Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại nhân cuộc họp báo tại Helsinki, ngày 16/07/2018.REUTERS/Leonhard Foeger
Sau cuộc gặp thượng định lịch sử ngày hôm qua, 16/07/2018 tại Helsinki, thủ đô Phần Lan, tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá là các cuộc trao đổi với nguyên thủ Hoa Kỳ « rất thành công và rất hữu ích ». Về phần mình, tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, hai nguyên thủ đã đối thoại « thẳng thắn, cởi mở và rất hiệu quả… Và đó mới chỉ là bước khởi đầu ».
Liên đến cuộc điều tra về nghi án Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, Donald Trump coi đó là một « thảm họa », đồng thời khẳng định là ông đã nói thẳng vấn đề này với đồng nhiệm Nga.
Về phần mình, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đánh giá cuộc gặp thượng đỉnh song phương đầu tiên tại Helsinki là « còn trên cả tuyệt vời ».
« Đúng, tôi muốn ông Trump thắng cử. Vladimir Putin đã trả lời không vòng vo câu hỏi của một nhà báo là phải chăng ông muốn Donald Trump giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Nguyên thủ Nga giải thích: khi còn là ứng viên, tổng thống Trump đã nói đến sự cần thiết tái thúc đẩy quan hệ Nga-Mỹ. Do vậy, việc xã hội Nga có cảm tình với ứng viên này là lẽ tự nhiên.
Về câu hỏi, phải chăng trong bối cảnh đó, dường như nước Nga đã tìm cách hỗ trợ ứng viên Trump ? Tổng thống Nga trả lời : Chúng tôi không can thiệp vào công việc nội bộ của nước Mỹ.
Những lời chối bỏ này đã thuyết phục được nguyên thủ Hoa Kỳ. Dường như Donald Trump tin vào lời nói của tổng thống Nga hơn là những báo cáo của đại diện cơ quan tình báo Mỹ. Ông nói : tổng thống Putin vừa mới khẳng định là nước Nga không can thiệp. Hôm nay, tổng thống Putin đã bác bỏ mạnh mẽ và dứt khoát việc này.
Tổng thống Vladimir Putin còn đưa ra một đề nghị : Có thể tiến hành thẩm vấn tại Nga 12 nhân viên tình báo Nga bị cáo buộc đã đánh cắp thông tin trong các máy tính của đảng Dân Chủ và bị khởi tố tuần trước, nếu như tư pháp Hoa Kỳ yêu cầu và thậm chí chưởng lý đặc biệt Mueller cũng có thể tham dự cuộc thẩm vấn, nhưng với một điều kiện là Hoa Kỳ phải để cho Nga tiến hành cuộc điều tra này. »
Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại cuộc họp báo ngày 16/07/2018 tại Helsinki, Phần LanREUTERS/Kevin Lamarque
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Helsinki, hôm qua, 16/07/2018, sau cuộc hội kiến kéo dài hai giờ với tổng thống Nga, tổng thống Mỹ Donald Trump đã không thừa nhận thực tế Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, cho dù tất cả các cơ quan tình báo Hoa Kỳ khẳng định điều này.
Thái độ của ông Donald Trump gây ra một làn sóng chỉ trích dữ dội hiếm có tại Mỹ, kể cả trong phe Cộng Hòa. Từ nhiều tháng nay, Nhà Trắng đã cố gắng xua tan nỗi nghi ngờ trong dư luận, là tổng thống Trump sẽ không dám đối đầu với nguyên thủ Nga Vladimir Putin.
Thông tín viên Eric de Salve tường trình từ San Francisco :
« Tất cả bắt đầu với một câu hỏi đơn giản của một phóng viên với ông Donald Trump, trong cuộc họp báo tại Helsinki cùng đồng nhiệm Nga : Tổng thống Nga phủ nhận đã can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016, tuy nhiên tất cả các cơ quan tình báo Mỹ đã đưa ra kết luận ngược lại. Ông tin tưởng vào ai ?. Sau đây là câu trả lời của tổng thống Mỹ, người vừa có cuộc trao đổi riêng với đồng nhiệm Nga : Tổng thống Putin vừa nói với tôi rằng Nga không can thiệp. Tôi không hiểu tại sao chuyện ấy lại có thể xảy ra.
Câu trả lời của tổng thống Mỹ ngay lập tức làm dấy lên một làn sóng phản đối từ phía đảng Dân Chủ, nhưng lần này chính phe của ông Trump cũng phẫn nộ. Thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa John McCain nhận định : Cuộc họp báo ở Helsinki là một trong các hành động đáng hổ thẹn nhất của một tổng thống Mỹ.
Về phần mình, chủ tịch Hạ Viện, chính trị gia đảng Cộng Hòa Paul Ryan nhấn mạnh : Hoàn toàn chắc chắn là có sự can thiệp của Nga vào bầu cử. Ngay cả lãnh đạo đa số Cộng Hòa tại Thượng Viện, ông Mitch McConnel, vốn ít có xu hướng phê phán tổng thống, cũng không ngần ngại lên tiếng : Nga không phải là bạn của nước Mỹ. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào đánh giá của các cơ quan tình báo của chúng ta.
Đối với CIA và FBI, việc Nga can thiệp vào cuộc tranh cử Mỹ năm 2016 là điều không có gì phải nghi ngờ nữa. Trong một thông cáo công bố hôm qua, 16/07, ông Dan Coats, lãnh đạo tình báo Mỹ, đã một lần nữa tái khẳng định điều này. Khi một nhà báo đề nghị tổng thống Nga Vladimir Putin là phải chăng ông đã hy vọng Donald Trump đắc cử. Tổng thống Nga trả lời không lưỡng lự : Đúng như vậy, và giải thích đó là do ông Trump đã hứa sẽ bình thường hóa quan hệ Nga-Mỹ ».
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (G) đón chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tust (T) và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, Tokyo, ngày 17/07/2018REUTERS
Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản họp hội nghị thượng đỉnh tại Tokyo hôm nay, 17/07/2018, ký kết một hiệp định mậu dịch tự do song phương, đồng thời phản đối chủ trương của Hoa Kỳ gây rối loạn trao đổi thương mại toàn cầu.
Theo AFP, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã có mặt tại Tokyo nhằm ký kết một thỏa thuận hợp tác thương mại với Nhật Bản.
Các lãnh đạo châu Âu cho rằng thỏa thuận này sẽ thể hiện cam kết mở rộng hợp tác song phương và đối lập hoàn toàn chính sách cô lập của Hoa Kỳ. Qua hiệp định này, hai lãnh đạo châu Âu kêu gọi thế giới thúc đẩy xu hướng phát triển kinh tế tích cực và rộng mở hơn, thay vì xung đột như hiện nay.
Theo tinh thần thỏa thuận song phương, Nhật Bản sẽ mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản của châu Âu, đặc biệt là các sản phẩm sữa. Đổi lại, thị trường xe hơi của Nhật sẽ được mở rộng tại châu Âu. Hiệp định tự do mậu dịch song phương sẽ là một đòn bẩy, giúp Nhật Bản phát triển kinh tế sau nhiều năm trì trệ, còn châu Âu sẽ được hưởng lợi từ một trong những nền kinh tế mạnh nhất thế giới.
Phát ngôn viên của Ủy Ban Châu Âu, ông Margaritis Schinas, cho biết :Đây là hiệp định kinh tế lớn nhất từ trước tới giờ của Liên Hiệp Châu Âu”, chiếm tới một phần tổng sản phẩm nội địa toàn cầu.
Với thỏa thuận thương mại này, châu Âu và Nhật Bản cùng chống lại chính sách ép thuế nhập khẩu thép và nhôm của Hoa Kỳ. Theo nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên Cứu Muziho, ông Junichi Sugawara, chính sách của Donald Trump đã thúc đẩy sự hợp tác Nhật - châu Âu. Tuy thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe “có quan hệ chính trị tốt với Donald Trump, nhưng về mặt thương mại, ông Abe lại thiên về Liên Hiệp Châu Âu”.
Họp báo của thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (G) và chủ tịch HĐ Châu Âu Donald Tusk (T), chủ tịch UBCA Jean-Claude Juncker, ngày 16/07/2018 tại Bắc Kinh.Reuters
Trong cuộc họp thượng đỉnh song phương ngày hôm qua, 16/07/2018, tại Bắc Kinh, các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu đã kêu gọi cải cách Tổ Chức Thương Mại Thế Giới – WTO. Phía Trung Quốc tuyên bố ủng hộ đề nghị này. Tuy nhiên, dường như châu Âu và Trung Quốc « đồng sàng dị mộng » trong hồ sơ này.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Heike Schmidt tường trình :
« Cả Bruxelles và Bắc Kinh đều đệ đơn lên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới – WTO – kiện Hoa Kỳ tăng thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm. Hơn nữa, cả hai bên đều ủng hộ tiến hành cải tổ WTO vì theo ông Donald Tusk, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, định chế này không đủ khả năng xử lý các xung đột. Lãnh đạo châu Âu nói : Chúng ta cần những quy định mới liên quan đến các hỗ trợ cho lĩnh vực công nghiệp, sở hữu trí tuệ và cưỡng bức chuyển giao công nghệ… cũng như quy định giải quyết xung đột một cách hiệu quả. Mục đích của cải cách là tăng cường vai trò WTO và bảo đảm các điều kiện cạnh tranh công bằng.
Đây chính là những vấn đề mà Trung Quốc không đáp ứng được các mong đợi của châu Âu. Trung Quốc tự cho mình vai trò là người ủng hộ tự do trao đổi thương mại, nhưng lại không tôn trọng nguyên tắc số một : đó là mở cửa thị trường Trung Quốc cho các đầu tư và sản phẩm nước ngoài. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Junker phàn nàn : ở châu Âu, chúng tôi nghĩ rằng Trung Quốc cần mở cửa hơn nữa thị trường nội địa. Chính theo chiều hướng này mà tôi rất hoan nghênh việc châu Âu và Trung Quốc đồng ý thành lập một nhóm công tác bàn về cải cách Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Vấn đề không phải là thành lập một nhóm công tác mà nhóm này phải đưa ra các đề nghị cải cách.
Vẫn theo chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, cần phải hành động chứ không phải chỉ ra các tuyên bố. Hiện nay, tổng đầu tư của Trung Quốc ở châu Âu lớn gấp năm lần tổng đầu tư của châu Âu tại Trung Quốc. »
WTO : Mỹ kiện Liên Âu, Trung Quốc, Canada…
Hôm qua 16/07/2018, chính quyền Mỹ thông báo đã khiếu nại lên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) về các biện pháp trả đũa của Trung Quốc, Liên Âu, Canada, Mêhicô và Thổ Nhĩ Kỳ gần đây, sau quyết định của Mỹ tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm hồi tháng 3/2018, với lý do « an ninh quốc gia ». Theo bộ trưởng Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer, các biện pháp tăng thuế để trả đũa nói trên không hề dựa trên các quy tắc của thương mại quốc tế. Đáp lại chỉ trích của Mỹ, bộ trưởng Kinh Tế Mêhicô lên án Washington áp đặt các biện pháp bất công, nhân danh « an ninh quốc gia ».
Cũng hôm qua, kinh tế gia trưởng của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, ông Maurice Obstfeld, bày tỏ lo ngại là các căng thẳng thương mại hiện nay là « mối đe dọa lớn nhất trước mắt » đối với tăng trưởng toàn cầu.
Logo của dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 tại hội nghị Diễn Đàn Kinh Tế Quốc Tế 2017 tại Saint-Petersbourg, ngày 01/06/2017.REUTERS/Sergei Karpukhin
Hôm nay, 17/07/18, đại diện của Nga và Ukraina đã gặp nhau tại Berlin, Đức, nhằm thảo luận và tìm kiếm giải pháp cho vấn đề vận chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu.
AFP cho biết, cuộc họp được tổ chức theo lời mời của Liên Hiệp Châu Âu, với sự tham dự của Bộ trưởng Năng Lượng Nga Alexander Novak và ngoại trưởng Ukraina Pablo Klimkin, cùng đại diện của tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga và tập đoàn Naftogaz của Ukraina. Các bên chủ yếu bàn bạc về vấn đề vận chuyển khí đốt đi qua lãnh thổ Ukraina.
Do quan hệ căng thẳng giữa Matxcơva và Kiev, trong thời gian qua, tập đoàn Gazprom đã giảm lượng đáng kể lượng khí đốt được vận chuyển qua Ukraina để cung cấp cho châu Âu. Còn phía Ukraina lo ngại nguồn doanh thu từ thuế quan sẽ bị sụt giảm, và vị thế chính trị sẽ bị yếu đi.
Mặt khác, Gazprom muốn thúc đẩy nhanh hai dự án cung cấp khí đốt cho châu Âu mà không qua lãnh thổ Ukriana: đó là dự án Turkish Stream và Nord Stream 2.
Hệ thống ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 chạy qua vùng biển Baltic để tới Đức.
Chính quyền Đức khẳng định dự án Nord Stream 2 chỉ có mục đích kinh tế. Tuy vậy, vài tháng trước, thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng Ukraina vẫn nên có vị trí trọng yếu trong việc vận chuyển dầu khí tới châu Âu, và thừa nhận là “các yếu tố chính trị có gây ảnh hưởng tới quyết định về dự án này”.
Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko phản đối dự án, cho rằng dự án hoàn toàn mang tính chính trị. Ông phát biểu :”tại sao tiêu tốn hàng chục tỉ đôla chỉ để nền kinh tế châu Âu kém hiệu quả, kém cạnh tranh, mà lại lệ thuộc hơn vào Nga ?”