Tuesday, 17 July 2018

Người bạn đồng hành

Image result for tâm vấn ca sĩ

Bà Tâm Vấn  qua đời ngày 3 tháng 7 tại Sài-Gòn, ba ngày sau ông Hà Sĩ Phu từ Đà-Lạt viết cho Bác sĩ Nguyễn Đan Quế bức thư dưới đây:
 
Được tin Chị Tâm Vấn vừa từ biệt cõi trần tôi xin gửi tới Anh, Bs Nguyễn Đan Quế lời phân ưu đồng cảm tha thiết nhất. Còn nhớ năm 1996 khi Anh và tôi cùng đang ở trong tù thì hai bà vợ, Chị Tâm Vấn và nhà tôi Thanh Biên đã tìm nhau để cùng nhau an ủi, rồi sau đó Anh Chị đã gửi tặng vợ chồng tôi tấm hình kỷ niệm, mặc dù đến lúc ấy tôi và Anh còn chưa gặp nhau. Đến nay cả hai vị hiền thê của chúng ta đều đã thành người thiên cổ, chúng ta mồ côi. 

Còn nhớ những năm trước 1954, tôi còn là cậu học sinh trung học ở trường Nguyễn Trãi Hà nội, tôi vẫn say mê tiếng hát ca sĩ Tâm Vấn cùng với nam ca sĩ Ngọc Bảo. 
 
(Cứ nhớ một lần ca sĩ Tâm Vấn nói nhạo cái tên mình trên đài Pháp Á: Đã VẤN thì phải ĐÁP chứ).Thấm thoắt thế mà đã 70 năm, một kiếp người đã trôi qua, thế cục bao xoay vần biến đổi. 
 
May mắn cho chúng ta được trời cho những bà vợ chẳng những giỏi tề gia mà còn là bạn đồng hành kiên trung trên con đường dấn thân trả nghĩa cuộc đời, trả ơn đất nước đã sinh ra ta và dạy dỗ ta nên người, mà nay đất nước ấy vẫn chưa hết nguy nan. 
 
Những tấm hình của những người “bạn đồng hành” thân yêu ấy hôm nay đã thành những di ảnh luôn bên chúng ta tiếp sức như lúc sinh thời. Thú thật với Anh, tôi là anh con trai khá ủy mị, nặng tình, đã gần một năm trôi qua mà ngày nào nhớ vợ cũng khóc, tồi thế đấy, xấu hổ thế đấy. Không biết vì thế hay vì chứng tiểu đường mà hai mắt bây giờ rất kém, mỗi ngày một kém trông thấy, như người mù dở, ngồi trước vi tính mà mặt cứ phải dán sát vào màn hình mới đọc được, cặp kính lão cũng chẳng giúp được gì, báo hiệu giai đoạn cuối cùng rồi. 
 
Mấy lời chia sẻ cùng Anh nhân ngày đau thương của Anh. Mong Anh mạnh mẽ hơn tôi, vượt qua nỗi đau nhất trong đời. (ngưng trích)
 
Trước khi ông Hà Sĩ Phu viết lá thư trên đây cho ông Nguyễn Đan Quế, tối 4 tháng 7, một ngày sau khi bà Tâm Vấn ra đi, một số người tham gia hoạt động cho nhân quyền, dân chủ đã tới viếng tang tại tư gia BS Quế. Tối hôm ấy, mọi người đều tỏ lòng thương tiếc và nhắc tới những kỷ niệm với bà Tâm Vấn, người “bạn đồng hành” của chiến sĩ nhân quyền Nguyễn Đan Quế. Có mặt trong số người tới viếng tang tối hôm ấy, Hòa Thượng Không Tánh đã kể lại một lần đi thăm tù tại khám Chí Hòa cách nay gần ba mươi năm, Thầy đã tình cờ gặp bà Tâm Vấn đi thăm BS Quế (bị tù lần thứ hai từ 1990 tới 1998). Trong lúc chuyện trò, bà Tâm Vấn đã tâm sự rằng nếu vì sự khổ sở trong tù mà ông Quế bỏ cuộc hay đầu hàng thì bà sẽ chia tay với chồng. Nghe câu chuyện này, BS Quế cũng thừa nhận rằng mấy chục năm nay, vợ ông luôn luôn là chỗ dựa vững chắc cho ông trên con đường đấu tranh gian khổ của ông.
 
Nhân câu chuyện này, tưởng nên nhắc tới một câu chuyện khác cũng liên quan tới lần ở tù thứ hai của BS Nguyễn Đan Quế. Cũng như những vụ án chính trị dưới mọi chế độ cộng sản, phiên xử BS. Nguyễn Đan Quế của cái được gọi là “Tòa án Nhân dân” VC chỉ là một màn kịch buồn tẻ để tuyên một bản án đã có sẵn: 20 năm tù với tội danh “âm mưu nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Phiên tòa chỉ có một khác thường nhỏ: sự có mặt “ngoài chương trình” của một nhà báo ngoại quốc duy nhất: Nữ Ký giả Nga Irina Zisman thuộc chương trình tiếng Việt của Đài Phát Thanh Mạc-Tư-Khoa thời cộng sản. Bà Irina đã tình cờ có mặt tại VN trong thời gian ấy và đã tới chứng kiến phiên tòa mà không ai dám ngăn cản. Bà Irina đã theo dõi phiên xử, đã khâm phục tinh thần bất khuất của BS. Nguyễn Đan Quế và rất có cảm tình với bà Tâm Vấn. Irina nói tiếng Việt rất giỏi, đã hỏi han chuyện trò với ông bà Nguyễn Đan Quế mà công an chỉ trố mắt đứng nhìn, không can thiệp.
 
Phiên tòa bế mạc, BS Quế trở lại nhà tù, bà Tâm Vấn về nhà vò võ một mình, nhưng từ nay bà có một người bạn mới, người bạn khác chủng tộc, khác chiến tuyến nhưng lại cùng chia sẻ những giá trị của tự do, nhân quyền, nhân bản và cùng mang một hoài bão về sự đào thải của chủ nghĩa cộng sản như đã diễn ra tại Đông Âu năm vừa qua.
 
Hết chuyến công tác tại Việt Nam, Irina Zisman trở về Mạc-Tư-Khoa với công việc thường nhật tại đài phát thanh trung ương Liên-Sô, làm nhiệm vụ nói với thính giả của nước Việt Nam xa xôi những điều mà chính lòng mình cũng không tin trong lúc ngay tại thành trì của chủ nghĩa cộng sản đang có những biến chuyển mạnh mà sang năm sau, 1991 thì Liên-Sô tan rã, chế độ cộng sản sụp đổ.
 
Chế độ mới do Boris Yeltsin lãnh đạo cho dân Nga hít thở không khí tự do sau 70 năm giam hãm, kể cả tự do báo chí, trong đó tư nhân có quyền làm đài phát thanh. Không chậm trễ một ngày, Irina đã xin nghỉ việc và thuê một làn sóng ngay trong cái đài phát thanh mà bà đã làm việc trong bao nhiêu năm để phục vụ cái chế độ mà bà chán ghét.
 
Xin tiền của nhà thờ và các tờ báo lớn tại Nga, Irina thành lập “Radio Irina”, hay “Tiếng nói Tự Do phát thanh từ Mạc-Tư-Khoa”, hàng ngày hướng về Việt Nam cổ vũ tự do, nhân quyền mà trường hợp Nguyễn Đan Quế đã là động cơ thúc đẩy Irina vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, kể cả “mất nhà vì làm đài”. “Radio Irina” đã làm CSVN hoảng sợ tới nỗi đã phải gây áp lực mạnh lên chính quyền mới tại Nga để đóng cửa Đài. Mặc dù được Cộng đồng Người Việt ở khắp nơi yểm trợ vì nhận thức rõ đây là vũ khí vô song “trời cho” từ hải ngoại, “Radio Irina” đã phải im tiếng sau hơn hai năm hoạt động.
 
Mặc dù không còn Đài, nhưng tình bạn thắm thiết giữa bà Tâm Vấn và Irina vẫn bền chặt cho tới nay, sau gần 30 năm với bao khổ đau, tổn thương, mất mát. Dù xa xôi, cách trở, liên lạc khó khăn, khi có dịp, bà Tâm Vấn cũng làm một cái gì đó để Irina thấy sự trân quý của bà với tình bạn giữa hai người, như gửi một món quà nhỏ, hay một tấm thiệp với lời chúc nồng nàn trong dịp sinh nhật hay ngày đầu năm.
 
Bất cứ ai có liên hệ với bà Tâm Vấn đều nhận thấy ở bà một con tim đằm thắm, và một tâm hồn cao quý. Bà chịu đựng những khổ đau không than vãn và đương đầu với những thách đố một cách lạc quan. Và định mệnh đã đưa bà Tâm Vấn tới làm “người bạn đồng hành” của Nguyễn Đan Quế.
 
Năm 1995, trong khi đang ngồi tù lần thứ hai với bản án 20 năm giam cầm, ông Quế được CSVN cho sang Mỹ cùng với vài “tù nhân lương tâm” khác. Ông đã từ chối. Một quyết định được mọi người khâm phục mà người ta nghĩ rằng có sự đồng tâm của “người bạn đồng hành” của ông.
 
Ai cũng chỉ có một đời để sống, và mong được sống bình an trong tự do, nhân phẩm. Cộng sản đã giết hơn một trăm triệu người trên thế giới, và tước quyền sống bình an trong tự do, nhân phẩm của bao nhiêu triệu người khác?
 
Một cuộc đời mà suốt mấy mươi năm hết vào tù ra khám lại quản chế, quản thúc tại gia, nhà cửa bị khám xét bất cứ lúc nào, bị quấy nhiễu khủng bố tinh thần liên tục ngày đêm… thì còn gì để sống, và “người bạn đồng hành” phải sống ra sao?
 
Hai năm trước, BS. Nguyễn Đan Quế được Nam Hàn trao tặng “Giải Nhân quyền Gwangju” 2016, tờ Nhân Dân điện tử của CSVN đã đăng một bài “bình luận – phê phán” ngày 23.5.2016 để mạt sát cả người nhận giải lẫn người phát giải với luận điệu sặc mùi văn nô bồi bút dưới đây:

Ngày 21-4 mới đây, căn cứ vào thứ “thành tích” kỳ quặc gọi là “hành trình đi tìm tự do cho dân tộc và sự trừng phạt phải gánh chịu đã tạo cảm hứng cho con người toàn thế giới lên tiếng… thay mặt những người thấp cổ bé họng chỉ trích chính sách phân biệt đối xử về chăm sóc y tế của chế độ chỉ dành ưu tiên cho đảng viên cộng sản thay vì dành cho người nghèo” (!) “giải thưởng nhân quyền Gwangju” năm 2016 được trao cho Nguyễn Đan Quế - một người Việt Nam. Vậy, Nguyễn Đan Quế là ai?
Không cần tìm trong hồ sơ của cơ quan chức năng, chỉ cần vào internet sẽ dễ dàng biết được lai lịch, quá trình hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam, chống phá chế độ của Nguyễn Đan Quế đã diễn ra như thế nào, vì mấy kẻ “cùng hội cùng thuyền” với ông ta không e ngại quảng bá các “thành tích” của người này. Nguyễn Đan Quế sinh năm 1942, tại Hà Nội, năm 1954 di cư vào nam, tốt nghiệp Đại học Y khoa năm 1966. Sau đó làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy, rồi tu nghiệp tại Bỉ, Pháp, Anh. Năm 1978, Nguyễn Đan Quế và một số người lập cái gọi là “mặt trận dân tộc tiến bộ” cho nên đã bị bắt giam và năm 1988 được phóng thích. Năm 1990, Nguyễn Đan Quế lập ra cái gọi là “cao trào nhân bản”, đồng thời công bố “lời kêu gọi của cao trào nhân bản” đòi nhân quyền, đa nguyên chính trị, tuyển cử tự do. Vì thế ông ta bị bắt giữ với tội danh “âm mưu nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, và nhận bản án 20 năm tù, 5 năm quản thúc. Năm 1998, nhờ chính sách khoan hồng của Nhà nước, Nguyễn Đan Quế đã được ra tù trước thời hạn. Dù được Nhà nước khoan dung song bản chất con người Nguyễn Đan Quế vẫn không thay đổi. Năm 1999, ông ta công bố cái gọi là “thông cáo đòi dân chủ hóa đất nước”; năm 2003, ông ta gửi văn bản chỉ trích Nhà nước Việt Nam tới Chính phủ Hoa Kỳ. Năm 2004, Nguyễn Đan Quế tiếp tục nhận bản án 30 tháng tù với tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước”, đến năm 2005 được Nhà nước Việt Nam đặc xá. Năm 2011, khám xét khẩn cấp nhà riêng của Nguyễn Đan Quế, cơ quan an ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện trong máy tính của ông ta lưu trữ hơn 60.000 đầu tài liệu kích động, kêu gọi chống phá Nhà nước cùng “lời kêu gọi toàn dân xuống đường” biểu tình lật đổ chế độ. Nguyễn Đan Quế thừa nhận tài liệu do ông ta soạn thảo, đã phát tán cho một số tổ chức, cá nhân phản động ở trong nước, ngoài nước. Đến năm 2013, Nguyễn Đan Quế tiếp tục làm đầu trò để lập ra cái gọi “mạng lưới các blogger Việt”, “hiệp hội nhân quyền phụ nữ Việt Nam”; và năm 2014 là người chủ mưu để cho ra đời cái gọi là “hiệp hội các cựu tù nhân lương tâm”…
Như vậy, sau mấy chục năm hoạt động chống phá Nhà nước, chống phá chế độ, Nguyễn Đan Quế đã bị bắt giam và tuyên án ba lần. Đó chính là lý do để các thế lực thù địch, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam ban phát cho ông ta nhãn hiệu lừa mỵ như “nhà dân chủ, nhà bất đồng chính kiến, nhà đối lập hàng đầu”. Đó cũng là lý do để mỗi khi cần tiếng nói “to mồm” trước vấn đề, sự kiện nào đó ở Việt Nam, RFA, BBC, RFI, VOA,… lại tìm đến Nguyễn Đan Quế, tạo cơ hội để ông ta phát ngôn ngông cuồng, tùy tiện như đòi “cô lập Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam để đánh đổ một đảng với chủ nghĩa lỗi thời, công nhận quyền tư hữu, phối hợp trong - ngoài”. Thậm chí, dù dân chúng Việt Nam không biết ông ta là ai, ngày 3-3-2011, có người còn vẽ vời trên BBC viễn cảnh khôi hài: “Nếu như hình ảnh bác sĩ Nguyễn Đan Quế cũng bước ra đường vào một thời khắc nào đó, bị công an xô đẩy và rơi vào ống kính truyền thông thì có thể nói cách mạng hoa nhài được chính thức bắt đầu”! (ngưng trích)

 Mọi người đọc đều biết giá trị của bài viết trên đây không hơn con số 0, kể cả kẻ đã viết ra nó, nhưng nó đã nói lên ba điều:
1.     Vì muốn được sống như một con người tự do, cho mình và cho mọi người Việt Nam, Nguyễn Đan Quế và những người cùng chí hướng đã trở thành mục tiêu cho CSVN dập vùi, hành hạ trong suốt mấy chục năm qua.
2.     Não trạng sợ hãi mà cộng sản, ở VN cũng như ở mọi nơi khác, đã gieo vào đầu người dân khi chưa (hay mới) cướp được chính quyền, đã không còn. Vì vậy mà CSVN ngày nay đã phải đẩy những “tên phản động” lên máy bay sang Mỹ cho khuất mắt, thay vì “giải quyết gọn” bằng một đường mã tấu bén ngọt trong đêm tối, hay một nhát búa vào sau đầu, như trước.
3.     Cộng sản VN, và vài nước cộng sản còn sót lại, đều biết chủ nghĩa cộng sản đã chết, nên đã tự biến chất dần từ "chuyên chính vô sản" trở thành “chuyên chính hữu sản”, dù vẫn mang bảng hiệu chủ nghĩa cộng sản, hay chủ nghĩa xã hội. Lịch sử đầy máu và nước mắt về sự nổi dậy và sự suy tàn của chủ nghĩa cộng sản (hay chủ nghĩa xã hội) trong hơn một thế kỷ vừa qua đã chứng minh chủ nghĩa ấy là một tai ương của nhân loại.

Thế thì bao giờ con quái thú “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” mới chết?

Có lẽ  người bạn đồng hành của BS. Nguyễn Đan Quế đã nhận thấy ngày ấy đang đến gần nên nhân dịp Tết Đinh Dậu, 2017, Danh ca Tâm Vấn đã cùng hai con gái đồng ca bài Ly Rượu Mừng, thu vào video và gửi cho những người bạn ở khắp nơi.(*)

Khi hát bài này, đôi mắt bà Tâm Vấn hoen lệ, hình như bà linh cảm “người bạn đồng hành” của Nguyễn Đan Quế sắp phải bỏ ông giữa đường.

Hỏi, ai có thể cầm được nước mắt?
 
Ký Thiệt
(Đời Nay ra ngày 13.7.2018)
(*) - Ai muốn nhận youtube này xin cho biết)