Thursday, 10 January 2019

Cuộc Chiến Không Được Thắng Vì Những Quy Tắc Giao Chiến Của Không Lực Hoa Kỳ Tại Việt Nam

Tác Giả: Mark Berent - Phi công phản lực tham chiến tại Việt Nam 1965-1973

Chuyển Ngữ: Thái Dương
(Tựa đề bài chuyển ngữ do tác giả thêm cho rõ ý nghĩa của bài viết)
(Phi công Mark Berent cho rằng Mỹ và đồng minh Việt Nam có thể đã chiến thắng tại chiến trường Việt Nam vào những năm 67, 68. Nhưng qua những vụ ngưng ném thả bom trên đường mòn Hồ Chí Minh và miền Bắc Việt Nam, đã giúp cho Cộng Sản Bắc Việt mang quân và vũ khí vào miền Nam để đi đến chiến thắng cuối cùng vào tháng Tư 1975. Những phi công như ông đã bi trói tay và bịt mắt trước những cuộc di chuyển ồ ạt của cộng quân.
Hãy nghe Mark Berent tâm sự… Nguyên tác là bài viết với tựa đề Rules Of Engagement, được in trong tác phẩm “To Bear Any Burden của Al Santoli".
Lần đầu tiên tôi tham chiến tại Việt Nam là vào năm 1965. Ðơn vị của tôi đóng tại căn cứ Không Quân Biên Hòa. Tôi bay phản lực cơ F-100s, tổng cộng hơn 200 phi vụ. Lần thứ hai tôi tham chiến ở Việt Nam là vào năm 1968, lúc đó tôi bay phản lực cơ F-4s cất cánh từ căn cứ Ubon, Thái Lan. Tôi thuộc phi đoàn Cú Ðêm (Night Owls), có nhiệm vụ bay trên đường mòn Hồ Chí Minh trong vòng 7 tháng. Cuối cùng, 5 tháng chót tôi được chỉ định chỉ huy Woff FAC (Lực Lượng Không Kiểm Tiền Phương (Forward Air Control). Lực lượng này bao vùng đường mòn Hồ Chí Minh từ Lào đến suốt Bắc Việt Nam. Ðó là thời điểm mà Tổng Thống Johnson ra lệnh ngưng ném thả bom. Do đó, có lúc các phi vụ được chấp thuận ném thả bom, có lúc phi vụ không được chấp thuận.. Chẳng cần dấu diếm, nhiều lần một số anh em phi công chúng tôi tự thi hành nhiệm vụ thả bom đường mòn, mà không cho ai biết.



Tại Việt Nam, có vài điều rất đỗi ngạc nhiên. Thứ nhất là tôi được tưởng thưởng nhiều huy chương. Nhưng có một trường hợp tôi từ chối nhận một huy chương cao quý của Hoa Kỳ là Purple Heart, Lý do là vì một người bạn Lực Lượng Ðặc Biệt của tôi vừa mới trốn được Việt Cộng bằng cách đi bộ 26 cây số trong đêm tối, với viên đạn 51 ly còn nằm trong một cánh tay và tay kia dìu một người lính Việt Nam Cộng Hòa đang bị thương. Do đó, đối với tôi, cái huy chương cao quý Purple Heart không có một giá trị gì cả, tôi không xứng đáng để nhận!
Tôi hết nhiệm kỳ tại Việt Nam và được chỉ định về phục vụ tại một căn cứ không quân tại California. Không Quân Mỹ muốn xử dụng tôi hết mình và để tôi thăng tiến hơn, họ gửi tôi đi học để lấy bằng kỹ sư tại một đại học dân sự. Sau khi tốt nghiệp, tôi được bổ nhiệm một chức vụ khả quan về tiền bạc và tương đối nhàn hạ tại Phi Ðoàn 69 Chiến Thuật, sống cuộc đời thoải mái. Nhưng khốn nỗi, mỗi lần tôi cầm tờ báo thì lại được tin một người bạn thân của tôi bị bắn hạ và tử trận tại chiến trường.

Không chịu nổi nữa, tôi xin với thượng cấp để được bay F-4s, một phản lực cơ tân tiến hơn so với F-100s và tôi đã được chấp thuận để trở lại chiến trường Việt Nam.
Trong 7 tháng đầu khi bay F-4s cất cánh từ căn cứ Ubon, Thái Lan. Tôi vẫn thuộc Phi Ðoàn Cú Ðêm (Night Owls). Lệnh ngưng thả bom của Johnson bắt đầu có hiệu lực một tháng trước khi tôi trở lại chiến trường. Do đó, phi công chúng tôi không có cơ hội thả bom miền Bắc Việt Nam. Chúng tôi chỉ còn biết bay ầm ì, rồi nhào lên lộn xuống trên đường mòn Hồ Chí Minh bên ranh giới nước Lào. Ðó là dọc theo vùng rừng núi cao Karst Mountains (Lào). Và nếu chúng tôi lợi dụng ngưng thả bom để bay xuống phía Nam thuộc lãnh thổ Việt Nam để phá hủy những đoàn xe tiếp liệu của Cộng Sản Bắc Việt dọc theo đường mòn, thì thực sự với F-4s không đủ khả năng này, vì chúng tôi phải bay trong bầu trời dầy đặc sương mù và mây thấp che kín tầm mắt quan sát. Nhiều lần chúng tôi cho một phản lực thả trái sáng và sau đó phản lực khác theo sau thả bom.
Nhưng khi trái hỏa châu vừa thả ra là mấy tên lái xe Việt Công đều chửi thề: “Mấy thằng phi công Mỹ ngu xuẩn đang sắp thả bom. Hãy ngừng xe lại và táp vào lề đường. Trước sau gì chúng cũng đâm vào dãy núi Karst…” Và đúng như thế, nhiều phi công của chúng tôi đã đâm máy bay vào dãy núi này mà chẳng thả trúng một xe tiếp liệu nào, chỉ vì tầm nhìn quá hạn chế do thời tiết.
Mãi đến khi Mỹ mang máy bay Spectre–AC130 có trang bị vũ khí và có trang bị cả dụng cụ quan sát ban đêm như màn hình TV và những dụng cụ điện tử có thể cảm giác được khói bay ra từ ống khói của xe vận tải, đồng thời máy bay này có khả năng nhìn qua đêm tối và mây mù.
Chúng tôi liên lạc chặt chẽ với Spectre-AC130 để thực hiện 2 nhiệm vụ: Một là áp lực những ổ súng phòng không của địch ngõ hầu chúng tôi có thể bắn hoặc thả bom trúng mục tiêu. Thứ hai là hướng dẫn chúng tôi tới mục tiêu cần tiêu diệt. Và kể từ đó, chúng tôi đã phá hủy rất nhiều xe vận tải tiếp liệu của địch. Tôi nhớ rõ, một lần, trong một đêm tôi bắn trúng 14 xe tiếp liệu của địch.
Mỗi khi máy bay Spectre-AC130 nhìn thấy đoàn xe, những phi công này sẽ đánh dấu cho chúng tôi bằng nhiều cách. Họ tác xạ vào mục tiêu bằng súng liên thanh 20 ly và cho chúng tôi biết đó là mục tiêu cần tiêu diệt. Hoặc giả họ ném hỏa châu để soi sáng cả đoàn xe phía dưới và chúng tôi cứ theo đó mà thả bom. Ngoài ra, họ còn có thể thả một khối hỏa châu nặng, có thể cháy sáng tới 20 phút. Họ ném một khối hỏa châu này trước đoàn xe và một khối khác phía cuối đoàn xe, và cho chúng tôi biết cứ thế mà thả bom trong đoạn đường giữa hai khối ánh sáng. Vì vậy, chúng tôi đã phá hủy được nhiều đoàn xe tiếp liệu của cộng sản. Ðường mòn Hồ Chí Minh đã bị cầy nát làm trở ngại cho việc cộng sản chở tiếp tế vào miền Nam Việt Nam. Thiển ý của phi công chúng tôi, chiến tranh đã có thể chấm dứt bằng quân sự!

Nhưng thật đau lòng, trong khi lệnh ngưng thả bom bắt đầu vào tháng 11 năm 1968, tất cả chúng tôi đau điếng! Anh em phi công chúng tôi đã trải qua bao nhiêu lần được lệnh ngưng thả bom và mỗi lần như thế chúng tôi cảm thấy như bị một quả đấm vào mặt, vì người ta đã phá tan đi những gì chúng tôi đang thắng thế.
Thi dụ, trong giai đoạn 1966-67, bạn bè chúng tôi, những phi công can trường, đang bay các phản lực cơ F-105s và F-4s trên lãnh thổ Bắc Việt, một nơi đầy nguy hiểm vì hỏa tiễn địa-không tối tân nhất SAM và màng lưới ra-đa của Nga đầy rẫy dưới đất. Nhưng vì Những Quy Tắc Giao Chiến (Rules Of Engagement), chúng tôi đã chiến đấu một cuộc chiến mà tay chúng tôi đã bị trói chặt, mắt chúng đã bị chọc thủng mù lòa và một nửa đạn dược trang bi đã bị cắt giảm.
Nhưng những viên chức chính phủ như Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert McNamara thì lại tuyên bố với công chúng rằng các phi cơ Mỹ không có bi cắt giảm bom đạn và bom đạn Mỹ không bao giờ thiếu?. Nhưng thực tế, chúng tôi đang chứng kiến bom đạn Mỹ ở Việt Nam đã bị cắt giảm nhiều, nhất là của không Lực Mỹ! Chúng tôi đã chứng kiến bạn chúng tôi bay ra Bắc với trang bị kém hơn thời Ðệ Nhị Thế Chiến, chỉ vỏn vẹn với 2 trái bom: 250 và 500 cân và 2 thùng bom lửa (Napalm) trong một phi vụ phá hủy đường rầy xe lửa. Ðiều hiển nhiên là chúng ta không thể cắt đường rầy xe lứa bằng bom lửa, mà thực ra bom này chỉ làm cháy cỏ và cây cối chung quanh đường rầy!. Chúng tôi cho rằng quyết đinh ngưng thả bom và cắt giảm đạn dược là MỘT TỘI PHẠM của những người có thẩm quyền. Nhiều khi chúng tôi đã đối đầu với một số hoa tiêu từ chối lệnh bay thả bom, dù họ có phải ra toà án quân sự!
Các quan chức này lại nói loanh quanh rằng không có thiếu bom tại Việt Nam. Nhưng tại Sài Gòn, những tầu thương mại chuyên chở bom đạn bị tắc nghẽn tại các hải cảng, vì hải cảng không đủ rộng để có thể đem xuống những bom và vũ khí lớn quá tầm trưc tiếp vào bờ. Trong khi đó, vũ khí nhỏ và dụng cụ y khoa thì được Việt Cộng hối lộ và chở về mật khu.
Vào thời điểm đó, tôi vẫn còn nghĩ rằng với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, chính phủ Sài Gòn biết phải làm gì để chiến thắng. Nhưng một thời gian sau đó, tôi nhận thức được rằng: “Hình như người ta (Mỹ) không muốn và không cho phép để thắng cuộc chiến tranh này!” chỉ vì Hoa Thịnh Ðốn đã áp đặt cái “Nguyên Tắc Giao Chiến “ oái oăm này!?
Chúng tôi đành phải bay lên phía bắc Lào để yểm trợ cho Vang Pao, người lãnh đạo của lực lượng H’mong, một bộ lạc sống trên đồi núi, đang chiến đấu với quân cộng sản Bắc Việt và cộng sản Lào (Pathet Lào). Nhưng tại đây, lại có lệnh không được thả bom gần các chùa chiền. Trong khi ai cũng biết cộng sản Lào đang đóng quân đầy trong các chùa chiền ở Lào với đầy đủ vũ khí. Nhiều lần chúng đã bị bắn từ chính trong các chùa. Có lần chúng tôi không chịu được, đã bay qua chùa và thả một trái bom vào chỗ có súng bắn lên, và ầm ầm kho đạn của địch nổ vang và cháy suốt mấy tiếng đồng hồ.
Có một câu chuyện ai cũng biết là ở Trung Tâm Văn Hóa Trung Hoa (Chinese Cultural Center) tại Plaine des Jarres (Lào) như sau: Chúng tôi không được lệnh thả bom trong vòng 3 cây số chung quanh trung tâm này. Vào một đêm, một phi công tức khí lén thả một trái bom vào trung tâm này và kho đạn ở đây đã nổ trong suốt một tuần lễ!
Sau khi lệnh ngưng thả bom trên lãnh thổ Bắc Việt vào tháng 11 năm 1968, chúng tôi chỉ được phép thả bom khi xe tiếp tế của Việt Cộng ở đường mòn Hồ Chí Minh trên phần lãnh thổ nước Lào mà thôi, và chỉ được thả bom vào ban đêm. Như vậy là chúng tôi gần như tự tử rồi! Ban đêm không thấy đường, súng phòng không bắn như sao, chúng tôi chỉ còn cách đâm máy bay vào dãy núi Karst là xong! Có một ngày quang đãng, tôi đếm được 100 xe tiếp tế nối đuôi nhau tại Ðèo Mụ Giạ thuộc Bắc Việt Nam. Những chiếc xe này đậu sẵn để đợi đêm tối di chuyển vào đường mòn. Và dĩ nhiên chúng tôi được lệnh cấm chỉ thả bom đoàn xe. Ðó là quy tắc giao chiến đấy!!
Chúng tôi cũng không thể thả bom đường xe lửa tiếp tế từ Trung Cộng vào Bắc Việt. Mỹ cũng không thể phong tỏa hải cảng Hải Phòng… Tất cả những gì Nixon làm năm 1972 là để Bắc Việt có cơ hội mang tiếp tế vào miền Nam. Ðáng lẽ chúng ta phải chặn đứng việc cộng sản Bắc Việt tiếp tế vũ khí cho chiến trường miềân Nam mới phải?
Vai trò ưu tiên của Không Lực Hoa Kỳ là chặn đứng khả năng tiếp tế vũ khí đạn dược vào chiến trường Miền Nam. Ðây là một sự “tuyệt đối phải ngăn chặn.” Ðó là mục tiêu duy nhất của Không Lực hầu yểm trợ lực lượng Mỹ và đồng minh tại Nam Việt Nam. Chúng ta phải thả bom các cơ sở chế tạo đạn dược và vũ khí, vì chính nơi này sản xuất phương tiện để giết những người lính Mỹ. Lý do nữa là Không Lực phải giúp lính tiêu diệt kẻ thù dưới đấtø. Tất cả Không Lực làm, từ chuyên chở, đến chiến đấu đều chung mục đích giúp cho toàn quân đội Mỹ ngoài chiến trường tại miền Nam Việt Nam.
Nhưng buồn thay, tại Việt Nam, chúng tôi đã không được phép thực thi những sự “tuyệt đối phải ngăn chặn” này. Thử nghĩ xem Tù Binh Chiến Tranh Mỹ (POW) do đâu mà có. 85% POW là hoa tiêu và phi hành đoàn. Họ bi bắn hạ chung quanh những vị trí có hỏa tiễn SAM và phi cơ MIG. Nơi mà những hoa tiêu này đã thấy từ khi cộng sản Bắc Việt và Nga Sô lúc còn dang xây cất. Còn tại chiến trường Miền Nam, lính Mỹ chết bởi những vũ khí, đạn dược và tiếp liệu do Bắc Việt chuyên chở vào Nam, mà chúng ta không ngăn chặn được hay chúng ta không muốn ngăn chặn?!.
Chúng tôi đã từng thấy từng đoàn xe vận tải nối đuôi nhau ngay ban ngày. Những xe này thuộc Lực Lượng Chuyên Chở 559 từ Hà Nội đổ vào.
Chúng tôi bay trên đầu đoàn xe và đôi khi chỉ cho chúng một chút sợ hãi bằng cách ném xuống vài thùng xăng phụ hay một vài trái hỏa tiễn gọi là. Vì chúng tôi không được phép mang cả phi đoàn phản lực đến đó để thả bom, chỉ vì lệnh cấm.
Tôi đã từng chứng kiến một làng người Thượng ở Nam Việt Nam bị Việt Cộng ném lửa đốt cháy cả làng. Chúng đốt sống cả trẻ thơ, phụ nữ và tất cả những gì còn sống, chỉ vì dân làng không chịu phục tùng lệnh của chúng.
Thật là đau lòng cho một cuộc chiến mà chúng ta không muốn thắng!

Tác Giả : Mark Berent – Phi công phản lực tham chiến tại Việt Nam 1965-1973.
Chuyển Ngữ : Thái Dương