ĐOÀN LỮ HÀNH DI DÂN
Đoàn lữ hành di dân từ Honduras, El Salvador, và Guatemala đăng tiếp tục hành trình về hướng biên giới Mỹ-Mễ. Cho đến nay, đã gia tăng lên đến gần 10.000 người. Họ đã băng qua biên giới, tràn vào đất Mễ, bất kể việc chính quyền Mễ đã huy động cả trăm cảnh sát ngăn cản. Các chuyên gia ước tính họ sẽ cần gần một tháng để đi tới biên giới Mỹ-Mễ. Trong câu chuyện này, có nhiều điều đáng chú ý:
- Cả ba chính quyền Honduras, El Salvador, và Guatemala có vẻ ngăn cản, nhưng một cách ển ển xiù xiù, cho có. Cả chính quyền Mễ cũng vậy. Trước một đoàn cả 5-7.000 người mà chỉ có lèo tèo vài trăm cảnh sát ra ngăn cản thì kết quả ra sao, ai cũng thấy trước được. Đặc biệt là tại khúc sông tại biên giới Mễ-Honduras, cảnh sát chặn đầu cầu, nhưng gần cả ngàn người đã nhẩy xuống sông khá cạn, lội qua mà cảnh sát làm ngơ.
- Cả một đoàn hàng ngàn người, toàn là dân nghèo kiết xác, đi khơi khơi như vậy thì làm sao lo chuyện ăn uống, ngủ nghê, săn sóc sức khoẻ dọc đường? Có bàn tay ‘lông lá’ bí mật nào sau lưng, vận động họ tham gia, tổ chức quy củ, tài trợ, tiếp tế thực phẩm, thuốc men dọc đường cho họ?
- Làm sao mà cả bốn chính quyền Honduras, Guatemala, El Salvador và nhất là Mễ đã không làm gì cụ thể và hữu hiệu để cản họ lại được? Có phải là tất cả các chính quyền đều nhắm một mắt không? Có phải Mễ đang bắt chẹt Mỹ để nài nỉ thêm vài điều kiện trong thoả ước mậu dịch Mỹ-Mễ-Canada trong khi các nước khác vòi thêm tiền viện trợ?
- Có tin là hàng trăm di dân gốc Á (Pakistan, Bangladesh) và Trung Đông cũng đã trà trộn trong đám người này.
- Chính quyền Trump đã lên tiếng sẽ không chấp nhận, sẽ mang Vệ Binh Quốc Gia ra chặn, và sẽ có biện pháp trừng phạt các chính phủ tiếp tay cho vụ này, bằng cách cắt hết viện trợ kinh tế. Nhưng vấn đề là dọa thì dễ, thực tế TT Trump có thể chặn được không? Viện trợ kinh tế cho mấy xứ này chỉ lèo tèo vài trăm triệu đô một năm, không nghiã lý gì so với những khó khăn kinh tế khổng lồ của mấy xứ này.
- Tiểu bang Cali đã công khai tuyên bố không hợp tác, không gửi Vệ Binh Quốc Gia đến biên giới để ngăn chặn đám người này. Câu hỏi lớn khác, nếu đám này lọt qua biên giới Cali, thì tiểu bang Cali sẽ làm gì? Nhận hay không? Tiền đâu ra để nuôi họ? Luật Sanctuary Law có áp dụng để ngăn cản chính quyền liên bang bắt họ không?
- Câu hỏi rất lớn trong đầu nhiều người mà chưa ai có câu trả lời rõ rệt: đám di dân này sẽ tới biên giới Mỹ-Mễ vào gần ngày bầu cử, như vậy sẽ có ảnh hưởng như thế nào cho cuộc bầu cử. Nhiều chuyên gia cho rằng sẽ cực kỳ tai hại cho đảng DC vì dân Mỹ sẽ sợ hãi mà phe CH sẽ khai thác triệt để. Cho đến nay, TT Trump đã tuýt chống đám này mỗi ngày, như thể nhắc lại mối nguy này cho cử tri Mỹ, nhưng các chính khách DC im re, kể cả những quan chức to mồm nhất như Obama, Biden, Sanders, Hillary, Pelosi, Schumer, Kamala Harris, Cory Booker, ...chưa ai dám lên tiếng ủng hộ hay chống vì kẹt trong thế tiến thoái lưỡng nan.
- Vấn đề thật ra lớn hơn đám người này nhiều. Nhận đám này vào sẽ gửi một thông điệp rõ ràng cho cả triệu dân Trung Mỹ và Nam Mỹ, và hậu quả tất nhiên là sẽ có hàng chục, hàng trăm đoàn người nữa sẽ bắt chước, tiếp tục cuộc hành trình. Đến khi nào thì mới ngưng? Nước Mỹ, hay chính xác hơn, phe cấp tiến, đảng DC và TTDC sẽ muốn mở cửa biên giới nhận vào bao nhiêu nữa? Ai sẽ đóng tiền nuôi họ?
Một chuyện quái lạ đã được nhận thấy: một đám thanh niên Honduras, bôi vẽ hình thập tự Đức Quốc Xã Hitler lên lá cờ Mỹ, rồi đốt cờ, miệng hô đả đảo Mỹ. Thế thì sao lại ùn ùn kéo qua Mỹ? Lạ lùng hơn nữa, TTDC Mỹ đăng hình kèm theo những lời bình luận có vẻ rất thiện cảm, cho rằng đám thanh niên này không phải là đốt cờ Mỹ để nhục mạ nước Mỹ, mà là để chửi TT Trump. Hả? Như vậy là cờ Mỹ đã thành biểu tượng của ông Trump rồi sao? Đúng là lý luận ngu xuẩn hết chỗ nói luôn.
Chuyện lạ những người mắc bệnh TDS (chống Trump đến phát cuồng) là trong khi bận ăn hăm-bơ-ghơ chửi dân Mỹ kỳ thị thì lại có hàng ngàn, hàng vạn người bỏ nhà, bỏ cửa, liều mạng xin vào cái xứ kỳ thị đó.
Tin giờ chót cho hay Ngũ Giác Đài đang làm kế hoạch chuẩn bị khoảng 800 quân nhân quân lực Mỹ, không phải Vệ Binh Quốc Gia, để ‘chào đón’ đám di dân này khi họ tới biên giới Mỹ. Trước khi quý vị lên án TT Trump về thái độ ‘thiếu nhân từ’ trong vụ di dân, xin trích dẫn hai câu tuyên bố của hai cựu tổng thống Dân Chủ:
Senator Obama 2005:
"We are a generous and welcoming people here in the United States, But those who enter the country illegally and those who employ them disrespect the rule of law and they are showing disregard for those who are following the law. We simply cannot allow people to pour into the United States undetected, undocumented, unchecked, and circumventing the line of people who are waiting patiently, diligently and lawfully to become immigrants into this country."
“Chúng ta rộng lượng và chào đón mọi người tại Hoa Kỳ, nhưng những người vào xứ này bất hợp pháp và những người nhận họ làm việc đã không tôn trọng luật pháp và họ đã coi thường những người tôn trọng luật. Chúng ta không thể để cho thiên hạ tràn vào Hoa Kỳ một cách lén lút, không giấy tờ, không kiểm tra, và vượt qua những người đang kiên nhẫn, quy củ và hợp pháp, chờ được trở thành di dân vào xứ này”.
President Bill Clinton, State of the Union address in 1995:
"All Americans...are rightly disturbed by the large numbers of illegal aliens entering our country, the jobs they hold might otherwise be held by citizens or legal immigrants. The public service they use impose burdens on our taxpayers. That's why our administration has moved aggressively to secure our borders more by hiring a record number of new border guards, by deporting twice as many criminal aliens as ever before, by cracking down on illegal hiring, by barring welfare benefits to illegal aliens. We are a nation of immigrants, but we are also a nation of laws. It is wrong and ultimately self-defeating for a nation of immigrants to permit the kind of abuse of our immigration laws we have seen in recent years, and we must do more to stop it."
“Tất cả dân Mỹ có lý do chính đáng để cảm thấy bực mình bởi một số lớn người vào xứ này bấp hợp pháp, lấy những việc làm đáng lẽ phải do công dân và những di dân hợp pháp. Các dịch vụ công cộng mà họ xử dụng là một gánh nặng trên những người phải đóng thuế. Đó là tại sao chính quyền này đã có những hành động mạnh để bảo vệ biên giới kỹ hơn bằng cách thuê một con số kỷ lục cảnh sát biên phòng, bằng cách trục xuất di dân phạm tội cao gấp hai lần tất cả các chính quyền khác, bằng cách truy lùng những vụ thuê di dân bấp hợp pháp, bằng cách cấm mọi trợ cấp xã hội cho di dân lậu. Chúng ta là một nước của di dân, nhưng chúng ta cũng là nước thượng tôn luật pháp. Thật là một sai lầm cuối cùng tự hại mình khi một nước di dân dung túng cho những lạm dụng luật di trú mà chúng ta đã thấy trong những năm gần đây, và chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để chặn đứng lại.”
LÃNH ĐẠO DÂN CHỦ NHẬN BOM
Một số lãnh đạo đảng DC đã nhận được bom tự chế gửi đến tận nhà, trong đó có cựu TT Obama, cựu TT Clinton. Cả cựu PTT Biden, cựu bộ trưởng Tư Pháp Eric Holder, bà dân biểu Maxine Waters và trụ sở đài CNN cũng nhận được. Bom được an ninh bưu điện phát giác và chặn lại. Văn phòng một số nhân vật khác cũng đã được lệnh ‘di tản’ vì nghi ngờ có thể bị đánh bom. Tổng cộng đâu trên 10 người đã nhận được bom này.
Tất cả theo FBI đều cùng một xuất xứ, bom cùng kiểu, cùng dấu bưu điện, ... chứng tỏ chỉ có một người hay một nhóm ít người, không phải là một âm mưu quy mô. Tin giờ chót, FBI đã bắt một người bị tình nghi là thủ phạm tại Florida.
Ngay sau đó, cả PTT Pence lẫn TT Trump đều đã lên tiếng kết án nặng nề những âm mưu dùng võ lực trên. TT Trump kêu gọi đoàn kết.
Dù vậy, bà Pelosi, lãnh tụ khối DC tại Hạ Viện, và ông Schumer, lãnh tụ khối DC tại Thượng Viện, đã mau mắn bác bỏ lời kết án của TT Trump, và lợi dụng cơ hội tố ngược chính TT Trump phải chịu trách nhiệm về việc gia tăng bạo lực trong chính trường Mỹ. Hai vị này lớn tuổi nên trí nhớ hơi kém. Họ quên mất cách đây không lâu, một anh cấp tiến đã vác súng bắn một dân biểu CH. Họ cũng quên bà nhà báo nổi tiếng với hình tay cầm cái đầu máu mê của TT Trump. Trước đó, bà ca sĩ Madonna cũng từng công khai tuyên bố ước muốn đặt bom phá tan Tòa Bạch Ốc. Mới đây, cựu bộ trưởng Tư Pháp Eric Holder tuyên bố “khi chúng xuống thấp, ta bồi cho chúng vài cái đá”.
Đài truyền hình ABC lên giọng: tất cả những chuyện xẩy ra trong nước đều do lãnh đạo tạo điều kiện –set the tone-, ý nói không khí bạo động do TT Trump gây ra và phải chịu trách nhiệm. Thế thì trong thời TT Obama, dân da đen nổi loạn, xuống đường đốt nhà, phá xe, cướp cửa tiệm, bắn cảnh sát,... thì có phải do sự khuyến khích hay làm gương của lãnh tụ Obama không nhỉ?
Chuyện đáng để ý: cách đây không lâu, TNS Ted Cruz và bộ trưởng Quốc Phòng tướng Matiis, đã nhận được bưu kiện có bột trắng, bị nghi ngời là chất độc Ricin. Không thấy TTDC bị ‘sốc’ như bây giờ.
Thật ra, tất cả chỉ là chuyện đầu voi đuôi chuột vì theo cảnh sát, tất cả chỉ là bom giả, không thể nổ được.
TIN VỀ BÀ NIKKI HALEY
Việc bà Nikki Haley bất thình lình từ chức tiếp tục tạo đủ loại tin đồn. Bà Haley, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, là một ngôi sao sáng trong nội các của TT Trump. Bà là ngươi có thể nói TTDC chưa dám đụng đến. Một phần dĩ nhiên vì bà là phụ nữ, lại thuộc khối dân thiểu số, gốc Ấn Độ, nên TTDC rất dè đặt, khác với việc thẳng tay đấm đá mấy quan chức tu mi nam tử da trắng. Một phần nữa là bà đã chứng tỏ khả năng hiếm thấy trong vai trò đại diện cho Mỹ tại diễn đàn LHQ.
Việc bà bất ngờ từ chức trong khi bà là một trong những người ủng hộ TT Trump rất mạnh, mà cũng là người được TT Trump tin tưởng nhiều, đã khiến thiên hạ bù đầu đoán mò.
Một giả thuyết là bà từ chức để chuẩn bị ra tranh cử thượng nghị sĩ Nam Carolina thay thế đương kim TNS Lindsey Graham có thể sẽ được TT Trump bổ nhiệm là bộ trưởng Tư Pháp thay thế ông Jeff Sessions sau bầu cử tới. Có hai yếu tố đáng tin cậy: thứ nhất, việc thay thế ông Sessions coi như khá chắc chắn, thứ hai, ông Graham đã là người bênh vực TP Kavanaugh mạnh nhất trong khi ông này bị Thượng Viện điều trần để phê chuẩn.
Một giả thuyết thứ hai là bà Haley từ chức để chuẩn bị thay thế PTT Mike Pence, ra tranh cử cùng liên danh với TT Trump năm 2020. Lý do chính là phe DC có nhiều triển vọng đưa một phụ nữ ra tranh cử tổng thống năm đó. Hiện nay, có ít nhất 3 bà: TNS Kamala Harris, TNS Elizabeth Warren, TNS Amy Klobuchar đã õng ẹo “em chả” với việc tranh cử, chưa kể cụ bà Hillary vẫn chưa từ bỏ tham vọng của đời bà. Thêm vào đó, với phong trào nổi loạn của phụ nữ hiện nay, với ‘thành tích’ bị tố liên tục của TT Trump, sự hiện diện của bà Haley trong liên danh của TT Trump sẽ hoá giải phần lớn lợi điểm của phe DC.
Theo ý kiến cá nhân, giả thuyết đầu tiên nghe hợp lý hơn. Không có lý do gì TT Trump lại cho PTT Pence về vườn hết, vừa vô lý vừa mất hậu thuẫn của khối bảo thủ Thiên Chúa giáo rất tôn sùng ông Pence.
LỢI THẾ CỦA ĐẢNG DÂN CHỦ BIẾN MẤT
Một thăm dò mới nhất của NBC/Wall Street Journal cho thấy lợi thế khổng lồ của đảng DC trong cuộc bầu Hạ Viện tới đã biến mất tại nhiều đơn vị bầu cử then chốt.
Cái gọi là “làn sóng xanh”, tức là đại thắng của đảng DC, tuy vẫn còn nhiều triển vọng xẩy ra, nhưng đã nhỏ hơn tiên đoán hiều. Thậm chí, hiện nay nhiều ngưởi đã nghi ngờ việc DC có thể chiếm được đa số tại Hạ Viện. Việc DC chiếm đa số tại ThượngViện coi như không thể nào xẩy ra, và DC trái lại đang cố bảo vệ những ghế hiện đang có thay vì cố gắng chiếm ghế của CH.
TT TRUMP CÓ Ý ĐỊNH GIẢM THÊM THUẾ CHO TRUNG LƯU
Trong một dịp nói chuyện ngắn với báo chí khi ông viếng thăm Texas để vận động cho TNS Ted Cruz, TT Trump đã cho biết ông có ý định giảm thêm 10% thuế cho khối dân trung lưu.
Ông cho biết các chuyên gia của ông đang nghiên cứu và đúc kết, có thể việc giảm thuế sẽ được chính thức thông báo trước ngày bầu cử, nhưng dĩ nhiên sẽ phải đợi quốc hội phê duyệt.
Nếu xẩy ra như TT Trump cho biết thì sẽ giúp cho các ứng viên CH không ít, tuy việc phê duyệt hay không cũng tùy thuộc phần lớn vào kết quả bầu cử. Nếu phe CH thắng, giữ được cả hai viện thì việc giảm thuế sẽ được phê duyệt dễ dàng. Nếu phe DC thắng, có thể TT Trump sẽ cho Hạ Viện và Thượng Viện biểu quyết ngay, trước đầu tháng Giêng tới khi tân quốc hội nhậm chức.
TT TRUMP TIẾP TỤC ĐÁNH TRUNG CỘNG
Trong thời gian qua TT Trump đã tiếp tục tấn công Trung Cộng, tuy bằng những cách gián tiếp.
Biện pháp đầu tiên của ông là rút Mỹ ra khỏi Liên Hiệp Bưu Chính Thế Giới, một tổ chức có mục đính ấn định phí chuyên chở hàng hóa quốc tế. Đại khái thì Mỹ đã bị trói tay rất kỹ trong việc ấn định giá chuyên chở hàng hoá, bị ép chỉ được tính tiền rẻ bằng một phần nhỏ của số tiền cước phí các nước gọi là ‘chậm tiến’ có thể đòi hỏi, trong đó dĩ nhiên có Trung Cộng được ấn định tiền cước phí rất cao. Hậu quả trực tiếp là hàng chở trên tầu Mỹ sẽ có quyền tăng phí chuyên chở rất nhiều. Ai cũng biết Mỹ thống trị ngành chuyên chở hàng giữa Mỹ và TC. Tăng phí chuyên chở sẽ khiến hàng TC đắt hơn, khó cạnh tranh với hàng thế giới và hàng Mỹ hơn.
Biện pháp thứ nhì, TT Trump cũng đã quyết định rút ra khỏi hiệp ước về hỏa tiễn liên lục điạ với Nga. Đây là hiệp ước giới hạn hỏa tiễn nói riêng và vũ khi hạch nhân nói chung giữa Nga và Mỹ, được TT Reagan ký với Tổng Bí Thư
Gorbachev
. Việc Mỹ rút ra có nghiã là Mỹ sẽ toàn quyền thử nghiệm và sản xuất những vũ khí này.
Đây là một quyết định kiểu ‘một mũi tên bắn hai con nhạn’. Một mặt sẽ ép Nga nếu không muốn chịu thua Mỹ, sẽ phải chi bộn bác để phát triển loại vũ khí này, chạy đua với Mỹ. Đây là sách lược gọi là ‘Star War’ TT Reagan đã tung ra đầu thập niên 80, ép Nga phải bỏ bộn bạc ra chạy đua với Mỹ, đưa đến tình trạng kiệt quệ kinh tế, cuối cùng cả Liên Bang Xô Viết xụp đổ.
Mặt khác hiệp ước này đã trói tay Mỹ trong khi Trung Cộng vì không phảl là thành viên ký hiệp ước, nên đã tha hồ phát triển không giới hạn vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn, có thể đã theo sát nút Mỹ nếu không muốn nói là đã vượt qua Mỹ, trực tiếp đe dọa an ninh của Mỹ, và nhất là đe doạ vùng Biển Đông. Việc Mỹ rút ra khỏi hiệp ước này sẽ cho phép Mỹ giữ thế mạnh trên TC và kềm hãm mộng bá quyền của TC tại Á Châu, từ Nhật vòng qua tuốt Ấn Độ.
THỊ TRƯỞNG LOS ANGELES GIẢI THÍCH
Trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình ABC với nhà báo Jake Tapper, ông Garcetti, thị trưởng Los Angeles được hỏi về vấn đề quá nhiều người vô gia cư đang sống tại Los Angeles. Từ ngày ông Garcetti lên làm thị trưởng, số người vô gia cư đã tăng đột ngột rất mạnh lên 50%, và thành phố Los Angeles cũng đang bị đe dọa bởi bệnh dịch hạch do quá nhiều chuột cống lộng hành, trong khi không ai thấy ông Garcetti có kế hoạch gì để đối phó với vấn nạn này.
Ông Garcetti đã có câu trả lời khiến anh Tapper mặt ngẩn ra, không biết hỏi gì thêm nữa.
Theo ông Garcetti, đây là hậu quả của các chính sách của Hoa Thịnh Đốn và Hoa Thịnh Đốn cần phải giải quyết chuyện này. Ông Garcetti cho biết Los không phải là thành phố duy nhất bị nạn vô gia cư hoành hành. Ông đưa ra vài thí dụ như San Francisco và Seattle, cũng đau đầu về vấn nạn này. Do đó, đây là một vấn đề của liên bang, của tổng thống.
Trước hết, phải nói cho rõ, cả ba thành phố ông Garcetti nêu danh ra đều là những thành đồng của khối cấp tiến DC, được điều hành bởi các ‘lãnh đạo đại tài’ DC. Sau đó, giải thích của ông Garcetti không đáng một cái cười miả mai: chuyện thành phố là trách nhiệm của thị trưởng, chứ sao lại là trách nhiệm của Hoa Thịnh Đốn? Nếu là trách nhiệm của tổng thống Mỹ thì thị trưởng được bầu lên để làm gì? Đúng là rấm rớ.
Ông Garcetti là một trong những ’ngôi sao sáng’ của DC, năm 2016 đã lọt vào danh sách bà Hillary tìm người đứng cùng liên danh phó cho bà.
JANE FONDA
Bà tài tử già Jane Fonda, năm nay 80 tuổi, đã lên tiếng ta thán “dưới chế độ Trump, tôi cảm thấy thật là khó thở”. Bà không nói rõ tại sao lại “khó thở”. Bị TT Trump kềm kẹp, không cho tự do nữa sao?
Nếu vậy, kẻ này xin đề nghị bà Jane Fonda một giải pháp ‘tuyệt hảo’: mời bà về Hà Nội sống với các đồng chí của bà, bảo đảm sẽ dễ thở hơn (bảo đảm, nhưng nếu không thành sự thật thì... xin lỗi, no refund!)