Thursday, 17 January 2019

Tưởng nhớ Giáo Sư Đỗ Khắc Thị Nhuận - Lê Ngọc Túy Hương

Related image
Tưởng nhớ Giáo Sư Đỗ Khắc Thị Nhuận
Trưởng Khoa Ký Sinh Trùng Đại Học Y Khoa Sàigòn Việt Nam Cộng Hòa
Trong đại gia đình “trực hệ Y Nha74” sự ra đi của hai người đã thực sự để lại trong lòng tôi một nỗi buồn sâu đậm. Đó là sự ra đi của cha Chung, và hôm qua đây là của cô Nhuận.
1.Khi còn học dưới mái trường Y Khoa, tôi không gần gũi cô Nhuận nhiều. Giờ cours của Cô trong giảng đường đã không mấy gì hấp dẫn với mấy loại ký sinh trùng, thì giờ TP còn đau khổ hơn! Bước vào phòng TP thì phải tề chỉnh, phải xoè bàn tay 10 ngón xem có “hấp tẩy” ngắn gọn sạch sẽ không?
Thật tình mà nói thì trong đầu tôi luôn nghĩ Nha tím chúng tôi học các môn khoa Y như là thân chùm gởi. Cho nên cái tình thầy trò với các giáo sư, giảng nghiệm viên bên Y Khoa của tôi không mấy đậm đà chi lắm.



Sau ngày 30.4.1975 thì tình thầy trò rẽ vào một lối khác. Hầu như giữa Thầy Cô và học trò gần gũi nhau hơn nếu cùng tâm ý đi ngược lại môi trường duy vật biện chứng! Nói rõ hơn, nồi nào thì đi tìm cái vun ấy. Phe phản động dễ thông cảm nhau hơn. Tuy nhiên, tôi vẫn còn xa lạ với các Thầy Cô Y khoa, trong đó có cô Nhuận. Dẫu sao tôi cũng không có bạn bè bên Y nhiều, nói thật lòng, thấy bên Y có quá nhiều bạn "tiên tiến", "phấn đấu" tốt là tôi điếng hồn sang số de cho lẹ. Biết ai là ai. Lạng quạng coi chừng mang họa vào thân. Bên Nha dầu sao tôi cũng dễ lăng ba vi bộ hơn!
2.Tôi gặp lại cô Nhuận cùng vài vị giáo sư Y Khoa khác tại Mỹ năm 2009 trong cuộc họp mặt Y Nha 74 tại San Diego. Tôi vẫn còn "sợ" Cô và rất lấm lét e dè. Cái oai nghi của Cô dường như vẫn còn lãng vãng quanh tôi. Tuy nhiên tôi thấy Cô thật đẹp lão, rắn rỏi. Nụ cười tươi và thân thiện (khác với xưa! hay tại vì lúc xưa tôi chưa bao giờ có dịp thấy Cô cười?)

Khi kết thúc lời tâm tình ngắn gọn trên sân khấu, Cô chúc chúng tôi "thân tâm thường an lạc". Tự nhiên trong tôi dấy lên một niềm cảm xúc khó tả. Đó là câu nói trên môi của người Phật Tử. Có lẽ đó là sự bắt đầu cúa cái DUYÊN giữa tôi và Cô: Thiện hữu tri thức !
3.Tôi thật tâm quý mến Cô từ đó. Tôi đã xin địa chỉ Mail của Cô và bắt đầu liên lạc với Cô. Giữa tôi và Cô có chung một mẫu số chung là "chống Cộng và trường Chu Văn An." Do đó mối thâm tình phát triển nhanh chóng. (Cô vốn là một trong số các nữ sinh ít ỏi từ Bưởi di cư vào Nam và theo học tại CVA. Một số các anh đồng môn CVA của Cô lại là các chiến hữu thân thiết đàn anh của tôi)

Qua anh Di, tôi hiểu rõ Cô hơn, càng quý thương Cô hơn. Trong chiến tuyến Quốc Gia , Cô là một chiến hữu kỳ cựu, vững bền. Trên con đường đời, Cô truyền đạt cho tôi bao nhiêu là kiến thức, từ lịch sử, xã hội, đến phong tục, văn hóa .... Ngày nào tôi và Cô cũng thư cho nhau, kể mọi chuyện xa gần, hoặc chuyên chở tài liệu cho nhau. Cô như là ngọn núi Thái Sơn vững vàng cứng rắn che chở cho tôi, là ngọn đèn lưu ly tỏa ánh sáng dịu dàng dẫn dắt tôi qua nhiều ngõ ngách của cuộc sống tạp nhạp này. Tôi luôn quý kính Cô như Mẹ hiền.
4. Tôi nhớ các lần họp mặt Tất Niên Tết, các bạn Y Nha 74 đều luôn mời Cô cùng tham gia. Cô đến cùng anh chị Di Thanh. Năm nào xem hình cũng thấy Cô còn rất khỏe, cười thật tươi. Mái tóc đã bạc phơ nhưng Cô vẫn còn giữ được một khối óc minh mẫn như thưở thiếu thời. Cô nhớ rõ ràng chi ly từng sự việc, "gõ phím" chỉ dạy tôi cặn kẽ từng chuyện một.
5. Tôi trở lại Cali tham dự lễ cưới con gái người bạn thân. Nhân dịp này tôi đươc gặp Cô tại nhà Quỳnh Giao cùng anh chị Di Thanh, anh chị Trang Hương. Cô và Bác gái mẹ Quỳnh Giao cùng lứa tuổi, cùng thời đại, cùng quê hương miền Bắc... thế là hai bà Cụ chuyện trò như pháo nổ.
*Xin cám ơn Quỳnh Giao và ông xã đã chu toàn một bửa họp mặt thật vui, để lại trong lòng TH một kỷ niệm sâu đậm, không kém gì lần gặp nhau ở Texas tại nhà Tùng.
*Xin cám ơn anh Chị Di Thanh đã từ SJ chạy xuống LA họp mặt cùng gia đình chúng tôi.
Cám ơn anh Chị đã luôn săn sóc cho cô Nhuận từng chi tiết nhỏ trong bao năm qua. Anh Chị đã tận tụy vơi Cô như người thân ruột thịt. Khi nhớ tới Cha Chung và Cô Nhuận, tôi không thể quên Anh Chị, là người âm thầm trong bóng tối kiên trì làm những việcc không dễ mấy ai làm được. Tôi gọi đó là hạnh BỒ TẤT.
*Xin cám ơn anh Chị Trang Hương, lúc đó tuy đang chịu đại tang mẹ, còn rất đau buồn, nhưng vì bạn bè , chạy từ SD lên LA. Ân tình sâu đậm này thật không thể quên.
6. Lần cuối cùng tôi gặp Cô là năm 2014, khi Cô đến dự cuộc họp mặt kỷ niệm 40 năm nhập học của lớp Y Nha 74 tại LA. Tôi ngồi kề cận Cô và có dịp để săn sóc Cô, dù thật ngắn ngũi và tâm tình chuyện ngắn chuyện dài.
Hai hôm sau, trước khi rời Cali, tôi có đến thăm Cô. Cô sống thanh đạm trong căn phòng nhỏ và có bàn thờ Phật. Tôi không cầm được nước mắt. Tôi ôm chặt Cô và không muốn rời xa.
7. Đến một lúc tôi bặt tin Cô. Lo lắng tôi hỏi thăm anh Di. Tôi đoán Cô không còn khả năng gõ phím và trí nhớ bắt đầu hạn hẹp... Cái lý vô thường SANH LÃO có nhượng ai?
Anh Di cho tôi biết Cô vẫn còn khỏe, đã dọn vào sống trong nhà dưỡng lão.
8. Khi nhận được hình mừng sinh nhật Đại Thọ 90 của Cô do anh Di gửi hôm Tết Tây, tôi mừng thấy Cô còn tráng kiện và cười tươi tắn. Tôi chưa kịp cất giữ vào tập hồ sơ dành riêng lưu trữu các thơ tư hình ảnh trao đổi với Cô, thì nhận tin Cô vãng sanh!
Cô đã đi tới cánh cửa BỆNH và TỬ trong Tứ Diệu Đế.
Cô đã mở toang cánh cửa chót của cuôc đỏi dễ dàng, nhanh chóng và thong dong bưóc ra khỏi cõi trần tục lắm bi ai này.
Nam Mô A Di Đà Phật. Con đã thắp ngay nén nhang thơm dâng lên chư Phật khi hay tin Cô vãng sanh.
Nguyện cầu chư Phât phóng quang tiếp dẫn Hương Linh Phật Tử ĐỖ KHẮC THỊ NHUẬN vãng sanh Cực Lạc Quốc.
Đứa học trò luôn quý mến Cô như người Mẹ, từ xa xin kính bái.
Lê Ngọc Túy Hương, Nha khoa 1974
* Giáo sư Đỗ-Khắc Thị Nhuận mất lúc 4:53PM chiều ngày 01/14/2019, giờ California, USA


Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứng và ngoài trời