Sunday, 28 October 2018

“Kình ngư hải ngoại huyết lưu hồng …”

Trước tình hình Biển Đông mỗi ngày mỗi trở nên căng thẳng vì tham vọng của Trung Cộng cố độc chiếm nguyên cả một vùng biển quan trọng, cửa ngõ của Việt Nam, khu vực có hải đạo quốc tế quan trọng, nhiều người đã nhắc đến một câu sấm ký của Trạng Trình “Kình ngư hải ngoại huyết lưu hồng” và lo ngại về một nguy cơ chiến tranh bùng nổ tại vùng biển này.
Sau khi Bắc Kinh ra sức xây đắp các đảo nhân tạo, lập căn cứ quân sự kiên cố với trang bị tối tân như các dàn radar, các ụ hỏa tiễn, phi trường cho các loại phi cơ hạng nặng và cầu cảng có sức đón tiếp các chiến hạm –và cả tiềm thủy đĩnh, không riêng gì Việt Nam mà các nước trong khu vực Đông Nam và Đông Bắc Á, cũng như các cường quốc vốn có nhu cầu sử dụng tuyến hải đạo quan trọng này như Hoa Kỳ, Anh quốc, Úc, cùng các quốc gia Tây Âu đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích hành vi ngang ngược của Trung Cộng. Bắc Kinh chẳng những không thay đổi mà vẫn khăng khăng đơn phương tuyên bố chủ quyền trên toàn vùng biển có ranh giới quen gọi là “đường lưỡi bò” và nhiều lần lớn tiếng cảnh cáo tàu bè, phi cơ ngoại quốc đi vào vùng biển và bay qua không phận họ tự nhận chủ quyền … Điều này đã dẫn đến nhiều lần xảy ra các vụ đối đầu –tuy chưa quá mức nghiêm trọng nhưng cũng khiến công luận phải hết sức chú ý.
Gần đây nhất là vụ suýt va chạm hôm Chủ Nhật vừa qua giữa khu trục hạm USS Decatur của Hải quân Mỹ và một chiến hạm Trung Cộng, khi tàu Trung Cộng cố tình sắn trước mũi chiến hạm Mỹ và bị chỉ trích là “gây ra tình huống không an toàn và không chuyên nghiệp”
Chiếc chiến hạm Trung Cộng, được báo là khu trục hạm có trang bị hỏa tiễn LILANG II (LILANG) loại 052C Luyang II, thuộc Hạm đội Nam Hải Trung Cộng đã tìm cách ngăn cản khu trục hạm USS Decatur (DDG-73) loại Arleigh Burke của Hoa Kỳ lúc ấy đang ở gần dải san hô Gaven Reef thuộc quần đảo Trường Sa.
Hạm trưởng chiếc USS Decatur cho hay đã phải ra lệnh bẻ lái để tránh va chạm với tàu Trung Cộng, nằm trong phạm vi 45 yard của tàu Mỹ.
Một bỉnh bút chuyên về chính sách đối ngoại của tạp chí The Diplomat, gọi vụ này là “hành động trực tiếp và nguy hiểm nhất của quân đội Trung Cộng từ trước tới nay để ngăn cản hoạt động hợp pháp theo của Hải quân Mỹ trên Biển Đông”.
Trung Cộng đã nhiều lần lên án Hoa Kỳ về điều gọi là “hoạt động gây hấn tại biển ‘Nam Hải’ trong vùng biển thuộc chủ quyền của mình”. Ngược lại Hoa Kỳ đã nhiều lần khẳng định không công nhận những tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc kinh.
Trung Cộng chỉ trích Hoa Kỳ “cho tàu đi vào vùng biển riêng (?) của mình mà không xin phép nên đã đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền và an ninh của Trung Cộng, làm tổn hại nghiêm trọng mối quan hệ ngoại giao và quân sự giữa 2 nước cũng như đe dọa gây tổn hại nghiêm trọng đến nền hòa bình và ổn định của khu vực”.
Vụ căng thẳng mới nhất này diễn ra ngay sau một loạt các chuyến bay của phi cơ chiến lược B-52H của Không quân Mỹ xuyên qua Biển Đông. Bắc Kinh lên án đó là các chuyến bay “khiêu khích”, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis nhấn mạnh rằng các chuyến bay đó chẳng có nghĩa gì nếu như Trung Cộng đã không ra sức quân sự hóa vùng biển này.
Theo ông Mattis thì “nếu các chuyến bay này diễn ra vào thời điểm 20 năm trước, lúc Bắc Kinh chưa có hành vi quân sự hóa biển Đông thì chuyện này đơn giản chỉ là một vài phi cơ quân sự Mỹ đang trên đường bay đến Diego Garcia (một căn cứ của Mỹ trên Ấn Độ Dương) hoặc một nơi nào đó mà thôi!” Để phản ứng, Trung Cộng đã mở một cuộc thao dượt phi cơ chiến đấu tập bắn đạn thật và phóng hỏa tiễn tại biển Đông.
Tờ Nhân Dân nhật báo của nhà nước Trung Cộng số ngày 28/9 trích dẫn bản tin của Đài Truyền hình Trung ương Trung Cộng (CCTV) cho hay, các chiến đấu cơ thuộc lực lượng Không quân và Hải quân Quân khu Nam nước này vừa có cuộc tập trận b ắn đạn thật tại một khu vực không được nói rõ trên biển Đông.
Bản tin nói thêm đây là cuộc diễn tập giả định tấn công các mục tiêu trên biển để rèn luyện khả năng tác chiến cho các phi công Trung Cộng.
Trong cuộc tập trận lần này, hai lữ đoàn Không quân Trung Cộng đã điều động hàng chục chiến đấu cơ phản lực xuất phát từ nhiều căn cứ khác nhau bắn hàng ngàn hỏa tiễn và đại pháo. Các phi công đã bay nhiều bài tập tấn công trực diện, huấn luyện khả năng xâm nhập và tiêu diệt mục tiêu một cách nhanh chóng.
Cuộc tập trận của KQ Trung Cộng được công bố sau khi Bắc Kinh bày tỏ phản ứng giận dữ trước việc Mỹ liên tục điều động oanh tạc cơ chiến lược B-52H bay qua Biển Đông, cũng như một số hoạt động thao dượt của quân đội các nước khác như Anh và Nhật. Trước đó, hôm 26/9 KQ Mỹ tại Thái Bình Dương xác nhận đã có một số oanh tạc cơ B-52 bay qua biển Đông hai lần trong tuần này.
Trước đó, vào trung tuần tháng 9, Nhật Bản lần đầu tiên công bố sự kiện tiềm thủy đĩnh Kuroshio của nước này tập trận ở biển Đông với nhóm Mẫu hạm trực thăng Kaga trước khi ghé thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam.
Trong khuôn khổ chương trình tuần tra Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương kéo dài 2 tháng, tàu chiến Nhật Kaga cũng đã mở cuộc tập trận phối hợp với nhóm tác chiến HKMH USS Ronald Reagan của Mỹ ở Biển Đông từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9. Trong khoảng thời gian đó, chiến hạm đổ bộ tấn công HMS Albion của Hải quân Hoàng gia Anh trướ khi ghé thăm Cảng Saigon cũng đã áp sát quần đảo Hoàng Sa bị Trung Cộng chiếm đóng phi pháp.
Hôm 28/9/2018, khu trục hạm USS Decatur của HQ Mỹ đã áp sát đảo Đá Ga Ven và Đá Gạc Ma mà Trung Cộng chiếm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên biển Đông, coi như công khái thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh.
Ngoài ra, nhóm Trực chiến đổ bộ USS Wasp và Đơn vị Viễn chinh thủy quân lục chiến số 31 đã mở các cuộc tập trận phòng thủ trên biển và trên không, cũng đã bắn đạn thật.
Trong cuộc tập trận bắn đạn thật, tàu USS Wasp và các tàu hải quân khác trong nhóm HKMH chiến đấu đã dùng súng máy hạng nặng gắn trên boong. Trong cuộc tập trận này còn có cả loại trực thăng SH-60S Sea Hawk của HQ Mỹ cũng tham dự.
Trong một bản tuyên bố của giới chức quân sự Hoa Kỳ thì những đợt tập trận đó của HQ và TQLC Hoa Kỳ nhằm hướng tới hoạt động phòng thủ chống lại các mối đe dọa có thể xảy ra cho Hoa Kỳ và các lực lượng đồng minh ở biển Đông.
Cuộc tập trận này được tổ chức môt tháng sau khi Ngũ Giác Đài công bố một phúc trình cho rằng Trung Cộng đang tích cực chuẩn bị cho các cuộc tấn công quân sự có thể xảy ra nhắm vào lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương.
Bản phúc trình của Bộ QP Mỹ nhận định rằng “ Trung Cộng muốn mở rộng ảnh hưởng của họ trong khu vực và muốn chứng minh cho các cường quốc khác trên thế giới, đặc biệt là Mỹ biết rằng khả năng của quân đội Trung Cộng nay đã tăng lên đáng kể.”
Vẫn theo phúc trình này thì hiện nay quân Trung Cộng đã có khả năng mở rộng hoạt động vượt quá chuỗi đảo đầu tiên, chứng minh khả năng tấn công vào quân Mỹ và lực lượng đồng minh, các căn cứ quân sự ở phía tây Thái Bình Dương, bao gồm cả Guam”.
Cuộc tập trận của các đơn vị Hải quân và TQLC Mỹ được nhận định là sẽ làm tình hình biển Đông thêm nóng. Tại biển Đông, các chiến hạm Mỹ chứng minh quyền tự do hàng hải trogn khu vực đã nhiều lần áp sát các đảo bị Trung Cộng bồi đắp trái phép. Thêm vào d9o1 Mỹ cũng cực lực phản đối những yêu sách và hoạt động hung hăng của Trung Cộng tại vùng Trường Sa.
Vào thời điểm hiện nay, tình trạng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Cộng đang gia tăng từ đối đầu kinh tế đến quân sự. Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh thường xuyên tranh cãi về hoạt động quân sự hóa của Trung Cộng ở Biển Đông, vốn gia tăng mạnh mẽ trong những năm qua, khiến cộng đồng quốc tế đặc biệt lo ngại.
Cuộc tập trận của HQ và TQLC Hoa Kỳ diễn ra vào ngày 1/10 ngay dịp kỷ niệm 69 năm ngày thành lập nước CHND Trung Hoa (1/10/1949 – 1/10/2018). Nhiều bình luận gia cho rằng việc Hoa Kỳ đưa tàu chiến tuần tra và tập trận bắn đạn thật ngay lúc này là một tuyên bố “thẳng thừng với Bắc Kinh”.
*
Trong khi đó, nhiều nhà quan sát quốc tế –và các giới chức quân sự Đài Loan- tin tưởng rằng “nếu có chiến tranh với Trung Cộng thì
Đài Loan có thể chiến thắng” dù
Bắc Kinh vẫn ngạo mạn rằng có thể chinh phục hòn đảo này một cách dễ dàng.
Khi phát biểu trước Đại hội Đảng thứ 19 về tương lai của Đài Loan hồi năm ngoái, thông điệp của Tập Cận Bình rất cứng rắn và đáng lo ngại. T ập tuyên bố “Hoa Lục có ý chí vững chắc, đầy đủ khả năng đánh bại bất kỳ hình thức nào của âm mưu ly khai của Đài Loan.” Lãnh tụ Trung Cộng hăm dọa “không bao giờ cho phép bất kỳ cá nhân, tổ chức, hoặc đảng phái chính trị nào tìm cách phân chia bất cứ phần lãnh thổ nào, vào bất cứ lúc nào hoặc dưới bất kỳ hình thức nào.”
Lời tuyên bố này đã thu hút tràng pháo tay dòn nhất và dài nhất trong toàn bộ bài phát biểu kéo dài tới 3 tiếng đồng hồ của ông ta. Thế nhưng đó không phải là một thông điệp mới. Suốt từ xưa tới nay, những chủ đề bất di bất dịch của Đảng Cộng sản Trung quốc là phải bảo đảm tính chất chiến bại về quân sự khi phải đối phó với nguy cơ ly khai của Đài Loan và ý định quyết tâm đưa đảo quốc này “quay về với đất mẹ Trung quốc” (!)
Trung Cộng đã đẩy mạnh áp lực cả về kinh tế lẫn ngoại giao lên Đài Loan từ cuộc bầu cử năm 2016 khi bà Thái Anh Văn, lãnh tụ đảng Dân Tiến chủ trương Đài Loan độc lập thắng cử lên nhậm chức Tổng Thống.
Trong mấy năm gần đây Trung Cộng đã nhiều lần tỏ thái độ đe dọa bằng một số các hoạt động quân sự mang tính chất giương oai quanh eo biển Đài Loan.
Thế nhưng tình hình thực tế là Trung Cộng có thể không đủ có khả năng liên tục đe dọa Đài Loan. Các nhà quan sát và phân tích quân sự lão luyện quốc tế có chung nhận định là “dù có sự khác biệt lớn về quy mô giữa hai nhà nước, Đài Loan vẫn có thể chống lại một cuộc tấn công của Trung Cộng — ngay cả khi không có sự trợ giúp trực tiếp từ Hoa Kỳ”.
Hai cuộc nghiên cứu gần đây, một của Michael Beckley, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Tufts, và một của Ian Easton, một học giả kiêm chuyên viên phân tích tại Viện Dự án 2049, trong tác phẩm tựa đề“ Cuộc xâm lược của Trung Cộng: Quốc phòng Đài Loan và Chiến lược của Mỹ ở Á châu” cho một bức tranh rõ ràng hơn về khả năng cuộc chiến giữa Đài Loan và Trung Cộng có thể ra sao. Căn cứ vào số liệu thống kê, tài liệu huấn luyện và hoạch định chiến lược của quân đội Trung Cộng (PLA), các hồ sơ phân tích của 2 bộ QP Hoa Kỳ và bộ QP Đài Loan, nghiên cứu này trình bày một bức tranh rất khác về xung đột eo biển.
Giới tướng lãnh Trung Cộng lo ngại rằng so với quân đội PLA thì địch thủ (ở đây là Đài Loan) được huấn luyện tốt hơn, có động lực tốt hơn và chuẩn bị tốt hơn cho cuộc chiến. Ngay chính nhiều chuyên viên quân sự của Hoa Lục, một cách không trực tiếp, đã nhiều lần không dấu được quan ngại rằng một cuộc chiến tranh qua eo biển đối với Trung Cộng là một canh bạc mạo hiểm đáng kinh ngạc.
Theo tài liệu của quân đội Trung Cộng thì “viễn cảnh cuộc chiến được vạch ra sẽ bắt đầu bằng màn oanh kích dồn dập bằng hỏa tiễn, với các mục tiêu phi trường, hải cảng, các trung tâm truyền thông, trang bị radar, các nút giao thông chính và văn phòng chính phủ Đài Loan đều nằm trogn tầm tác xạ và là mục tiêu hỏa tập.” Tiếp theo đó, các đơn vị nằm vùng hoặc lực lượng đặc công, biệt kích sẽ mở chiến dịch ám sát nhằm vào Tổng thống Đài Loan và nội các của bà, cũng như giới lãnh đạo khác của Đảng Dân Tiến, các viên chức nòng cốt tại các cơ quan quan trọng, các nhân vật truyền thông nổi bật, các nhà khoa học hoặc kỹ sư quan trọng và gia đình họ.
rong ý nghĩa chiến thuật, quân Trung Cộng hy vọng sẽ tiêu diệt phần lớn lực lượng KQ Đài Loan ngay trên mặt đất để đẩy quân đội Đài Loan vào thế không thể đương đầu với KQ Trung Cộng. Mục tiêu thứ hai của chiến dịch oanh tạc bằng hỏa tiễn đơn giản hơn là làm tê liệt toàn bộ hệ thống chỉ huy và điều hành đất nước Đài Loan. Môt khi Tổng Thống đã chết, hệ thống lãnh đạo bị tê liệt, hệ thống truyền thông bị cắt đứt, hệ thống giao thông vận chuyển bị vô hiệu hóa, lực lượng Đài Loan sẽ mất phương hướng, mất ý chí và lúng túng. Chiến dịch gây “sốc và sợ hãi” này sẽ mở đường cho cuộc xâm lược bằng các lực lượng đổ bộ thích hợp.
Vẫn theo kế hoạch tiên liệu thì cuộc xâm lược này sẽ là một hoạt động đổ bộ lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Ngoài lực lượng quân sự, hàng chục ngàn tàu lớn nhỏ sẽ được huy động – chủ yếu là của tư thương – để vận chuyển chở 1 triệu quân Trung Cộng qua eo biển. Đợt tấn công đầu tiên bằng hải pháo, không quân và hỏa tiễn mở các trận bão lửa sẽ gây bối rối và cắt các lực lượng Đài Loan, dù còn sống sót cũng bị cạn nguồn tiếp tế và buộc phải rút lui, từ bỏ những bãi biển. Khi đầu cầu được lập trên bờ biển được bảo đảm, thì với ưu thế vượt trội về nhân lực quân Trung Cộng sẽ có cơ hội lựa chọn mục tiêu tập trung tấn công vào các cơ sở chỉ huy và kiểm soát của Đài Loan. Một khi các đơn vị Đài Loan bị cô lập sẽ bị quân Trung Cộng tràn lên nuốt chửng!
Theo kê hoạch tác chiến, Trung Cộng phải làm sao tiến đến được thủ phủ Đài Bắc trogn vòng tuần lễ đầu tiên để trong vòng 2 tuần phải chiếm đóng đóng hoàn toàn –hoặc phần lớn lãnh thổ đảo quốc-để thiết đặt chế độ thiết quân luật, biến đảo quốc thành một căn cứ do quân đội kiểm soát hoàn toàn!
Cùng lúc, quân đội Trung Cộng vừa phải bình định lãnh thổ chiếm được vừa phải củng cố lực lượng để có thể chống lại các chiến dịch phản kích của Nhật Bản và Hoa Kỳ!
Nhưng nếu điều đó thực sự xảy ra, nghĩa là quân Trung Cộng có thể đương đầu với lực lượng Mỹ trong khi khả năng ngân sách quốc phòng và trình độ hiện đại về mặt vũ khí khí tài cho thấy quân Trung Cộng vẫn còn ở thế hạ phong rất xa. Điều đó có nghĩa, với sự yểm trợ của Hoa Kỳ các nền dân chủ trải dài vành đai Đông Á có thể ngăn chặn được cuộc xâm lược của Trung Cộng mà chỉ cần một phần nhỏ chi phí của PLA.
Chiến dịch dự trù của PLA được thiết kế đặc biệt để áp đảo và đánh bại một quân đội Đài Loan mất tinh thần. Tuy nhiên chiến lược phòng thủ rất có khả năng thành công của quân đội Đài Loan đặt ra mục tiêu cầm chân được kẻ thù trong hai tuần sau khi cuộc chiến bùng nổ bởi chính giới tướng lãnh Trung Cộng thừa biết rằng “nếu không thể đánh bại lực lượng Đài Loan trong thời gian dưới hai tuần lễ thì Bắc Kinh sẽ bại trận!”.
Mức chênh lệch giữa ngân sách quân sự ở hai bên bờ eo biển thì rất lớn và đang gia tăng – nhưng Đài Loan không cần quá lo ngại mà tất cả những gì họ cần là được tự do mua của Mỹ những loại vũ khí tối tấn có hiệu quả để biến cuộc xâm lược của Trung Cộng thành chuyện không tưởng!”
Nếu trận chiến chính trị có thể giải quyết được ở Quốc hội Mỹ (về chuyện cho phép bán vũ khí cho Đài Loan) thì chắc chắn Bắc Kinh đừng hòng trông mong gì vào một ciến thắng quân sự ở eo biển Đài Loan!
Phạm Thạch Hồng