Hàng Hoa-Mỹ Thứ Nhất (the First Chinese-American Bank).
Khi trở về Trung Hoa vào năm 1883, ông Tôn Dật Tiên đã hết sức bất mãn khi nhìn thấy nước Trung Hoa quá lạc hậu, dân chúng bị sưu cao, thuế nặng. Giới trí thức Trung Hoa vào thời kỳ này còn rất bảo thủ và các trường học còn duy trì các phương pháp giảng dạy cổ xưa, không cho phép ai được tự do bộc lộ ý kiến hoặc được tự do tư tưởng. Do ảnh hưởng của các nhà truyền giáo tại Hawaii, ông Tôn Dật Tiên đã coi thường các niềm tin truyền thống của địa phương. Một hôm, khi cùng với một người bạn đi qua một ngôi đình thờ trong làng và lúc đó dân làng đang thờ cúng Thần Hoàng, ông lén vào bên trong đình và bẻ gẫy một cánh tay của pho tượng thờ, vì vậy đã bị dân làng đuổi đánh và sau đó phải trốn qua Hồng Kông.
Tại Hồng Kông, ông Tôn Dật Tiên học thêm tiếng Anh tại trường Giáo Phận (bây giờ là Diocesan Boys' School) rồi qua tháng 4 năm 1884, chuyển qua trường Trung Tâm (the Central School of Hong Kong, bây giờ được gọi là Queen's College). Ông Tôn Dật Tiên đã rửa tội, theo đạo Thiên Chúa do một giáo sĩ người Mỹ thuộc nhà thờ Congregational Church, với tên mới là "Nhật Tân" (Rixin), tức là "đổi mới mỗi ngày". Việc chuyển đạo sang Thiên Chúa Giáo đối với ông Tôn Dật Tiên đã mang các lý tưởng cách mạng và thay đổi để tiến bộ.
Vào năm 1892, ông Tôn Dật Tiên tốt nghiệp văn bằng Bác Sĩ Y Khoa của trường Y Khoa Hồng Kông (bây giờ là trường Đại Học Hồng Kông). Ông đã hành nghề bác sĩ một thời gian ngắn tại thành phố này vào năm 1893 và đã kết hôn với cô Lục Mộ Trân (Lu Muzhen)(1867-1952), người cùng làng, theo sự xếp đặt của gia đình. Họ có 3 người con: con trai tên là Tôn Khoa (Sun Ke) sau này là một nhân viên cao cấp của Chính Phủ Cộng Hòa, và 2 người con gái tên là Tôn Viêm (Sun Yam) và Tôn Loan (Sun Wan).
2/ Đi theo con đường Cách Mạng.
Ông Tôn Dật Tiên rất bất mãn vì chính quyền Nhà Thanh bảo thủ, không chịu chấp nhận các tiến bộ kỹ thuật của các nước phương tây. Vì vậy, ông đã bỏ nghề y khoa để dành toàn thời gian vào công cuộc cải tiến đất nước. Đầu tiên, ông đã liên lạc với hai nhà cải cách là Khang Hữu Vi (Kang Youwei) và Lương Khải Siêu (Liang Qichao). Đây là hai vị học giả chủ trương biến đổi nước Trung Hoa theo chế độ quân chủ lập hiến.
Vào năm 1894, ông Tôn Dật Tiên viết một bức thư dài cho ông Lý Hồng Chương (Li Hongzhang), Tổng Trấn của khu vực Trực Lệ (Zhili) và cũng là một nhà cải cách của triều đình, trong bức thư này có các khuyến cáo làm sao thay đổi nước Trung Hoa, nhưng triều đình Nhà Thanh đã cự tuyệt các đề nghị bởi vì ông Tôn Dật Tiên đã không theo con đường hoạn lộ cũ và giới trí thức thời phong kiến này đã không chấp nhận ông. Vì vậy kể từ đó, ông Tôn Dật Tiên kêu gọi mọi người hãy hủy bỏ chế độ quân chủ và hãy thiết lập một nước Cộng Hòa.
Vào tháng 10 năm 1894, ông Tôn Dật Tiên qua Hawaii và lập nên Hội Phục Hưng Trung Hoa (the Rivive China Society) với mục tiêu xây dựng một nước Trung Hoa phú cường và Hội này sẽ là nền móng cho các hoạt động cách mạng trong tương lai. Các hội viên phần lớn là những người Quảng Đông lưu vong và cũng từ các tầng lớp xã hội thấp như thư ký, thợ thủ công, nông dân...
Qua năm 1895, ông Tôn Dật Tiên âm mưu một cuộc nổi dậy tại Quảng Đông nhưng gặp thất bại rồi trong 16 năm kế tiếp, ông sống lưu vong tại châu Âu, Hoa Kỳ, Canada và Nhật Bản, để tìm cách gây quỹ cho đảng cách mạng của ông và yểm trợ tài chính cho các cuộc nổi dậy khác trong nước Trung Hoa.
Vào năm 1896, trong khi đang sinh sống tại thành phố London, nước Anh, và trong một hoàn cảnh không được biết rõ, ông Tôn Dật Tiên đã bị bắt cóc và bị giam trong Tòa Lãnh Sự của Triều Đình Trung Hoa trong 13 ngày. Có lẽ ông đã đi gặp một người Quảng Đông đang làm việc cho Tòa Lãnh Sự và bị khám phá ra là một nhà cách mạng dưới một tên giả, vì vậy đã bị nhân viên của Tòa Lãnh Sự bắt giữ. Cơ quan này đang dự tính chuyên chở ông về Trung Hoa để trừng trị, thì ông Tôn Dật Tiên đã thuyết phục được một công nhân người Anh trong Tòa Lãnh Sự để người này chuyển tin bị bắt cóc cho ông James Cantlie, Khoa Trưởng của Trường Đại Học Y Khoa Hồng Kông. Nhờ sự phản kháng gấp của ông James Cantlie với Bộ Ngoại Giao Anh và Bộ này liền phản đối cách bắt người trái phép của Tòa Lãnh Sự Trung Hoa mà ông Tôn Dật Tiên được thả ra khỏi nơi giam giữ. Sự việc này đã được các báo chí Anh phổ biến tại nhiều nơi và nhờ vậy, nhiều người đã biết tới danh tiếng của ông Tôn Dật Tiên.
Sau khi được tự do, ông Tôn Dật Tiên đã trải qua 8 tháng kế tiếp để đọc các sách trong Viện Bảo Tàng Anh Quốc (the British Museum) rồi ông qua Nhật Bản qua ngả Canada, tới nơi vào tháng 7 năm 1897. Tại Nhật Bản, ông Tôn Dật Tiên đã gặp ông Miyazaki Torazo, một người ưa thích phiêu lưu và đã đọc các báo chí tường thuật vụ bắt cóc và việc giam giữ nhà cách mạng Trung Hoa này. Ông Miyazaki đã giới thiệu ông Tôn Dật Tiên với các nhân vật có thế lực của Nhật Bản, gồm các ông Okuma Shigenobu, Soejima Taneomi và Inukai Tsuyoshi, và vài người quen này đã trợ giúp ông Tôn Dật Tiên cả về tài chính lẫn ảnh hưởng chính trị.
Từ năm 1903, ông Tôn Dật Tiên đã được giới trí thức Trung Hoa biết đến và làm theo các chủ trương của ông. Đây là thành phần uy tín nhất trong xã hội Trung Hoa và số người đi theo ông Tôn Dật Tiên tăng lên rất nhanh vì hai lý do, thứ nhất, vì triều đình Nhà Thanh càng ngày càng suy đồi, thứ hai, nhờ sự tuyên truyền của ông Lương Khải Siêu, một nhà cải cách vào năm 1898 đã bỏ chạy qua Nhật Bản và hiện thời, đã lập nên một nhà in để chỉ trích Thái Hậu Từ Hi (Dowager Empress), là người đã cai trị nước Trung Hoa, làm cho đất nước suy kém, khiến cho cách mạng là con đường giải thoát duy nhất.
Uy tín của ông Tôn Dật Tiên đã gia tăng rất nhiều tại các quốc gia bên ngoài Trung Hoa. Từ năm 1904, ông đã tổ chức nhiều tổ cách mạng tại châu Âu, còn tại Nhật Bản, ông Tôn Dật Tiên được mọi người biết dưới tên Nakayama Shoo (Trung Sơn Tiều = người đốn củi của ngọn núi trung tâm = the Woodcutter of Middle Mountain). Vì vậy về sau, nhiều người đã gọi ông là Tôn Trung Sơn. Ông cũng tham gia các nhóm bất đồng chính kiến với chính quyền Nhà Thanh và khi các nhóm này trở thành Đồng Minh Hội (Tongmenghui) vào năm 1905, ông Tôn Dật Tiên được bầu là nhà lãnh tụ.
Trong 3 năm, tổ chức Đồng Minh Hội đã quảng bá rộng rãi các chính sách và đường lối qua tờ Dân Báo (Minpao). Tuy nhiên, đây cũng là một tổ chức đảng lỏng lẻo và ông Tôn Dật Tiên đã không kiểm soát được tất cả đảng viên của mình. Các cuộc nổi dậy trong nước thường gặp thất bại khiến cho nhiều đảng viên thất vọng và công việc đóng góp tài chính cũng bị giảm đi. Sau đó, triều đình Nhà Thanh đã vận động với chính quyền Nhật Bản trục xuất ông, vì vậy ông Tôn Dật Tiên phải qua sống tại Hoa Kỳ.
Trong một năm trường từ 1909 tới 1910, ông Tôn Dật Tiên đã qua lại châu Âu và Hoa Kỳ, đã vận động được nguồn tài chính tại Canada và Hoa Kỳ nên quyết định một cuộc nổi dậy vào ngày 27 tháng 4 năm 1910 tại Quảng Đông, nhưng mưu đồ này không khác hơn các lần trước. Trong lúc này, chính quyền Nhà Thanh cũng cải tổ quân đội, bãi bỏ chế độ thi cử quá cũ, thành lập các cơ quan đại diện tỉnh và trung ương, nhưng nhịp độ cải tiến quá chậm nên giới trí thức Trung Hoa vẫn bất mãn. Qua năm 1911, Nhà Thanh quyết định quốc hữu hóa tất cả hệ thống đường xe lửa khiến cho các nhà đầu tư địa phương nổi giận. Các cuộc nổi dậy võ trang đã xẩy ra tại tỉnh Tứ Xuyên và chính quyền trung ương đã không thể dẹp loạn được.
Vào ngày 10 tháng 10 năm 1911, một cuộc nổi dậy có võ trang đã diễn ra tại Vũ Xương (Wuchang), và mặc dù thiếu phối hợp, chính quyền tỉnh đã bị lật đổ, khi đó người đứng ra tổ chức là Hoàng Hưng (Huang Xing) và ông Tôn Dật Tiên đã không trực tiếp điều khiển cuộc nổi dậy này. Khi được biết cuộc cách mạng đã thành công do các báo cáo của báo chí, ông Tôn Dật Tiên đã từ Colorado, Hoa Kỳ, trở về Thượng Hải,Trung Hoa, vào tháng 12 năm đó. Vào ngày 29 tháng 12 năm 1911, một cuộc họp các đại biểu từ các tỉnh, đã được tổ chức tại Nam Kinh (Nanjing) và ông Tôn Dật Tiên được mọi người bầu làm Tổng Thống Lâm Thời của nước Cộng Hòa Trung Hoa và hội nghị này đã ấn định ngày 01 tháng 01 năm 1912 là ngày đầu tiên của Năm Thứ Nhất của nước Cộng Hòa. Hệ thống Lịch Cộng Hòa này hiện này còn được sử dụng tại Đài Loan.
Các văn bản của Quốc Dân Đảng đã xác nhận ông Tôn Dật Tiên là Tổng Thống Lâm Thời Thứ Nhất nhưng hiện nay, nhiều sử gia cho rằng ông đã không trực tiếp điều khiển cuộc nổi dậy tại Vũ Xương, bởi vì ông đã ở ngoài nước vào thời gian này, nhưng vì mọi người Trung Hoa đã kính trọng ông và coi ông Tôn Dật Tiên là một nhân vật lý tưởng, có thể hòa giải các nhà cách mạng và giới trí thức bảo thủ.
Dù sao, công lao chính của ông Tôn Dật Tiên là cung cấp các ngân khoản cho các cuộc cách mạng và luôn luôn giữ cho tinh thần cách mạng được duy trì, ngay cả sau một loạt thất bại. Ông Tôn Dật Tiên cũng có công rất lớn trong việc kết hợp các nhóm cách mạng nhỏ vào một đảng phái duy nhất to lớn hơn, để làm nền móng cho những người cùng chung lý tưởng giải phóng dân tộc.
Ông Tôn Dật Tiên được mọi người dân Trung Hoa rất kính trọng, được gọi là "Người Cha của Đất Nước Trung Hoa Mới" (Quốc Phụ). Nền triết lý chính trị của ông được biết dưới danh hiệu Chủ Nghĩa Tam Dân (The Three Principles of the People = Dân Tộc Độc Lập, Dân Quyền Tự Do, Dân Sinh Hạnh Phúc), được công bố vào tháng 8 năm 1905. Sau đó, tác phẩm "Các Phương Pháp và Chiến Lược để xây dựng một Quốc Gia" (Methods and Strategies of Establishing the Country) của ông được hoàn thành vào năm 1919 trong đó ông Tôn Dật Tiên đã khuyên mọi người Trung Hoa dùng các nguyên tắc Tam Dân để thực hiện cho Quốc Gia các mục tiêu hòa bình, tự do và bình đẳng.
3/ Nước Cộng Hòa Trung Hoa.
Sau khi tuyên thệ nhậm chức Tổng Thống Lâm Thời, ông Tôn Dật Tiên đã gửi điện tín tới các lãnh tụ của các tỉnh, yêu cầu họ gửi các đại biểu để thiết lập nên một Quốc Hội của nước Cộng Hòa Trung Hoa. Tiếp theo, các nội quy tổ chức chính quyền lâm thời và các luật lệ của đất nước được công bố, để làm thành thứ luật pháp căn bản. Tuy nhiên vào giai đoạn này, chính phủ lâm thời còn rất yếu, các tỉnh phía nam của Trung Hoa đã tuyên bố độc lập với triều đình Nhà Thanh trong khi các tỉnh phía bắc chưa làm theo. Ngoài ra, chính quyền lâm thời đã không có một lực lượng quân sự, công việc kiểm soát các thành phần trong quân ngũ mới còn bị giới hạn và còn nhiều lực lượng quân sự chưa tuyên bố chống lại triều đình Nhà Thanh.
Vấn đề chính vào thời gian này là làm sao đạt được sự ủng hộ của Viên Thế Khải (Yuan Shikai), là người hiện đang chỉ huy đạo quân Bắc Dương (Beiyang Army) thuộc miền bắc Trung Hoa. Sau khi được ông Tôn Dật Tiên hứa nhường chức Tổng Thống nước Cộng Hòa mới, Viên Thế Khai đã về phe cách mạng và bắt vua Nhà Thanh phải thoái vị vào ngày 12/2/1912 rồi vào ngày 14, ông Viên Thế Khải lên làm Tổng Thống của nước Trung Hoa.
Viên Thế Khải đã bổ nhiệm ông Tôn Dật Tiên làm Tổng Giám Đốc chương trình phát triển đường xe lửa nhưng vào tháng 3 năm 1913, Tống Giáo Nhân (Song Jiaoren) là người đang lo tổ chức lại Quốc Dân Đảng, đã bị ám sát, mà theo nhiều người tin tưởng, là do lệnh của Viên Thế Khải. Ước mong của ông Tôn Dật Tiên là Trung Hoa sẽ trở thành một nước Cộng Hòa, điều này đã sớm bị tiêu tan khi Viên Thế Khải muốn tìm cách trở thành nhà độc tài, muốn lên ngôi Hoàng Đế, nên đã giải tán Quốc Hội, trục xuất ông Tôn Dật Tiên và các nhà cách mạng Quốc Dân Đảng ra khỏi chính quyền, khiến cho ông Tôn Dật Tiên phải bỏ chạy qua Nhật Bản và tại nơi này, ông đã tổ chức lại Quốc Dân Đảng.
Vào ngày 25/10/1915 tại Nhật Bản, ông Tôn Dật Tiên đã kết hôn với cô thư ký riêng của mình là bà Tống Khánh Linh (Soong Ching-ling) mà không ly dị người vợ đầu tiên là Lục Mộ Trân nên ông bị cộng đồng người Hoa phản đối. Bà vợ chính đã khuyên ông nên coi bà Tống Khánh Linh như một người vợ lẽ nhưng điều này đã không hợp với đạo lý Thiên Chúa giáo của ông.
Vào các năm cuối của thập niên 1910, nước Trung Hoa bị chia rẽ bởi các sứ quân mà không có một chính quyền trung ương. Ông Tôn Dật Tiên đã nhận ra nguy hiểm này, nên ông đã trở về Trung Hoa vào năm 1917 để cổ võ cho việc thống nhất đất nước. Tháng 7 năm 1917, ông Tôn Dật Tiên đã phải bỏ chạy về Thượng Hải khi không được đốc quân Quảng Đông là Lục Vĩnh Đình (Lu Rong Ting) ủng hộ.
Từ năm 1921, ông Tôn Dật Tiên bắt đầu xây dựng một chính phủ quân sự tại Quảng Châu (Guangzhou) và được bầu làm Tổng Thống kiêm Đại Nguyên Soái (Generalissimo).
Sang năm 1923, ông Tôn Dật Tiên diễn thuyết và công bố Chủ Nghĩa Tam Dân là nền móng của Quốc Gia, một phần trong bài diễn văn này đã được đặt làm Quốc Ca của nước Cộng Hòa Trung Hoa.
Để có thể phát triển một lực lượng quân sự cần thiết cho công cuộc Bắc Phạt chống lại các xứ quân tại Bắc Kinh, ông Tôn Dật Tiên đã cho thiết lập Trường Võ Bị Hoàng Phố (the Whampoa Military Academy) gần Quảng Châu với Tướng Tưởng Giới Thạch làm Chỉ Huy Trưởng và với các vị huấn luyện chính trị là các nhà lãnh tụ đảng như Uông Tinh Vệ (Wang Ching-wei) và Hồ Hán Dân (Hu Han-min). Trường Võ Bị này được duy trì cho tới cuối thời Cộng Hòa Trung Hoa và còn được tiếp tục là một trường quân sự chính của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ngày nay.
4/ Trên đường Bắc Phạt và qua đời.
Vào đầu thập niên 1920, ông Tôn Dật Tiên đã không nhận được các trợ giúp của Nhật Bản và các nước phương tây, nên ông đã bị vỡ mộng trước các nước này, không còn tin tưởng vào nền dân chủ đại nghị. Thêm vào là ảnh hưởng xấu của cuộc Thế Chiến Thứ Nhất, sự không thể ổn định của chính quyền Trung Hoa mới nên ông Tôn Dật Tiên đã nghĩ rằng chính quyền Cộng Hòa có thể sẽ không là một giải pháp cho các vấn đề của Trung Hoa. Vì vậy ông đã hướng về chính quyền Xô Viết, khi đó đã nắm quyền tại nước Nga từ năm 1917.
Vào năm 1922 và 1923, một nhà ngoại giao Xô Viết tên là Adolf Joffe, đã thăm viếng ông Tôn Dật Tiên tại Thượng Hải rồi qua tháng 10 năm 1923, Mikhail Borodin, người đại diện cho Tổ Chức Comintern (Cộng Sản Quốc Tế) tới Quảng Đông và được sự tin tưởng của ông Tôn Dật Tiên. Liên Xô khi đó đã hứa hẹn giúp đỡ chính quyền còn non trẻ tại Quảng Châu không những về tài chánh mà còn về quân sự và Cơ Quan Comintern đã hứa giúp ông Tôn Dật Tiên tổ chức lại Quốc Dân Đảng thành một đảng phái Lênin-nít Dân Chủ và Tập Trung (a Leninist Democratic-Centrist Party). Qua năm 1924, ông theo đuổi công việc thành lập một mặt trận đoàn kết giữa các người Cộng Sản và Quốc Dân Đảng với lòng mong muốn chinh phục nước Trung Hoa nhanh chóng hơn. Cũng do thúc giục của đảng Cộng Sản Liên Xô mà đảng Cộng Sản Trung Hoa đồng ý cộng tác với Quốc Dân Đảng.
Ông Tôn Dật Tiên cũng nhận thấy rằng hy vọng duy nhất để có một nước Trung Hoa thống nhất tùy thuộc vào cách chinh phục quân sự với căn cứ đặt tại miền Nam, tiếp theo là một giai đoạn giám hộ chính trị để dần dần đi tới thể chế dân chủ. Vì vậy, ông đã chuẩn bị công cuộc Bắc Phạt với sự giúp đỡ của các cường quốc nước ngoài như Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Vào ngày 10/11/1924, ông Tôn Dật Tiên đi lên miền bắc Trung Hoa và đã diễn thuyết, kêu gọi một hội nghị dành cho người dân Trung Hoa và hủy bỏ các hiệp ước bất bình đẳng ký với các nước ngoài. Hai ngày sau, ông trở lại Bắc Kinh để thảo luận về các cuộc nội chiến giữa các đốc quân (warlords), về tương lai của nước Trung Hoa và mặc dù sức khỏe của ông suy giảm, ông vẫn là vị lãnh tụ của chính phủ miền Nam.
Ông Tôn Dật Tiên sang Nhật Bản vào ngày 28/11/1924 và diễn thuyết về chương trình Toàn Á (Pan-Asianism) tại thành phố Kobe, Nhật Bản. Sau đó ông về Bắc Kinh để thảo luận với các lãnh tụ miền Bắc về việc thống nhất nước Trung Hoa. Tại Bắc Kinh, ông Tôn Dật Tiên đã qua đời vào ngày 12/3/1925 vì bị ung thư gan.
Ngay sau khi ông Tôn Dật Tiên quá vãng, đã có một cuộc tranh giành quyền lực giữa Tướng Tưởng Giới Thạch, một người trẻ được ông ủng hộ và ông Uông Tinh Vệ, một đồng chí cũ trong Quốc Dân Đảng. Cả hai phe đều tự cho mình là người kế nghiệp vị Lãnh Tụ Tôn Dật Tiên. Tới khi cuộc nội chiến Quốc- Cộng diễn ra vào năm 1927, hai phe phái này cũng tự nhận mình là các người thừa kế chính thức của vị Đại Lãnh Tụ.
Ông Tôn Dật Tiên là vị Lãnh Tụ được toàn thể người Trung Hoa trên toàn thế giới kính trọng và di sản của ông là ý thức hệ chính trị, là ước muốn nước Trung Hoa trở thành một quốc gia hùng mạnh và kiêu hãnh.
Phạm Văn Tuấn
Đọc thêm:
Tôn Trung Sơn
https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%B4n_Trung_S%C6%A1n