Cuối tuần
rồi, ông anh ưu ái chuyển cho tôi bài "Kỳ tích" của tác giả Đỗ Ngà,
được nhiều người ưa thích và lưu truyền trên mạng (trích):
"Một
lần, tên cướp đột nhập vào gia đình nọ. Để giam vợ chồng chủ nhà ấy, tên cướp
nghĩ ra cách thế này, hắn ta vẽ một vòng tròn và bảo "cả 2 ngươi đứng yên
trong vòng tròn này, đứa nào bước ra tao bắn bể sọ". Cả 2 mặt xanh lét và
gật đầu tỏ ra vâng lời.
Nhờ giam được
2 vợ chồng trong vòng tròn mà tên trộm rảnh tay khoắng sạch tài sản rồi bỏ đi,
để lại 2 vợ chồng nọ đứng im trong "nhà tù kiên cố" ấy. Hồi lâu sau,
khi thấy an toàn, cô vợ òa khóc vì tiếc của còn anh chồng thì cười khúc khích.
Cô vợ ngạc nhiên hỏi "sao anh cười?". Anh ta đáp "Thằng cướp
ngu, mải lấy vàng, lúc đó anh thò chân ra ngoài mà nó không biết, hì hì"
Vâng, đấy là
mẩu chuyện vui, tôi cũng nghe từ nhỏ, chỉ là truyền miệng, nhưng nó có ý nghĩa
của nó. Mẩu chuyện dân gian tuy ngắn nhưng bài học của nó ẩn chứa trong đó cũng
tựa như AQ Chính Truyện của Lỗ Tấn. Cả 2 đều nói lên ý nghĩa là sự tự hài lòng
với những chuyện cỏn con, thậm chí là những chuyện tự suy diễn ngược ngạo. Đó,
tính cách đó người ta gọi là Phép Thắng Lợi Tinh Thần AQ. Lấy theo tên nhân vật
chính trong truyện của nhà văn Lỗ Tấn.
Nay đã thế kỷ
21, mà dân tộc Việt Nam cũng mang cái tinh thần AQ quái quỷ ấy. Chuyện nhỏ nhặt
thì tung hô vạn tuế, chuyện to lớn thì mù đui câm điếc. Như ta biết, việc gọi
cái tên VNCH thay cho "Ngụy Quân Ngụy Quyền" rất đơn giản, thế mà
phải mất đến 43 năm mới gọi khe khẽ một tiếng. Thế mà trong đó không ít những
người tên tuổi lên báo mừng rỡ ra mặt và xem đó là kỳ tích. Còn vấn đề phí dân
chủ, vấn đề đưa đất nước vào vòng nô lệ của Trung Cộng thì không dám đá động.
Chỉ thế thôi là hài lòng rồi, là vui rồi, là kỳ tích rồi.
Hay như mấy
ngày vừa qua, Cộng Sản bật đen xanh cho báo chí nói về cuộc xâm lược của quân
Trung Cộng cách đây 40 năm có gì là to tát nhỉ? Đó là điều cỏn con thì có gì là
kỳ tích? Chính quyền Cộng Sản họ đã trao một huân chương chống quân Tàu cứu
nước bao giờ chưa? Họ đã cho nhân dân công khai tưởng niệm các anh hùng vị quốc
vong thân vào năm đó chưa? Vấn đề biển đảo, vấn đề trao đổi thương mại bất công
giữa Việt Nam - Trung Hoa thì không dám đá động.
Muốn thay
đổi, trong lòng dân tộc phải có sự mãnh liệt, phải có sự sáng suốt. Một xã hội
cứ thấy lợi ích nhỏ thì hài lòng và quên những thiệt lớn thì dân tộc đó vẫn
chưa sáng suốt, chưa đủ minh mẫn để tự quyết cho số phận của mình. Thế mới đau!"
(ngưng trích)
Tôi rất
thấm ý bài viết của tác giả Đỗ Ngà, nên email bày tỏ vài suy nghĩ của bản thân
sau khi đọc xong bài viết với người anh như thường lệ. Ông anh khích lệ, bảo tôi
diễn đạt rõ ra, và dưới đây là suy nghĩ của tôi:
Thuyết Nhân Quả của Phật Giáo
giải thích rằng mọi sự việc đều là kết quả từ nguyên nhân đã gây ra trước
đó, rồi sự việc đó lại sẽ là nguyên nhân tạo nên
kết quả sau này. Các sự việc liên tiếp tương
tác nhau theo định luật hạt giống, nghĩa là nhân nào thì sinh quả đó, và vận
hành theo nguyên lý duyên khởi trùng trùng phức tạp.
Tương tự thuyết Nhân Quả của Phật Giáo, Nho Giáo cho rằng mọi việc không
phải ngẫu nhiên mà có, sở sĩ điều đó xảy ra là do những nguyên nhân từ trước đã
tích tụ mà tạo nên, như váng rắn là do ở sự xéo sương mà thành (xéo sương váng
rắn). Nho Giáo khẳng định rằng "cùng một nguyên nhân sẽ gây ra cùng một
hậu quả", "cái nhà chất chứa điều thiện ắt có phúc thừa, cái nhà chất
chứa điều gian ác ắt có họa thừa", "reo gió gặp bão" là một định
luật tự nhiên, căn cứ trên tinh thần của sự gieo và sự gặt, chi phối tất cả vạn
vật.
Điều khác biệt là Nho Giáo chỉ chú trọng vào kiếp sống hiện tại, không
quan tâm đến kiếp khác, và cho rằng quả báo xảy ra ngay trước mắt. Đối với Nho
Giáo, sinh hoạt tự nó là cái mục đích của tạo hóa, không cần hỏi rằng sinh ra
để làm gì, hay chết thì đi đâu? Lẽ trời đất sinh sinh hóa hóa, tinh khí tụ lại
là sinh, tan ra là tử, cứ tự nhiên lưu hành như thế mãi mãi, vạn vật đều theo
cái lệ ấy, và người là một phần trong vạn vật nên không thoát ra khỏi cái lệ ấy
được. Song người ta có cái địa vị rất lớn trong vạn vật, nên chỉ có phần vật
chất là phải biến hóa theo định luật vật lý mà thôi, còn phần tinh thần thì lại
có cái tư cách độc lập và cái năng lực tự do để cùng với trời đất tiến lên đến
chỗ chí thiện, chí mỹ, vì người là cái đức của trời và đất, là kết tinh từ sự
giao hợp của âm và dương, là chỗ quỷ thần tụ hội, là cái khí tinh tú của ngũ
hành: "Nhân giả kỳ thiên địa chi đức, âm dương chi giao, quỷ thần chi hội,
ngũ hành chi tú khí giã" (Lễ ký, Lễ vận, IX).
Trong khi Phật Giáo tin rằng bản chất của những
hành động xảy ra trong phạm vi một kiếp sống (tốt hay xấu) quyết định số phận
tương lai của mỗi chúng sinh, dù
có hết 1 kiếp sống thì chúng sinh vẫn
tiếp tục Luân Hồi sang kiếp khác để nhận Quả tương ứng mà chúng
sinh ấy đã gieo.
Quy luật vận hành của "nhân quả" trong giáo lý Phật Giáo giống
như nguyên tắc Vector trong toán học, hay nguyên lý về lực trong vật lý với
khái niệm về sự đẩy và kéo: Cùng chiều thì hỗ tương, trái chiều thì triệt tiêu,
và kết quả theo hướng của đại lượng lớn hơn. Thí dụ 1: Lực đẩy là East 15 và
lực kéo là West 8, thì lực kết quả sẽ cùng chiều với lực đẩy là East 7 (15-8).
Thí dụ 2: Giả sử lực đẩy ban đầu là 15 và di chuyển theo hướng East. Bây
giờ người ta tác động vào đấy một lực kéo trái chiều là West 20, thì kết quả sẽ
di chuyển trái chiều với lực đẩy ban đầu là West 5.
Vật lý là một khoa học tự nhiên, và toán thì luôn chính xác. Áp dụng
nguyên tắc Vector và nguyên lý về lực, rằng người ta có thể thay đổi chiều
chuyển động bằng cách tạo ra một lực trái chiều có đại lượng lớn hơn (như trong
thí dụ 2) để giải thích học thuyết "nhân quả" dựa trên kinh tạng
nguyên thủy của Phật Giáo, làm rõ điều lý giải rằng, "nghiệp
đã gieo có thể chuyển được do gieo nhân mới đối lập với nhân cũ". Thí dụ một
người đang mang nghiệp ác (do nghiệp ác đã gieo từ kiếp trước từ cái nhân ác).
Kiếp này người ấy tu tâm sửa tánh, dốc tâm làm việc thiện, tức là người ấy đang
gieo nhân mới là thiện, đối lập với nhân cũ là ác. Những nhân thiện người ấy
đang gieo sẽ tích lũy lên và triệt tiêu dần nghiệp ác cũ, đến một lúc nào đấy,
nghiệp thiện sẽ vượt qua làm đổi chiều, tức người ấy đã chuyển được nghiệp rồi
vậy.
Tương tự như vậy, thuyết Thiên Mệnh của Nho Giáo cho rằng con
người đứng trong trời đất, lấy cái quy luật nhất định của lẽ tự nhiên làm tiêu
chuẩn cho sự suy tư mà hành xử thuận theo thiên lý, tức là "lấy
đạo mà sửa mình".
Tuy nhiên, bởi con người ở giữa trời và đất, có đầy
đủ cái đức của cả đạo trời lẫn đạo đất, nên con người không những chỉ cùng làm chuẩn
đích với trời đất, mà còn có khả năng chỉnh đốn, sửa sang đạo của trời đất: "Dịch
dữ thiên địa chuẩn, cố năng di luân thiên địa chi đạo"
(Hệ Từ Thượng, chương IV).
Thế nên, con người cũng có thể góp phần vào việc làm thay đổi số mệnh của mình, gọi
là "lấy
nhân mà sửa đạo", và người đời thường nói nôm na là
"Đức năng thắng số", hay "Nhân định thắng Thiên".
Như vậy, thuyết Thiên Mệnh của Nho Giáo không có nghĩa là đơn thuần giao
số mệnh của mình cho Trời định đoạt, mà cần hiểu một cách tích cực là thể hiện
của chữ Tận (nhân lực) mà sách Trung Dung gọi là suất tính: "Thiên mệnh
chi vị tính, suất tính chi vị đạo: Thể hiện của lẽ tự nhiên gọi là tính, tác
động đến cùng cực thuận theo thiên lý là đạo" (Trung Dung). Nghĩa là con
người phải sống sao cho xứng đáng kiếp người "cúi không thẹn Đất, ngửa
không thẹn Trời", thấy việc đáng làm thì phải cương quyết bắt tay vào mà
thực hiện cho bằng được, không sợ khó, không quản khổ, gắng sức mà làm cho hết
mức, đi tới chỗ không còn có thể đi được nữa, thì lúc đó mới mỉm cười chấp nhận
cho những thất bại và đổ tại số mệnh, "tận nhân lực nhi qui thiên số",
để rồi yên vui mà sống, trên không trách trời, dưới không oán người: "Thượng
bất oán thiên, hạ bất vưu nhân, cư dị dĩ sĩ mệnh" (Trung Dung). Thái độ bình thản
chấp nhận này nhằm giải thoát cho con người khỏi những sầu thảm bi ai, dẫn tới
trạng thái bi quan, không muốn sống và tìm đến cái chết, phạm luật "hiếu
sinh" của Trời Đất, một giải pháp hao hao như khái niệm Buông Xả của Phật
Giáo vậy.
Dựa vào thái độ bình thản chấp nhận theo thuyết Định Mệnh của Nho Giáo,
hay thuyết Buông Xả của Phật Giáo, để xét đoán thái độ của người chồng trong
câu chuyện vui mà tác giả Đỗ Ngà nêu ra, thì đó là thái độ rất sáng suốt, đáng
ca ngợi...
Tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả Đỗ Ngà cho rằng: "Muốn thay đổi,
trong lòng dân tộc phải có sự mãnh liệt, phải có sự sáng suốt. Một xã hội cứ
thấy lợi ích nhỏ thì hài lòng và quên những thiệt lớn thì dân tộc đó vẫn chưa
sáng suốt, chưa đủ minh mẫn để tự quyết cho số phận của mình".
Mấu chốt vấn đề ở đây là sự phân loại đâu là lợi ích nhỏ và đâu là thiệt
hại lớn để lựa chọn. Trong câu chuyện vui thì mạng sống của hai vợ chồng là
lớn, vàng bạc mất rồi, nếu cứ tiếc của mà buồn khóc như người vợ, liệu có nên
chăng?
Nói đến sự sáng suốt, tôi xin đơn cử một câu chuyện
lịch sử để chúng ta cùng suy ngẫm: Theo Đại Việt Sử Lược thì "Việt Vương
Câu Tiễn (550-490 TTL) đã có lần ve vãn chiêu dụ Hùng Vương nước Văn Lang theo
về với nước Việt, Hùng Vương quyết liệt chống đối".
Đối chiếu với dẫn chứng của ông Huỳnh Văn Lang về nguồn gốc dân tộc, thì
con số 2879 TCN của họ Hồng Bàng nói lên là đã có một giống dân (Lạc Việt) an
cư lạc nghiệp ở Triết Giang, hạ lưu sông Dương Tử từ trước khi nước Tàu lập
nghiệp. Mặc dù họ Hồng Bàng đã quy tụ thành những đơn vị làng xóm với mức sinh
hoạt xã hội cao của nền văn minh ruộng nước, nhưng quan niệm quốc gia chưa được
thành hình. Đến thời Xuân Thu Chiến Quốc, trước áp lực của đế quốc thực dân từ
phương Bắc, một số ý thức trước nạn diệt chủng của cuộc chiến bạo tàn giành đất
giết người này, nên đã dùng thuyền vượt biển xuôi Nam, tìm đến vùng đất hiểm
trở "Giao Chỉ" làm cứ địa mà duy trì nòi giống, ước vọng lập ra nước
Văn Lang có vua Hùng cai trị vĩnh cửu thôi thúc từ đây. Phần lớn còn ở lại dựng
nên nước Việt của Câu Tiễn, đứng lên tranh hùng cùng thiên hạ, diệt được nước
Ngô của Phù Sai, rồi sau bị Sở tru diệt.
Khi học trò là thầy Tử Lộ hỏi về Đức Cường, Khổng
Tử (550-479 TTL) quay về phương Nam xá dài rồi trả lời:
"Khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo. Nam phương chi cường, quân tử cư
chi". Ý Ngài ngợi ca cái cường của phương Nam ở tại "khoan nhu dĩ
giáo", khác với cái cường của Bắc phương ở chỗ xả thân liều chết nơi chiến
trường, đó là nơi quân tử y cứ, "quân tử cư chi", nên đạo mà quân tử
gọi là Nhu Giáo là nói lên cái tính chất nhu thuận ôn hòa, không tranh cường
háo thắng, tự rút mình ra khỏi chốn thị phi để bảo tồn nòi giống.
Kể về sự mãnh liệt thì không gì mãnh liệt cho bằng cách ủ than trong trấu
để giữ lửa của những bà nội trợ xưa. Ngày nay chúng ta văn minh nên xài bếp gas,
bếp điện, đâu còn thiết tới từ "thổi lửa" để ghi nhớ công lao
"giữ lửa" của cha ông. Chính nhờ phương pháp nhỏ mọn này mà đất nước
ta còn trường tồn cho đến tận ngày nay đấy.
Phạm Khắc Trung