WESTMINSTER, California (NV) – Sáng Thứ Bảy, 3 Tháng Mười Một, đông đảo quan khách, đại diện các hội đoàn, đoàn thể đấu tranh và đồng hương đã đến tham dự Lễ Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, do Khối Tinh Thần Ngô Đình Diệm Orange County và các Hội Đoàn Nam California tổ chức tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, Westminster.
Đến giờ khai mạc, Mũ Xanh Nguyễn Phục Hưng và Mũ Đỏ Nguyễn Văn Hùng điều hợp nghi thức nghinh đón vị chủ tọa, lễ rước quốc quân kỳ, lệnh kỳ VNCH-Hoa Kỳ và Lễ rước di ảnh Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, cùng điều hợp chương trình là xướng ngôn viên Minh Phượng.
Lễ rước di ảnh Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm tại Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, Westminster. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Ông Nguyễn Văn Liêm, trưởng ban tổ chức ngỏ lời chào mừng mọi người. Theo ông Liêm, ngày Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu bị hạ sát đã 55 năm qua, nhưng nhiều người Việt Nam không thể quên ngày bi thảm ấy. Ngày khởi đầu cho hơn một thập niên sau đó, Miền Nam Việt Nam bị bức tử, rơi vào tay cộng sản.
“Tổng Thống Ngô Đình Diệm khi tạ thế không để lại dinh thự, nhà cửa, ruộng vườn và chẳng có của cải gì cho riêng mình, vì suốt cuộc đời ông chỉ lo cho dân cho nước. Gia sản lớn lao nhất mà Cố Tổng Thống để lại là tinh thần độc lập, tự do, bảo vệ chủ quyền quốc gia, xây dựng đời sống ấm no cho đồng bào,” ông Liêm nói.
Ông nói tiếp: “Xin thắp một nén hương lòng tưởng nhớ vị tổng thống anh minh đã khai sáng nền Cộng Hòa Việt Nam, và hôm nay, tưởng niệm Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm không dừng lại ở sự nuối tiếc, đớn đau trước nỗi bất hạnh của dân tộc. Những khơi gợi và làm sống lại tinh thần của cụ là thúc đẩy dân chủ, độc lập tự do, bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, những điều này trở nên cấp bách hơn bao giờ hết đối với quê hương chúng ta.”
Trong lời cuối ông khẳng định: “Với nỗ lực tranh đấu kiên cường của mọi con người Việt Nam, chúng ta sẽ đập tan, bẻ gẫy ý đồ xâm lược của kẻ thù phương Bắc như tổ tiên, tiền nhân của chúng ta đã chiến thắng quân thù bao lần suốt dọc dài lịch sử hơn bốn ngàn năm qua.”
Tiếp theo là lời phát biểu cựu Trung Tá Cảnh Sát Trần Quan An, chủ tọa buổi lễ.
Sau khi kể qua về hành trình của ông Ngô Đình Diệm về nước với chức vụ thủ tướng, rồi sau đó được làm tổng thống của nền Đệ Nhất Cộng Hòa, chủ tọa nói: “Trong các buổi Lễ tưởng niệm từ trước đến nay, các thành quả lớn lao của chính phủ VNCH dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Ngô Đình Diệm thường được nhắc nhở như: Đề ra chủ thuyết Nhân Vị đối kháng với chủ nghĩa cộng sản. /Thành Lập Quân Đội VNCH. /Tiếp nhận và định cư gần một triệu đồng bào miền Bắc không chấp nhận chế độ cộng sản, phải lìa bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để di cư vào Nam sinh sống. /Tổ chức hệ thống Ấp Chiến Lược để bảo vệ an ninh cho đồng bào nông thôn, chống sự xâm nhập phá hoại của cộng quân. /Ban hành luật Cải Cách Điền Địa để hữu sản hóa nông dân. /Cải tiến và cơ giới hóa nông nghiệp, thành lập các khu kỹ nghệ. /Phát triển hệ thống giao thông thủy, bộ và không vận để phát triển kinh tế toàn diện. /Cải tổ hệ thống giáo dục và đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao dân trí từ trung ương đến các quận, xã xa xôi hẻo lánh.”
Cũng theo chủ tọa đoàn, những việc làm kể trên không phải dễ dàng, đơn giản như trường hợp thông thường của một chính phủ mới thay thế một chính phủ tiền nhiệm. Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã tiếp nhận một di sản của Pháp để lại: một nước có tổ chức công quyền của một thuộc địa, xã hội bất ổn, nhân tâm ly tán do chủ trương chia để trị của mẫu quốc.
Rồi ông kết luận: “Nói tóm lại, nền Đệ Nhất Cộng Hòa dưới sự lãnh đạo của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã xây dựng, phát triển đất nước thành một quốc gia giàu mạnh, trở thành một tiền đồn chống cộng của vùng Đông Nam Á. Quả thật là những công trình vĩ đại.”
Trong lời phát biểu của quan khách, Linh Mục Bùi Phong đến từ Houston, Texas, nói: “Tôi kêu gọi đồng bào Phật Giáo, Công Giáo và những đồng bào của các tôn giáo khác hãy nhìn ra sự thật để chúng ta thấy rằng, VNCH là những chiến sĩ anh hùng, VNCH là một đất nước độc lập, tự do giống như thời Đệ Nhất Cộng Hòa lấy quyền lợi quốc gia đặt trên hàng đầu, đó cũng là quyền lợi của dân tộc là được ấm no, hạnh phúc. Và, đó cũng là điều mà hôm nay chúng ta trông chờ. Xin mỗi một người Việt Nam trên thế giới hãy nói lên tiếng nói của mình. Riêng tôi, tôi đến đây hôm nay không phải là một linh mục mà là một người Việt Nam để trình bày cùng quý vị rằng, chúng ta có một đất nước đã đánh thắng giặc Tàu mà không nước nào đánh thắng được. Chúng ta đã có một vị tổng thống đã hy sinh cuộc sống của mình cho dân tộc vì yêu đất nước, đó là Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm.”
Đại diện cho giới trẻ, cô Thu Hà Nguyễn, nghị viên Garden Grove, đoàn trưởng Vietnamese Young Marines, và cũng là điều hợp viên cho các hội đoàn phục vụ giới trẻ Nam California, phát biểu: “Chúng ta tề tựu nơi đây không phải chỉ để tưởng niệm Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và các quân, dân, cán, chính đã hy sinh để bảo vệ miền Nam Việt Nam trong suốt 21 năm (1954-1975) được sống trong bầu không khí tự do cho tới khi miền Nam rơi vào tay Cộng Sản Bắc Việt, mà chúng ta tề tựu nơi đây để tiếp tục con đường đấu tranh của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm dưới thời Đệ Nhất Cộng Hoà, đó là bảo tồn chủ quyền đất nước và vẹn toàn lãnh thổ. Những sự việc mà người dân Việt Nam từ quốc nội và hải ngoại ngày nay vẫn phải luôn tranh đấu từng phút, từng giây với mọi giai cấp và nhiều thế hệ già cũng như trẻ.”
Tiếp theo là lễ đặt vòng hoa tưởng niệm. Có trên 20 vòng hoa của các hội đoàn, đoàn thể đến tri ơn và tưởng niệm Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Sau đó, quan khách và đồng hương thắp hương tưởng niệm.
Xen kẽ nghi thức tưởng niệm có phụ diễn chương trình văn nghệ với sự đóng góp của ban Tù Ca Xuân Điềm, Ban văn nghệ Hội Thủy Quân Lục Chiến Nam California, Ban văn nghệ Khối Tinh Thần Ngô Đình Diệm Orange và nhiều ca nghệ sĩ khác.
Trong số quan khách, có một nhân vật rất đặc biệt, đó là cụ Huỳnh Văn Lang, 96 tuổi, cựu bí thư của Tổng Thống Ngô Đình Diệm kể từ ông đảm nhận chức vụ thủ tướng cho đến khi tổng thống bị bức tử.
“Mấy tháng trước khi biến cố đảo chánh tổng thống xảy ra thì tôi cũng đoán biết trước, vì việc này là do người Hoa Kỳ chủ trương, thành ra mình cũng khó chống đối lắm. Nhưng tôi vẫn tin tưởng rằng, ông Ngô Đình Nhu có đủ bản lĩnh để đối phó, nhưng rất tiếc là sự việc không xảy ra như ý muốn của mình,” cụ Lang kể.
Cụ chia sẻ thêm: “Tôi đã viết rất nhiều sách về thời Đệ Nhất Cộng Hòa, đến giờ này, tôi kết luận như thế này: thương ông Diệm và tiếc ông Nhu. Tôi thương tiếc một người lãnh đạo đất nước rất trong sạch và chỉ có một tham vong thôi, đó là độc lập cho dân tộc và hạnh phúc cho đồng bào, cũng vì lý tưởng đó mà ông đã chết cho tổ quốc và đồng bào. Theo tôi, ông Ngô Đình Diệm là một vị anh hùng của dân tộc.” (Lâm Hoài Thạch)