Saturday, 27 October 2018

Mỹ-Đài Loan Cùng Chống TC - Vi Anh

image.png

Tin RFI ngày 23-10 “Mỹ cử chiến hạm đi qua eo biển Đài Loan, công khai thách thức Bắc Kinh.” Mỹ hôm 22/10/2018 đã cho hai chiến hạm băng qua Eo Biển Đài Loan để thi hành chiến dịch được mệnh danh là bảo vệ tự do hàng hải. Bắc Kinh đã lập tức bày tỏ thái độ «quan ngại sâu sắc» và yêu cầu Washington «cẩn thận» trong vấn đề Đài Loan.

“Đại tá Rob Manning, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết, hai chiếc khu trục hạm USS Curtis Wilbur và tuần dương hạm USS Antietam, đã thực hiện một chuyến quá cảnh thường lệ qua Eo Biển Đài Loan để chứng tỏ «quyết tâm của Mỹ trong việc duy trì một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở».
Như đã biết cả chục năm nay, từ khi Mỹ chuyển trục quân sự về Á châu Thái Bình dương, Biển Đông là một thách thức liên quan đến quốc phòng Mỹ-Trung và một cuộc đối đầu của Mỹ với TC. Và từ khi TT Trump lên nắm chánh quyền Mỹ, Đài Loan là cuộc đối đầu thứ hai giữa Mỹ và TC ở Á châu Thái bình dương. Đài Loan trở thành  mũi dùi sát TC, Đài loan có thể cùng Mỹ tấn công TC. Thế là Mỹ có hai mặt trận chống TC ở Bắc Á châu Thái bình dương. Một mặt trận ngăn chận TC ở Eo Biển Đài Loan sát TC và một ở Biển Đông ngăn chận TC trên con đường hàng hải huyết mạch qua Eo Biển Mã lai.

Quốc Hội Mỹ ủng hộ triệt để chiến lược này của Quân đội Mỹ. Thượng Viện Mỹ ra nghị quyết khuyến cáo chánh quyền Mỹ tăng cường giao lưu với Đài loan. Hành pháp Mỹ cho bán vũ khí hàng tỷ đô la cho Đài Loan. Và ngày 12/06/2018, Mỹ khánh thành một cơ quan đại diện mới của Mỹ ở thủ đô Đài Bắc. Kiến trúc trị giá 256 triệu đô la. Cơ quan mặc nhiên đóng vai trò đại sứ quán của Mỹ, đã nêu bật quan hệ chiến lược Mỹ-Đài Loan trong tình hình căng thẳng tăng cao giữa Đài Bắc và Bắc Kinh.

Giới phân tích nhận định đây là «sự kiện thật» về việc Washington mặc nhiên nâng cấp ngoại giao thực tế với Đài Loan. Mỹ tăng cường, củng cố thêm sự hiện diện quân sự tại khu vực quanh Đài Loan và tương quan quốc phòng với Đài Bắc. Đây là một cứ điểm quân sự của Mỹ, một tiền đồn mạnh của Mỹ, là một mũi dùi  thứ ba, sau hai mũi  dùi Biển Đông và  Ấn độ của Mỹ một liên minh cùng Mỹ phòng chống TC.

Đây là một thay đổi lớn về ngoại giao của Mỹ đối với Đài Loan. Như đã biết  ngày 12/06/1979, Mỹ thừa nhận bang giao với TQ, Mỹ tuy cắt đứt tương quan ngoại giao chính thức với Đài Loan, theo yêu cầu của TQ coi Đài Loan là một tỉnh phản động của TQ, nhưng Mỹ vẫn tiếp tục giữ tương quan quân sự với Đài Loan. Mỹ vẫn là đồng minh quân sự mạnh mẽ nhất và là nguồn cung cấp vũ khí ngoại quốc chánh yếu cho Đài Loan. Và bây giờ Mỹ đi sát và yểm trợ quân sự mạnh cho Đài Loan.

Từ khi TC bành trướng lấn chiếm ngang ngược ở Biển Đông, biến Á châu Thái bình dương không còn hòa bình ổn định nữa thì Mỹ mở ba mũi dùi phòng chống TC, trong đó có Đài Loan. Đài loan là mũi dùi chống TC nhiều mặt. Tin Reuters, khi Mỹ khánh thành một cơ quan đại diện mới của Mỹ ở thủ đô Đài Bắc, tổng thống Đài Loan Bà Thái Anh Văn, đã đánh giá rằng cơ sở mới của Mỹ là một tái khẳng định quyết tâm của hai bên nhằm vun bồi một mối «quan hệ then chốt». Bà nhấn mạnh «Tình hữu nghị giữa Đài Loan và Hoa Kỳ chưa bao giờ đầy hứa hẹn như hiện nay. Câu chuyện tuyệt vời về quan hệ Mỹ-Đài Loan còn phải được viết tiếp bằng nỗ lực của những người, một ngày nào đó đến cơ quan này…Và khi nào mà hai bên Mỹ và Đài Loan còn sát cánh bên nhau thì không gì có thể xen vào giữa».

Bắc Kinh như bị chạm nọc độc, phản kháng quyết liệt. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết đã gởi công hàm «cực lực phản đối» đến Washington về cơ sở mới này cũng như chuyến thăm Đài Loan của nhà ngoại giao Mỹ cao cấp. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng xác định: «Chúng tôi thúc giục Hoa Kỳ tuyệt đối hành động theo đúng lời hứa với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, sửa đổi hành động sai trái và cố gắng không gây tổn hại đến quan hệ Mỹ-Trung, hòa bình và ổn định ở vùng eo biển Đài Loan».

TC la lối cứ la, con đường Mỹ đi thì Mỹ cứ tiến tới. Có nhiều tin Mỹ sẽ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực quanh Đài Loan, mà gần đây nhất là «tin đồn» về dự định của Mỹ đưa một tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan. Nhưng Mỹ làm mạnh hơn như tin ở phần nhập đề, là Mỹ đã cho khu trục hạm USS Curtis Wilbur và tuần dương hạm USS Antietam, qua Eo Biển Đài Loan để chứng tỏ «quyết tâm của Mỹ trong việc duy trì một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở». Trước đó hôm 04/06, Mỹ đã cho hai oanh tạc cơ chiến lược B-52 bay qua Biển Đông, gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm giữ ở Trường Sa. Ngày 23/05 Mỹ đã hủy lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vành Đai Thái Bình Dương RIMPAC sắp mở ra, với lý do Trung Quốc tăng cường việc quân sự hóa tại Biển Đông.

Và ngày 27/05/2018, hai chiến hạm Mỹ - khu trục hạm USS Higgins và tuần dương hạm USS Antietam đã đi vào bên trong vùng 12 hải lý quanh một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, và đã thực hiện các hoạt động diễn tập gần Đảo Cây, đảo Linh Côn, đảo Tri Tôn và đảo Phú Lâm.

Theo hãng tin Pháp AFP, đây là lần thứ hai trong vòng ba tháng tàu chiến Mỹ thực hiện chiến dịch được mệnh danh là «bảo vệ quyền tự do hàng hải» tại eo biển chỉ rộng 180 km nằm giữa Đài Loan và Trung Quốc.

Cho đến bây giờ sau khi TT Trump công bố Chiến Lược Ấn độ Thái bình dương thì Mỹ và đồng minh đã bố trí trận đồ cho ba mặt trận chống TC. Mặt trận Biển Đông Mỹ đã sử dụng tới pháo đài bay B 52, trên biển với hàng không mẫu hạm. Bộ trưởng Mattis phát biểu, nhấn mạnh Washington sẽ tiếp tục thách thức hành vi quân sự hóa Biển Đông đi ngược lại luật pháp quốc tế mà Bắc Kinh theo đuổi bất chấp sự phản đối của thế giới. Trung tướng Kenneth McKenzie, giám đốc Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ, (ngày 31/05) đã tuyên bố «Quân đội Mỹ có rất nhiều kinh nghiệm đánh chiếm các đảo nhỏ ở khu vực Tây Thái Bình Dương». Đô đốc Philip Davidson, người được đề cử làm chỉ huy Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương, đã cảnh báo TC hiện đủ mạnh để có thể "tóm thâu" Biển Đông và chỉ có một cuộc xung đột vũ trang mới có thể ngăn chặn điều này.

Mặt trận thứ hai là Ấn độ dương. Mỹ đã liên minh với Ấn độ trong Chiến Lược Ấn độ Thái bình dương Tự do rộng mở. Bộ Tư Lịnh Lực Lượng Mỹ ở Thái bình dương, đổi tên là Bộ Tư Lịnh Ấn độ Thái Bình Dương Mỹ. Quyết định đổi tên này nói lên chiến lược an ninh mới của Mỹ đối với khu vực với sự hợp tác của các đồng minh, đối tác có lập trường phòng chống TC ở Biển Đông cứng rắn như kim cương gồm Mỹ,  Nhật, Ấn và Úc. Eo Biển Mã Lai là cổ chai của con đường hàng hải huyết mạch, Ấn độ Mỹ,  Nhật, Ấn và Úc sẽ canh chừng, TC khó có thể làm Con Đường Tơ lụa trên biển qua Ấn độ dương. Và  mặt trận thứ ba là Eo Biển Đài Loan sát nách TC như đã trình bày ở phần trên./. (VA)