Friday, 19 April 2019

Nam Lộc: Người Nhạc Sĩ của Tháng Tư

Mỗi năm cứ vào dịp kỷ niệm Tháng Tư đen, thì không thể nào người ta không hát, không nghe hoặc không nhắc đến ca khúc “Sàigòn Ơi, Vĩnh Biệt” mà nhạc sĩ Nam Lộc đã sáng tác vào những ngày cuối Thu 1975.

Sàigòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời,
Sàigòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời.
Giờ còn đây, những kỷ niệm sống trong tôi,
Những nụ cười nát trên môi,
Những giọt lệ ôi sầu đắng .....!

Ôi, có mấy ai sống ở miền Nam VN mà không nhỏ những giọt lệ sầu đắng cùng anh khi nghe được nhạc phẩm này. Một ca khúc mà tác giả viết cho chính thân phận mình cùng những kẻ tha hương đồng cảnh ngộ, hay cho người ở lại đã phải chào vĩnh biệt cái tên yêu dấu của thành phố Sàigòn vào tháng Tư, 1975.

Nhưng đối với người vượt biển thì mỗi độ Tháng Tư về, họ lại nhớ đến Nam Lộc qua những lời diễn tả xót xa của thân phận thuyền nhân, cùng cái giá mà họ đã phải trả để đổi lấy hai chữ Tự Do trong bài “Xin Đời Một Nụ Cười”:

Tự Do ơi Tự Do,
Tôi trả bằng nước mắt.
Tự Do hỡi Tự Do,
Anh trao bằng máu xương.
Tự Do ơi Tự Do
Em đổi bằng thân xác.
Vì hai chữ Tự Do,
Ta mang đời lưu vong....!

Quả thật, chúng ta hãy thử hỏi xem, trong số 4 triệu người tỵ nạn VN tại hải ngoại hiện nay, có bao nhiêu người đang sống lưu vong mà không phải vì hai chữ Tự Do?

Riêng đối với những người lính thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh cùng những người tù cải tạo, và nhất là các tử sĩ QLVNCH, mà Nam Lộc gọi là “chiến hữu” thì không ai mà không nhớ đến anh qua đoản khúc cuối của nhạc phẩm “Người Di Tản Buồn”:

Cho tôi xin lại ngọn đồi,
Ở nơi tôi dừng quân cũ.
Cho tôi xin lại bờ rừng,
Nơi từng chiến đấu bên nhau.
Cho tôi xin một lần chào,
Chào bao nhiêu người đã khuất.
Xin cho tôi một mộ phần,
Bên ngàn chiến hữu cuả tôi ....!

Nam Lộc đã có lần tuyên bố, cũng chính vì những lời cam kết tâm huyết này mà anh đã bỏ hết công sức để góp phần xây dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ tại Westminster, đồng thời đứng ra tổ chức hoặc tham dự vào các buổi nhạc hội ở khắp mọi nơi để gây quỹ trợ giúp Thương Phế Binh VNCH hiện đang sống vất vưởng ở quê nhà.

Tháng Tư 2019, đánh dấu 44 năm viễn xứ, người ta vẫn nhắc đến Nam Lộc. Nhiều người còn cho rằng dù 88 hay 144 năm sau, dù tình hình đất nước có thay đổi thế nào đi chăng nữa, thì cứ mỗi dịp Tháng Tư về, dòng nhạc của Nam Lộc vẫn là những viên thuốc an thần hiếm quý để xoa dịu vết thương không bao giờ lành trong khúc quanh đen tối nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam.


Sơn Lai Khê (Trung Úy Sư Đoàn 5 Bộ Binh)
Cập nhật Tháng Tư, 2019
Viết tặng “chiến hữu” Nam Lộc, kỷ niệm 44 năm viễn xứ.