Hăm Ba tết Táo về trình tấu
Chuyện nhân gian nhốn nháo năm qua
Mưa giông, nắng cháy cửa nhà
Thiên tai khắp chốn, xót xa phận người
*
Mấy triệu Táo cùng dời gót ngọc
Vượt mây ngàn chờ đọc sớ dài
Lê thê văn tự miệt mài
Rành rành kể rõ, trổ tài chép ghi
*
Nồi soong chảo đôi khi sạch sẽ
Nhớ củi than quạnh quẽ móc treo
Bụng teo lép xẹp…vì nghèo
Dân không gạo nấu đói meo, gục đầu
*
Ngọc Hoàng nhẹ vuốt râu gù gật
Các Táo ơi, quả thật vậy sao?
Miền Nam sung túc hoa màu
Lúa oằn, sông ngọt, cớ sao lại nghèo?
Cứ mỗi năm nhằm ngày hai mươi ba âm lịch, một tuần trước ngày ba mươi trăng khuyết rình rang đêm giao thừa, người dân miền Nam rộn ràng nhắc nhở nhau…nhớ đêm nay đưa ông Táo dzìa trời.
Trong ngăn ký ức xa xưa của tôi và cho đến bây giờ, hình ảnh bánh mứt, thèo lèo cứt chuột được bày bán tràn lan rất đắc hàng vì đây là món ăn bình dân với giá cả phải chăng nhất nên ai cũng ưa chuộng. Thèo lèo là loại mứt có nhiều màu sắc nhất lẫn lộn vào nhau.
· Kẹo đậu phộng màu vàng au với những hạt đậu rang giòn rụm nằm quyện khắng khít trong nước đường nấu chảy, để nguội rồi được cắt thành từng thỏi nhỏ hình chữ nhật khoảng hai lóng tay. Tôi thích nhâm nhi kẹo đậu phộng này vì rất béo hương vị thơm ngon của đậu lạc.
· Mè đen cũng được biến chế cùng phương cách, thay vì là đậu phộng thì mấy chú Ba Tàu nhào trộn mè đen với đường nấu chảy, trải dài trên mặt bàn cây một lớp mỏng. Một miếng nhôm cứng gạt qua kéo lại làm phẳng lì lớp đường này và phài nhanh tay vì đường mau đặc quánh và nguội. Những lưỡi dao sắc bén được kèn cựa khứa cắt carô đường thẳng ngang rồi dọc. Sau cùng ngàn viên chữ nhật màu than củi thành phẩm. Từ đó ta có tên Cứt Chuột.
· Đậu phộng hình như giữ vai trò chánh trong món thèo lèo. Còn một thứ kẹo nữa mà tôi không ưa và ít khi ăn. Đó là viên đậu phộng được áo sệt một lớp đường thật dầy, tạo thành hình đóa hoa màu trắng hay màu đỏ hồng làm bắt mắt trẻ con.
· Mè vàng trắng cũng được chế biến y hệt mè đen cứt chuột. Tôi chỉ tạm nhớ bấy nhiêu loại kẹo thường thấy năm xưa, gom chung trong món mứt có tên gọi thèo lèo này mà thôi. Nếu quí vị nào còn nhớ gì khác thì xin chỉ bảo vì mấy mươi năm xa quê nhà, đôi khi tôi quên bẵng miếng kẹo thuở ấu thơ.
Người giàu có, sang cả hơn có thể rình ràng bày nhiều món mứt ngon khác, tỉ dụ như mứt bí, mứt hồng khô, mứt rau câu, mãng cầu, khoai lang đỏ, củ năng, hạt sen thơm tho…
Trong ngăn ký ức còn vương hình ảnh quen thuộc, tôi thấy trước mặt là lòng vòng cuộn nhang khói quyện bay nghi ngút ở bếp lò. Tôi hoàn toàn không hiểu sự tích là gì để có ngày truyền thống tiễn đưa Táo Ông và Táo Bà về trời.
Thần Táo ăn vận áo dài lụa bóng loáng trông rất diêm dúa, ủi thẳng thốn, đầu đội mũ chỉnh tề. Hàng triệu triệu Táo trong cùng bầu trời miền Nam hối hả bay xuyên thủng chín tầng mây xanh. Ai đến trước thì đứng chầu chực trước ngoài sân đình, Ai không bị kẹt xe freeway, đèn xanh đèn đỏ thì may mắn tới sớm. Các Táo lần lượt đứng xếp hàng lấy số thứ tự, rồi ghi tên họ, ghi rành mạch địa chỉ là số mấy. Tới phiên mình thì được kêu tên, tuần tự đi vào đọc sớ tường trình Ngọc Hoàng mọi diễn biến từ trong ra ngoài cái tổ ấm mà mình có nhiệm vụ chăm sóc củi lửa.
Đời sống trong mỗi căn nhà cho dù giàu sang hay nghèo khó sẽ thể hiện qua việc nấu nướng món ăn cho những thành viên trong gia đình. Nhờ vậy, Táo Ông là người chứng kiến rõ ràng hoàn cảnh sinh sống. Các thức ăn cao lương mỹ vị gồm nhân sâm, gà vịt, heo, bò, thức ăn mắc tiền; Hay chỉ toàn là mắm ruốc kho quẹt với muối hột nghĩa là nghèo đến rớt mồng tơi, thường ăn mì gói.
Thời buổi đổi đời hiện tại, nhà giàu với nhiều tầng lầu, biệt thự uy nghi cao vút xuyên thấu với tay tới mây xanh. Người nghèo lẹt đẹt sống trong các ổ chuột tối mù, trong tận cùng hang hốc phải ngước cổ đến ngoắc ngoẻo mới thấy được đỉnh chóp mái ngói rực rỡ. Nhà dư tiền ngập của thì có kẻ hầu người hạ mà bây giờ có tên gọi tây thiệt là tây mà ngày xưa làm gì chúng ta nghe được. Đó là Ôsin. Thật ra tôi chỉ nghe cái tên là lạ này qua nhiều câu chuyện do người thời nay khoe khoang mình bung tiền mua sức lao động rẻ mạc và có toàn quyền sai khiến ôsin mà vẫn được nghe tiếng, dạ thưa, vâng ạ… răm rắp.
Nhà giàu thì gia chủ nấu bếp gas sạch sẽ. Ai nghèo tơi tả ở nhà tranh vách đất hay chòi lá dừa che mái thì bếp lò là ba cục gạch đơn giản cũng xong bữa cơm. Nồi niêu, soong chảo, ấm nước đen thủi đen thui ám khói lọ nghẹ bám đầy. Táo thần thầm thấu hiểu nỗi lòng dân gian ra sao nên thành thật báo cáo đầy đủ, cầu mong Ngọc Hoàng thương tình mà xét đoán.
Hăm ba tết quay về nhắc nhớ chuyện Sài Gòn xưa và nay. Kỷ niệm của mấy mươi năm xa lắc xa lơ chỉ còn là niềm nhớ thoáng qua trong căn nhà nho nhỏ nay đã mờ tan ở góc trời quê hương bên kia nửa vòng tròn trái đất mất rồi. Ôi ngậm ngùi nhung nhớ đêm hăm ba Tết tiễn đưa Ông Táo về trời.
Kính chúc quí độc giả Xuân Kỷ Hợi Vạn Sự An Lành
Bạch Liên