Thi sĩ Nguyên Sa và phu nhân trong Vườn Luxembourg, Paris, 1954.
Nguyệt san Hiện Đại của Nguyên Sa xuất hiện vào Tháng Tư, 1960, tại Sài Gòn, độc chiếm văn đàn được vài tháng trước khi có thêm các tờ báo mới. Đây là may mắn hiếm có cho bất cứ một tờ báo mới nào.
Nguyên Sa tên thật là Trần Bích Lan, sinh ngày 1 Tháng Ba, 1932, tại Hà Nội. Năm 1949 ông du học Pháp, lúc đầu ở Provins, sau lên Paris ghi danh học triết tại Đại Học Sorbonne.
Về Sài Gòn năm 1956, ông dạy triết tại trường Trung Học Chu Văn An và trở nên nổi tiếng trong ngành, dạy tư thêm tại nhiều trường tư thục khác. Đã nổi tiếng về dạy học, ông còn nổi tiếng nhờ những bài thơ tự do, thơ tám chữ đăng trên tờ Gió Mới của hội giáo chức từ các năm 1958. Chẳng hạn như bài “Áo Lụa Hà Đông:”
“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng.
Anh vẫn nhớ em ngồi đây, tóc ngắn
Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
Bày vội vã vào trong hồn mở cửa.
Gặp một bữa anh đã mừng một bữa
Gặp hai hôm thành nhị hỷ của tâm hồn
Thơ học trò anh chất lại thành non
Và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu.
Em không nói đã nghe lừng giai điệu
Em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh
Anh đã trông lên bằng đôi mắt chung tình
Với tay trắng em vào thơ diễm tuyệt.
Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau
Để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại
Để anh giận mắt anh nhìn vụng dại
Giận thơ anh đã nói chẳng nên lời
Em đi rồi, sám hối chạy trên môi
Những ngày tháng trên vai buồn bỗng nặng
Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng.”
(In trong tập một, Đời xuất bản, Irvine, California 1998)
Năm 1960 Nguyên Sa chủ trương tạp chí Hiện Đại cùng với Thanh Nam, Thái Thủy và ký giả Trịnh Viết Thành. Không vì thế mà ông không viết và đăng thơ trên các báo khác.
Thơ Nguyên Sa gỉản dị, gọi là thơ tự do song không tân kỳ bằng chữ nghĩa danh từ mà đơn giản là đằng khác. Cái tân kỳ của ông là cách so sánh với hình ảnh độc giả chưa từng nghe, hay chỉ nghe biết qua thơ ông mà thôi. Người đọc rất bất ngờ trước cách đặt câu hay sự so sánh thẳng tuột và duyên dáng ý nhị trong thơ ông.
Quen biết Nguyên Sa ngay những năm 1960, tôi dần dần thấy ông là một nghệ sĩ, và trong đời sống, là một người vô cùng giản dị, bình thường, có một nguyên tắc sống chân thật, thành thật ai cũng có thể nhìn thấy.
Chẳng hạn những ngày rảnh rỗi chúng tôi có một buổi trưa nào đó rủ nhau “rút xì” (đánh bài), láng không được quá 200 chẳng hạn (để anh nào đen quá có thua, cũng chỉ thua mỗi láng 200, nếu thua liền 4, 5 láng cháy túi cũng chỉ mất 1,000.
Nguyên Sa thường đứng dậy vào lúc 11 giờ 30 chẳng hạn, để đúng 12 giờ đã về đến nhà, ngồi vào bàn ăn với vợ. Không hề muốn. Muốn thế, anh cho mọi người biết khi cầm tiền lên, để lên đầu, chụp cái mũ phở xuống, và nói: “Cả làng trông thấy đấy nhé. Thua được bao nhiêu tôi để đây nhé.”
Anh ra xe, cái mini vespa nhỏ nhắn ngộ nghĩnh, thế rồi khoảng một giờ sau, cái vespa vào ngõ, tắt máy. Nguyên Sa bước vào, ngồi xuống chỗ của mình, cẩn thận dỡ cái mũ phở xuống và nói: “Đây nhé, tiền bao nhiêu vẫn còn đây nhé, chúng ta chơi tiếp.”
Và chúng tôi không ai nói gì, coi như mọi sự sòng phẳng, đàng hoàng, Nguyên Sa lại tiếp tục canh xì phé, có thể kéo dài tới 5, 6 giờ chiều.
Viên Linh