Tuesday, 20 November 2018

EVFTA: Nghị viện châu Âu vừa gửi thông điệp gì cho VN?

Gần một tháng sau khi chính thể độc đảng ở Việt Nam đã tưởng như chắc ăn khi Ủy ban châu Âu đồng thuận làm tờ trình cho Hội đồng châu Âu để xem xét việc ký kết EVFTA với Việt Nam (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu), nghị quyết 2018/2925(RSP) của Nghị viện châu Âu bất ngờ tung ra vào ngày 15/11/2018 đã rất có thể khiến Bộ Chính trị Việt Nam hụt hẫng và mất ngủ.
November 19, 2018
Một lần nữa, kỳ vọng ‘EVFTA được ký kết’ trở về mốc 50/50. Chẳng có gì chắc chắn ở phía trước.
“Quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam phải căn cứ trước hết trên nền tảng tôn trọng nhân quyền, dân chủ và pháp quyền; và trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế về lĩnh vực này” – ngay phần đầu của nghị quyết 2018/2925(RSP) đã khẳng định như thế. Quan điểm này là khác hẳn với quan điểm trước đây của một số nghĩ sĩ châu Âu rằng nhân quyền chỉ là yếu tố phụ trong EVFTA.
Quá nhiều vi phạm nhân quyền của chính quyền Việt Nam hẳn là nguồn cơn trực tiếp khiến vào tháng Chín năm 2018, có đến 32 nghị sĩ châu Âu đồng loạt ký vào một thư yêu cầu đối với Nghị viện châu Âu đòi hỏi Hà Nội phải cải thiện nhân quyền thì mới có thể tham gia EVFTA.
Còn cứng rắn hơn cả bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam mang số hiệu 2016/2755 (RSP) công bố vào tháng Sáu năm 2016, toàn bộ nội dung của bản nghị quyết 2018/2925(RSP) giống hệt một cáo trạng toàn diện và đang thép lên án chính thể độc đảng ở Việt Nam về rất nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng:
– Lên án ‘tình trạng vi phạm nhân quyền đang tiếp diễn’ trong đó có việc kết án, đe dọa, theo dõi, sách nhiễu, hành hung và xét xử không công bằng nhắm vào các nhà hoạt động chính trị, nhà báo, blogger, những người bất đồng chính kiến và bảo vệ nhân quyền.
– Lên án các đạo luật của Việt Nam ‘cản trở quyền con người và quyền tự do cơ bản’, trong đó là đạo luật như Bộ luật Hình sự, luật An ninh mạng và Luật Tín ngưỡng Tôn giáo.
– Nghị viện châu Âu kêu gọi đối với chính quyền Việt Nam phải phóng thích tất cả các tù nhân chính trị ‘ngay lập tức và vô điều kiện’. Trong danh sách được Nghị viện châu Âu yêu cầu trả tự do có các nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, Nguyễn Nam Phong, Nguyễn Trung Trực và Lê Đình Lượng.
– Nghị quyết này cũng yêu cầu Việt Nam ‘hủy bỏ hoặc sửa đổi tất cả các điều luật mang tính đàn áp’ và ‘đảm bảo rằng mọi quy định pháp luật phải phù hợp với tiêu chuẩn và nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền’. Nghị quyết còn kêu gọi Việt Nam xây dựng luật biểu tình.
– Đối với các nhà hoạt động nhân quyền, Nghị viện châu Âu yêu cầu Việt Nam chấm dứt mọi hành vi cản trở và sách nhiễu trong khi đối với những người đang bị giam giữ, cơ quan này yêu cầu phải đối xử với họ phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo họ không bị tra tấn và ngược đãi và được quyền tiếp xúc với luật sư…
Những nội dung mới
Không chỉ có thế, nghị quyết 2018/2925(RSP) còn nêu ra những nội dung mới so với những bản nghị quyết nhân quyền trước đây cũng của Nghị viện châu Âu:
– Kêu gọi Việt Nam đưa ra lời mời không thời hạn đối với các Quy trình Đặc biệt của Liên hiệp Quốc, cụ thể là Đặc sứ về Quyền Tự do Chính kiến và Tự do Biểu hiện, và Đặc sứ về Những Người Bảo vệ Nhân quyền;
– Kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam công nhận các công đoàn độc lập;
– Kêu gọi Cơ quan Đối ngoại EEAS và Ủy ban châu Âu hỗ trợ các nhóm xã hội dân sự và cá nhân đang bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam một cách tích cực, bao gồm việc kêu gọi phóng thích các nhà bảo vệ nhân quyền và tù nhân lương tâm trong tất cả các lần liên hệ với nhà cầm quyền Việt Nam; kêu gọi Phái đoàn EU ở Hà Nội cung cấp mọi sự hỗ trợ thích đáng đối với những nhà bảo vệ nhân quyền đang bị cầm tù và tù nhân lương tâm, bao gồm việc sắp xếp các chuyến thăm ở trại giam, giám sát phiên tòa xét xử và cung cấp hỗ trợ pháp lý;
– Kêu gọi các quốc gia thành viên EU tăng cường nỗ lực gây sức ép để đạt được những cải thiện cụ thể về nhân quyền ở Việt Nam, bao gồm đợt đánh giá định kỳ toàn cầu UPR sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp Quốc;
– Nhắc lại lời kêu gọi ban hành trên toàn thể EU lệnh cấm xuất khẩu, bán, nâng cấp và bảo trì tất cả các dạng thiết bị an ninh có thể hoặc đã được sử dụng để đàn áp nội bộ, trong đó có cả kỹ thuật giám sát trên mạng, đối với các quốc gia có hồ sơ nhân quyền đáng lo ngại;
– Hoan nghênh mối quan hệ đối tác đang được củng cố và Đối thoại Nhân quyền giữa EU và Việt Nam, và nhắc lại tầm quan trọng của Đối thoại trong vai trò thiết chế mấu chốt có thể sử dụng một cách hữu hiệu để đồng hành và cổ vũ Việt Nam thực hiện các cải cách cần thiết; khuyến khích mạnh mẽ Ủy ban châu Âu giám sát các bước tiến bộ căn cứ trên Đối thoại bằng cách thiết lập các mốc đánh giá và cơ chế giám sát;
– Kêu gọi chính quyền Việt Nam và EU, với tư cách là các đối tác quan trọng của nhau, cam kết cải thiện sự tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản ở Việt Nam, vì đó là một mấu chốt của quan hệ song phương giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, đặc biệt là liên quan tới việc thông qua Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA) và tới Hiệp định Đối tác và Hợp tác EU – Việt Nam (PCA).
Theo Việt Nam Thời Báo